Tháng Tám 12, 2014

THAM LUẬN CỦA NHÀ BÁO PHẠM THỊ THÚY NGỌC (ĐÀI TNVN THƯỜNG TRÚ TẠI TÂY NGUYÊN)

Chia sẻ kinh nghiệm từ dự án tuyên truyền và hỗ trợ pháp luật với đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên

Thưa quý vị đại biểu! Chương trình “Tây Nguyên- Từ luật tục đến pháp luật” là Dự án được Quỹ hỗ trợ sáng kiến tư pháp JIFF tài trợ thực hiện từ tháng 2/2011 đến 2/2012 với mô hình thực hiện các chương trình phát thanh tuyên truyền pháp luật bằng tiếng dân tộc phát trên sóng Đài TNVN kết hợp với các chuyến tư vấn, khảo sát tại các vùng dân tộc thiểu số có chương trình phát sóng. Ý tưởng xây dựng chương trình này xuất phát từ thực tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên cụ thể là 6 dân tộc thiểu số Tây Nguyên gồm Ê đê, Jarai, Bana, K’ho, Xơ Đăng, M’Nông, là những dân tộc có dân số đông nhất trong cộng đồng 46 dân tộc thiểu số anh em sinh sống tại Tây Nguyên, chủ yếu tại 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng. Đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống tại các xã khó khăn- cũng là nơi còn tồn tại khá nhiều hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đến cuộc sống cộng đồng. Thực tế qua báo chí, các phương tiện truyền thông nhiều năm qua cũng đã phản ánh, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên hiện nay vẫn còn tồn tại các hủ tục hết sức lại hậu, vi phạm nghiêm trọng về quyền cơ bản của con người, ví dụ như tục mẹ chết phải chôn con theo của người Ja Rai; tục chị chết thì em gái phải lấy anh rể làm chồng (hay còn gọi là tục nối dây duy trì dòng tộc) của người Ê Đê, Ja Rai, K’ho; tục thuốc thư, bỏ bùa, làm cộng động xa lánh, gây tổn thương đến người bị nghi là có thuốc thư, có ma lai; tục tìm người ăn trộm bằng cách đổ chì nóng lên lòng bàn tay; tục ly hôn bằng kéo dây, rồi đến các hủ tục phạt vạ nặng nề, làm nhiều người sống trong cảnh nợ nần, nghèo khó suốt cả cuộc đời… Có rất nhiều nguyên nhân khiến những hủ tục này còn duy trì nhưng nguyên nhân chính là mặt bằng dân trí còn thấp, điều kiện kinh tế xã hội chưa phát triển, việc tiếp cận kiến thức pháp luật hiện hành còn hạn chế nhiều so với những vùng miền khác. Chương trình “Tây Nguyên- từ luật tục đến pháp luật” từ sự hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ sáng kiến tư pháp JIFF trong 1 năm thực hiện, chúng tôi đã xây dựng được 312 chương trình tuyên truyền pháp luật bằng 6 thứ tiếng gồm Ê đê, Ja rai, Bana, Xơ Đăng, K’Ho, M’Nông. Nội dung 312 chương trình này trên cơ sở khảo sát thực tế, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền về Luật hôn nhân gia đình; Luật bình đẳng giới, luật phát triển rừng, Luật phòng chống bạo lực giao đình, Luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Luật đất đai, Luật dân sự, Luật cư trú, Pháp lệnh dân số, Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo; và một số thủ tục thực hiện quyền nhân thân như khai sinh, khai tử, thay đổi dân tộc, tên họ; kỹ năng hòa giải tại cơ sở. Và thực hiện 8 chuyến khảo sát, tập huấn kiến thức pháp luật và tư vấn pháp luật tại huyện Lắc (tỉnh Đắc Lắc) và huyện Măng Yang ( tỉnh Gia Lai); huyện Đắc Min, tỉnh Đắc Nông và huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. - Trong các chuyến khảo sát tại các vùng có đông đồng bào M’Nông, Bana, K’Ho sinh sống, cùng với việc phát phiếu khảo sát, cán bộ dự án đã trao đổi trực tiếp với các già làng, trưởng buôn, những người am hiểu văn hóa dân tộc ở địa phương tìm hiểu về những hủ tục còn lưu hành tại địa phương; khả năng nhận thức pháp luật và nhu cầu tư vấn pháp lý của người dân. Trên cơ sở kết quả chuyến khảo sát, chúng tôi thực hiện đợt tập huấn và tư vấn ở các xã vùng 3 là nơi tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu. Chúng tôi tổ chức được 4 Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật cho 100 già làng, thôn trưởng của 12 xã khó khăn các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Đắc Nông, Lâm Đồng; tư vấn miễn phí cho hơn 200 hộ thuộc các vùng tổ chức tập huấn. Nội dung tập huấn kiến thức pháp luật và tư vấn đa số tập trung vào quy định Luật hôn nhân gia đình; Pháp lệnh dân số; Luật dân sự; Luật đất đai và một số kiến thức về kinh nghiệm tổ chức hòa giải ở cơ sở. Trong các chuyến đi, chúng tôi kèm theo việc cấp phát sách- đĩa chương trình cho già làng lập các tủ sách pháp luật và những địa phương có đồng đồng bào dân tộc thiểu số có chương trình phát sóng để người dân có điều kiện tìm hiểu, tham khảo các kiến thức pháp luật. Qua 1 năm thực hiện dự án, tôi xin được chia sẻ với Hội thảo này một số kinh nghiệm về quá trình tuyên truyền và hỗ trợ tư pháp trong cộng động dân tộc thiểu số Tây Nguyên: - Thứ nhất là cần tác động vào lực lượng nòng cốt, có uy tín ở cộng đồng: Thực tế, cho đến nay, cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên vẫn sử dụng luật tục trong các quan hệ của cộng đồng, nên duy trì được mối quan hệ đoàn kết; tương trợ lẫn nhau. Với đặc thù các già làng, thôn trưởng là những người có uy tín trong cộng đồng, là những người trực tiếp thực hiện việc hòa giải ngay tại cở sở, nên thường xuyên giải quyết những vụ việc liên quan đến pháp luật. Họ rất cần được tranh bị kiến thức pháp luật để chính họ là người tiên phong áp dụng quy định pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp, từ đó loại bỏ các hủ tục lạc hậu. Chính các già làng, trưởng buôn tham gia các buổi tập huấn của chúng tôi cũng rất nhiệt tình và họ mong muốn được trang bị nhiều hơn kiến thức pháp luật hiện hành. Vì vậy, khi tham gia tư vấn, hỗ trợ tư pháp tại cộng đồng các dân tộc thiểu số, rất cần dựa vào những người có uy tín với bà con, sẽ rất thuận lợi cho công tác tư vấn, hỗ trợ tư pháp. - Thứ 2 là đội ngũ tư vấn, hỗ trợ tư pháp cũng cần nắm rõ các hủ tục, tập quán của bà con dân tộc thiểu số, để có thể phân tích đúng, sai một cách thấu tình đạt lý, trên cơ sở đó tuyên truyền kiến thức pháp luật. Nếu có điều kiện, thì nên thực hiện việc hỗ trợ, tư vấn pháp lý bằng chính ngôn ngữ của dân tộc thiểu số. Thực tế trong 8 chuyến khảo sát, tư vấn, thì trong 1-2 chuyến đầu tiên, chúng tôi tiếp cận bà con khó khăn hơn là các chuyến sau này. Vì bất đồng ngôn ngữ, bà con người dân tộc thiểu số ngại chia sẻ, ngại nói lên những khó khăn của mình. Thế nhưng, sau khi chúng tôi có thêm biên tập, biên dịch viên của người dân tộc đó, thì cuộc tư vấn, tuyên truyền pháp luật trở nên gần gũi hơn, sôi nổi hơn và bà con sẵn sàng nói ra những ý nghĩ, hiểu biết của mình về pháp luật. Có một hủ tục mà việc giải quyết ly hôn trong cộng đồng người Bana bằng cách kéo dây từ hai đầu xem có đứt hay không với sự chứng kiến của già làng, thì đồng ý cho cặp vợ chồng đó ly hôn. Chính chúng tôi cũng mới biết đến hủ tục này thông qua chuyến tư vấn, có biên dịch người dân tộc đó đi cùng. - Cũng chính vì các hủ tục của mỗi dân tộc có sự khác biệt, nên việc tư vấn, hỗ trợ pháp lý riêng cho một cộng đồng dân tộc cũng sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Điều này, thấy rõ trong Dự án của chúng tôi, có thể nói là một dự án tiên phong trong việc hỗ trợ tư pháp cho riêng một cộng đồng dân tộc (các chính sách, chương trình của Nhà nước, địa phương những năm qua mới chỉ thực hiện theo địa phương, phân đối tượng theo diện hộ nghèo, hộ khó khăn, hộ dân tộc thiểu số nói chung mà chưa có điều kiện tiếp cận theo từng dân tộc). Khẳng định là có hiệu quả ở chỗ là mỗi cộng đồng dân tộc thì lại có một nét văn hóa, hủ tục riêng cần được tư vấn, hỗ trợ riêng. Ví dụ, tình trạng hôn nhân cận huyết thống ở các buôn M’Nông, Ê đê, K’Ho ở Đắc Lắc, Lâm Đồng còn rất phổ biến, con bác con cậu được phép lấy nhau. Tuy nhiên, cộng động Bana, Xơ Đăng ở Gia Lai lại không có tình trạng hôn nhân cận huyết thống lấy nhau, do có quy định anh em không được lấy nhau. Ở mỗi cộng động dân tộc như thế, các mâu thuẫn phát sinh từ hủ tục khác nhau nên việc tư vấn và hỗ trợ cũng sẽ khác nhau. Thời gian qua, ở các địa phương, hoạt động tuyền truyền, tư vấn pháp luật về với cộng đồng dân cư (cấp thôn, làng) là rất hiếm ( chỉ có người nghèo, đối tượng khó khăn mới được hưởng chế độ trợ giúp pháp lý của Nhà nước), nên khi chúng tôi tổ chức hoạt động cho riêng một cộng đồng dân tộc thì đã tạo nên hiệu ứng về sự quan tâm của người dân đối với pháp luật. Người dân bày tỏ sự cảm phục đối với các luật sư đã đến thôn làng trò chuyện với dân, rất vui khi được giải đáp về những vấn đề khúc mắc và mong muốn hoạt động này diễn ra thường xuyên hơn. Một kinh nghiệm tôi cho rằng rất tốt, và cũng đúng như mục tiêu mà hội thảo hôm nay hướng tới, đó là kết hợp chặt chẽ giữa truyền thông với hỗ trợ tư pháp. Lâu nay, truyền thông cũng làm công tác giáo dục pháp luật; nhà trường cũng giáo dục pháp luật; địa phương, các tổ chức cũng đã làm tuyên truyền pháp luật, nhưng dường như chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các tổ chức ấy với nhau, nên chưa phát huy hết hiệu quả. Truyền thông với cách tuyên truyền rộng đến nhiều đối tượng, lặp đi lặp lại nhiều lần, sẽ giúp cho các tổ chức khác làm công tác hỗ trợ tư pháp nhân rộng những mô hình của mình, đồng thời cũng tạo cho những hành vi tuân thủ pháp luật trở thành thói quen của mỗi người dân trong cuộc sống, khi đó, quy định pháp luật mới thực sự đến với người dân. Trong quá trình thực hiện dự án này, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn, do chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc với cộng đồng dân cư. Và, đối với người dân sống trong điều kiện kinh tế- xã hội còn khó khăn – thì đương nhiên nhu cầu tìm hiểu và nâng cao kiến thức pháp luật của người dân không cao; họ không coi đó là việc làm thiết thân như cơm, áo, gạo tiền, vì vậy họ không mấy quan tâm. Hơn nữa, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, khi tiếp cận và phê phán hủ tục của họ, thì chính họ cũng có người đồng tình, có người phản đối vì cho rằng đã phê phán tập tục văn hóa lâu đời, bén rễ qua bao nhiêu năm của họ. Tuy nhiên, tôi cho rằng, sự phản đối cũng yếu tố tích cực. Điều đó cho thấy, nội dung tuyên truyền đã tác động đến đối tượng được nghe và tự họ đã có sự so sánh, nhìn nhận về hủ tục của dân tộc mình, về quy định pháp luật. Để cải thiện nhận thức về tác hại hủ tục lạc hậu đối với quyền cơ bản con người trong khi trình độ nhận thức của bà con đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, nhiều người không biết tiếng phổ thông; nhiều người không biết chữ, việc tiếp cận kiến thức pháp luật hết sức khó khăn, việc hỗ trợ tư pháp cần có những cẩm nang về những kiến thức pháp luật cơ bản – dịch thuật bằng tiếng dân tộc thiểu số bà con sẽ nắm bắt dễ hơn kiến thức pháp luật. Hiện nay, ở những vùng điều kiện kinh tế tốt hơn, người dân đã ý thức được mặt trái của hủ tục, mong muốn được loại bỏ trong cuộc sống cộng đồng. Điển hình như tại huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, xuất hiện những “Câu lạc bộ phụ nữ không thách cưới”; nhiều già làng yêu cầu người dân trình giấy đăng ký kết hôn trước khi tổ chức lễ cưới tại buôn làng; một số gia đình đã dám vượt qua hủ tục, nhận nuôi con sơ sinh mất mẹ; chấp nhận từ bỏ tài sản để được ở với con; nuôi con trong trường hợp vợ mất, hoặc ly dị…Những tấm gương điển hình này rất cần được nhân rộng; được tuyên truyền để nhiều người cùng biết, phát huy hiệu quả trong việc đẩy lùi các hủ tục lạc hậu Để hướng đến một xã hội sống trong khuôn khổ pháp luật, loại bỏ những hủ tục lạc hậu này và góp phần nâng cao hiểu biết cho đồng bào dân tộc thiểu số, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, cả về phát triển các điều kiện kinh tế xã hội; nâng cao trình độ dân chí, song việc tuyên truyền pháp luật kết hợp hỗ trợ tư pháp rất cần tiếp tục duy trì trong nhiều năm, mới có thể tác động đến người dân thì mới tạo được mặt bằng kiến thức pháp luật đồng đều trong nhân dân Trên đây là những chia sẻ của cá nhân tôi sau một năm thực hiện dự án với Quỹ hỗ trợ sáng kiến tư pháp JIFF trong công tác tuyên truyền và hỗ trợ tư pháp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Rất mong nhận được sự góp ý thêm của quý vị đại biểu Xin cảm ơn sự lắng nghe của quý vị với phần trình bày của tôi./.