Tháng Tám 12, 2014

THAM LUẬN CỦA ÔNG NGÔ HUY TOÀN (THANH TRA BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG)

Một vài suy nghĩ về sử dụng hình ảnh cá nhân trên báo chí

Có thể nói, việc sử dụng hình ảnh cá nhân trên báo chí là cần thiết, nó làm cho tác phẩm báo chí trở nên hấp dẫn, sinh động. Tuy nhiên, việc sử dụng hình ảnh cá nhân có liên quan đến con người cụ thể và người thân của họ, trong nhiều trường hợp có thể ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của con người, thậm chí làm cho cuộc đời một con người rẽ sang ngã khác không mong muốn. Vì vậy, khi sử dụng hình ảnh cá nhân trên báo chí, người làm báo phải cân nhắc thận trọng để bảo đảm vừa tuân thủ đúng quy định pháp luật vừa thể hiện được tính nhân văn. 1. Quy định pháp luật về sử dụng hình ảnh cá nhân Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh tại Điều 31: 1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. 2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. 3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Nghị định 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí, tại Khoản 3 điều 5 quy định: “Không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó (trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, các cuộc xét xử công khai của tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án)”. Các quy định trên đây có thể chưa chi tiết, chưa cụ thể, cơ quan báo chí có thể còn lăn tăn khi thực hiện, một số phóng viên, nhà báo cho rằng với quy định hiện tại, cơ quan báo chí luôn phải đối mặt với nguy cơ bị kiện, bị xử phạt vi phạm hành chính. Vấn đề đặt ra là người làm báo thấy quy định pháp luật chưa sát thực tiễn hay là do chưa tuân thủ pháp luật một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, theo tôi, các quy định như vậy là rất cơ bản, thể hiện giá trị của một xã hội văn minh, tiến bộ. Ở đó con người là trung tâm, quyền con người được tôn trọng, bảo vệ. Liên hệ với bên ngoài ta thấy trong bộ quy tắc hành nghề báo chí của Vương quốc Anh có quy định “Không được chụp ảnh cá nhân ở nơi riêng tư”. Nơi riêng tư ở đây được hiểu là nơi chốn riêng tư hoặc nơi công cộng mà ở đó mong ước riêng tư có cơ sở vững chắc. Và có một ngoại lệ cho hành động này là phải chứng minh được đó là vì lợi ích công chúng. Ta dễ dàng nhận ra rằng gianh giới theo quy định ở một tình huống cụ thể nào đó còn mong manh, khó nhận diện. Nhưng rõ ràng nền báo chí thế giới nói chung và nền báo chí cách mạng Việt Nam vẫn đang tiến đến chuẩn mực ngày càng cao của nhân loại. 2. Những sai sót của cơ quan báo chí trong việc sử dụng hình ảnh của cá nhân Trước hết, phải nói đến việc đăng ảnh cá nhân trong các tin bài về các vụ án khá phổ biến, ngay khi cá nhân có liên quan mới chỉ là bị can, bị cáo. Rất có thể họ không có tội, việc báo chí đăng ảnh sẽ để lại cho họ và gia đình dấu ấn tâm lý nặng nề, buồn tủi. Đối với loại sai sót này, nhiều cơ quan báo chí đã lên tiếng, phân tích cặn kẽ. Báo Vnexpress ngày 16/5/2004 dẫn lại Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh đã nêu “Có nhiều ý kiến phản đối việc đưa hình ảnh của bị cáo lên báo. Việc đăng hình ảnh của bị can, bị cáo chẳng khác nào đóng thêm “dấu đen” lên cuộc đời của họ, khiến con đường hoàn lương đôi lúc gặp gập ghềnh. Một thân nhân của bị cáo than thở: “Chồng tôi có chút sai lầm, giờ báo chí đăng hết lên. Cả dòng họ tôi biết, chòm xóm nhìn gia đình tôi với ánh mắt khác. Mai mốt chắc phải… bỏ xứ mà đi”. Báo Tuổi trẻ ngày 3/9/2010 đưa tin “Trên thực tế, có một số trường hợp, báo chí một mặt thực hiện chưa đầy đủ các quy định của pháp luật, mặt khác chưa thể hiện được tính nhân văn về hình ảnh cá nhân. Chẳng hạn, phóng viên đến trường cai nghiện, trại cải tạo, trại giam chụp ảnh, quay phim học viên, tù nhân đang học tập, thụ án thường chỉ cần được sự đồng ý của ban quản lý trường, trại mà hầu như không xin phép các nhân vật trong hình, trong phim. Rõ ràng, hầu hết người đang cải tạo, cai nghiện… đều không muốn cho nhiều người biết về tình trạng của mình, trong khi đó báo chí với nhu cầu thông tin của mình, nếu không thận trọng có thể trở thành “chứng tích” không chỉ suốt đời của nhân vật đó mà còn của nhiều người khác liên quan nữa. Kể cả khi phóng viên thực hiện đúng quy định của pháp luật về quyền hình ảnh của cá nhân thì không phải lúc nào cũng đảm bảo tính nhân văn, đảm bảo đã trả lời được câu hỏi liệu việc sử dụng hình ảnh có hại cho nhân vật hay không. Thậm chí khi nhân vật hoàn toàn đồng ý nhưng liệu họ đã có lường hết mọi rủi ro khi hình ảnh của mình được phát công khai trên phương tiện truyền thông hay không, liệu người thân của họ có bị ảnh hưởng gì không… Thứ hai, sử dụng lại hình ảnh trong quá khứ của người từng mắc lỗi lầm để minh họa cho bài viết có nội dung liên quan làm cho người đọc cảm thấy sự xâu chuỗi, liên tục, sai  phạm của người đó là bản chất, có hệ thống mặc dù có thể họ đã được xóa án tích từ lâu và sự việc xảy ra có thể là hoàn toàn độc lập với nhau. Thứ ba, khi cơ quan báo chí thông tin về những va chạm trong cuộc sống thường ngày của một người cụ thể – người phải thường xuyên xuất hiện trước công chúng – đã tìm kiếm hình ảnh của họ trên mạng Internet để minh họa cho bài viết. hình ảnh đó không đúng với không gian, thời gian, địa điểm xảy ra vụ việc. Thứ tư, khi đăng tin bài phê phán cơ quan báo chí sử dụng ảnh sinh hoạt cộng đồng nhưng không phù hợp, hình ảnh nhân vật trung tâm được chụp chính diện dễ làm người đọc hiểu họ là người liên quan trực tiếp đến vấn đề báo chí phê phán. Thứ năm, thông tin liên quan đến vấn đề nhân đạo, cụ thể như người bị HIV/AIDS, các em có cha, mẹ nhiễm HIV/AIDS, nạn nhân các vụ xâm hại tình dục… một số cơ quan báo chí đã công khai hình ảnh của họ mà không tính đến hậu quả họ phải gánh chịu. Thứ sáu, khi sử dụng hình ảnh cá nhân để quảng bá nét đẹp văn hóa, truyền thống của con người, quê hương, đất nước, hình ảnh được sử dụng trên báo chí có thể làm cá nhân đó hãnh diện, tự hào, trong trường hợp này cơ quan báo chí thường đơn giản không xin phép và đương nhiên đã vi phạm quyền đối với hình ảnh của cá nhân đó. Hay đơn giản, hình ảnh quảng bá có sử dụng hình ảnh cá nhân đã được sử dụng rộng rãi, cơ quan báo chí khai thác một cách tự nhiên và cho rằng mình có quyền đó. 3. Bảo vệ quyền đối với hình ảnh khi bị xâm phạm – con đường gian nan Xin bắt đầu bằng câu chuyện của bà Huỳnh Thị Thu Trang (Bình Minh, Vĩnh Long) kiện 13 cơ quan báo chí về việc tự ý sử dụng hình ảnh của bà. Vụ việc này được Báo Tuổi trẻ ngày 29/11/2011 đưa tin: “Ngày 28-11, TAND thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) đã mở phiên tòa xử vụ người mẫu ảnh Huỳnh Thị Thu Trang (huyện Bình Minh, Vĩnh Long) kiện nhiếp ảnh gia Nguyễn Vinh Hiển và 13 cơ quan báo chí, doanh nghiệp đòi liên đới bồi thường 200 triệu đồng và chấm dứt sử dụng hình ảnh của bà.” Theo diễn biến vụ việc thì trước phiên xử, bà Trang đã rút nội dung kiện đòi bồi thường 200 triệu đồng vì không thu thập được hồ sơ, chứng cứ thiệt hại về danh dự và nhân phẩm. Về việc chấm dứt sử dụng hình ảnh, các cơ quan báo chí đã gỡ bỏ hình ảnh bà Trang từ trước phiên hòa giải lần thứ nhất. Sau một thời gian tranh luận, thương lượng, vụ việc kết thúc như Báo Tuổi trẻ đã đưa tin: “Cuối cùng, bà Thu Trang đồng ý rút toàn bộ đơn kiện. TAND thành phố Vĩnh Long sẽ ra văn bản đình chỉ vụ án”. Đó là kết cục của một trong số rất ít các vụ việc liên quan đến hành vi xâm phạm quyền về hình ảnh cá nhân được xử lý. Câu chuyện thứ hai liên quan đến một đại biểu quốc hội Hà Nội xảy ra vào năm 2010, một số cơ quan báo chí nhận được đơn của những người hàng xóm của bà phản ánh những va chạm trong cuộc sống hàng ngày ở một khu tập thể nhỏ sinh hoạt chung. Các cơ quan báo chí cùng vào cuộc để thông tin, các bài viết đều phê phán cách hành xử của bà và ủng hộ những người dân nghèo khó với điều kiện sống rất khó khăn. Để minh họa cho bài viết, một cơ quan báo chí đã đăng kèm hình ảnh chân dung của bà, có thể hình ảnh này được lấy từ mạng internet vì bà thường xuyên phải xuất hiện trước công chúng. Cho rằng các bài viết không trung thực, không khách quan bà đã gửi đơn đến nhiều cơ quan đề nghị xem xét, xử lý. Tuy nhiên, trong nhiều nội dung khiếu nại không hề thấy khiếu nại việc xâm phạm quyền đối với hình ảnh cá nhân. Câu chuyện thứ ba liên quan đến người từng có tiền án và vào thời điểm báo thông tin người này đã được xóa án tích. Vụ việc xảy ra vào năm 2012 một cơ quan báo chí thông tin về tranh chấp đất đai giữa hai gia đình và lật lại vụ án ngày trước. Có nhiều điều cần xem xét trong các bài viết này, nhưng ở đây chỉ đề cập việc cơ quan báo chí sử dụng hình ảnh của người này minh họa cho bài viêt, hình ảnh có lẽ được lấy từ hồ sơ của cơ quan chức năng vì có dấu đè trên ảnh. Cũng giống như câu chuyện thứ hai, người này khiếu nại nhiều nội dung nhưng không khiếu nại việc xâm phạm quyền đối với hình ảnh. Rõ ràng việc bảo vệ quyền đối với hình ảnh cá nhân còn nhiều khó khăn, một mặt họ phải đương đầu với vấn đề mà không mong đợi được gì nhiều vào kết quả, mặt khác nhiều người còn chưa biết đến quyền của mình vì vậy không biết cách bảo vệ. 4. Việc xử lý hành vi vi phạm quyền đối với hình ảnh cá nhân còn nhiều bất cập Thực tế cho thấy tình trạng xâm phạm quyền đối với hình ảnh cá nhân trên báo chí không ít và số người lên tiếng không nhiều, một số biết được khó khăn khi phải đương đầu, còn lại nhiều người chưa biết quyền của mình đối với hình ảnh cá nhân, thậm chí họ còn “van xin” người xâm phạm quyền của mình để không bị đăng tải trên báo chí. Tình trạng đó cũng dẫn đến việc phát hiện, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn. Chính cơ quan báo chí đã vào cuộc lên tiếng phê phán nhưng tình trạng đó vẫn chưa cải thiện. Trở lại việc xử lý của cơ quan chức năng, chúng ta dễ dàng nhận thấy mặc dù số vụ xử lý không nhiều nhưng kết quả còn hạn chế, còn nhiều bất cập. Vụ kiện của bà Huỳnh Thị Thu Trang ở Vĩnh Long ra tòa cuối cùng cũng kết thúc bằng việc rút đơn và tòa ra quyết định đình chỉ vụ án. Về xử lý vi phạm hành chính trong 3 năm qua chỉ có 2 vụ xâm phạm quyền của cá nhân đối với hình ảnh được xem xét nhưng chưa có quyết định cuối cùng. 5. Hướng khắc phục             a. Nâng cao nhận thức toàn xã hội về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình để mỗi người biết chủ động bảo vệ khi bị vi phạm đồng thời tạo áp lực dư luận xã hội phê phán hành vi vi phạm nhằm từng bước hạn chế loại hình vi phạm này.             b. Hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng quy định chi tiết, cụ thể hơn và đảm bảo sự thống nhất giữa Bộ luật dân sự và luật chuyên ngành để áp dụng trong thực tiễn được dễ dàng hơn.             c. Cơ quan báo chí, bản thân mỗi nhà báo, phóng viên phải nêu cao vai trò trách nhiệm trước xã hội, trước thân phận con người để thông tin đúng pháp luật và mang tính nhân văn.             d. Hội nhà báo cần tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm báo.             đ. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu về việc sử dụng hình ảnh cá nhân trên báo chí; kiên quyết hơn trong việc xử lý hành vi vi phạm./.