Tháng Tám 12, 2014

THAM LUẬN CỦA NHÀ BÁO VIỆT THANH (TTXVN)

Học, đào tạo ảnh báo chí – Thực trạng và giải pháp

I. Tổng quát về ảnh báo chí Để mở đầu bài tham luận về học và đào tạo ảnh báo chí Việt Nam, tôi xin trích một câu nói của Nhà sử học “Nghệ thuật nhiếp ảnh là biến một khoảng khắc trở thành vĩnh viễn, một hoạt động lưu giữ lâu dài. Có lẽ vì thế nó như một duyên nợ với sử học. Chúng tôi luôn coi nhiếp ảnh là chép sử bằng hình” . Nhiếp ảnh là nơi lưu giữ kí ức cho chúng ta về những sự kiện, cuộc đời, di sản của một thời đã qua. Trong xu thế của báo chí hiện đại, ảnh báo chí chiếm vai trò rất quan trọng. Có khi một tấm ảnh mang nhiều thông tin hơn cả nhiều trang báo. Các hãng thông tấn như AP, Reuters, AFP…rất chú trọng trong lĩnh vực này, họ sẵn sàng chi rất nhiều tiền để có được những tấm ảnh mạng thông tin nóng hổi và chuẩn xác. Đối với ảnh báo chí, nhiếp ảnh là thông tin và tính hiện thực là tiêu chí quan trọng nhất. Nhiều phóng viên ảnh đã thể hiện chân thực về đời sống, con người qua những bức ảnh của mình …. để từ đó làm rung chuyển cả thế giới, làm thay đổi nhận thức về lịch sử…. Đó là sức mạnh của sự thật mà phóng viên ảnh có thể truyền tải đến người xem. Khi nhìn nhận về sự phát triển của nhiếp ảnh báo chí ở Việt Nam, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng ảnh báo chí đang ngày càng được coi trọng. Nhiếp ảnh cũng mang  lại giá trị lớn cho việc lưu giữ lịch sử để Thế giới cũng như mỗi người Việt Nam biết rõ sức mạnh của dân tộc mình. Nhiếp ảnh còn là công cụ tích cực cho các ngành khoa học, kỹ thuật, lịch sử, văn hóa, xã hội…mà không gặp rào cản ngôn ngữ. Có thể nói Nhiếp ảnh Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Vừa qua, Nữ nhiếp ảnh gia tự do Maika Elan – Nguyễn Thanh Hải (sinh năm 1986) đã đem lại vinh dự cho nhiếp ảnh báo chí Việt Nam khi trở thành tác giả Việt Nam đầu tiên từ mấy chục năm nay đoạt giải ảnh báo chí thế giới do tập đoàn báo chí thế giới (World Press Photo Foundation) tổ chức. Đây cũng là động lực cho các phóng viên ảnh Việt Nam thêm đam mê, sáng tạo trong sự nghiệp của mình. II. Thực trạng về đào tạo ảnh báo chí Việt Nam Ở Việt Nam hiện nay, không có nhiều trường  đào tạo chính qui về ảnh báo chí. Chương trình đào tạo chưa thực sự chuyên nghiệp cũng như giáo viên giảng dạy không được đào tạo chuyên sâu về  ảnh báo chí, do vậy các phóng viên ảnh ra trường đều phải “đào tạo lại” mới dùng được. - Giáo trình và phương pháp còn đào tạo lạc hậu. -  Phần lớn các khóa học thường chỉ toàn dựa trên lý thuyết không thực hành. - Tuy nhiên gần đây, do đổi mới phương pháp giảng dạy nên các trường đào tạo đã có những buổi học hấp dẫn sinh viên. Các trường báo chí đã mời các nhà báo có tên tuổi tham gia giảng dạy với những kinh nghiệm thực tế. Do vậy sinh viên rất hứng thú khi được nghe và tương tác trực tiếp các phóng viên ảnh có kinh nghiệm. -  Học sinh sau khi được đào tạo hầu hết không có kinh nghiệm. Sau khi học xong không được nâng cấp và cập nhật về kiến thức . - Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 14.000 nhà báo chuyên nghiệp nhưng trên 50% chưa được đào tạo chính qui hoặc chưa được đào tạo lại sau nhiều năm học các lớp báo chí. - Cách thức tuyển phóng viên, biên tập viên của một số toà soạn báo hiện nay là tuyển chọn những người  có những sản phẩm khẳng định được khả năng có thể làm nghề hoặc từ đội ngũ cộng tác viên đã trải qua thời gian cộng tác với báo. -  Trong một số toà soạn báo nhìn chung đều không coi trọng khâu ảnh báo chí,  hầu hết là không có phóng viên ảnh chuyên sâu, thường là phóng viên viết bài kiêm nhiệm chụp ảnh. - Tuy nhiên, do thiếu sự chuyên nghiệp và không được đào tạo căn bản về nhiếp ảnh, đa số họ chụp theo công thức, dập khuôn. Cách chọn ảnh hơi có phần tùy tiện trên báo Việt Nam vẫn còn khá phổ biến. Hơn nữa, nhiều ảnh và tin không có sự liên quan chặt chẽ với nhau. III. Giải pháp 1. Đối với các trường đào tạo - Tăng cường chất lượng giáo viên chuyên nghiệp, có kinh nghiệm thực tế giảng dạy trong các trường học. - Mời định kỳ các chuyên gia trong lĩnh vực ảnh báo chí đến giảng dạy thực tế cho học viên. 2. Đối với tòa soạn báo - Phải có những khoá đào tạo thường niên trong mỗi toà soạn về ảnh báo chí, tất cả mọi đối tượng đều phải tham gia. - Nghiêm khắc, chặt chẽ trong việc lựa chọn ảnh (tiêu chí, chất lượng…) trước khi đăng bài. - Tăng cường hợp tác với các tổ chức báo chí trong nước và nước ngoài cũng như các hãng cung cấp máy ảnh  như Leica, Nikon, Canon..để tổ chức thường niên cho phóng viên ảnh Việt Nam. Ví dụ như  Khóa đào tạo do Canon, báo Vietnamnet và quỹ về báo chí Đông Dương (IMMF) đồng tổ chức. Các phóng viên ảnh Việt Nam sẽ tham gia vào khóa huấn luyện chuyên sâu kéo dài 8 ngày dưới sự hướng dẫn của những phóng viên ảnh hàng đầu như: Tim Page – người sáng lập IMMF, Nick Út – tác giả giải Pulitzer năm 1973. Học viên sẽ được thực hành chụp ảnh với nhiều lĩnh vực khác nhau của ảnh báo chí, bao gồm đời thường, thể thao, thời trang, văn hóa và nghệ thuật. Về phần mình, tôi cũng đã góp một phần nhỏ vào công tác đào tạo Nhiếp Ảnh báo chí thông qua các hoạt động như sau: - Khoá Nhiếp ảnh SIDA do quỹ Báo Chí Thuỵ Điển tài trợ và tổ chức - Khoá Nhiếp ảnh do hãng máy ảnh Leica tại Việt Nam tổ chức./.