Tháng Mười 10, 2012

HỘI THẢO TIẾP THU Ý KIẾN ĐÓNG GÓP CHO BỘ QUY TRÌNH HƯỚNG DẪN XỬ LÝ HÀNH CHÍNH HÀNH VI CẢN TRỞ TÁC NGHIỆP BÁO CHÍ (8/10/2012)

Sáng 8/10/2012, tại Đắk Lắk, trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ tác nghiệp báo chí”, RED phối hợp với Sở TTTT Đắk Lắk tổ chức buổi Hội thảo tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng Bộ quy trình hướng dẫn xử lý hành chính hành vi cản trở tác nghiệp báo chí, tham dự có đại diện Bộ TTTT, đại diện lãnh đạo các Sở, ngành có liên quan cùng các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên của các báo Trung ương, địa phương đóng trên địa bàn 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai.

Tại Hội thảo, ông Trần Nhật Minh, Giám đốc RED, đã trình bày báo cáo về việc tăng cường thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ tác nghiệp báo chí. Trong đó nêu lên thực trạng cản trở nhà báo tác nghiệp đã và đang diễn ra trong cuộc sống, đặc biệt có nhiều trường hợp rất nghiêm trọng gây bức xúc dư luận xã hội. Tuy nhiên kết quả xử lý các hành vi cản trở nhà báo lại không tương xứng với mong muốn của các cơ quan quản lý, chỉ đạo báo chí, của chính giới báo chí cũng như của các tầng lớp nhân dân.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nói trên, ông Lê Đình Hoan, Phó Giám đốc, Chánh thanh tra Sở TTTT Đắk Lắk, đã  giới thiệu với hội nghị các nội dung chính của Bộ quy trình hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính các hành vi cản trở tác nghiệp báo chí.

Theo đó dự thảo Bộ quy trình gồm 7 bước cơ bản:

-        Tiếp nhận thông tin (từ nguồn tin và chủ thể cung cấp thông tin)

-        Xử lý thông tin

-        Thụ lý vụ việc

-        Xử lý vụ việc

-        Giám sát việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

-        Giải quyết khiếu nại, tố cáo và khởi kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính

-        Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Dành cho 6 bên liên quan:

-        Thanh tra Sở TTTT

-        Công an địa phương

-        UBND địa phương các cấp

-        Phóng viên, nhà báo

-        Cơ quan báo chí (tòa soạn/ VPĐD)

Hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao bản dự thảo, đồng thời đóng góp một số ý kiến nhằm hoàn thiện Bộ quy trình như: cần xác định rõ hành vi vi phạm hành chính trong cản trở tác nghiệp của nhà báo, trên cơ sở đó sẽ xác định mức xử phạt và cơ quan có thẩm quyền xử phạt; cần chọn ra một tiêu đề chuẩn cho cả Bộ quy trình; phải làm rõ hơn tính cấp thiết cần phải xây dựng Bộ quy trình trong hoạt động báo chí, trên cơ sở bản dự thảo đã nêu cần tập trung phân tích sâu và rộng hơn các hành vi cản trở tác nghiệp báo chí trong thực tế; cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các cơ quan, đoàn thể, đến từng cơ sở về hoạt động của báo chí, nhằm tạo sự hỗ trợ hài hòa, đồng thuận của các cấp, các ngành, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà báo tác nghiệp.