Tháng Tám 20, 2014

THAM LUẬN CỦA LUẬT SƯ TRẦN ĐÌNH TRIỂN (TRƯỞNG VP LUẬT SƯ VÌ DÂN)

HOÀN THIỆN VÀ THỰC THI PHÁP LUẬT NHẰM BẢO HỘ HOẠT ĐỘNG NGHỀ NGHIỆP CỦA NHÀ BÁO

Nhà nước và  nhân dân ta đánh giá rất cao vai trò của báo chí. Báo chí là lực lượng nòng cốt trong cuộc cách mạng tư tưởng- văn hóa, nâng cao dân trí, đấu tranh phòng chống tiêu cực, thể hiện quyền lực xã hội…Điều đó được khẳng định tại Điều 1 Luật Báo chí: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, Cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân”.

Quyền và nghĩa vụ của báo chí và nhà báo cũng đã được thể hiện đầy đủ và  rõ ràng trong Luật Báo chí: “ Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động” (Điều 2 – Luật Báo chí). Nhà báo: “ Được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. (Điều 15-Luật Báo chí).

Tuy vậy, trong thời gian qua hoạt động tác nghiệp của cá nhà  báo chưa thực sự “ thuận buồm xuôi gió” bởi một số cản trở sau đây:

- Bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, tinh thần;

- Đe dọa, ngăn cản, xúc phạm danh dự;

- Phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu;

- Từ chối hoặc tìm mọi cách cản trở, trốn tránh việc cung cấp tư  liệu, tài liệu, tiếp xúc…

Để chứng minh cho những kết luận nêu trên, chúng tôi xin dẫn chứng: Tại Điều 8 Nghị đinh số 51/2001/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, đã quy định rất cụ thể như: Nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo, nhưng không ít cơ quan, cá nhân yêu cầu nhà báo phải có giấy giới thiệu của Cơ quan Báo chí; Được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với Thẩm phán, Luật sư, để lấy thông tin, phỏng vấn theo quy định của Pháp luật…”. Nhưng thực tế không phải như vậy, tại hầu hết các phiên tòa, nhà báo không dễ dàng hoạt động, bị ngăn cấm, gây khó dễ và mấy khi nhà báo được Thẩm phán xét xử vụ án trả lời phỏng vấn?

Tình trạng trên không suy giảm mà có xu hướng càng ngày càng tăng, nguyên nhân chính là:

Thứ nhất: Các văn bản luật còn mang nặng nguyên tắc chung, không đồng bộ, thiếu những văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể vì vậy trong thực tiễn áp dụng thiếu thống nhất.

Thứ hai: Việc xử lý vi phạm thiếu kịp thời, không chuẩn xác và thiếu nghiêm minh; dẫn đến việc coi thường pháp luật từ phía người vi phạm và ngay chính cả ở một vài cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Thứ ba: Dân trí còn thấp, hiểu biết pháp luật chưa cao, cứ làm mà  không biết đúng hay sai; dễ bị lôi kéo, kích động…

Thứ tư: Vai trò  của Cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, Cơ quan chủ quản báo chí, Hội Nhà báo, Ban biên tập các báo chí…, có nơi, có lúc, có  vụ việc chưa thể hiện đúng vai trò trách nhiệm của mình để tham mưu, có ý kiến đúng mức với Cơ quan có thẩm quyền nhằm xử lý đúng, triệt để và nghiêm minh.

Thứ năm: Cũng cần thẳng thắn đánh giá, không ít những nhà  báo trình độ năng lực tác nghiệp còn non, thiếu kinh nghiệm, xử lý tình huống thiếu chuẩn xác có khi làm cho vụ việc nhỏ xé ra to; cũng có những vụ việc xảy ra do chính lỗi của nhà báo. Đồng thời tính cạnh tranh về thông tin, vai trò, vị  trí của từng tờ báo đã xâm lấn vào tính đoàn kết, tính truyền thống “ Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” của đội ngũ nhà báo… góp phần làm suy giảm sự đồng thanh bảo vệ nhau khi có sự việc vi phạm pháp luật xảy ra với nhà báo.

Trong phạm vi bài tham luận này, chúng tôi không có tham vọng trao đổi, bàn luận tất cả các giải pháp mà chỉ tập trung nêu một số vấn đề xử lý cá nhân vi phạm với nhà báo khi tác nghiệp.

Nguyên tắc xử  lý vi phạm trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta là:  Tùy theo từng tính chất mức độ vi phạm mà xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Từ đó, chúng ta soi xét xem, pháp luật thực định đã toàn diện, bao quát chưa? để thực sự là lá chắn bảo vệ cho nhà báo khi thực thi nhiệm vụ? Cụ thể như sau:

Một là: Đối với những hành vi vi phạm hành chính (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) đối với nhà báo (nói riêng) và báo chí (nói chung) thì cần phải căn cứ Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính; Luật Báo chí để ban hành Nghị định của Chính Phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hoạt động báo chí; cần xuất phát từ nhu cầu thực tiễn để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Bộ Thông tin-Truyền thông là cơ quan tham mưu cho Chính phủ để ban hành và thực thi vấn đề nêu trên.

Hai là: Xử lý  đối với những hành vi có căn cứ, dấu hiệu cần phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm với nhà báo khi tác nghiệp. Đây là vấn đề lâu nay gây nên sự tranh cãi trong việc áp dụng pháp luật để xử lý. Chung quy bởi một số vấn đề sau đây:

- Đối với những hành vi vi phạm mà hậu quả, mối quan hệ  nhân- quả cấu thành vật chất như gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe mà tỉ lệ thương tật từ 11% trở lên thì đương nhiên phải áp dụng Điều 104 Bộ Luật Hình sự (BLHS): “Tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác”. Nếu hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của nhà báo, của báo chí mà gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng hoặc dưới năm trăm ngàn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…, thì bị xử lý theo Điều 143 Bộ Luật Hình sự “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản:. Hai nội dung trên là không phải tranh luận khi áp dụng để xử lý vi phạm.

- Vấn đề là: Nhà báo khi tác nghiệp có được xác định là thi hành công vụ không?

Để xử lý hành vi vi phạm đối với nhà báo khi đang làm nhiệm vụ theo Điều 257 BLHS “Tội chống người thi hành công vụ”; hoặc áp dụng tiết K, khoản 1 Điều 104 BLHS “ Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân” ; hoặc áp dụng tiết đ khoản 2 Điều 143 BLHS “ Vì lý do công vụ của người bị hại”. Nguyên nhân chính của tình trạng trên là pháp  luật của Nhà nước ta chưa nêu khái niệm và chưa quy định cụ thể hoạt động nào là hoạt động “Công vụ” (1). Do vậy, đang tồn tại hai quan niệm:

Quan niệm thứ  nhất: Công vụ là một loại lao động thực hiện chức năng nhiệm vụ của Nhà nước; mang tính quyền lực và pháp lý; được thực hiện bởi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hoạt động công vụ được bảo đảm bằng ngân sách Nhà  nước.

Quan niệm thứ  hai: Do tính đặc thù của Việt Nam; tính chất, vai trò  của Nhà nước pháp quyền – xã hội công dân,….. thì công vụ phải được mở rộng theo quy định về cán bộ, công chức (Luật cán bộ, công chức) đó là hoạt động của các tổ chức chính trị, chính trị- xã hội (như tổ chức Đảng, Mặt trận, Công đoàn, Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Cựu chiến binh…). Chủ thể của hoạt động công vụ không thể chỉ bó hẹp là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước; mà phải bao hàm cả những người  khi được trưng tập điều động, làm nghĩa vụ, trưng dụng…, (như trưng tập để thực hiện giải phóng mặt bằng, hay như mit tinh nhân ngày ngày lễ lớn…). Đặc biệt là những nhiệm vụ mà Nhà nước ủy quyền cho tổ chức, cá nhân thực hiện (xã hội hóa một số chức năng nhiệm vụ của Nhà nước). Đồng thời để đảm bảo sự bình đằng trước pháp luật: đều là nhà báo cùng nhiệm vụ như nhau, nhà báo này lại là công chức được hưởng chế độ công vụ; nhà báo kia không phải là công chức, không được hưởng chế độ công vụ?…

Từ những phân tích trên, chúng tôi đồng tình với quan niệm thứ hai; căn cứ lời nói đầu trong Luật Báo chí:  “ Để phát huy vai trò của báo chí trong sự  nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã  hội chủ nghĩa theo đường lối đổi mới của  Đảng Cộng Sản Việt Nam”; Chức năng nhiệm vụ của Nhà nước về tư tưởng-văn hóa…, thì hoạt động của báo chí là nhiệm vụ do Nhà nước ủy quyền, tác nghiệp của nhà báo được xác định là hoạt động công vụ.

Để áp dụng Pháp lệnh cho thống nhất, trước mắt cần ban hành thông tư liên tịch Bộ Nội Vụ- Bộ Tư Pháp- Bộ lao động và thương binh xã hội quy định về công vụ và người thi hành công vụ. Đúc kết từ thực tiễn để tiến tới sửa đổi Luật cán bộ, công chức đưa vào một chương mục về vấn đề này.

Trên đây là  một số ý kiến tham luận của chúng tôi để Quý vị tham khảo. Xin trân trọng cảm ơn./.