Tháng Tám 20, 2014

BÁO CÁO ĐỀ DẪN CỦA NHÀ BÁO TRẦN ĐỨC CHÍNH (BÁO NHÀ BÁO VÀ CÔNG LUẬN)

Thưa quý vị đại biểu, khách mời và quý đồng nghiệp! Hội thảo “Tình hình hành hung, cản trở nhà báo đang tác nghiệp” do báo điện tử Công luận tổ chức vào ngày 26/4/2010 đã xới lên một vấn đề rất quan trọng và bức thiết. Đó là, trong quá trình tác nghiệp nhà báo thường phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng thực tế lại đang thiếu những quy định pháp lý để bảo vệ danh dự, tính mạng và tài sản của nhà báo, cũng như là bảo vệ quyền được thu thập thông tin như Luật Báo chí đã quy định. Trong những năm qua, tình hình hành hung, cản trở nhà báo đang tác nghiệp tăng cao về số lượng và ngày càng có những diễn biến phức tạp. Trong khi đó việc xử lý những kẻ côn đồ, vi phạm pháp luật theo pháp luật hình sự lại chiếm một tỷ lệ rất nhỏ và các vụ việc đều đợi kết quả giám định thương tật của nhà báo, nếu đạt 11% trở lên mới khởi tố theo Điều 104 Bộ Luật Hình sự về tội Cố ý gây thương tích. Tại Hội thảo trên, các tham luận đều nhất trí cho rằng báo chí là một bộ phận quan trọng của cách mạng Việt Nam, các cơ quan báo chí Việt Nam là cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội; ở Việt Nam không có báo chí tư nhân. Luật Báo chí của Việt Nam đã quy định trách nhiệm bảo hộ của Nhà nước đối với hoạt động tác nghiệp của nhà báo. Nhà báo là những người thực hiện trách nhiệm tuyên truyền chủ trươdng, đường lối của Đảng, Nhà nước và công việc của nhà báo khi được tòa soạn giao không khác gì nhiệm vụ các Đảng viên, công chức. Từ những thực tế trên, Hội thảo “Tình hình hành hung, cản trở nhà báo đang tác nghiệp” đã thống nhất đề xuất với các ban ngành chức năng, nhằm hình thành một cơ chế, hướng dẫn cụ thể để xử lý đối với hành vi hành hung, cản trở nhà báo đang tác nghiệp. Cụ thể là hành vi hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp cần được đưa về xử lý theo điều 257 Bộ Luật Hình sự (Tội chống người thi hành công vụ), hoặc không cần đợi giám định thương tích đạt đủ 11% mà khởi tố theo điều 104 theo tình tiết “do yếu tố công vụ của nạn nhân”. Sau hội thảo nói trên, Ban Tổ chức rất cảm kích trước ý kiến ủng hộ của đông đảo những đại biểu tham dự hội thảo cũng như khoảng 100 bài viết trên hệ thống thông tin đại chúng. Thưa các vị đại biểu! Trong khi chờ các cơ quan liên quan đưa ra được một chính sách hữu hiệu để bảo vệ nhà báo tác nghiệp như những gì Hội thảo ngày 26/4 đề xuất thì những vụ hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp vẫn liên tiếp xảy ra. Ba tháng qua đã xảy ra ít nhất 8 vụ việc cản trở, đe doạ, xúc phạm, hành hung nhà báo mà chúng tôi thống kê được: 1- Sáng 6/5, Tòa soạn báo Bình Dương nhận được thông tin về một xác chết ở ngã tư Đoàn Địa chất 802, thuộc KP7, P.Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một. Tòa soạn cử phóng viên Lê Quang Tám đến hiện trường để xử lý vụ việc. Tại đây sau khi chụp ảnh, nắm thông tin, anh Tám bị một người mặc sắc phục công an, yêu cầu anh Tám xuất trình thẻ nhà báo. Khi PV Quang Tám trình thẻ thì người này giữ luôn, mà không lập biên bản. 2- Cũng tại Bình Dương, lúc 18 giờ ngày 15/5, anh Hồ Văn Út, PV báo Bình Dương, đứng trước nhà số 68/4 Phạm Văn Chiêu (phường 14, Gò Vấp, TP.HCM). Khi thấy công nhân Công ty Huê Phong tan ca, anh Út lấy máy ảnh ra chụp vài kiểu làm tư liệu. Bất ngờ, bà Trần Thị Vân, chủ quán cà phê Cây Me (đối diện nhà 68/4) lao đến cầm đá, ngang nhiên đập vào đầu anh vì cho rằng anh Út chụp ảnh quán của mình. Tiếp đó, nhiều người từ trong quán này cũng ào tới hành hung anh Út. Bị tấn công bất ngờ, anh Út gục ngay xuống đường, sau đó được người dân chở vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ đã khâu 5 mũi vết thương trên đầu anh Út. 3- Ngày 31/5/2010, nhóm PV của báo Công an Tp.HCM về tận nơi xảy ra vụ việc (xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng, Long An) để thực hiện bài viết về nghi án em Ngô Thị Bé Hiệp bị ông hàng xóm quăng vào đống rơm đang cháy, khiến em bị bỏng rất nặng. 14 giờ 15 cùng ngày, khi nhóm PV lên xe ra về thì bỗng có một người đàn ông điều khiển xe Wave BKS: 62H4-9088 xuất hiện ngay trước ôtô của nhóm công tác, vừa lạng lách vừa quay lại nhìn đầy khiêu khích. Tới một cây cầu độc đạo, anh ta bỗng phanh gấp, chặn ngay đầu xe của nhóm PV. Sau đó, anh ta cởi áo khoác, rồi từ từ mở cốp xe. Gương mặt hằn học, anh ta không ngừng chửi PV bằng những lời lẽ hết sức vô văn hóa. Anh ta lấy từ trong cốp xe ra một chiếc còng số 8, đồng thời giơ ra phía trước cho nhóm PV nhìn thấy, rồi đặt ngay lên đầu ôtô để hù dọa. 4- Khoảng 1giờ sáng ngày 25/6, đoàn kiểm tra liên ngành của TP.HCM tiến hành kiểm tra nhà hàng Bóng Trăng Shadow. Bỗng một người khách nước ngoài mặt đỏ gay xông đến giật máy ảnh và định hành hung PV Đỗ Hưng (báo Công an nhân dân)… Chưa dừng lại ở đó, tại cửa ra vào nhà hàng, trong khi các phóng viên đang tác nghiệp đã bị một số người lạ lấy hung khí giấu trong cốp xe hơi lao đến hành hung, bảo vệ nhà hàng phải chạy đến can ngăn và lực lượng kiểm tra buộc phải cầu cứu cảnh sát 113. 5- Sáng 4/7, Nguyễn Thành, PV báo Tiền Phong tại miền Trung – văn phòng Đà Nẵng cùng 1 PV của báo Quảng Nam đến thôn Phú Mỹ, xã Tam Phước (huyện Phú Ninh – Quảng Nam) tác nghiệp về vụ hai người tâm thần đập phá nhiều nhà dân tối 3/7. PV Nguyễn Thành đã đưa giấy giới thiệu của cơ quan và chụp ảnh khống chế đối tượng đã bị thượng sĩ Lê Anh Việt (Công an huyện Phú Ninh) chạy đến giật máy ảnh, chửi mắng. Một số người mặc thường phục chạy tới bẻ quặt tay anh Thành ra sau, xách áo, túm gót đẩy lên xe ôtô ngồi cùng với 2 người tâm thần về trụ sở. Anh Thanh kiên quyết không lên xe. Tuy nhiên, công an vẫn nhất quyết không thả phóng viên, mà yêu cầu về trụ sở UBND xã. Tại UBND xã Tam Phước, PV Nguyễn Thành yêu cầu được lập biên bản sự việc, nhưng yêu cầu trên không được thực hiện. Thượng sỹ Công an này lại tiếp tục đưa 2 PV về công an huyện “làm việc”. 6- Sáng 5/7, trong lúc tác nghiệp chụp ảnh đám cháy và tìm hiểu thông tin, phóng viên Nguyễn Văn Thắng, báo điện tử Tamnhin.net đã bị bảo vệ siêu thị Big C Thăng Long (Cầu Giấy, Hà Nội) bắt giữ và đem vào phòng chờ phía bên trong siêu thị. Anh Thắng bị bảo vệ siêu thị bắt giữ khoảng 15 phút và yêu cầu xóa những ảnh anh đã chụp tại hiện trường đám cháy. 7- Chỉ cách đây ít ngày, báo chí đã đưa tin về việc có một âm mưu trả thù đối với nhà báo Ngô Mai Phong mà chủ mưu là những lực lượng tội phạm liên quan đến vụ án than Mạo Khê, Quảng Ninh hồi đầu năm nay với nội dung là doạ giết. Hôm nay chúng tôi cũng mời anh đến dự. 8- Mới nhất, sau khi phản ánh tình trạng chặt rừng thông để lấy đất xây dựng biệt thự và sân golf tại di tích thắng cảnh quốc gia hồ Tuyền Lâm, chiều 28/7, phóng viên Hà Phan thuộc Cơ quan đại diện báo Tiền Phong tại thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được nhiều tin nhắn đe dọa tính mạng vào máy điện thoại di động. Cụ thể, lúc 13 giờ 16 phút chiều, hai tin nhắn liên tiếp đã được gửi vào máy di động của phóng viên này với nội dung: “Mày còn viết gì về Lâm Đồng nữa thì tụi tao sẽ xử cả nhà mày nhé Hà Phan. Đừng nghĩ tao không dám xử mày và vợ con mày.” Báo Tiền Phong cũng đã có văn bản gửi Tổng Cục cảnh sát, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng và Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các cơ quan này có biện pháp thích hợp để bảo vệ phóng viên Hà Phan cùng gia đình. Thưa các vị đại biểu! Những sự kiện nhức nhối trên diễn ra trước thềm Đại hội toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng xâm phạm hoạt động của nhà báo. Vì lẽ đó, hôm nay một lần nữa báo điện tử Công luận gặp lại các vị để cùng nhau bàn thảo một vấn đề: Các PV, nhà báo cần chủ động có những biện pháp đối phó với những hành vi hành hung, cản trở công việc tác nghiệp của mình. Có một thực tế là, làm báo là làm nghề nguy hiểm nhưng cho đến nay kỹ năng phòng tránh, chủ động đối phó với hiểm nguy vẫn chưa được các trường dạy báo chí đào tạo cho sinh viên, các tòa soạn và chính những nhà báo cũng chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Mặt khác, nhà báo thường tác nghiệp độc lập nên nghề báo cũng rất cần được trang bị những kỹ năng đảm bảo an toàn cho chính mình trước khi nhận được sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, từ tòa soạn. Hội thảo hôm nay nhằm trao đổi, làm rõ hơn một số vấn đề xung quanh hoạt động tại điểm nóng của nhà báo. Đó là những vấn đề như: Có phải nhà trường mới dạy sinh viên báo chí điều tra như thế nào chứ chưa dạy đi làm điều tra như thế nào? Nhà báo gặp khó khăn như thế nào khi bị cản trở hành hung? Kinh nghiệm tác nghiệp ở điểm nóng qua một số tình huống cụ thể? Những kỹ năng tác nghiệp trong hoạt động điều tra? Cách xử lý của tòa soạn trong trường hợp PV bị hành hung? Những biện pháp nghiệp vụ trong khi tác nghiệp của nhà báo được xã hội nhìn nhận, đánh giá như thế nào?… Buổi hội thảo này mang tính chất một buổi tọa đàm, qua đó chúng ta cùng nhau trao đổi về những vấn đề có vẻ mang tính “hậu trường” nhưng cũng rất sâu, rất cần thiết và có thể nói cũng là những vấn đề về nghiệp vụ của công việc làm báo. Hy vọng rằng từ sau Hội thảo này sẽ có thêm một số bài học, có thêm những kinh nghiệm hay trong tác nghiệp và nó sẽ được phổ biến đến đông đảo các PV, nhà báo nhằm bớt đi những rủi ro, nguy hiểm trong hoạt động tác nghiệp của họ; từ đó báo chí sẽ hoàn thành tốt hơn những chức năng, nhiệm vụ cao cả của mình. Xin trân trọng cảm ơn!./.