Tháng Tám 12, 2014

THAM LUẬN CỦA BÀ NGUYỄN THỊ THU TRANG (PHÓ TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ – VCCI)

Về vai trò của Báo chí
trong hoạt động góp ý chính sách pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế,  vai trò và tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp đang được khẳng định trong nhiều lĩnh vực hoạt động quan trọng của đất nước, trong đó có quá trình hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật về kinh doanh. Là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã và đang nỗ lực đóng góp vào quá trình này, thông qua việc khởi xướng thảo luận, thu thập các ý kiến từ thực tiễn hoạt động kinh doanh và nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, tổng hợp các quan điểm này và chuyển tải chúng theo các cách thức khác nhau vào nội dung các dự thảo chính sách pháp luật liên quan. Trong nỗ lực này của VCCI có sự hỗ trợ, hợp tác thường xuyên, hiệu quả và rất có ý nghĩa của báo chí. Báo chí là kênh quan trọng để chuyển tải thông tin, là diễn đàn lý tưởng để các quan điểm được thể hiện và trao đổi, cũng là tiếng nói có trọng lượng để các ý kiến này được tiếp nhận trong các dự thảo liên quan. Bên cạnh đó, đôi lúc, đôi chỗ báo chí chưa đảm nhiệm được vai trò này theo cách hiệu quả, hợp lý. Và vì vậy cần được chú trọng điều chỉnh để báo chí làm tốt hơn nữa vai trò của mình. 1. Đóng góp của báo chí trong hoạt động góp ý chính sách, pháp luật kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp Trong những năm trở lại đây, hoạt động góp ý xây dựng chính sách pháp luật về kinh doanh của VCCI nói riêng và của cộng đồng doanh nghiệp nói chung là một hoạt động đã được thể chế hóa trong pháp luật, là một bước bắt buộc trong quy trình xây dựng chính sách pháp luật về kinh doanh. Trên thực tế, tùy tính chất và mức độ tác động của văn bản chính sách, pháp luật liên quan, hoạt động góp ý này được VCCI và cộng đồng doanh nghiệp thực hiện theo nhiều cách thức khác nhau như tổ chức các sự kiện (hội thảo, tọa đàm), nghiên cứu đánh giá tác động chính sách, điều tra/phỏng vấn các doanh nghiệp, lấy ý kiến chuyên gia… Đối với các dự thảo chính sách, pháp luật kinh tế quan trọng, có ảnh hưởng lớn, theo diện rộng tới cộng đồng doanh nghiệp và các chủ thể khác trong xã hội, VCCI thường tổ chức các “chiến dịch” vận động chính sách lớn, với các sự kiện được tổ chức trên toàn quốc, các chuyên đề, diễn đàn trao đổi tập trung, các nghiên cứu cơ bản về tác động…Và báo chí đóng góp một phần quan trọng vào hiệu quả của các chiến dịch vận động này. Về cơ bản, có thể thấy vai trò nổi bật của báo chí trong các nhóm hoạt động sau: Thứ nhất, báo chí là đầu mối lý tưởng để phát hiện các bất cập trong thực tiễn hoạt động kinh doanh, từ đó cộng đồng doanh nghiệp đề xuất các sáng kiến sửa đổi hoặc xây dựng chính sách, pháp luật mới đáp ứng các đòi hỏi thực tế; Những bức xúc, khó khăn, tồn tại trong thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể được các tập hợp để kiến nghị nếu doanh nghiệp có phản ánh với VCCI. Tuy nhiên, trong khá nhiều trường hợp, những bất cập chỉ được biết đến trên cơ sở các phản ánh của báo chí trong những bản tin hoặc chuyên đề nhất định. Ví dụ: những khó khăn thực tế của doanh nghiệp liên quan tới các loại giấy phép kinh doanh được nêu rải rác trên báo chí là một trong các tiền đề để VCCI khảo sát sâu hơn, xây dựng báo cáo rà soát các giấy phép và điều kiện kinh doanh, từ đó đưa ra các đề xuất về vấn đề giấy phép trong Luật Doanh nghiệp 2005 và về cắt giảm thủ tục hành chính trong Đề án 30 của Chính phủ. Thứ hai, báo chí là kênh quan trọng để phổ biến về dự thảo chính sách, pháp luật trên diện rộng, “đánh động” doanh nghiệp và cộng đồng về những dự thảo chính sách, pháp luật kinh tế có thể ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của họ để từ đó doanh nghiệp và cộng đồng quan tâm góp ý cho các dự thảo hoặc ít nhất cũng có sự chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh trong tương lai cho phù hợp với định hướng chính sách. Trên thực tế, nhiều dự thảo chính sách, pháp luật liên quan tới doanh nghiệp đã được cơ quan soạn thảo gửi VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp để lấy ý kiến. Tuy vậy, để những dự thảo này đến được với đông đảo nhân dân và các doanh nghiệp, việc VCCI đăng thông tin trên các website www.vionline.com.vn và www.hoinhapkinhte.vn, tổ chức hội thảo lấy ý kiến hay gửi thư trực tiếp các doanh nghiệp liên quan dù hiệu quả nhưng không thể coi là đủ. Báo chí, kênh thông tin quan trọng, nhanh chóng, với các thông tin được đọc bởi hàng triệu người, ở tất cả các vùng miền trên cả nước, là công cụ phổ biến, tuyên truyền không thể tốt hơn để cộng đồng doanh nghiệp biết về các dự thảo để có ý kiến, bảo vệ các lợi ích hợp pháp của mình. Và xa hơn nữa, thông qua báo chí, doanh nghiệp được biết về các chiều hướng chính sách trong tương lai để  hoạch định chiến lược kinh doanh phù hợp hơn. Trên thực tế, với mỗi hội thảo lấy ý kiến của VCCI, dù chỉ vài trăm đại biểu tham dự nhưng với tác động của báo chí, hàng triệu người đọc, trong đó có nhiều doanh nghiệp, được biết thông tin, từ đó có thể có ý kiến, quan điểm để VCCI tổng hợp gửi cơ quan soạn thảo. Cũng với sự hỗ trợ của báo chí, nhiều sự kiện lấy ý kiến của VCCI đã trở thành tiền đề để vấn đề được xới xáo, khởi động dư luận xã hội về các chính sách quan trọng, ảnh hưởng tới kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Thứ ba, báo chí là diễn đàn cho những trao đổi nhiều chiều về các dự thảo chính sách, pháp luật giữa doanh nghiệp và các giới, huy động trí tuệ của xã hội vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật kinh tế. Lấy ý kiến đối với các chính sách, pháp luật kinh tế không chỉ là việc tìm kiếm một vài ý kiến của một vài doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân đối với các dự thảo. Lấy ý kiến là hoạt động để đưa hơi thở cuộc sống vào chính sách, lập pháp, lập quy, là cách để nâng cao tri thức, tăng cường sự quan tâm của doanh nghiệp, người dân vào các chính sách, pháp luật và là sự chuẩn bị cho quá trình thực thi. Để làm được điều này, việc góp ý phải được thực hiện rộng rãi, nhiều chiều. Trong số các hình thức lấy ý kiến doanh nghiệp mà VCCI đang triển khai hiện nay, lấy ý kiến doanh nghiệp thông qua các thảo luận trên báo chí được xem là một trong các cách thức quan trọng nhất. Thông thường, trong các ý kiến thu thập trong khuôn khổ các Hội thảo, Tọa đàm hay qua Công văn, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể chỉ cân nhắc vấn đề từ góc độ của mình, trên cơ sở lợi ích của mình. Vì thế, các ý kiến này có thể chưa mang tính đại diện. Cũng không loại trừ khả năng các ý kiến này có thể phương hại tới lợi ích của các nhóm chủ thể khác. Ngay cả khi một ý kiến được thực hiện trên cơ sở lợi ích của doanh nghiệp, của cộng đồng, vẫn có thể có nhiều ý kiến khác hữu ích trong cộng đồng – “trí tuệ trong nhân gian”. Báo chí, diễn đàn với các ý kiến được đăng tải phong phú, nhiều chiều, “mổ xẻ” các chi tiết chính sách pháp luật từ các góc độ khác nhau, từ các vị trí khác nhau, của các chủ thể khác nhau với kinh nghiệm thực tiễn đa dạng, là cơ hội tốt để có được các góp ý chất lượng, đại diện cho các nhóm khác nhau, giúp cơ quan hoạch định chính sách thuận lợi hơn, với đầy đủ thông tin hơn. Cũng theo cách này, báo chí cho phép các nhóm lơi ích khác nhau biết đến vấn đề, hiểu được suy nghĩ và khó khăn của nhóm khác, từ đó có sự thông cảm hơn, dễ đi tới đồng thuận hơn. Hơn thế, báo chí là cách thức để các ý kiến về dự thảo chính sách, pháp luật được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, tạo ra cơ hội để doanh nghiệp và người dân hiểu sâu hơn về các chính sách, pháp luật và những tác động thực tế đằng sau các văn bản đó. Vì vậy, đối với các dự thảo chính sách, pháp luật lớn (ví dụ Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai…), VCCI đều có chương trình phối hợp tối đa với báo chí để thực hiện việc lấy ý kiến doanh nghiệp và cộng đồng. Đó có thể là các hội thảo mà VCCI phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức. Đó có thể là việc báo chí đưa tin về các vấn đề được thảo luận, các ý kiến được đưa ra trong các hội thảo do VCCI tổ chức để lấy ý kiến doanh nghiệp. Đó có thể là các chuyên mục góp ý trên báo chí về các dự thảo chính sách, pháp luật với các chuyên gia, doanh nghiệp mà VCCI giới thiệu hoặc tổng hợp ý kiến… Thứ tư, báo chí là công cụ hữu ích để tạo dư luận và sức ép hợp lý để các cơ quan soạn thảo chính sách, pháp luật cẩn trọng và cầu thị trong tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp và cộng đồng, chuyển tải các ý kiến này vào nội dung các chính sách, pháp luật liên quan. Nếu như tiếng nói hay đề nghị của một vài doanh nghiệp, một vài hiệp hội có thể bị bỏ qua thì các thảo luận rộng rãi về các dự thảo chính sách trên báo chí, dư luận xã hội được tạo thành từ các thông tin được cung cấp trên báo chí lại có một sức mạnh mà các cơ quan hoạch định chính sách dường như buộc phải quan tâm. Đối với VCCI, mặc dù đã tạo được tiếng nói nhất định với các cơ quan soạn thảo, nhiều trường hợp ý kiến của VCCI nhân danh cộng đồng doanh nghiệp đối với các chính sách, pháp luật kinh tế đã thành công hơn với sự hậu thuẫn từ sức ép mà báo chí đã góp phần tạo ra. Sức ép đó có thể là trực tiếp từ xã hội tới cơ quan soạn thảo, cũng có thể là gián tiếp thông qua việc thông tin cho các cơ quan đại diện quyền lực nhân dân hoặc có thẩm quyền thẩm định/thẩm tra/cho ý kiến đối với các dự thảo, để rồi các cơ quan này tác động tới cơ quan soạn thảo. Điều này đã được chứng minh qua nhiều trường hợp gần đây. Các quy định về điều kiện kinh doanh thịt lợn tươi sống đã bị rút lại vì nhiều lý do, trong đó không thể không kể tới dư luận được tạo ra từ các ý kiến hay, hợp tình hợp lý mà báo chí đăng tải. Tương tự, các thông tin dồn dập trên báo chí về tình trạng kinh doanh thịt gà thải loại đã tạo một sự thúc ép mạnh mẽ để các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc với các chính sách mạnh tay… Cũng như vậy, trong vụ kiện DS404 tại WTO mà Việt Nam lần đầu tiên sắm vai trò nguyên đơn (kiện Hoa Kỳ), cùng với sáng kiến của VCCI và VASEP, sự ủng hộ của báo chí bằng các bài phỏng vấn liên tục, kịp thời với các chuyên gia thích hợp đã là tạo sự khích lệ mạnh mẽ để các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định “lần đầu tiên” khó khăn và đầy thách thức này. 2. Một vài tồn tại của báo chí trong quá trình cùng cộng đồng doanh nghiệp góp ý các dự thảo chính sách, pháp luật kinh tế Trong khi báo chí đã và đang có những đóng góp quan trọng thúc đẩy quá trình dân chủ hóa trong xây dựng và thi hành chính sách pháp luật kinh tế, cộng hưởng cùng các nỗ lực của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp, một vài trường hợp lại chưa thực hiện được vai trò này do những hạn chế nhất định của phóng viên trực tiếp thực hiện bài, đôi khi là của tòa soạn nơi kiểm soát các bài báo được xuất bản. Thứ nhất, trong khá nhiều trường hợp một số tin bài trên một số báo hầu như giống nhau do sử dụng chủ yếu thông cáo báo chí mà thiếu xử lý cần thiết về nội dung riêng của phóng viên. Điều này dẫn tới sự đơn điệu của các bài báo, làm giảm tác động tích cực của báo chí, đặc biệt trong việc khai thác, làm sâu sắc hơn các vấn đề. Đây là hiện tượng xảy ra với khá nhiều bài báo liên quan tới các hội thảo, sự kiện góp ý chính sách mà VCCI thực hiện trong thời gian vừa qua. Những bài điểm tin này về cơ bản cũng đã làm được công việc quan trọng là phổ biến thông tin tới đông đảo công chúng và doanh nghiệp, nhưng phần mà VCCI mong chờ nhất ở hiệu ứng báo chí, phần về việc tạo ra thảo luận sôi nổi, rộng rãi trong xã hội, thì với các hạn chế này, các bài báo liên quan đã chưa thực hiện được vai trò được trông đợi này. Thứ hai, một số trường hợp phóng viên nhận được thông tin nhưng có thể quá trình phân tích chưa đầy đủ, hoặc còn hạn chế về chuyên môn đối với chủ đề mà chính sách đó đề cập nên bài báo của phóng viên viết thiếu chính xác, gây phản ứng không phù hợp từ phía cộng đồng. Ví dụ: gần đây nhất, cuối tháng 1/2013, Ngân hàng Nhà nước có dự định phối hợp với VCCI lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp đối với dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt. VCCI cũng đã thông báo tới các đơn vị báo chí về sự kiện này (sau đó Ngân hàng Nhà nước vì lý do nào đó đã hoãn sự kiện này). Tuy nhiên, sau đó đồng loạt nhiều báo lại đưa tin “VCCI đưa ra dự thảo…”, thậm chí một số báo còn phỏng vấn chuyên gia phản đối việc VCCI soạn thảo văn bản này, khiến cộng đồng hướng sự chú ý không phải về bản thân nội dung dự thảo mà lại về VCCI. Đây là nhầm lẫn rất khó chấp nhận, khi mà VCCI không phải cơ quan Nhà nước, và hoàn toàn không có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật. Thứ ba, một số phóng viên đôi khi thiếu sự nhạy cảm cần thiết trong việc xử lý thông tin, dẫn tới những thông tin báo chí không thật thuận lợi cho quá trình kinh doanh của doanh nghiệp hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước. Ví dụ, trong số các vụ kiện phòng vệ thương mại mà hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mắt ở nước ngoài, có những trường hợp phía nước ngoài dựa trên chính những bài báo Việt Nam (về nguy cơ bị kiện chống bán phá giá, về các biện pháp hỗ trợ/trợ cấp của Nhà nước…) làm căn cứ/bằng chứng để kiện chính Việt Nam. Tóm lại, trong các nỗ lực của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp trong việc tham gia góp ý các chính sách, pháp luật kinh tế, báo chí là đối tác quan trọng và không thể thiếu trong nhiều trường hợp. Vai trò của báo chí trong quá trình này được ghi nhận ở các góc độ và phương thức khác nhau, với đóng góp rất có ý nghĩa. Nếu sự phối hợp của các cơ quan báo chí trong thời gian tới cùng VCCI và cộng đồng doanh nghiệp thường xuyên và chặt chẽ hơn, cùng với các sự chú ý của các cơ quan báo chí trong việc khắc phục những điểm còn hạn chế về năng lực xử lý tin bài, chắc chắn báo chí sẽ thực sự là “quyền lực thứ tư”, ít nhất trong quá trình hoạch định chính sách, pháp luật nói chung và chính sách, pháp luật kinh tế nói riêng./.