Tháng Tám 12, 2014

THAM LUẬN CỦA BÀ PHẠM THANH LONG (THẠC SỸ BÁO CHÍ VÀ KHOA HỌC CHÍNH TRỊ)

Kinh nghiệm quốc tế trong việc lấy ý kiến công chúng Truyền thông có vai trò cực kỳ quan trọng trong mọi loại hình xã hội và thể chế chính trị. Với vị trí đặc biệt là cầu nối thông tin hai chiều giữa chính quyền và công chúng; và đa chiều trong xã hội, truyền thông đang ngày càng khẳng định vị trí của mình thông qua các hình thức thể hiện từ truyền thống như báo in, báo nói, báo hình đến những hình thức mới hơn là báo mạng và truyền thông xã hội. Một trong những hoạt động quan trọng của truyền thông là lấy ý kiến công chúng, tạo diễn đàn trao đổi cho các hoạt động chính trị, những quyết sách lớn và những vấn đề nóng và ảnh hưởng đến đại đa số công chúng. Các hoạt động truyền thông này đặc biệt sôi động trong các kỳ bầu cử hay khi có những tin tức rung động và chính sách đối ngoại với một số quốc gia lớn có tầm ảnh hưởng như Anh, Hoa Kỳ, Pháp. Trong khi có nhiều nghiên cứu đã được thực hiện về các phương thức lấy ý kiến công chúng của truyền thông thì tham luận này sẽ chỉ giới hạn ở mức giới thiệu khái lược về các hình thức lấy ý kiến công chúng đang được thực hiện ở một số quốc gia như Anh, Úc, Đức, Pháp và Hoa Kỳ. Phần đầu tiên sẽ giới thiệu về các hình thức lấy ý kiến thông qua các loại hình báo chí, phần thứ hai thảo luận về hình thức thăm dò ý kiến được các cơ quan truyền thông, cơ quan chính phủ và các tổ chức chuyên nghiệp thực hiện và phần cuối cùng sẽ giới thiệu về truyền thông xã hội như là một xu hướng phát triển tất yếu và cách thức để sử dụng hình thức này một cách hiệu quả. Báo chí   Có lịch sử phát triển từ thế kỷ 17 báo in, tạp chí đã có vai trò cực kỳ quan trọng trong thời gian rất dài. Khởi thủy là một hình thức cung cấp thông tin của chính quyền đến các tầng lớp trong xã hội, báo in và tạp chí đã phát triển mạnh mẽ và dần trở thành xa lộ thông tin hai chiều và có một sức mạnh rất riêng. Với bề dầy phát triển việc báo in sử dụng các hình thức báo chí khác nhau để đưa ý kiến của công chúng đến với chính quyền và ngược lại. Các hình thức báo chí như tin tức, phản ánh, phóng sự, phân tích, tổng hợp, ý kiến chuyên gia rồi đến những hình thức có tính chủ quan mạnh mẽ hơn như bình luận, xã luận. Với sự phát triển của công nghệ và khoa học kỹ thuật, sự ra đời của báo nói/radio và sau đó là truyền hình/báo hình, các hình thức báo chí cũng đã được kế thừa và phát huy nhưng dựa trên thế mạnh của riêng mình (hình ảnh trong truyền hình) và âm thanh trong radio, cũng những ý kiến của công chúng/chính quyền được chuyển tải với các cung bậc khác nhau, tạo ra các hiệu ứng và phản ứng khác nhau. Báo mạng tuy ra đời sau nhưng cũng đã thừa kế được những tinh hoa của các loại hình báo chí truyền thống. Báo mạng đã phát huy tốt được sức mạnh công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và viễn thông để lấy ý kiến, có được sự tham gia rộng rãi hơn nữa của công chúng với rộng khắp các lĩnh vực và chủ đề. Việc cho phép công chúng tham gia trực tiếp vào các tin, bài phản ảnh, phóng sự, phân tích, tổng hợp cho đến cả bình luận và xã luận đã tạo ra sự tương tác chưa từng có mà báo in, tạp chí, truyền hình và radio đã rất nỗ lực nhưng cũng không thể làm tốt được bằng báo mạng. Và với đặc điểm của báo chí thì tất cả các loại hình báo chí thì ý kiến của công chúng và chính quyền đều được sử dụng như các nguồn tin. Báo chí thì không thể không có nguồn tin, đây là một hệ sinh thái, sống còn tương tác với nhau, qua đó việc lấy ý kiến không phải là việc phải làm mà là điều thiết yếu để dòng chảy thông tin được lưu thông nuôi sống cơ thể mọi xã hội. Thăm dò ý kiến Đây là hình thức lấy ý kiến thông qua các khảo sát được thiết kế khoa học với các mẫu cụ thể. Phần lớn các cuộc thăm dò ý kiến đều tập trung vào các kỳ bầu cử và chính các báo lớn với uy tín của mình cũng đã và đang tổ chức những cuộc khảo sát để vừa nâng cao uy tín của tờ báo vừa có nguồn để phân tích, tạo dư luận và dẫn dắt dư luận. Thăm dò ý kiến trước hết là để nắm được ý kiến công chúng, tình cảm và trạng thái của công chúng về một vấn đề cụ thể tại một thời điểm cụ thể. Như đã nói ở trên, thông thường các khảo sát thăm dò ý kiến đều tìm xu hướng bỏ phiếu và các ứng cử viên, tuy nhiên, thăm dò ý kiến cũng có thể được thực hiện với các vấn đề xã hội hay trong lĩnh vực thương mại. Cuộc thăm dò ý kiến đầu tiên được nhiều học giả nhắc đến là cuộc bỏ phiếu “rơm” do tờ Harrisburg Pennsylvanian tổ chức để tìm hiểu xem ai là ứng viên Tổng thống Mỹ được thích hơn. Kết quả thăm dò cho thấy Andrew Jackson là ứng viên được yêu thích hơn đối thủ John Quincy Adams với tỷ lệ 335 trên 169. Cuộc bỏ phiếu rơm tuy không chính thức và được thực hiện ở phạm vi hẹp nhưng vẫn được thực hiện ở một số bang tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, lịch sử của các cuộc thăm dò ý kiến được thiết lập với một mốc quan trọng năm 1936 tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ giữa một bên là Tổng thống đương nhiệm Franklyn D. Roosevelt và ứng cử viên Đảng Cộng hòa Alf Langdon. Tạp chí Literary Digest đã từng có tiếng trong các cuộc thăm dò trước đó đã tiếp tục thông lệ của mình bằng cách gửi 10 triệu bưu thiếp cho những người có tên trong các cuốn danh bạ hay là chủ sở hữu của các xe ô tô.  Tạp chí đã hỏi xem ứng cử viên nào là người họ sẽ bỏ phiếu cho trong cuộc bầu cử và tạp chí đã nhận lại được 2.3 triệu bưu thiếp phản hồi. Tạp chí đã đưa ra dự báo là Langdon thắng cử Tổng thống Roosevelt với tỷ lệ 57/43% trên phiếu phổ thông. Tuy nhiên trên thực tế Tổng thống Roosevelt đã thắng áp đảo 62.5% phiếu phổ thông. Sau sự kiện này tạp chí Literary Digest đã bị mất uy tín, phá sản và sau đó đã phải sát nhập với tạp chí Time năm 1938. Cũng chính tại cuộc bầu cử này cái tên đã làm cho việc khảo sát thăm dò ý kiến trở thành một ngành khoa học với tính chính xác được cải thiện theo thời gian và công nghệ. Đó chính là George Gallup, người đã dự báo chính xác chiến thắng của Tổng thống Roosevelt thông qua các cuộc khảo sát tại nhà. Chìa khóa cho thành công của Gallup là phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên để đảm bảo tính chính xác của khảo sát. Và chính sự thành công của phương pháp mới lúc này của Gallup đã thách thức các phương pháp thường được dùng lúc bấy giờ và trở thành sự phát triển vượt bậc trong kỹ thuật nghiên cứu khảo sát không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới. Trên đây ta có thể thấy sự tham gia vào tổ chức các cuộc thăm dò ý kiến của các báo, tạp chí có uy tín lớn và sự trưởng thành lớn mạnh của các tổ chức chuyên nghiệp độc lập như Gallup và sau này là sự xuất hiện của các công ty/tổ chức khác như MORI, NOP, Harris, ICM Research, Roy Morgan, Newspoll, Nielsen, Galaxy, Pew… Khác với các tờ báo, tạp chí, các hãng tin tức có uy tín thường tập trung vào các cuộc bầu cử, các vấn đề xã hội, các chủ đề có liên quan đến tin tức, các công ty làm thăm dò chuyên nghiệp đã mở ra cả một ngành mới được thương mại hóa và trở thành một lĩnh vực kinh doanh quan trọng. Một số tổ chức thuộc chính phủ cũng đã xây dựng uy tín cho mình trong việc tiến hành các cuộc thăm dò ý kiến. Tuy nhiên, vì bản chất của các tổ chức này là phục vụ cho chính quyền nên hầu hết các vấn đề liên quan đến chính sách, đến những quyết sách sẽ ảnh hưởng đến đại đa số công chúng. Một số các tổ chức chính phủ có tên tuổi như YouGov, ViaVoice, OpinionWay, National Opinion Research Center, EU (eurobarometer) đã đảm bảo các cuộc thăm dò của họ được tiến hành với tính chính xác cao, phương pháp khoa học và trở thành các nguồn tin tin cậy của báo chí truyền thông. Truyền thông xã hội Đây là một xu hướng mới nhưng đã khẳng định tầm ảnh hưởng rất lớn của nó khi nó đã và đang trở thành một phần cuộc sống của dân số trẻ. Những mạng xã hội lớn với các như Facebook, Tweeter, LinkedIn với số lượng lên tới hàng tỷ người sử dụng đã tạo ra các phương thức mới để con người liên kết và chia sẻ với nhau. Ngoài ra các diễn đàn, blog, emails, youtube và công cụ cộng tác nhắn tin, chat cũng đang góp phần làm thay đổi hình thức thể hiện ý kiến, qua đó thay đổi phương thức lấy ý kiến của truyền thông. Với sự phát triển của công nghệ, truyền thông, mạng xã hội và các nghiên cứu thị trường cho mục đích thương mại đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của việc các cuộc thăm dò ý kiến cũng như dự đoán kết quả của các cuộc bầu cử. Trong cuộc bầu cử Mỹ mới đây nhất đội ngũ của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dùng công nghệ khai phá dữ liệu một cách hiệu quả trong cuộc chạy đua với Mitt Romney vào Nhà Trắng. Tại trụ sở của Obama ở Chicago, một đội quân gần 150 kỹ thuật viên từ đầu năm 2012 đã không mệt mỏi thu thập và tạo ra một cơ sở dữ liệu lớn chứa tiểu sử riêng của các cử tri tiềm năng, đặc biệt những cử tri chưa rõ sẽ bầu cho ai. Họ thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, nhất là các nguồn trên mạng xã hội như từ 16 triệu người đăng ký vào twitter của Obama (so với 500 nghìn của Romney), và gần 27 triệu người đăng ký vào facebook của Obama (so với 1.8 triệu của Romney). Các dữ liệu này cho biết nhiều chi tiết như mỗi cử tri thường đọc sách gì, mua sắm ở đâu, công ăn việc làm là gì, bạn bè là ai, thậm chí mẹ của cử tri lần trước bầu cho ai… Do tiếp cận và phân tích được nguồn dữ liệu lớn này, đội quân của Obama đã có những vận động thích hợp với cử tri, góp phần đáng kể vào chiến thắng cuối cùng. Trong khi truyền thông xã hội đang được các công ty sử dụng triệt để cho các mục đích thương mại, thì việc lấy ý kiến từ nguồn này phục vụ cho xa lộ thông tin hai chiều giữa chính quyền với công chúng cũng mới bắt đầu có tiến triển. Khi tất cả những người tham gia vào phương thức truyền thông này sẵn sàng chia sẻ, thể hiện chính kiến và tạo dư luận, thì đây cũng chính là cơ hội để có thể lấy ý kiến, hiểu được những gì đang là mối quan tâm, tình cảm, và thái độ của công chúng. Hiện tại với khả năng tính toán cực lớn của máy chủ, nền tảng chia sẻ, cộng tác, các ứng dụng di động, các phần mềm phân tích đã cho phép những ai muốn hiểu ý kiến công chúng có thể không quá khó để thu thập được, theo thời gian thực và thậm chí dự báo có tính chính xác cao. Tất nhiên mỗi một phương thức thu thập ý kiến sẽ có các điểm mạnh và yếu khác nhau. Tham luận này như đã đề cập đến ngay từ đầu chỉ mong giới thiệu khái lược về các hình thức lấy ý kiến công chúng đang được thực hiện ở một số quốc gia. Do tác giả là cựu sinh viên du học tại Hoa Kỳ, phần lớn các ví dụ sẽ được lấy từ quốc gia này để đảm bảo phần thông tin đến cử tọa là chính xác và gần nhất với kiến thức của người viết. Các hình thức lấy ý kiến thông qua các loại hình báo chí; hình thức thăm dò ý kiến được các cơ quan truyền thông, cơ quan chính phủ và các tổ chức chuyên nghiệp thực hiện; và truyền thông xã hội là ba hình thức mà người viết đã giới thiệu để cùng thảo luận và tìm hiểu sâu thêm. Tài liệu tham khảo: