Tháng Ba 14, 2013

THAM LUẬN CỦA NHÀ BÁO QUANG HIẾU (BTV BÁO TUỔI TRẺ)

Tác quyền ảnh báo chí: Góc nhìn người sử dụng

I – Tình hình bảo vệ bản quyền báo chí ở VN

Đầu tháng 3-2013, báo Năng Lượng Mới và trang tin điện tử petrotimes.vn có công văn yêu cầu baomoi.com chấm dứt việc sử dụng tin bài không xin phép từ ngày 7-3,nếu không sẽ “ngay lập tức khởi kiện lên TAND TP Hà Nội”. Sự kiện này cho thấy sức chịu đựng của một số cơ quan báo chí chính thống đã đến mức cạn kiệt.

Báo Năng Lượng Mới chỉ rõ tình trạng trên là “ăn cắp” chất xám của các cơ quan báo chí, vi phạm nghiêm trọng về bản quyền tác phẩm báo chí (cả tin, bài, ảnh…). Tuy nhiên, số lượng tác phẩm của Năng Lượng Mới bị lấy chỉ là số nhỏ so với các báo điện tử khác như Tuổi Trẻ… nên ngay sau đó nhiều báo đã lên tiếng kêu gọi mạnh tay với tình trạng vi phạm bản quyền báo chí. Tuổi Trẻ đã có một loạt bài về vấn đề này.

Sau đó Cục bảo hộ quyền tác giả và Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cũng lên tiếng mạnh mẽ sẽ siết chặt tình trang vi phạm bản quyền báo chí. Ngay tại họp giao bao báo chí Trung ương sau sự kiện này, thứ trưởng Bộ thông tin truyền thông Đỗ Quý Doãn đã cho biết Bộ vào cuộc quyết liệt khi ngay lập tức cho rà soát lại tất cả các quy định về bản quyền, về cấp phép hoạt động của các trang điện tử.

Những động thái này phần nào làm các báo điện tử và các trang mạng vi phạm bản quyền chùn tay. Những ngày gần đây, khi các cơ quan báo chí tỏ rõ sự cứng rắn, báo Tuổi Trẻ liên tục nhận được nhiều công văn cũng như liên lạc gặp gỡ để thỏa thuận về việc sử dụng, mua bản quyền của Tuổi Trẻ

Sắp tới đây Hội nhà báo TP.HCM cũng tổ chức một hội thảo về bản quyền báo chí để bày tỏ sự quyết liệt hơn cũng như tìm kiếm những giải pháp hiệu quả cho căn bệnh trầm kha này.

Thực ra tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí bắt đầu xuất hiện từ khi Internet có mặt ở VN năm 1997 và phát triển nhanh tỉ lệ thuận với tốc độ phát triển của Internet. So với những năm 2000 chỉ có vài ba báo điện tử thì đến nay có đến 74 báo, tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử tổng hợp. Hệ thống khổng lồ này muốn sống sót thì hàng ngày phải sản xuất ra hàng chục nghìn tin, bài ảnh mới, khi không tự làm được thì buộc họ phải tìm cách khai thác thông tin của báo khác không đúng qui định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Họ được phép hoạt động nhưng thiếu sự giám sát chặt chẽ trong việc tổ chức lực lượng làm nội dung. Điều đó dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền ngày càng trắng trợn hơn, tinh vi hơn, bất chấp pháp luật, bất chấp đạo đức. Tình trạng này làm các cơ quan báo chí lo lắng như làm giảm thứ bậc xếp hạng của tờ báo, giảm lượng truy cập vào tờ báo, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, doanh thu…

II– Các hình thức vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí nói chung và tác quyền ảnh nói chung

Theo quan sát và phân loại của chúng tôi, có thể liệt kê ra đây ít nhất 6 cách vi phạm phổ biến hiện nay:

1- Lấy tự động: một website tự chọn một số tờ báo, dùng phần mềm xử lý để bất cứ lúc nào các báo có tin bài, ảnh mới là rút tự động vào website của họ

2- Chôm nguyên con: là hình thức “chôm” phổ biến nhất của nhiều trang tin và báo điện tử. Họ chỉ cần lướt qua các báo điện tử hoặc báo giấy thấy tin bài, ảnh nào hay là “cọp” về, đăng nguyên xi lên trang của mình. Tác giả ảnh có khi được ghi tên, có khi là tên tờ báo, có khi không được ghi tên tác giả.

3- Chôm có gia công: “cọp” tin bài, ảnh từ báo khác về, sau đó sửa lại tít, cắt bớt nội dung, cắt cúp ảnh ảnh rồi đăng. Tác giả ảnh có khi được ghi tên, có khi là tên tờ báo, có khi không được ghi tên tác giả.

4- Xào nấu: Rất nhiều trang tin và báo điện tử hiện “chôm” tin bài, ành của các báo khác về, viết lại hoặc tóm gọn lại, xử lý ảnh kỹ hơn (cắt, ghép, thêm ảnh) sau đó tự ghi tên mình là tác giả.

5 – Chôm của chôm: Một số trang tin lúc lấy tin, bài, ảnh không cần đến trang gốc mà lấy, bạ đâu lấy đó, dẫn qua dẫn lại lộn tùng phèo. Như trang B lấy tin, bài, ảnh của báo A và ghi “Theo báo A”. Trang C thấy hay nên lấy lại  nhưng lúc đăng lên thì ở phần tác giả là “Theo trang B”, trên đó lại thấy “Theo báo A” .

6- Lấy báo mạng đăng báo giấy: Ngày hôm trước một vài báo mạng săn được câu chuyện, hình ảnh độc đáo, hôm sau 1 tờ báo giấy kia dùng nguyên tấm ảnh đã đăng trên 1 báo mạng dùng làm vedette báo mình mà không hề xin phép. Có khi tấm ảnh đó tờ báo in có báo mạng kia dùng đăng nữa thì ngày hôm đó người đọc thật sự ngỡ ngàng.

Thời điểm bùng nổ của các thiết bị di độngtiếp tục làm đau đầu các cơ quan báo chí và tác giả ảnh khi lại thấy trong các màn hình di động xuất hiện hàng loạt ứng dụng lấy tin tự động từ hàng chục tờ báo khác nhau. Tính chung cả hệ điều hành iOs và Android có hơn 20 ứng dụng đọc tin tức kiểu này. Họ ngang nhiên vi phạm bản quyền lấy tin, bài, ảnh mà các báo và tác giả không hề thu lợi được gì, trong khi họ có tiền từ việc người dùng mua ứng dụng hoặc quảng cáo.

III– Nguyên nhân từ tác giả ảnh và người sử dụng ảnh

Tình hình nghiêm trọng trên phần nào có nguyên do từ cá nhân tác giả ảnhvà người sử dụng ảnh báo chí. Người chụp ảnh báo chí ở VN ngoài nghiệp vụ chưa cao thì tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cũng là điều đáng bàn. Rất nhiều tác giả ảnh coi những cách làm sau là chuyện thường tình trong khi đó lại là điều tối kỵ:

1 – Gửi ảnh cho nhiều báo:

2 – Mượn ảnh của nhau:

3 – Ảnh do PR gửi lại ký tên mình:

4- Lấy ảnh cũ xào lại:

5- Gửi ảnh cho báo khác ký tên khác dù không được phép

6- Chỉnh sửa ảnh

7- Chụp đi chụp lại 1 chỗ hay chỉ chụp vài tấm cho đủ sở hụi

8- Gửi ảnh không có chú thích, hay chú thích qua loa, nhân vật trong ảnh không tên không tuổi, địa danh không rõ ràng…

Trong khi đó người sử dụng ảnh (các cơ quan báo chí, các BTV báo chí) thì xuề xòa, dung dưỡng cho người chụp ảnh miễn sao có ảnh là được rồi. Lúc bí ảnh sẵn sàng search Google lấy ảnh hú họa trên mạng mà không ghi nguồn hay ghi nguồn Google, Internet… Ảnh của các tác giả phải trả nhuận ảnh thì lơ. Ảnh của các hãng thông tấn thì không mua bản quyền…

Chính những lỗi của người trong cuộc cứ hàng ngày diễn ra, càng ngày càng nhiều hơn, làm cho các chuẩn mực đạo đức về ảnh báo chí mãi chưa thể hình thành.

IV– Đề xuất một số giải pháp góp phần cải thiện tình hình

Trước khi đề xuất một số giải pháp, xin giới thiệu câu chuyện tuyên chiến với tình trạng vi phạm bản quyền của Tuổi Trẻ.

Nhận thức tầm quan trọng của bản quyền báo chí, trong nhiều năm qua báo Tuổi Trẻ đã là khách hàng quen thuộc của không những một mà của nhiều hãng thông tấn lớn của thế giới và trong nước. Tuổi Trẻ cũng thường xuyên tiếp xúc với các  đối tác quốc tế để mở rộng nguồn tin, bài, ảnh có bản quyền. Chúng tôi cũng xây dựng hệ thống quản lý ảnh chung cho toàn bộ kho ảnh của Tuổi Trẻ từ 2005 đến nay với hơn 3,5 triệu tấm ảnh.

Đối với trong nước ngoài mua của TTXVN, báo Tuổi Trẻ luôn chú trọng phát triển hệ thống PV, CTV cả nước. Do đó, về cơ bản 100% tác phẩm báo chí trong nước lên báo trên tất cả các sản phầm của Tuổi Trẻ là bảo đảm tác quyền. Các PV. CTV cũng liên tục được lưu ý về tác quyền và đạo đức báo chí.

Đánh giá vấn đề tác quyền là việc sống còn nên Tuổi Trẻ cũng đang chấn chính tình trạng vi phạm bản quyền đối với Tuổi Trẻ bằng nhiều biện pháp như rà soát lại toàn bộ các cá nhân, đơn vị hiện đang khai thác trái phép nội dung trên các sản phẩm của Tuổi Trẻ; Xây dựng một cách hệ thống, khoa học về việc phân phối, mua bán, trao đổi thông tin đối với các đối tác có nhu cầu sử dụng nội dung trên các sản phẩm của Tuổi Trẻ; Tổ chức tuyến bài đấu tranh chống việc vi phạm bản quyền báo chí trên mặt báo…

Bằng những hoạt động cụ thể của mình chúng tôi thấy rằng:

Với các cơ quan báo chí:

1- Cần liên minh lại để bảo vệ bản quyền.

2- Mời gọi thêm các đối tác, các công ty luật, các tổ chức bảo vệ bản quyền… cùng liên kết thực hiện để tạo tiếng nói chung, sự ủng hộ của xã hội

3- Thúc đẩy các cơ quan chức năng vào cuộc.

4- Xây dựng một cách hệ thống, khoa học về tin, bài, ảnh đầu vào đầu ra để quản lý phân phối, mua bán, trao đổi thông tin đối với các đối tác có yêu cầu sử dụng từ đó quản ý chặt chẽ tác quyền.

5- Thông tin hướng dẫn về tác quyền vá đạo đức ảnh báo chí cũng như có qui định nội bộ về chuyện này để mọi PV, BTV hiểu rõ.

6- Chăm sóc chu đáo người chụp ảnh: Hiện nay các cơ quan báo chí lúc cần ảnh thì săn đón, năn nỉ người chụp ảnh nhưng đến khi gửi anh xong, đăng báo rồi thì ít chăm sóc. Nhuận ảnh đến có kịp không? Có hợp lý chưa?… thì thường phó thác cho bộ phận hành chính. Có trường hợp vài tháng sau người chụp ảnh cũng chưa nhận được tiền…

Với người chụp ảnh và người sử dụng ảnh:

1- Chia sẻ, thảo luận, hướng dẫn thực hiện những qui định của pháp luật và đạo đức cho tác giả ảnh cũng như người sử dụng ảnh, ý thức tuân thủ tác quyền ảnh để từ người chụp ảnh chuyên nghiệp đến những cư dân mạng đều hiểu rõ vấn đề bản quyền.

2- Đề xuất các cơ quan chức năng như Cục báo chí, Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Cục bảo vệ quyền tác giả mạnh tay hơn với tình trạng vi phạm bản quyền.

3- Thúc đẩy các hội nghề nghiệp như Hội Nhiếp ảnh, Hội Nhà báo… đề cập nhiều hơn về đạo đức và tác quyền.

*Tham luận có tham khảo và trích dẫn loạt bài “Ăn cắp bản quyền báo chí” trên báo Tuổi Trẻ từ 6-3-2013 đến 12-3-2013