Tháng Tám 12, 2014

THAM LUẬN CỦA PHÓNG VIÊN ẢNH NGUYỄN KHÁNH (BÁO TUỔI TRẺ TP HCM)

Mong muốn của một tay máy trẻ về nghề nghiệp của mình

Trước hết, tôi xin giới thiệu, tôi là Nguyễn Khánh hiện đang công tác tại Báo Tuổi Trẻ TP.Hồ Chí Minh. Tôi xin chân thành cảm ơn ban tổ chức đã mời tôi đến đây để nói hộ suy nghĩ của những bạn trẻ đã, đang và sẽ trở thành hoặc không trở thành phóng viên ảnh trong tương lai. Sở dĩ tôi nói “sẽ trở thành” và “không trở thành” ở đây, bởi lẽ tương lai chúng ta không thể nói trước được. Có người được đào tạo bài bản để trở thành một phóng viên ảnh nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau họ không thể trở thành một phóng viên ảnh và ngược lại. Để chuẩn bị cho bài tham luận của mình tôi cũng đã  đi “thăm hỏi” hai nhóm đối tượng - Một là những người bạn đồng nghiệp dưới 30 tuổi đang là phóng viên ảnh trong một cơ quan báo chí và làm phóng viên ảnh tự do - Hai là những bạn sinh viên đã và đang theo học tại khoa Ảnh báo chí học viện báo chí tuyên truyền (Đây là Trường duy nhất trong cả nước có đào tạo chuyên ngành Ảnh báo chí) Trước khi tôi nói đến cái vấn đề cốt lõi mà ban tổ chức muốn tôi nói trong hội thảo ngày hôm nay đó là : “Mong muốn của một tay máy trẻ về nghề nghiệp của mình” thì cho phép cho tôi hỏi: Theo các anh (chị) và đặc biệt là các bạn trẻ ngồi đây, các bạn thấy Phóng viên ảnh có phải là một công việc ổn định, hấp dẫn đối với các bạn trẻ hay không? Mỗi người sẽ có một câu trả lời cho riêng mình. Nhưng đối với tôi, tôi nghĩ rằng nó chưa thực sự hấp dẫn. Phóng viên ảnh là một công việc “Khắc nghiệt” nó không phải là một thứ gì đó bóng bẩy, hào nhoáng như nhiều người nghĩ. Tôi chỉ muốn nói về ba điều căn cơ nhất. Thứ nhất: cơ hội việc làm sau khi các bạn ra trường là rất hạn hẹp. Phóng viên ảnh là một công việc quan trọng, và tôi không muốn nói thêm vì sao nó quan trọng, vì tôi nghĩ rằng, các anh, các chị ngồi đây, ai cũng hiểu giá trị của ảnh báo chí. Tuy nhiên có một thực tế, phóng viên ảnh là vị trí chiếm một số lượng rất khiêm tốn trong cơ cấu nhân sự trong một tờ báo, thường một tờ báo, PV ảnh khoảng 1 đến 2 người, cá biệt có những cơ quan báo chí có 4 đến 5 phóng viên ảnh. Và thực tế, số định biên PV ảnh trong các tờ báo này đã khá ổn định và cơ hội việc làm cho các bạn trẻ chen chân vào là không cao. Thứ hai: Bạn sẽ phải tự trang bị cho mình những trang thiết bị máy móc để tác nghiệp. Hiện nay, ngoài một số cơ quan báo chí lớn đã trang bị máy móc tác nghiệp cho PV ảnh. Còn lại đa phần, các Phóng viên ảnh phải tự trang bị máy móc thiết bị cho mình và số tiền bỏ ra là không hề nhỏ. Có thể nhiều người cười tôi về vấn đề này, nhưng đối với một sinh viên mới ra trường việc bỏ ra hàng chục triệu để mua một bộ máy ảnh tầm trung là một vấn đề không nhỏ. Thứ ba: tôi tạm gọi là “ứng xử với ảnh báo chí”. Cái ứng xử ở đây là gì, tôi muốn nói về nhuận bút, về cách xử lý bức ảnh trên một tờ báo. Tôi có may mắn hơn bạn bè của mình là được làm việc tại một cơ quan báo chí mà ảnh báo chí nhận được một sự tôn trọng nhất định về cơ chế nhuận bút và cách xử lý ảnh báo chí trên tờ báo. Tuy nhiên không ít người bạn của tôi làm việc trong  một cơ quan báo chí khác luôn than thở về nhuận ảnh còn quá thấp hoặc những bức ảnh vô chủ (có ảnh nhưng không có tên tác giả và không có chú thích ảnh) Tôi nói những điều như trên , không phải là tôi bi quan, chán nản với công việc mình đang theo đuổi. Mà tôi đang nói một thực tế, một thực tế mà nhiều bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ trở thành một phóng viên ảnh cần biết, chúng ta biết không phải để chúng ta né tránh và trốn chạy nó, mà chúng ta biết để chúng ta đối mặt với nó để cố gắng hơn , kiên trì hơn và sáng tạo hơn để khẳng định bản thân mình với nghề nghiệp. Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng trên dưới 100 sinh viên, học viên tốt nghiệp chuyên ngành nhiếp ảnh và ảnh báo chí được ra trường (Khoa Ảnh báo chí học viên báo chí tuyên truyền, và khoa nhiếp ảnh ĐH sân khấu điện ảnh) vậy các bạn trẻ sau khi ra trường họ sẽ làm gì, liệu tất cả họ có thể trở thành một phóng viên ảnh được không? Tôi chưa có một con số chính xác, nhưng nhiều người trong số đó phải chuyển sang làm một phóng viên viết, PV hình… hoặc làm một công việc khác không liên quan đến báo chí. Tôi xin lấy một ví dụ cụ thể, ở lớp K28 Báo ảnh – học viện báo chí tuyên truyền, lớp có 16 sinh viên, sau khi ra trường chỉ có 2 sinh viên tiếp tục theo đuổi công việc tạm gọi là của một phóng viên ảnh, trong đó 1 bạn chụp hình sự kiện cho Bộ Công thương, còn một bạn chụp hình cho tờ báo điện tử Petrotimes. Theo tôi được biết, từ năm 2009 sĩ số của khoa này tăng lên và dao động từ 40 – 50 sinh viên/mỗi khoá. Và bây giờ tôi muốn được gút lại:  “Mong muốn của một tay máy trẻ về nghề nghiệp của mình”. Mong muốn này không phải là của riêng tôi, mà nó còn là mong muốn của những đồng nghiệp của tôi và những bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường và được đào tạo chuyên sâu về “ Ảnh báo chí”. Tôi xin phép được liệt kê sau đây. - Thứ nhất: về đào tạo ảnh báo chí trong nhà trường. Mặc dù tôi không được học chuyên sâu về ảnh báo chí như ở khoa báo ảnh trường Học viện báo chí tuyên truyền, nhưng trong quá trình học tại Khoa Báo chí – truyền thông (ĐH KHXH & NV – ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh báo chí cũng là một kỳ học của tôi. Thầy giáo dậy tôi là một Giảng viên tại HVBCTT, tuy nhiên ấn tượng trong đầu tôi cho đến lúc này chỉ là hình ảnh mà thầy cho chúng tôi xem hình ảnh chân dung của một cô gái quan họ Bắc Ninh  xung quanh là những ven tóc rực sáng… Hay hình ảnh của những ngôi nhà cao tầng tại Trung Quốc được thầy chụp bằng ống kính mắt cá…Đến bây giờ tôi ngẫm lại, nó thuần tuý không phải là những bức ảnh báo chí, nhưng nó lại được đưa vào giảng dậy “ảnh báo chí” cho sinh viên báo chí. Một sinh viên học tập tại Khoa Báo Ảnh – học viện BCTT có nói với tôi, tôi xin trích nguyên văn: “Chúng em muốn được học những cách tư duy ảnh báo chí mới hơn, chứ không phải là những giáo trình và tư duy ảnh cũ tồn tại hàng chục năm nay của TTXVN hay của báo Nhân dân như các Thầy đưa vào trong các bài giảng” - Thứ hai: Chúng tôi mong muốn những nhà quản trị báo chí, lãnh đạo các toàn soạn hãy dang rộng vòng tay và tạo điều kiện hơn nữa cho những PV ảnh trẻ, cái tạo điều kiện ở đây  đó là cơ hội việc làm, hỗ trợ về điều kiện tác nghiệp và quan tâm nhiều hơn nữa đến chế độ đãi ngộ và nhuận bút. Trong điều kiện 10 phút, chắc đó là những gì cơ bản nhất mà tôi muốn nói. Điều cuối cùng tôi chỉ xin nói một điều. Dù Phóng viên ảnh là một công việc khắc nghiệt, vất vả nhưng nếu đi tận cùng với nó bằng tất cả niềm đam mê, bằng sự kiên trì và sự tử tế thì chúng ta sẽ thành công. Tôi xin chân thành cảm ơn!