Tháng Tám 20, 2014

THAM LUẬN CỦA TS ĐỖ CẢNH THÌN (TẠP CHÍ CẢNH SÁT PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM)

PHÒNG NGỪA HÀNH VI CHỐNG LẠI NHÀ BÁO KHI TÁC NGHIỆP- TỪ GÓC ĐỘ PHÁP LÝ VÀ THỰC TIỄN Kính thưa nhà báo Trần Đức Chính, TBT Nhà báo & Công luận! Kính thưa tất cả các quý vị đại biểu, thưa các bạn đồng nghiệp! Tôi rất cảm ơn BTC đã cho tôi phát biểu tham luận tại hội thảo này. Tôi chỉ xin trao đổi ở một góc độ nhỏ, có tính chất tham khảo. Vấn đề chúng ta muốn nói ở đây là làm thế nào để các nhà báo giảm bớt được rủi ro khi tác nghiệp, đảm bảo kỷ cương pháp luật trên mọi phương diện trong đó có trường hợp tác nghiệp của nhà báo trong tình huống nóng. Theo số liệu thống kê chúng tôi có được thì trung bình 5 năm trở lại đây, mỗi năm có từ 400 – 500 vụ hành hung làm chết từ 15 – 20 người và bị thương từ 900 – 1000 người. Đây là con số lớn, đáng phải bàn. Thời gian gần đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng thì số người thi hành công vụ bị chống đối có không ít người thuộc lực lượng CAND, có người thuộc cơ quan kiểm lâm, thuế vụi, hải quan, giao thông công chính và cũng không ít người là nhà báo đang tác nghiệp. Hôm nay, tôi cũng được nghe các anh nói nhiều về điểm nóng, tôi cũng đã nghiên cứu nhiều về việc các phóng viên tác nghiệp ở các điểm nóng. Bản thân tôi nhận thấy ở đó tập trung rất nhiều những mâu thuẫn về quyền lợi dẫn đến hành vi chống người thi hành công vụ mà trong đó có các nhà báo đang tác nghiệp. Đây là một đề tài hay và sâu mà nếu có thời gian chúng ta sẽ nghiên cứu tới. Các anh chị đã chia sẻ là khi nhà báo xuất hiện tại các điểm nóng thì dường như nó xuất hiện nhiều tác nhân mới tác động đến việc tạo ra biến động dẫn đến hành vi chống lại các nhà báo. Tôi nghĩ đấy cũng là điều khiến nhà báo cần lưu ý hơn khi tác nghiệp. Ở tại điểm nóng, không những xuất hiện hành vi chống lại người thi hành công vụ trong đó có hành vi chống lại nhà báo mà còn xuất hiện nhiều hành vi tội phạm như: làm nhục người khác, bắt giữ người trái pháp luật, giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự xã hội hoặc đe dọa giết người… Khi nhà báo xuất hiện ở điểm nóng, có thể là nóng về an ninh trật tự, có thể là xung đột mâu thuẫn, tức là chúng ta sẽ đối mặt với nhiều hành vi tội phạm có thể gây ra mà chúng ta không thể chủ quan được. Hiện nay chúng ta đang đề cập nhiều đến là thu giữ máy ảnh, phương tiện làm việc, bất hợp tác, chửi bới, đe dọa mà chúng ta chưa lường đến việc chúng ta có thể bị đánh đập, bị làm nhục… Tôi nghĩ, đấy là những vấn đề mà chúng ta phải tính đến. Trong quá trình chống lại các nhà báo thì có nhiều nguyên nhân mà chúng ta phải đề cập đến. Ở hội thảo này, các bạn cũng đã đề cập đến nhiều, song tôi muốn nói đến một nguyên nhân sâu xa, mang tính chất khoa học, về cơ chế chính sách, tâm lý xã hội, nhận thức xã hội, phong tục tập quán… Tuy nhiên không có thời gian nên tôi chỉ đề cập đến một vài nguyên nhân lớn. Trước hết, đó là mâu thuẫn trong nội tại tại thời điểm đó khi nhà báo xuất hiện để giải quyết vấn đề này thì một là do tâm lý của các đối tượng muốn được bảo vệ mình và quyền lợi của mình, được nhà báo đứng về phía mình (hoặc không đứng về phía mình) cho nên dẫn đến hành vi chống lại nhà báo. Hai là trình độ hiểu biết, nhận thức về pháp luật của người dân ở ngay địa bàn đó. Khi chúng ta xuất hiện do người dân ở đó thiếu hiểu biết dẫn đến hiện tượng chống lại nhà báo thi hành công vụ mà họ không biết rằng tất cả những hành vi đó đều là hành vi vi phạm pháp luật. Ba là mâu thuẫn nội tại của cơ sở địa phương: chính quyền địa phương giải quyết mâu thuẫn không đạt yêu cầu, không thấu tình đạt lý làm cho xung đột nâng cao. Và khi nhà báo đến thì đó là cái cớ, cái neo để người dân giữ lại, bám lại và khi không được thỏa mãn thì họ chống lại. Bên cạnh đó thì phải nói rằng những cơ quan có người chống lại nhà báo cũng chưa khẳng định rõ với họ rằng đó là hành vi chống người thi hành công vụ. Và thực tế, theo tôi việc chống lại nhà báo còn tiềm ẩn những nguy cơ gây rối trật tự an toàn, ảnh hưởng đến an ninh khu vực, sức khỏe, tài sản của người dân. Và cá biệt trong nhiều trường hợp, việc chống lại nhà báo còn là cơ hội để các thế lực thù địch kích động lôi kéo nhiều người tham gia và có thể dẫn tới xung đột chính trị, gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Tôi xin chia sẻ một vài điều mong các bạn đồng nghiệp lưu ý, nếu chúng ta không xử lý tốt thì sẽ bị những kẻ xấu lợi dụng gây ra nhiều điểm nóng khác. Vấn đề chúng ta đặt ra là nhà báo làm thế nào để không bị tấn công và nếu nhà báo bị tấn công mà tấn công lại có được không? Thực ra, mình có quyền tự vệ, đó là hành vi hợp pháp, điều 14, điều 15 Bộ luật Hình sự đã xác định hành vi phòng vệ chính đáng, đó là hành vi bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Phòng vệ chính đáng không bị coi là tội phạm. Nhưng khoản 2, điều 15 cũng quy định nếu hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, vượt quá giới hạn cho phép, người có hành vi vượt quá phòng vệ chính đáng thì sẽ vi phạm pháp luật. Như vậy anh có quyền chống lại để phòng vệ và bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, có thể dùng vũ lực khi cần thiết nhưng nếu vượt quá phạm vi ấy lại không được. Nhà báo cũng là một công dân và có quyền được bảo vệ. Nhưng nhà báo cũng phải có kiến thức pháp luật để định lượng được hành vi phòng vệ của mình ở mức độ nào để không vi phạm pháp luật. Như vậy, trong cái phòng vệ chính đáng thì nhà báo có quyền nhưng đừng quá phạm vi cần thiết. Điều tôi muốn đề cập là trong tâm lý chống người thi hành công vụ mà lâu nay xã hội lên án trong đó có chống lại nhà báo. Về phía những người thi hành công vụ thì đôi khi hành vi nhận thức, hiểu biết của mình cũng chính là một tác nhân dẫn đến hành vi người dân chống lại. Tôi muốn nói đến năng lực của người làm báo, nếu anh không nắm vững được tính chất sự việc, phong tục tập quán, trình độ hiểu biết, kiến thức pháp luật của anh bị hạn chế dẫn đến có hành vi, thái độ, lời nói, việc làm tạo bức xúc cho người dân thì cũng dễ gây ra hành vi chống lại người thi hành công vụ. Tôi cho rằng ngày nay có rất nhiều nhà báo hiểu về kiến thức pháp luật nhưng thực tế lỗ hổng kiến thức pháp luật trong phần đông các nhà báo vẫn còn rất lớn. Tôi không có ý chê hay phê bình nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận công bằng. Chúng ta đi vào điểm nóng mà không tìm hiểu sâu pháp luật thì cũng dễ tạo ra hành vi phản kháng. Cho nên ngoài ăn mặc, tâm thế.. cũng phải bổ sung kiến thức pháp luật để có thái độ đúng mức và phong cách tiếp cận hợp lý. Đôi khi chúng ta cũng phải cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng bạn, nhất là cơ quan công an trước khi chúng ta dấn thân vào điểm nóng Tôi không có điều kiện nghiên cứu sâu, với tư cách người đồng nghiệp, tôi xin chia sẻ một vài ý kiến như vậy. Xin chân thành cảm ơn!