Tháng Tám 12, 2014

THAM LUẬN CỦA ÔNG NGUYỄN VĂN HIẾU (TRƯỞNG PHÒNG PHÁP LUẬT CHÍNH SÁCH – CỤC BÁO CHÍ – BỘ TTTT)

Hành lang pháp lý về quyền thu thập thông tin của nhà báo và những vấn đề liên quan đến lợi ích công trong tác nghiệp báo chí với các quy định nội bộ

Trước tiên tôi đồng tình với việc RED đứng ra tổ chức hội thảo “Báo chí điều tra và lợi ích công” và chia sẻ các nội dung của bản báo cáo đề dẫn mà đại diện RED đã trình bày. Về phần mình, theo đề nghị của RED tôi xin tham luận một số nội dung về hành lang pháp lý về quyền thu thập thông tin của nhà báo và những vấn đề liên quan đến lợi ích công trong tác nghiệp báo chí với các quy định nội bộ. I. Một số quy định của pháp luật về hoạt động báo chí của nhà báo. (1). Điều 2 Luật Báo chí có quy định: “ … Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tư do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của nhà nước, tập thể và công dân…” (2). Điều 15 Luật Báo chí: “Quyền và nghĩa vụ của nhà báo: 1.    Nhà báo có những quyền sau đây (5 quyền): a) Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ; b) Khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; c) Khước từ việc biên soạn hoặc tham gia biên soạn tác phẩm báo chí trái với quy định của pháp luật về báo chí; d) Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ báo chí; hưởng một số chế độ ưu tiên cần thiết trong hoạt động báo chí theo quy định của Chính phủ; đ) Được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. 2.    Nhà báo có những nghĩa vụ sau đây (5 nghĩa vụ): a) Thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; b) Bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm; c) Thường xuyên học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, phẩm chất đạo đức và nghiệp vụ báo chí; không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật; d) Phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; đ) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật về báo chí. (3) Điều 8 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 quy định cụ thể hơn về quyền của nhà báo (5 vấn đề) 1. Được đến các cơ quan, tổ chức, thư viện, bảo tàng, triển lãm để thu thập thông tin, tra cứu tài liệu, làm nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan nhà nước không được từ chối cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước. 2. Được thực hiện các hoạt động nghiệp vụ tại các kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, các đại hội và hội nghị công khai, các cuộc mít tinh, đón tiếp khách của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức khác theo giấy mời và các quy định cụ thể của Ban Tổ chức các hoạt động đó. 3. Được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật. 4. Được ưu tiên trong việc mua vé tàu, vé xe, vé máy bay, chuyển nhanh điện tín, bài báo và ảnh, băng, đĩa ghi âm, ghi hình, các loại ấn phẩm báo chí khi hoạt động nghiệp vụ. 5. Được ưu tiên, tạo điều kiện đi lại thuận lợi trong trường hợp giao thông bị ách tắc, khó khăn và được hưởng chế độ miễn phí đối với phương tiện giao thông của cơ quan báo chí và nhà báo khi phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ báo chí. (4). Điều 7 Luật Báo chí “ Cung cấp thông tin cho báo chí. Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin. Đối với vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin. Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng” (5). Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Theo quy định của Quy chế thì việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được thực hiện định kỳ và đột xuất. Đối với phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phối hợp với các cơ quan tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí theo định kỳ 1 tháng 1 lần về hoạt động và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức họp báo và đăng tải tren Trang tin điện tử của Chính phủ. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về hoạt động của cơ quan mình, về lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình, hàng tháng hoặc ít nhất 3 tháng 1 lần cung cấp định kỳ cho báo chí trên trang tin điện tử của cơ quan mình, ít nhất 6 tháng một lần tổ chức họp báo để cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí. Khi cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí bằng văn bản hoặc thông tin trực tiếp tại giao ban báo chí hàng tuần. Đối với phát ngôn và cung cấp thông tin đột xuất, bất thường sẽ được thực hiện khi cơ quan hành chính nhà nước thấy cần thiết phải thông tin trên báo chí về các sự kiện, vấn đề quan trọng, gây tác động lớn trong xã hội thuộc phạm vi của cơ quan mình nhằm định hướng và cảnh báo kịp thời trong xã hội; về quan điểm và cách xử lý của Chính phủ, các cơ quan hành chính nhà nước có liên quan đối với các sự kiện, vấn đề. Trường hợp xẩy ra các vụ việc cần có ngay ý kiến ban đầu của cơ quan hành chính thì người phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất 2 ngày kể từ khi vụ việc xây ra. Việc phát ngôn và cung cấp thông tin đột xuất bất thường cũng được thực hiện khi cơ quan báo chí, cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí có yêu cầu phát ngôn và cung cấp thông tin về các sự kiện, vấn đề của cơ quan, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan được nêu trên báo chí. Người phát ngôn được nhân danh, đại diện cơ quan hành chính nhà nước phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Chỉ những thông tin do người phát ngôn cung cấp mới là thông tin chính thống của cơ quan hành chính nhà nước. Trong việc này, các cá nhân khác vẫn có quyền cung cấp thông tin cho báo chí nhưng chỉ mang tính cá nhân không phải đại diện, nhân danh cơ quan hành chính cung cấp thông tin. (Lưu ý khi khai thác thông tin cá nhân không phải người phát ngôn nếu có  nội dung sai sự thật thì cơ quan báo chí, nhà báo cũng phải chịu trách nhiệm về nội dung này, khác với khi lấy thông tin từ người phát ngôn). Người phát ngôn có quyền từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề mà pháp luật cấm. Khi thực hiện Quy chế thì việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các Bộ, ngành, địa phương cơ bản đi vào nề nếp, có định hướng rõ ràng và đạt hiệu quả cao hơn; tạo điều kiện cho báo chí, nhà báo thu thập thông tin  chính thống, hữu ích, tin cậy, chính xác nhất là đối với những sự kiện, vấn đề nóng, nhạy cảm. Song  việc cung cấp thông tin của các Bộ, ngành, địa phương  dồn cho 1 người trong khi đó người phát ngôn không phải nắm và báo quát hết các vấn đề trong khi các cơ quan chức năng không cung cấp đầy đủ thông tin cho người phát ngôn hoặc nếu người phát ngôn bận, đi vắng thì phóng viên rất khó tiếp cận nguồn tin vì những người có chuyên môn về vấn đề báo chí quan tâm đôi khi hiểu sai là chỉ có người cung cấp thông tin mới được cung cấp thông tin hoặc ngại cung cấp thông tin cho báo chí nên cũng có khó khăn cho cơ quan báo chí.Vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí còn hình thức, cũng cử ra người phát ngôn để khi gặp báo chí thì đọc bài viết sãn, phóng viên hỏi thêm thì xin trả lời sau hoặc để xin ý kiến cấp trên… Vì vậy đôi khi hiệu quả công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí chưa cao, việc tiếp cận và thu thập thông tin của báo chí, nhà báo cũng khó khăn hơn. Ngoài các quy định nêu trên thì pháp luật một số chuyên ngành cũng quy định liên quan đến quyền, trách nhiệm của báo chí, nhà báo trong các hoạt động đó, như Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Kiểm toán… Điều 9 Luật Phòng chống tham nhũng quy định: “Cơ quan báo chí có trách nhiệm tham gia vào việc phòng, chống tham nhũng; hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng; khi đưa tin phải bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan và phải chịu trách nhiệm về nội dung của thông tin đã đưa” Điều 31 Luật Phòng chống tham nhũng quy định: 1. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm cung cấp thông tin về hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình theo quy định của pháp luật. 2. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu phải cung cấp thông tin, trừ trường hợp nội dung thông tin đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, được phát hành ấn phẩm hoặc niêm yết công khai; trường hợp không cung cấp hoặc chưa cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức yêu cầu biết và nêu rõ lý do. Khoản 3 Điều 86 Luật Phòng chống tham nhũng quy định về vai trò và trách nhiệm của báo chí: “ Cơ quan báo chí, phóng viên có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu đó theo quy định của pháp luật; trường hợp không cung cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do” Như vậy pháp luật báo chí và pháp luật chuyên ngành khác đã quy định khá đầy đủ hành lang pháp lý để các nhà báo tiếp cận, thu thập thông tin và tác nghiệp cũng như trách nhiệm của các cơ quan đơn vị trong việc cung cấp thông tin cho báo chí để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin của người dân. Song việc thực hiện các quy định của pháp luật có nhiều nơi, nhiều lúc còn khác nhau như: Pháp luật về báo chí quy định khi đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo nhưng nhiều cơ quan, đơn vị thì đồng ý làm việc, cung cấp thông tin khi nhà báo xuất trình thẻ nhà báo nhưng cũng có nhiều cơ quan, đơn vị còn yêu cầu thêm các giấy tờ khác (như giấy giới thiệu, công văn của cơ quan báo chí về nội dung…).Mặt khác với sự phát triển kinh tế xã hội yêu cầu trong tác nghiệp báo chí cũng đòi hỏi cao mà pháp luật cũng chưa thể bao quát hết như các quy định về nhà báo nhập vai điều tra. Vì vậy việc tác nghiệp, thu thập thông tin của nhà báo đôi khi cũng khó khăn. Với khối lượng rất lớn thông tin được truyền tải, cập nhật hàng ngày, hàng giờ, nội dung đề cập đến mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội ở nhiều góc cạnh, trên nhiều phương diện và trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về thông tin và các lý do nêu trên cộng với sự hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì có các nhà báo sai phạm và thông tin trên báo chí sai sót là khó tránh khỏi. *) Năm 2009: Đã xử lý đối với 31 trường hợp vi phạm, trong đó thông tin sai sự thật 7 trường hợp, thu thẻ của 3 nhà báo. *) Năm 2010: Đã xử lý đối với 51 trường hợp vi phạm, trong đó thông tin sai sự thật 13 trường hợp, thu thẻ của 4 nhà báo. Trong số các vi phạm thì thông tin sai sự thật chiếm tỷ lệ cao thể hiện ở nhiều mảng bài viết: vụ án, các vấn đề tiêu cực trong xã hội, đời tư cá nhân, lịch sử dân tộc, chính sách của Nhà nước, chủ quyền quốc gia. Nguyên nhân dấn đến sai phạm thì có nhiều song một phần do trình độ nghiệp vụ của nhà báo, quyền tác nghiệp của nhà báo bị ảnh hưởng dẫn đến chưa thu thập đầy đủ thông tin đã nôn nóng, cạnh tranh thông tin cho hình thành bài báo. II. Những vấn đề liên quan đến lợi ích công trong tác nghiệp báo chí với các quy định nội bộ. Về nội dung này, tôi đồng tình với cách đặt vấn đề của RED, theo quy định của pháp luật nêu trên thì nhà báo có quyền hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; được khai thác và cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định pháp luật. Quyền tác nghiệp, thu thập thông tin đối với nhà báo là hết sức quan trọng, do đó việc đảm bảo quyền này cho nhà báo cũng rất quan trọng. Hiện nay nhà báo được tác nghiệp, thu thập thông tin tại tất cả mọi nơi theo quy định, song tại nhiều sự kiện, địa điểm có những quy định riêng mà nhà báo cần đảm bảo, như các sự kiện chính trị xã hội lớn (Đại hội Đảng, họp Quốc hội…), những nơi có quy định cấm quy phim chụp ảnh… Tại trụ sở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có những quy định về việc ra vào nên mọi người đều phải chấp hành kể cả nhà báo, còn việc tác nghiệp của nhà báo trong những trường hợp đơn thuần này thì cần có sự đồng ý của chính cơ quan, tổ chức đó. Song trên thực tế hiện nay có rất nhiều việc xảy ra trong khuôn viên của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, công trình nhưng ảnh hưởng lớn đến lợi ích công và tình hình an ninh, trật tự, chính trị xã hội như: hoả hoạn tại các siêu thị, chung cư; sập nhà… thì các nhà báo vẫn rất khó tác nghiệp để thu thập thông tin do bảo vệ, nhân viên các nơi đó không cho vào với lý do việc đó trong khuôn viên của cơ quan, doanh nghiệp, công trình mà họ đang quản lý. Việc ngăn cản này làm ảnh hưởng đến việc tác nghiệp, thu thập thông tin của phóng viên, nghĩa là người dân sẽ bị ảnh hưởng đến việc hưởng thụ thông tin qua báo chí, ảnh hưởng đến lợi ích công, lợi ích của xã hội. Thực trạng này vẫn xảy ra tại nhiều nơi, nhiều nơi (như vụ cháy tại siêu thị Big C, toà nhà Keangnam…) song vẫn chưa có cách giải quyết hiệu quả nhất cho việc tác ngiệp của báo chí, do không vào được hiện trường nên các nhà báo phải dùng nghiệp vụ của mình để khai thác thông tin từ nhiều khía cạnh khác nhau phục vụ công tác thông tin mặc dù hiệu quả không thể bằng được tiếp cận hiện trường, đôi khi còn dẫn đến phỏng đoán, thông tin sai. Trong trường hợp này, trước mắt các nhà báo phải nâng cao nghiệp vụ của mình để tìm hiểu khai thác thông tin từ các khía cạnh khác để phản ánh về vụ việc còn về lâu dài nên chăng cần có văn bản quy định cụ thể, hướng dẫn quyền tác nghiệp của báo chí sẽ không bị cản trở trong mọi trường hợp khi vụ việc ảnh hưởng đến lợi ích công, an ninh trật tự … kể cả những quy định nội bộ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có khác. Văn bản này cũng cần quy định rõ ràng những trường hợp nào là ảnh hưởng đến lợi ích công, an ninh, trật tự… để làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và bản thân các nhà báo thực hiện; đồng thời làm cơ sở để có các chế tài xử lý khi có các vi phạm từ các bên tham gia.