Tháng Mười 2, 2020

Hội thảo “Hướng tới hệ thống truyền thông nhà nước kiện toàn và hiện đại hậu Covid-19”

Ngày 2 tháng 10 năm 2020, tại khách sạn Melia Hanoi, Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển phối hợp với MXH Lotus tổ chức Hội thảo “Hướng tới hệ thống truyền thông nhà nước kiện toàn và hiện đại hậu Covid-19” với mục đích thúc đẩy hoàn thiện hệ thống Truyền thông nhà nước Việt Nam trong thời gian tới.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu là cấp quản lý lãnh đạo bộ phần truyền thông, cán bộ truyền thông của các bộ ngành, các cơ sở đào tạo báo chí, bệnh viện…;các chuyên gia, các nhà nghiên cứu truyền thông; cán bộ truyền thông từ các doanh nghiệp và các tổ chức phát triển .
Ông Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng khoa học RED đã trình bày tổng quan về kết quả nghiên cứu đề tài TTNN của Viện RED

Tại hội thảo, ông Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng khoa học RED đã trình bày tổng quan về kết quả nghiên cứu đề tài TTNN của Viện RED, phân tích những tác động tích cực của bộ máy truyền thông trong việc cung cấp thông tin chính thống cho báo chí và người dân. Đồng thời nhấn mạnh vai trò của các nền tảng công nghệ mới nhằm tối ưu hoá thông tin của nhà nước trên MXH.

 

Ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ truyền thông, thi đua và khen thưởng, Bộ Y tế

Ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ truyền thông, thi đua và khen thưởng, Bộ Y tế đã chia sẻ về quá trình truyền thông của Bộ Y tế trong suốt thời gian chống dịch Covid-19 giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Đặc biệt, nhấn mạnh vào sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc phòng chống dịch bệnh Covid-19.

 

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục báo chí, Bộ Truyền thông và Thông tin

Chia sẻ về kết quả truyền thông về phòng chống dịch covid-19, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục báo chí, Bộ Truyền thông và Thông tin, cho rằng "TTNN cần phải tiến tới công khai và minh bạch hơn. Chúng ta còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác như thiên tai, giao thông...Việt Nam với tâm thế đi qua 2 giai đoạn chống dịch đã đúc kết được những kinh nghiệm và bài học hay. Hơn nữa, chiến dịch truyền thông vừa qua của Việt Nam có thể trở thành cẩm nang để các bên cùng chia sẻ và học hỏi".

 
Ông Tạ Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ

Bài trình bày của lãnh đạo Bộ nội vụ, ông Tạ Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ, tập trung phân tích các cấu trúc Bộ máy truyền thông thường có trên thế giới và Việt Nam. Ông cho rằng, với bộ máy truyền thông hiện tại ở Việt Nam thì việc sắp xếp bộ máy truyền thông nằm ở Văn phòng Bộ là phù hợp. Vì Văn phòng ngoài các nhiệm vụ khác, thì còn có công tác truyền thông và đối ngoại.

 

Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VCCorp

Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VCCorp, chia sẻ về đóng góp của MXH Lotus trong việc phối hợp với các kênh truyền thông nhà nước để đối phó với vấn nạn fakenews (tin giả). Ngoài ra, ông cho biết sự cần thiết tạo dựng kênh truyền thông nhà nước chính thống dành cho các bộ ngành với màu sắc riêng, nhằm đưa tiếng nói trực tiếp đến người dân, lan toả những thông tin tích cực.

 

Chuyên gia truyền thông của UNESCO, Bà Lucila Carrasco

Chuyên gia truyền thông của UNESCO, Bà Lucila Carrasco, đã chia sẻ cho hội thảo “Một số khuyến nghị của UNESCO nhằm hỗ trợ Chính phủ các nước xử lý vấn nạn tin giả và thông tin sai lệch”

Tại Hội thảo, phần trao đổi và giải đáp giữa các đại biểu và diễn giả diễn ra sôi nổi. các câu hỏi tập trung vào. sự tương tác của cơ quan TTNN với người dân trong bối cảnh hiện tại; làm thế nào để tận dụng lợi thế nhiều công cụ mạng xã hội mà vẫn đảm bảo tính chuyên môn trong truyền thông nhà nước đối với các Bộ ngành có tính chất đặc thù; sự cần thiết tvề việc đào tạọ kỹ năng truyền thông cho các cán bộ truyền thông trong khối các bộ ngành; nguồn lực dành cho việc đánh giá tác động truyền thông chính sách đang còn thiếu và cần bổ sung; quy trình quản lý khủng hoảng truyền thông trong các bộ ngành là cần thiết...Sự tương thích của các nền tảng công nghệ nào dùng cho truyền thông phù hợp với các bộ ngành.

 

Kết luận hội thảo, Ban Tổ chức đã đưa ra 5 ghi nhận: 1. Khi truyền thông nhà nước chủ động, thông tin minh bạch sẽ đạt được kết quả tốt. 2. TTNN là một nguồn tư liệu, báo chí và mxh cần tiếp sức lan tỏa nguồn tư liệu đó 3. Ngoài chức năng đưa tin, TTNN còn có chức năng tương tác với người dân 4. Việc xây dựng kế hoạch, chuẩn bị kỹ năng và phát triển mạng lưới TTNN đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thông nguy cơ 5. Truyền thông công khai, minh bạch cần có cơ chế theo dõi, phản hồi và tư vấn để nâng cao hiệu quả./.