Tháng Tám 12, 2014

THAM LUẬN CỦA NHÀ BÁO VIỆT VĂN (BÁO LAO ĐỘNG)

Mặt bằng chung ảnh báo chí Việt Nam: Dàn dựng, hời hợt, thiếu thông tin…

Hiện tượng Maika Elan (Nguyễn Thanh Hải) đoạt giải nhất ảnh báo chí thế giới danh giá (World Press Photo) 2013 ở hạng mục Vấn đề  đương đại (Contemporary Issue) là sự tỏa sáng của 1 cá nhân nhưng không thể che lấp  một thực tế  là mặt bằng chung của ảnh báo chí VN còn yếu,  những bức ảnh báo chí ấn tượng, giàu tính thông tin không nhiều…

Từ giải ảnh báo chí quốc gia hàng năm…

Thực tế nhiều năm gần đây trong các cuộc vinh danh giải báo chí quốc gia, cụm từ “không có giải A” đã trở thành quen thuộc đến nhàm chán với thể loại ảnh báo chí.Thậm chí có khi hai ba năm liền không có cả giải B.  Dĩ nhiên giải báo chí quốc gia chưa phải là thước đo chuẩn xác bức tranh toàn cảnh ảnh báo chí VN nhưng nó cũng phản ánh phần nào thực trạng không mấy sáng sủa của thể loại này.

Có may mắn từng được tham gia Hội đồng chấm  sơ khảo giải báo chí quốc gia 2011, 2012, chấm giải Khoảnh khắc vàng của Thông tấn xã VN, tôi và các thành viên trong ban giám khảo phần nhiều đều phải “so bó đũa chọn  cột cờ”,  vì hiếm khi bắt được những tác phẩm ảnh báo chí thực sự mạnh mẽ  giàu tính thông tin, được tạo hình ấn tượng, bắt mắt.

Ngoại trừ những bức ảnh đơn gửi đi với những chủ đề chả ăn nhập gì với báo chí như cảnh sông nước, đồng quê, cảnh lao động chung chung, chả khác gì một bức ảnh du lịch thì số ảnh  đơn khác phần nhiểu chỉ là ghi lại sự  kiện một cách thuần túy ít có những bức ảnh thể hiện được góc nhìn riêng của tác giả. Dù trong báo chí khái niệm “cái tôi” của người chụp khi phản ánh sự thật còn là đề tài tranh cãi. Nhưng xét đến cùng làm gì có sự thật khách quan thuần túy, tất cả đều phản ánh qua lăng kính, nhãn quan chính trị của người chụp. Ngay từ việc chọn góc độ, chọn ống kính  nhất là ống kính góc rộng (làm thay đổi khoảng cách con người, sự vật) đã thể hiện ước muốn chuyển tải sự kiện mang tính chủ quan của tác giả rồi!

Có lẽ nói không quá rằng chưa có phóng viên ảnh  VN nào thể hiện rõ dấu ấn hướng tới việc định hình một phong cách riêng trong ảnh báo chí. Một số ý kiến cho  rằng: phong cách chỉ tồn tại ở ảnh nghệ thuật. Hoàn toàn không phải, ảnh báo chí cũng có nhiều tay máy ở các hãng thông tấn lớn trên thế giới như AP (Mỹ), Reuters (Anh), AFP (Pháp)…tạo dựng được phong cách riêng. Nổi bật trong số đó là James Natchwey, Gary Knight,  David Lesson… Có những nhiếp ảnh gia có thiên hướng hơi nghiêng máy khi chụp, có cá nhân thích dùng ống kính 24mm để tạo nên những chân dung kịch tính.  Đã không hiếm những phóng viên ảnh báo chi thế giới để nâng cao khả năng tạo hình đã tham gia học thêm một số khóa học hội họa và thừa nhận bản thân chịu ảnh hưởng cách sử dụng ánh sáng của bậc thày hội họa  Rembrandt (Hà Lan)..

Trong giáo trình ảnh của hãng AP cũng nêu rõ 10 điểm (quy tắc) để thẩm định 1 bức ảnh báo chí tốt như cách tiếp cận chủ đề có mới lạ không, góc chụp ảnh và sử dụng thiết bị đã tối ưu nhất chưa, sử dụng ánh sáng có phù hợp không, độ tương phản đã hợp lý chưa,  có một yếu tố mất trật tự nào trong một tổng thể hài hòa  không?…

Một nguyên tắc tối thượng của ảnh báo chí, ngoài việc đương nhiên không được cắt ghép,  là không được dùng photoshop để xóa bớt đi dù là một chi tiết nhỏ nhất trong ảnh, trong khi cắt cúp thì được phép. Việc tăng giảm độ sáng tối trong ảnh cũng chỉ được dùng hạn chế ở mức tối thiểu. Đã từng có chuyện độc giả báo Newsweek kiện tờ báo này vì đăng ảnh một nghi can với góc chụp từ trên cao và cố tình tăng tương phản sáng tối cho mặt nghi can có vẻ dữ dội hơn.

Việc sắp xếp, dàn dựng trong ảnh báo chí ngoại trừ ảnh chân dung là tuyệt đối cấm. Phóng viên ảnh David Leeson (Mỹ) cho tờ Dallas Morning News từng đoạt giải ảnh Pulizer cho bộ ảnh  những người lính Mỹ ở Iraq. Anh kể lại về 1 bức trong bộ 12 ảnh đoạt giải chụp hai người lính đang nhảy xuống nước tắm sông tronng giờ nghỉ giữa cuộc chiến. Khi đó anh đã nghe thấy hai người lính rủ nhau đi tắm và một trong hai đã chần chừ không muốn đi. Lúc đó David Leeson chỉ muốn giục hai người đi tắm để anh chụp ảnh nhưng anh chỉ thầm cầu nguyện mà không được nói ra. Và Chúa đã giúp anh- như Leeson nói. Sau này khi bộ ảnh đoạt giải, phóng viên báo đã tìm gặp hai người lính và hỏi xem có ai sắp xếp dựng họ tắm không. Leeson nói “Nếu khi đó tôi chỉ nói 1 câu thì lập tức giải thưởng của tôi đã bị thu hổi và sự nghiệp của tôi chấm dứt”. Trong khi đó việc sắp xếp, dàn dựng ảnh báo chí ở VN lại là hiện tượng khá phổ biến- thực đáng buồn.

Nhược điểm chung của nhiều phóng viên ảnh VN không chỉ là chụp ảnh đơn còn nghèo nàn, thiếu thông tin mà chụp ảnh bộ còn  tệ hơn. Ảnh bộ trong báo chí có nhiều dạng photostory (Phóng sự ảnh), Porfolio (bộ ảnh) và photo essay (có thể tạm coi như bút ký bằng ảnh). Trong đó nếu phóng sự ảnh là phản ánh sự kiện, sự việc xảy ra tức thời trong  khoảng thời gian thường không dài thì hai thể loại sau đều có thể kéo dài nhiều năm. Và bút ký ảnh thường được thực hiện bởi những phóng viên ảnh có tay nghề cao, trong đó kết cấu là hết sức quan trọng, có khi bức ảnh mở đầu là bức ảnh chụp mới nhất…

Với các phóng viên ảnh VN  thường  tính toàn vẹn thống nhất trong kết cấu 1 bộ ảnh chưa được chú ý đúng mức. Phần text (thông tin) đi kèm ảnh và bộ ảnh vẫn thiếu thông tin,  có khi vẫn chung chung, hoàn toàn không đủ 6W(where, what, when…) như cơ bản báo chí đã dạy. Thậm chí có ảnh đặt tít (title)  như 1 bức ảnh nghệ thuật , chứ không phải là ảnh báo chí. Với ảnh báo chí, tính thông tin phải được thể hiện ngay từ tít ảnh.

Trong cuộc thi ảnh báo chí quốc gia trao giải tháng  6.2012, có tác giả là phóng viên ảnh dày dạn kinh nghiệm nhiều năm gửi thông tin đi kèm lại là thông tin về tấm ảnh dự thi đã từng đoạt giải ở đâu đó, chứ không phải là thông tin về con người,sự kiện trong ảnh.

Có ảnh đủ thông tin nhưng đó không phải là thông tin nóng, mà là thông tin nguội, nghĩa là năm nay có chuyện đó, năm sau cũng có chuyện đó. Tác giả không khai thác được sự mới mẻ của thông tin.

Có phóng viên ảnh vẫn dùng photoshop để kích màu ảnh lên, tạo cho bức ảnh quá rực rỡ (vivid) và tạo cảm giác giả  tạo ngay cho người xem.

Lẽ dĩ nhiên, các sự kiện trong năm sẽ phải là tâm điểm của ảnh báo chí quốc gia. Nhưng tiếc là không nhiều ảnh gửi đến tập trung vào các sự kiện nóng mà vẫn rải rác sa đà ở những sự vụ mang tính “vi mô” nhiều hơn. Nhiều ảnh chụp sự kiện chính trị xã hội lớn của đất nước vẫn chụp theo lối mòn,  mang tính công thức, minh họa nhiều hơn.

Đến ảnh báo chí trên các báo…

Việc dành “đất” cho  ảnh báo chí trên các báo ngày càng được chú trọng hơn, không chỉ các báo phía nam như Tuổi Trẻ, Sài Gòn tiếp thị, Thanh niên,… mà các báo trung ương cũng chú trọng hơn nhiều như  Lao Động, Nông thôn ngày nay, Thời nay (Nhân dân)…Nhiều báo có chuyên mục phóng sự ảnh định kỳ.

Tính thông tin của ảnh báo chí cũng được quan tâm chăm sóc kỹ hơn. Và sự tham gia của nhiều tay máy là freelance (tự do) cũng làm đời sống ảnh báo chí VN khởi sắc hơn, và xem ra sự lăn lộn, kỳ công để có những bức ảnh “bán” được cho các báo của họ đã làm nhiều phóng viên ăn lương Nhà nước phải nghiêm khắc nhìn lại mình.

Tuy nhiên, số tay máy xuất sắc ảnh báo chí còn ít, và cũng không đều tay.

Với các bộ ảnh ( phóng sự ảnh và nhóm ảnh) một căn bệnh kéo dài nhiều năm là cách kể chuyện không hấp dẫn.  Ngoài yếu tố quan trọng nhất là năng lực của phóng viên ảnh, thì còn do khuôn khổ cố định “đất” cho phóng sự ảnh của một tòa soạn. Cứ đến hạn là phải có phóng sự ảnh nên nhiều phóng sự chưa ‘chín”.

Để lấp đầy trang  báo, một phóng sự ảnh thường phải đủ số ảnh cần thiết từ 7-12 ảnh và thường thì  thư ký tòa soạn vẫn thích nhiều ảnh hơn ít ảnh.

Việc kể một câu chuyện rõ ràng rành mạch bằng hình ảnh không dễ. Nhiều phóng sự ảnh, bộ ảnh có những  ảnh bị thừa ra, lặp lại về ý,  góc độ chụp và làm yếu đi câu chuyện.  Toàn- trung- cận,là các điểm nhìn trong phóng sự ảnh để con người, sự vật được soi chiếu ở nhiều góc độ khác nhau, cũng để tránh sự nhàm chán cho độc giả. Trong một phóng  sự ảnh, một bộ ảnh, tất cả các ảnh đều phải tốt, trong đó có 1 ảnh “đinh” chứ không phải một bộ ảnh đưa cả ảnh xấu vào để tôn thêm một vài ảnh tốt lên. Bức ảnh mở đầu cũng chưa được coi trọng đúng mức, đáng ra phải mang tính dẫn dắt câu chuyện, thì nhiều khi lại là bức ảnh tẻ nhạt. Chưa nói những sáng tạo về mặt tạo hình còn chưa được đầu tư thỏa đáng.

Cũng còn nguyên nhân là các phóng viên ảnh VN thường phải chụp “thượng vàng hạ cám” đủ cả đề tài từ chính trị đến văn hóa, văn nghệ, thể thao nên khó mà chuyên sâu và thể hiện được đầy đủ khả năng của mình.

Câu nói  của tay máy nổi tiếng thế giới người Việt Nick Ut,  phóng viên ảnh AP (Mỹ) trong khóa học IMMF (Quỹ tưởng niệm báo chí Đông Dương) dành cho các phóng viên ảnh VN: “Trong 1 sự kiện hầu như các phóng viên ảnh VN đều chụp giống nhau, không có sự sáng tạo cá nhân riêng biệt!” là một nhận xét cực kỳ nghiêm khắc nhưng có lý.

Và giải pháp

Mọi chuyện vẫn phải bắt đầu từ đào tạo.

Đào tạo phóng viên ảnh phải chuyên nghiệp hóa và đồng bộ ở các khâu. Trò không giỏi, nếu thày không giỏi. Nhưng thày giỏi ở đâu ra? Khi mà các thày dạy nhiếp ảnh trong trường phần lớn không được đào tạo bài bản, giáo trình cũng tự soạn thực chất là tổng hợp từ một vài cuốn sách ảnh của ta, của tây và dạy bằng chủ nghĩa” kinh nghiệm” nhiều hơn. Vì thế cần các lớp đào tạo làm thày trước khi đào tạo trò. Tiếp đến, nếu có thảy giỏi, việc tuyển chọn “đầu vào” phải hết sức nghiêm ngặt. Phóng viên ảnh phải là nhà báo  với đầy đủ kỹ năng báo chí+ con mắt ảnh, chứ không phải là thợ ảnh.

Về phía các tòa soạn báo chí,  ngoại trừ  một số tờ báo lớn đã chú trọng ảnh báo chí, nhiều tòa soạn khác nên thay đổi hẳn quan niệm, phải coi tác phẩm ảnh báo chí thực sự tương đương giá trị như 1 tác phẩm bài viết. Không coi nhẹ ảnh báo chí như ảnh minh họa, trang trí nữa…

Từ đó phải tổ chức lại cơ cấu bộ máy. Nhất thiết phải có tổ phóng viên ảnh, với mỗi phóng viên ảnh chuyên sâu một vài lĩnh vực, không thể 1 phóng viên sáng chụp trâu bò chết dịch bệnh, trưa chụp ảnh nhà máy, xí nghiệp, chiều chụp thể thao, tối chụp ảnh múa… được. Ban thư ký tòa soạn cần có 1 biên tập ảnh (photo editor) để tuyển chọn, biên tập ảnh phóng viên ảnh gửi về. Biên tập viên ảnh nhất thiết phải được đào tạo bài bản, có trình độ cao. Ở một số tòa soạn ảnh phương Tây còn có thêm 1 người tạm gọi là desktop để sơ tuyển ảnh bước 1 phóng viên gửi về, rồi mới chuyển sang photo editor…Rồi cơ chế trả nhuận ảnh, công tác phí cho phóng viên ảnh cũng cần nâng cao hơn để khuyến khích những tác phẩm tốt.

Ngoài ra, Hội nhà báo VN nên tăng cường mở các lớp đào tạo, tập huấn ảnh báo chí nhiều hơn, mời thêm nhiều giảng viên là các phóng viên ảnh, biên tập ảnh kỷ cựu không chỉ trong nước mà quốc tế đến giảng dạy để nâng cao trình độ cho phóng viên ảnh báo chí VN./.