Tháng Tám 20, 2014

BÁO CÁO KẾT QUẢ HỘI THẢO (BAN BIÊN TẬP BÁO NHÀ BÁO & CÔNG LUẬN)

Báo cáo kết quả Hội thảo “Tình hình hành hung, cản trở nhà báo đang tác nghiệp” Kính gửi Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam Thực hiện chức năng nhiệm vụ của Báo Nhà báo & Công luận, căn cứ vào báo cáo của Ban kiểm tra và tình hình thực tế, ngày 26/4/2010, Báo Nhà báo & Công luận đã tổ chức Hội thảo khoa học về chủ đề hành hung, cản trở nhà báo đang tác nghiệp. I/ Kết quả Hội thảo Tham dự Hội thảo, về phía các cơ quan chức năng có đại diện Văn phòng Quốc hội, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm- C14 Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Cục An ninh truyền thông- Tổng cục An ninh II Bộ Công an, các luật sư thuộc Đoàn luật sư Hà Nội. Về phía các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí có đại diện lãnh đạo Vụ Báo chí- Xuất bản Ban Tuyên giáo TW, Thanh tra Bộ TTTT, các Cơ quan báo đài như TTXVN, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Nhân dân, Hà nội mới, Lao động, Thanh niên, Tuổi trẻ, Người Lao động, Sài gòn giải phóng, Quân đội nhân dân, Pháp luật TP.HCM, VietnamNews, Đại đoàn kết, Dân trí, Tiền phong, Vietnam Plus, An ninh thủ đô, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình VTC, Đài truyền hình Hà Nội… Báo cáo đề dẫn của Báo Nhà báo & Công luận, dựa theo báo cáo của Ban kiểm tra Hội Nhà báo VN thể hiện tình trạng hành hung, cản trở nhà báo đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là từ thời điểm 1/1/2010 đến ngày diễn ra Hội thảo thống kê được là 8 vụ, trong đó có những vụ chấn động dư luận như PV báo Người lao động bị đánh tại Lạng Sơn. Tại Hội thảo đại diện báo Người lao động và Đại diện Đài truyền thanh Buôn Đôn đã trình bày cụ thể vụ việc hành hung, đe dọa tính mạng đối với họ khi đang tác nghiệp. Các ý kiến tham luận của đại diện ban, bộ, ngành…đã phân tích, làm rõ và thống nhất được 2 nhóm vấn đề quan trọng: - Các ý kiến đều đồng thuận cho rằng nhà báo đang tác nghiệp công khai là người thực thi công vụ. - Tiền lệ vận dụng pháp luật của các cơ quan tư pháp khi xử lý các vụ hành hung nhà báo theo tội danh cố ý gây thương tích (điều 104 BLHS) trong đó thương tích đến 11% mới khởi tố là chưa thỏa đáng, gây thiệt thòi kéo dài cho các nhà báo. Vì vậy đa số các ý kiến tại Hội thảo đều thống nhất kiến nghị BTC Hội thảo báo cáo với Thường vụ Hội Nhà báo VN thực hiện Điều 16 Luật Báo chí, phát huy chức năng bảo vệ Hội viên, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền một cơ chế bảo vệ nhà báo hữu hiệu hơn. II/ Tác động của Hội thảo Ngoài những quan điểm đã nhất trí tại Hội thảo, dư luận báo chí đồng loạt hưởng ứng bằng việc tường thuật chi tiết nội dung Hội thảo, giật tít lớn trên trang nhất, trang chủ, chương trình thời sự của Đài truyền hình, Đài TNVN. Theo thống kê chưa đầy đủ có khoảng hơn 50 bài của các tác giả khác nhau đề cập sâu đến nội dung Hội thảo, và đây là đề tài được người dân chú ý nhiều nhất trong khoảng thời gian trên. Tại Hội nghị Báo chí toàn quốc ngày 5/5/2010 do Ban Tuyên giáo TW tổ chức, đề tài này một lần nữa được lãnh đạo Bộ TTTT, lãnh đạo Hội Nhà báo VN đề cập và được các báo nêu ra khi đưa tin về Hội nghị. Bản thân Ban biên tập báo Nhà báo & Công luận nhận được nhiều ý kiến phản hồi, hưởng ứng, khen ngợi và đề nghị tờ báo của Hội tiếp tục có những hành động hiệu quả hơn để bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo. III/ Kiến nghị Xét thấy việc tác nghiệp công khai của nhà báo, ngoài tính chất công vụ (như ý kiến thống nhất tại Hội thảo) còn cần một thiết chế bảo vệ, đảm bảo cho công việc của nhà báo được diễn ra một cách liên tục, không gián đoạn. Xét thấy điều 257 BLHS về tội danh chống người thi hành công vụ có đủ điều kiện thỏa mãn các yêu cầu bảo vệ công việc của NB, như có thể trấn áp ngay hành vi hành hung, cản trở nhà báo, có thể áp dụng các biện pháp tố tụng để truy tìm thủ phạm, răn đe những đối tượng muốn cản trở công việc thu thập thông tin của nhà báo. Căn cứ vào kết quả Hội thảo Căn cứ vào thực trạng hành hung, cản trở nhà báo và việc vận dụng pháp luật của các cơ quan tư pháp Căn cứ chức năng nhiệm vụ của Báo Nhà báo & Công luận Ban biên tập kính đề nghị 1/ Về lâu dài, Hội Nhà báo Việt Nam cần kiến nghị với các cơ quan chức năng lập pháp xác lập 1 tội danh riêng về hành hung, cản trở nhà báo trong Bộ luật hình sự như thông lệ nhiều quốc gia. 2/ Trước mắt do Bộ luật hình sự mới sửa năm 2009, tình trạng hành hung, cản trở nhà báo thì lại diễn biến phức tạp, Hội Nhà báo Việt Nam cần kiến nghị Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC ra thông tư liên tịch theo một trong hai hướng: a/ Hướng dẫn xử lý tội phạm hành hung nhà báo theo điều 104 BLHS (tội cố ý gây thương tích) theo hướng không cần xác lập tỷ lệ thương tật đến 11% mà áp dụng ngay tình tiết “liên quan đến công vụ của nạn nhân” để khi có hành vi tấn công có thể khởi tố ngay vụ án, khởi tố bị can. b/ Hướng dẫn xử lý tội phạm hành hung, cản trở nhà báo theo điều 257 Bộ luật hình sự (tội chống người thi hành công vụ) theo hướng khi xuất hiện hành vi cản trở, đe dọa dùng vũ lực đối với nhà báo đang tác nghiệp là có thể khởi tố điều tra. 3/ Những kiến nghị nói trên nên làm vào thời điểm tốt nhất là trước ngày kỷ niệm 85 năm Báo chí Cách mạng VN 21/6/2010 tới đây. Kính đề nghị các đồng chí xem xét, cho ý kiến. Xin chân thành cảm ơn!  

Hà nội, tháng 5/2010

TM Ban biên tập

Trần Đức Chính