Tháng Tám 12, 2014

THAM LUẬN CỦA ÔNG NGUYỄN HỮU VINH (GIÁM ĐỐC CÔNG TY DỊCH DỤ ĐIỀU TRA VÀ BẢO VỆ VPI)

Xây dựng chính sách và truyền thông xã hội:
Học kiến thức & Tập dân chủ
1. “Lấy ý kiến nhân dân” là một công việc đã có từ nhiều năm nay mỗi khi chuẩn bị, sắp đưa ra áp dụng một chính sách, một văn bản pháp quy nào đó. Nhưng trên thực tế thì những ý kiến “lấy” được chỉ được coi như thứ để tham khảo, có chịu sửa không là tùy ở chính quyền. Còn việc “phản biện”, một hình thức cao của “lấy ý kiến” thì vẫn bị ác cảm, sợ sệt, luật liên quan hoạt động “phản biện” mãi vẫn chưa ra đời. Thế nhưng tình hình đã thay đổi khá nhanh trong mấy năm gần đây, theo chiều hướng đảo ngược. Không cần đợi được kêu gọi và tạo điều kiện, nhiều ý kiến rất tích cực, sáng suốt, khác hẳn với quyết định của đảng, nhà nước, đã được đông đảo người dân ủng hộ. Không những vậy, nhiều phản biện trên thực tế còn chứng tỏ có chất lượng và giá trị rất cao. Minh chứng rõ nhất là những diễn biến mới đây liên quan Dự án Boxit Tây Nguyên, khi không còn cách nào khác, Thủ tướng đã phải quyết định ngưng xây dựng Cảng Kê Gà. Trong một bài phỏng vấn (1), TS Cao Sĩ Kiêm đã phải thốt lên: “Họ đã coi thường phản biện!”. Đúng vậy! Vì khởi đầu, theo PGS-TS Hồ Uy Liêm, Chính phủ đã không mời Liên hiệp các Hội KH&KTVN phản biện (2). Nhiều chuyên gia kinh tế, khai khoáng, trong đó có cả của chính Tập đoàn Than & Khoáng sản đã khuyên nên dừng toàn bộ Dự án càng sớm càng tốt (3). Và rất dễ thấy là sẽ còn những quyết định khác nữa liên quan dự án này mặc nhiên chứng minh thêm cho Kiến nghị của các nhân sĩ, trí thức và đông đảo người dân (4) cách đây gần 4 năm, đề nghị dừng Dự án, là một khởi đầu cho thời kỳ mới. Đó là thời kỳ mà chính quyền phải lắng nghe, phải học hỏi, rồi điều chỉnh chính sách và làm quen với một không khí dân chủ, không thể cứ mãi là hình thức, qua những cuộc gọi là “lấy ý kiến nhân dân” đó. Rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, những quyết định vội vàng từ các cấp chính quyền gần đây đã phải hủy bỏ hoặc sửa đổi sau khi tiếp nhận những phản biện từ xã hội. Còn nhiều những Dự án rất lớn, quyết định sinh tử cho đất nước và các thế hệ tương lai, đã và vẫn đang được phản biện qua nhiều bài viết, kiến nghị, thư ngỏ, chờ đợi sự cầu thị từ các cấp có thẩm quyền, nổi bật là các dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam, Điện hạt nhân Ninh Thuận, giờ đây sôi bỏng nhất là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. 2. Truyền thông xã hội (TTXH) đã góp phần không nhỏ đem lại kết quả đó. Nhờ có TTXH (những blog, web, Facebook, … ngoài hệ thống báo chí) mà những bài viết phản biện thẳng thắn, những kiến nghị, tuyên bố, thư ngỏ không được, “không tiện” đăng trên báo chí vẫn được lan truyền mạnh mẽ khắp trong và ngoài nước. Ngược lại, nhờ đăng tải những nội dung quan trọng, có giá trị cao của các văn bản đó mà TTXH ngày càng có được sự tín nhiệm của đông đảo độc giả, gây áp lực tích cực lên những người tham gia hoạch định chính sách. Xin điểm qua vài thế mạnh đặc thù của TTXH trong xây dựng chính sách. Với nhà nước: - Phản ánh trung thực, nhanh chóng ý kiến của người dân và giới chuyên môn, do không bị nhiều thứ rào cản như ở báo chí nhà nước, trong đó có khi chỉ vì người biên tập báo thiếu kiến thức, hoặc mang tâm lý e ngại không đáng có, vì lợi ích của một vài cá nhân, cơ quan, địa phương nào đó. - Do có nguồn thông tin, kiến thức đa dạng, từ rất nhiều thành phần xã hội, không phân biệt chính kiến, nên TTXH có thể có được những bài vở có chất lượng rất cao mà có khi báo chí đã không thể có chỉ vì tác giả là người có lý lịch không ưa chế độ. - Được cọ sát nhiều hơn với độc giả, nên điều kiện để thu lượm kiến thức, phản ánh nguyện vọng từ nhiều phía thuận lợi hơn so với báo chí. - Giúp các cơ quan, “người nhà nước” học hỏi nâng cao kiến thức về lĩnh vực mình cần “lấy ý kiến”, tập dần cho họ cách ứng xử văn minh, bình đẳng, dân chủ, biết tôn trọng quan điểm trái chiều. - Các cơ quan quản lý từ chỗ tiếp cận nhiều hơn với TTXH sẽ có điều kiện làm quen dần với không khi cởi mở, từ đó điều chỉnh bớt xét nét báo chí hơn khi tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. - Trên thực tế, trong TTXH cũng có nhiều xu hướng, quan điểm khác nhau trong việc giải quyết những vấn đề của đất nước. Có những trang mạng luôn phản ứng gay gắt, hầu như ít nhìn nhận, khích lệ những thay đổi tích cực dù là ít ỏi trong hệ thống chính trị trong nước. Nhưng nhiều trang có thái độ ôn hòa hơn, kiên trì đóng góp xây dựng. Bức tranh đa dạng này giúp cho các cơ quan nhà nước, kể cả báo chí, có sự nhìn nhận công bằng, tỉnh táo hơn, không thể quay lưng hoàn toàn với TTXH. - Không tiêu tốn tiền của của nhà nước. Với báo chí: - Như một “tấm gương” buộc báo giới phải soi vào để tự hiểu mình hơn. Một khi để xây dựng chính sách, pháp luật của nhà nước mà chính báo nhà nước, với điều kiện làm việc hơn hẳn, mà lại thua kém TTXH khi thiếu những bài viết chất lượng, phản ánh chân thực cuộc sống và nguyện vọng của người dân thì trước hết sẽ mất dần độc giả, cộng tác viên, tác động không tốt đến nội bộ. Những báo chí chuyên ngành lại càng khó hơn khi phải đối mặt với vấn đề này. - Có “gương” để soi nhưng lại cố lờ nó đi như không có trên đời cũng là một chuyện không nhỏ cho báo chí. Đơn cử, việc trang Boxit Việt Nam đi đầu trong vấn đề liên quan, với bản kiến nghị thu hút hàng ngàn người ký tên, trong đó có cả cựu Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì có tới ba bức thư riêng gửi lãnh đạo đảng, nhà nước, thế nhưng báo chí đã hầu như im lặng. Như vậy, họ đã tự đánh mất vai trò đóng góp cho việc xây dựng chính sách. Hậu quả đối với kinh tế, xã hội cho tới hôm nay không thể không có lý do đó. - Nếu thực sự muốn cải thiện tình hình, có thể lấy những hiện tượng tương tự nêu trên làm chỗ dựa để thuyết phục các cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý giảm bớt “vùng cấm” cho nhiệm vụ phản biện chính sách. - Sẽ tốt hơn nếu báo giới biết chủ động tìm tòi những phương cách mềm dẻo, dung hòa giữa những khác biệt. Ví như có thể đứng ra tổ chức những cuộc tọa đàm, bàn tròn về soạn thảo văn bản luật giữa cơ quan chuyên môn, chủ quản với các chuyên gia ngoài hệ thống nhà nước. Kiến thức, sự cảm thông có thể tăng lên từ đây; các bài tường thuật, tóm lược tọa đàm đến với độc giả cũng rất bổ ích. - Là nơi cung cấp thêm thông tin, ý tưởng, nuôi dưỡng tình yêu nghề, học hỏi để nâng cao trình độ cho các nhà báo. Không ít nhà báo cũng là thành viên của TTXH, họ có blog, Facebook riêng. Trong môi trường này, họ chịu ảnh hưởng nhất định và có điều kiện giao tiếp hơn với những chuyên gia về chính sách, lập pháp, cùng chia sẻ phương pháp khắc phục khó khăn chung để có những bài viết có giá trị. Với người dân, từ những người ít quan tâm, thiếu kiến thức nhất về xây dựng chính sách, pháp luật, cho tới các trí thức, chuyên gia lập pháp, cựu quan chức nhà nước: - Trước hết, TTXH khích lệ mọi giới quan tâm hơn tới việc đóng góp xây dựng chính sách, không còn thụ động, vô cảm như trước. Với dự án Boxit Tây Nguyên, Điện Hạt nhân và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho thấy rõ thực tế này. Từ đó đương nhiên kiến thức liên quan của người dân về luật pháp cũng sẽ được nâng lên, giảm bớt khả năng vi phạm, coi thường pháp luật. - Những cựu quan chức đảng, nhà nước, các trí thức không nằm trong hệ thống chính trị, đều ít nhiều có những kinh nghiệm, kiến thức liên quan chính sách, luật pháp cần xây dựng, hoàn thiện. Tuy nhiên, việc tham gia đóng góp của họ qua báo chí không phải là kênh duy nhất và nhiều thuận tiện. TTXH đã tham gia bù đắp khiếm khuyết này. - Được “xả” những bức bối, chia sẻ những kiến thức của riêng mình cho cộng đồng, dẫu không phải qua báo chí mà là qua TTXH cũng giúp “hạ nhiệt”, bớt tâm lý bất mãn nào đó trong mọi tầng lớp nhân dân. Điều đó suy cho cùng là có lợi cho đảng, nhà nước. 3. Những hạn chế và nhiều phương cách để phát triển thế mạnh TTXH cũng cần được lưu ý. Hạn chế: - “Nói phải củ cải cũng nghe”, nhưng với con người thì khác, mà trong chính trị lại càng khác. Trong khi đó, các trang mạng xã hội, blog cá nhân thường ít chú ý đến việc khéo léo, từng bước dùng lý lẽ, kiến thức chuyên môn để thuyết phục cho lập luận nào đó về một dự thảo chính sách, pháp luật, mà thường chỉ hướng tới phản ánh cho được tâm tư, nỗi bức xúc, quan điểm của mình, nên có khi lại đem tới tác dụng ngược. - Cách nhìn của các cơ quan nhà nước, kể cả các đoàn thể trong hệ thống chính trị, đối với TTXH tuy đã có thay đổi gần đây, nhưng nói chung vẫn ác cảm, e ngại. Chính sự ác cảm này đã hạn chế rất nhiều sự tham gia của giới chuyên môn, chuyên gia luật pháp vào việc đóng góp xây dựng chính sách, trong lúc họ không dễ có được tiếng nói thẳng thắn, sáng suốt trên hệ thống báo chí nhà nước. - Năng lực hạn chế, từ công nghệ thông tin cho tới kiến thức chuyên môn của “người nhà nước” cũng là một rào cản làm khó cho họ khi tiếp cận những phản biện từ TTXH. - Chịu áp lực lớn hơn nhiều từ độc giả so với báo chí nhà nước, vì được “tự do”, không có bộ máy cồng kềnh, các trang mạng TTXH dễ bị cuốn theo những nhu cầu “phản đối” hơn là “phản biện”. - Còn non trẻ, lại thiếu rất nhiều điều kiện phát triển, hầu như không được tiếp cận tư liệu liên quan chính sách, nên những đóng góp từ TTXH không thể tránh khỏi khiếm khuyết, mang tính chủ quan. Phát triển: cũng như báo mạng, điểm yếu rõ nhất của TTXH là chưa tận dụng được nhiều ưu thế của Internet trong công việc đặc thù là tham gia xây dựng chính sách. Đơn cử việc góp ý sửa đổi Hiến pháp, so với lần xây dựng năm 1992, lần sửa đổi này đã có một công cụ hữu hiệu gấp trăm lần báo giấy, đó là Internet, góp phần truyền tải rất nhanh, rất nhiều ý kiến đi – đến từ khắp nơi, lại có thể hình thành được những kho lưu trữ thông tin khổng lồ, có thể truy cập tìm kiếm trong tích tắc. Thế nhưng, các báo mạng và các trang web, blog vẫn chỉ đóng vai trò đơn giản là cung cấp các văn bản, bài viết. Chưa có những trang web có chức năng và cấu trúc đặc thù phục vụ riêng cho việc trao đổi, học hỏi, đối chiếu, phân tích các văn bản một cách khoa học bằng cách tận dụng lợi thế rất lớn của một trang thông tin trên mạng. Để phục vụ tốt cho sửa đổi Hiến pháp 1992, cần có một vài trang, chuyên trang riêng cho công việc này. Ở đây, sẽ phải có nhiều bản hiến pháp của các nước có mô hình tổ chức nhà nước, thể chế chính trị khác nhau. Các văn bản hiến pháp này phải được đem ra đối chiếu với nhau trong từng chủ đề, điều khoản, có những phân tích về sự giống, khác nhau và các lý do v.v.. Riêng với hiến pháp Việt Nam, cũng cần đối chiếu những bản hiến pháp trước, các bản sửa đổi sau này, bản dự thảo hiện nay và các bản dự thảo của người dân đưa ra. Việc đối chiếu có thể được thực hiện trên từng chủ đề để thấy sự giống, khác nhau ra sao, và mặt tốt, không tốt ở những thay đổi đó. Ngoài ra, còn có thể có những mục thăm dò dư luận cho từng điều khoản, từng chi tiết quan trọng trong hiến pháp. Cách làm trên chỉ có thể thực hiện được nhờ các công cụ của công nghệ Internet tân tiến, cùng các kỹ thuật viên thiết kế trang web/ blog có thêm chút kiến thức về báo chí, tạo nên các trang web đặc thù. Tiếc là một số chuyên trang của các báo điện tử và vài trang web, blog mang tiếng là chuyên về lập pháp nhưng chưa làm được điều này, trong đó có trang Dự thảo Online (5) của Quốc hội, còn TTXH thì có trang Cùng viết Hiến pháp (6) của một số chuyên gia, nhà khoa học, tất cả đều chỉ như “kho hàng”, tập hợp, xếp theo thứ tự thời gian các văn bản, bài viết liên quan. Mới có thêm trang Kiến nghị Hiến pháp (7) của các sinh viên & cựu sinh viên Luật VN. Một điều quan trọng mà có thể những người chủ trương các trang mạng này không quan tâm, là cần ý thức rằng đó là nơi không phải chỉ tập hợp ý kiến của nhân dân cho một dự thảo luật nào đó. Nó phải là nơi giúp cho nhiều đối tượng, cả trong lẫn ngoài bộ máy nhà nước học hỏi kiến thức, tập hành xử dân chủ trong một xã hội mà mọi thứ đều như mới bắt đầu. Trang mạng đó không nên chỉ tồn tại ngắn ngủi trong thời gian “lấy ý kiến”, mà phải được duy trì dài lâu sau khi văn bản luật được đưa vào cuộc sống. Bởi vì có hai lý do: + Nó phải luôn được nhắm tới hoàn thiện hơn nữa văn bản luật đó, sau khi áp dụng vào thực tế, sẽ cần phải sửa đổi, bổ sung; + Là nơi cung cấp cho người dân kiến thức luật pháp để biết tự bảo vệ mình và giám sát việc thực hiện luật của cơ quan công quyền. * Xin cám ơn các quý vị đã chú ý lắng nghe. –--------------------------------------------------- Ghi chú: (1) Xung quanh dự án bauxite và cảng Kê Gà: “Họ đã coi thường phản biện!” (Pháp luật TPHCM, 22/2/2013). (2) Nên đặt lại vấn đề khai thác bô-xít (TT, 23/2/2013). (3) Dự án bauxite: Không hiệu quả thì nên dừng (NLĐ, 22/2/2013).
(4) Kiến nghị về quy hoạch và các dự án khai thác bauxite ở Việt Nam (Boxitvn, 12/4/2009). (5) duthaoonline.quochoi.vn (6) hienphap.net (7) hienphap.kiennghi.net
* Một số ý trong bài sẽ được trình bày chi tiết thêm nếu như thời gian hội thảo cho phép