Tháng Tám 12, 2014

THAM LUẬN CỦA NHÀ BÁO ĐÀO TUẤN (BAN THỜI SỰ BÁO LAO ĐỘNG)

Trách nhiệm của nhà báo khi đưa tin, bình luận trên truyền thông xã hội:
Mở blog, thay vì việc phải kiếm tìm cho mình một cái hố

Có hai sự kiện vừa diễn ra liên quan đến chủ đề “truyền thông xã hội và báo chí” chúng ta đang nói tới ngày hôm ngay. Đó là một bản tin trên BBC dưới tựa đề “Truyền thông VN im lặng về biểu tình” và một mẩu tin, còn ngắn hơn, trên Thanh Niên, về sự kiện nhà báo Hồ Thu Hồng – Tổng biên tập tờ Thể thao TP.HCM bị cách chức.

Một trong 3 lý do, theo Thanh Niên, là “kể cả một số việc nhạy cảm khi viết blog gây ảnh hưởng không tốt trong ngành”, tức là trên blog Beo.

Blog, báo chí, và thông tin

Đây là những gì mà BBC đã viết: Một ngày sau khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra ở cả Hà Nội và TP HCM, báo chí trong nước hoàn toàn im hơi lặng tiếng. Hai cuộc biểu tình ở các thành phố lớn nhất Việt Nam có sự tham gia của hàng trăm người, cho dù bị giải tán một cách nhanh chóng. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của truyền thông nước ngoài, với hầu hết các đài báo quốc tế lớn đều có tin, bài. Thế nhưng ngay ở trong nước, không thể tìm thấy một dòng nào về các cuộc biểu tình.

Lòng tự trọng khiến tôi tin những người làm báo ở Việt Nam cảm thấy bị tổn thương. Bởi với bất cứ lý do gì, báo chí đang mặc nhiên coi như không nghe, không biết, không thấy sự kiện người dân xuống đường phản đối Trung Quốc. Nếu báo chí là người chép sử của hiện tại, thì với cách thức chúng ta im lặng ngày hôm nay, 100 năm sau, những thế hệ con cháu sẽ lại gặp những khoảng trống trong lịch sử?

Thực ra có một bản tin của tờ Hà Nội mới, dưới tựa đề: Giải tán vụ việc tập trung đông người, tuần hành trái pháp luật, gây mất trật tự công cộng tại Hà Nội. Bản tin cho biết: Khoảng 9h00 ngày 9-12, một số công dân đã tập trung tại khu vực vỉa hè đuơng Tràng Tiền, trước Nhà Hát lớn TP căng băng rôn, hô khẩu hiệu, gây mất an ninh trật tự. Hành vi này vi phạm Nghị định 38/2005/NĐ-CP và Thông báo của UBND TP về việc về việc bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mặc dù các lực lượng chức năng đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhưng số công dân trên không chấp hành mà tiếp tục tuần hành trên một số tuyến phố Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, cố tình gây mất ANTT. Các lực lượng làm nhiệm vụ đã phải cưỡng chế, đưa một số công dân về Trung tâm lưu trú Lộc Hà để phân loại, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong Trường Báo chí, cũng như tại bất cứ tòa soạn nào, một bản tin phải trả lời được những câu hỏi cơ bản nhất: Ai, Cái gì, ở đâu, tại sao và như thế nào. Đây là một bản tin điển hình về loại tin không có thông tin. Có thể vì có lý do riêng. Và hẳn nhiên không thỏa mãn nhu cầu thông tin của người đọc.

Nhưng nếu như báo chí hoặc im lặng, hoặc đưa ra những bản tin 200 chữ không có thông tin, sẽ càng chỉ khiến bạn đọc tìm đọc những sự kiện đó trên Internet, trên truyền thông xã hội.

Chúng ta thường nghe rất quen tai rằng: Ở VN không có vùng cấm đối với báo chí. Nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp thậm chí còn nói “Chỉ có báo chí ngại không vào mà thành vùng cấm”. Bởi theo ông: “Báo chí, nếu phản ánh đúng, bản thân cái đúng tự bảo vệ mình.”

Có vùng cấm hay không, cấm như thế nào, có lẽ thể hiện ở sự “trắng tin” của báo chí Việt Nam sau sự kiện 9-12 vừa rồi.

Có lẽ nhu cầu mang thông tin đến với công chúng là một trong những lý do lớn nhất khiến nhiều nhà báo mở các trang blog cá nhân, thay vì việc phải kiếm tìm cho mình một cái hố. Cho dù, nói ra thật xấu hổ, Ở sự kiện 9-12, thậm chí, blog của các nhà báo, những người đang có thẻ hành nghề tất nhiên cũng không có thông tin này. Thậm chí, họ không dám tới cả các “khu vực nhạy cảm”.

Theo Thông tư số 07, hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân và Nghị định số 97 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet có các quy phạm hết sức rõ ràng về việc: Blog không thể là báo chí…

Tuy nhiên, trong nhiều sự kiện, mà điển hình là sự kiện 9-12, blog đã thay thế báo chí ngay trong chính vai trò thông tin của mình. Nó bù đắp thông tin cho sự thiếu hụt từ các phương tiện truyền thông trong nước.

Xóa blog hay cách chức

Tháng 9-2008, trong một Hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho rằng nhà báo là người hiểu hơn ai hết những quy định pháp luật về báo chí và truyền thông, vì vậy họ sẽ biết được đâu là ranh giới giữa một trang nhật ký cá nhân (blog) và một trang tin điện tử (website). Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cũng cho rằng mấu chốt để xác định tính “cá nhân” của blog ở chỗ blog có thể đề cập đến những vấn đề hoàn toàn riêng tư hoặc những vấn đề xã hội rộng lớn nhưng dưới góc nhìn cá nhân, nhân danh cá nhân chứ không phải phát ngôn chính thống, đại diện cho một tổ chức, cơ quan nào. Những blog vượt quá thông tin cá nhân là sai quy định.

Thực ra, thế nào là vượt quá thông tin cá nhân rất khó phân định, ngay cả khi các blogger là nhà báo. Bởi hầu hết, các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội đều được các blogger cảm nhận, thông tin bằng cách bày tỏ thái độ cá nhân. Nếu như báo chí có vai trò thông tin đầu nguồn. Thì blog chính là thông tin báo chí và quan điểm cá nhân. Một tờ báo không thể là báo khi mang tính chủ quan trong khi blog thì ngược lại, đưa thông tin theo quan điểm cá nhân, hoặc dẫn thông tin thấy phù hợp với quan điểm cá nhân. Đây bản chất là vấn đề tự do ngôn luận và nhà báo, cũng là một công dân, về nguyên tắc không phải chịu trách nhiệm khi phát biểu quan điểm cá nhân về các vấn đề của xã hội, của đất nước trên blog của  mình.

Hiện nay, hầu hết các entry đều copy paste hoặc tổng hợp, hoặc bình luận thông tin từ báo chính thống dưới góc nhìn cá nhân của họ. Blogger  không có nguồn khai thác tin, ngoài những gì họ thấy. Họ cũng không có chức năng, có quyền điều tra như báo chí. Ngay cả việc đưa một thông tin không đúng, trách nhiệm của họ chỉ một vế là trách nhiệm của công dân trước pháp luật, và rõ ràng, trách nhiệm đó không nặng nề như đối với các nhà báo.

Một ví dụ là hồi giữa năm, trên một blog cá nhân có đưa tin về một quan chức chạy ghế mất một tỷ đồng. Entry này dẫn lời một người dân kiện khẳng định vị quan chức nọ nói với chị ta đã phải chạy chiếc ghế đó mất 1 tỷ đồng. Để thuyết phục người đọc, chủ blog, đã yêu cầu chị dân kiện viết xác nhận, công khai số điện thoại để người đọc có thể kiểm chứng. Tuy nhiên, thông tin này thiếu một điều tối thiểu, mà bất cứ sinh viên trường báo nào cũng sẽ đặt ra: Bằng chứng. Đây có thể coi là một ví dụ kinh điển về việc đưa tin thất thiệt, tin không kiểm chứng, thậm chí, không mảy may trách nhiệm. Không nhà báo nào, dù trong bài viết gửi tòa soạn, hoặc trên blog cá nhân lại tung tin như vậy.

Ngoài lý do bản năng và trách nhiệm nghề nghiệp, mỗi một nhà báo viết blog đang chịu trách nhiệm bằng hai thứ: Kỷ luật hành chính, tại cơ quan, với tổ chức chủ quản, và trách nhiệm trước pháp luật, với tư cách mà một công dân. Đôi khi trách nhiệm trước pháp luật có thể chưa bị xử lý, nhưng kỷ luật hành chính đã được áp dụng. Trường hợp nhà báo Huy Hồ Thu Hồng bị cách chức bởi lý do “một số việc nhạy cảm khi viết blog gây ảnh hưởng không tốt trong ngành” là một ví dụ điển hình. Trong hai entry liên tiếp trên blog của mình, Nhà báo Hồ Thu Hồng đã nói tới việc “xóa blog hay cách chức”. Trong bất cứ trường hợp nào, và vì bất cứ lý do gì, việc xử lý một nhà báo về việc “viết blog”, về “một số việc nhạy cảm”, “gây ảnh hưởng không tốt” rõ ràng là chuyện cưỡng từ đoạt lý. Một công dân viết blog chỉ có thể bị xử lý hình sự hoặc xử phạt hành chính về tội vu khống, thông tin không đúng sự thật. Nhưng một nhà báo thì đôi khi bị xử lý vì đã viết những entry mà một số người cho đó là “nhạy cảm” hoặc “gây ảnh hưởng không tốt”.

Một trong số những nguyên tắc cơ bản của nghề báo là khách quan. Tuy nhiên, đây chắc chắn chỉ là hình thức, bởi mỗi bài báo đều được viết ra, biên tập và quyết định theo quan điểm chủ quan, của tác giả, của BBT. Trong các thể loại báo chí, chỉ có xã luận, bình luận là loại thể trực tiếp thể hiện quan điểm của tờ báo đối với mỗi sự kiện. Trong những trường hợp này, quan điểm, cách nhìn của tác giả nhất thiết phải trùng với quan điểm của tờ báo. Tuy nhiên, đối với các blogger, mọi vấn đề đều được nhìn nhận dưới giác độ cá nhân. Và thứ trách nhiệm mà họ phải trả lời chỉ có thể là “thông tin đó ở đâu ra”, “thông tin đó có đúng không”, chứ không thể bị buộc trả lời câu hỏi: Tại sao lại nghĩ như vậy. Đây có lẽ là điểm cơ bản để phân biệt rủi ro của một nhà báo đối với một blogger.

Sức mạnh và sự phổ biến của truyền thông xã hội

Dan Gillmor, Giám đốc Trung tâm Truyền thông công dân ở Mỹ, đã có một bài viết về sức mạnh của truyền thông xã hội, có đoạn:

Cuối năm 2002, một trong những nghị sĩ quyền lực nhất trong Quốc hội Mỹ đã học được một bài học về sức mạnh của các phương tiện truyền thông mới. Vào bữa tiệc sinh nhật của một người bạn, Thượng Nghị sĩ Trent Lott, thuộc Đảng Cộng hòa bang Mississippi, đã tỏ ra hoài cổ về một giai đoạn quá khứ xấu xa của nước Mỹ – khi mà sự phân biệt chủng tộc là chính sách chính thức của chính quyền tại nhiều bang. Lời phát biểu của ông khi ấy không mấy gây chú ý cho các phương tiện truyền thông đại chúng.

Nhưng một vài nhà báo trên các tạp chí internet mới nổi, được gọi là những nhà báo điện tử, không dễ dàng để tuột mất cơ hội thu hút độc giả. Từ các phe phái chính trị cánh tả và cánh hữu, những nhà báo điện tử này đã lên tiếng bày tỏ sự phản đối. Một vài người trong số họ trực tiếp bày tỏ sự giận dữ của mình đối với các phương tiện truyền thông vì sự không chú ý. Vài ngày sau khi bị các nhà báo điện tử công kích, các hãng truyền thông lớn đã quyết định viết bài về vụ việc này. Chỉ vài ngày sau đó, sự ủng hộ của các đồng nghiệp đối với ông Lott đã suy giảm và cuối cùng, ông này phải rời khỏi vị trí lãnh đạo của mình tại phe Cộng hòa trong Thượng viện.

Vụ việc này là một lời cảnh báo sớm không chỉ cho các chính trị gia, cho các nhân vật nổi tiếng mà còn dành cho cho tất cả mọi người về sức mạnh của truyền thông. Nó đánh dấu một cuộc cách mạng đi lên của truyền thông. Các trang blog xuất hiện trên các phương tiện truyền thông ngày càng có nhiều sức mạnh.

Ở Việt Nam, có ít nhất hai trường hợp báo chí chính thống phải “nói lại cho rõ” trước những thông tin đăng tải trên blog.

Vào tháng 1-2010, Thủ tướng Nhật Hatoyama sử dụng mạng xã hội và mở 1 trang blog chính thức. Entry đầu tiên của ông mở đầu bằng câu: “Tôi bắt đầu dùng blog này như là một bước đầu tiên để khỏa lấp khoảng cách giữa người dân và hoạt động chính trị cũng như cùng nhau thay đổi đất nước này”. Hatoyama cũng đồng thời xin lỗi mọi người về vụ bê bối quỹ chính trị có dính líu đến một cựu trợ lý của ông. Ở Nga, Tổng thống Nga Medvedev cũng viết blog. Và ngay Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng mở blog như một hành động minh họa rằng chính phủ Trung Quốc không hạn chế tự do ngôn luận trong người dùng blog. Sau 24 giờ, số fan hâm mộ của ông đã lên đến hơn 10.000 người, dù blog ông chỉ được mở trên  dịch vụ blog siêu gọn của tờ Nhân dân nhật báo.  Còn ở Mỹ, người đồng sáng lập và chủ tịch tập đoàn Microsoft Bill Gates dành thời gian trả lời trực tuyến các blogger nổi tiếng, trân trọng không kém các nhà báo.

Rõ ràng, với cách nhìn nhận các vấn đề chính trị, xã hội với quan điểm cá nhân, blog là một phần của xã hội dân chủ.

Chúng ta đang nói tới Trách nhiệm của nhà báo khi đưa tin, bình luận trên truyền thông xã hội. Điều này thực ra không khác so với trách nhiệm khi đưa tin, viết bài, bình luận trên báo chí chính thống. Bởi về nguyên tắc, báo chí cũng như blog chỉ phải chịu trách nhiệm trước: Sự thật, chỉ sự thật và chịu trách nhiệm đến cùng trước sự thật. Nhà báo, do đặc thù nghề nghiệp, là người có khả năng tiếp cận thông tin, và sau đó, xử lý để đưa thông tin đến công chúng. Tuy nhiên, theo điều 5 Dự thảo Luật tiếp cận thông tin: Mọi công dân, tổ chức đều bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin. Và: Thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải công khai, minh bạch và kịp thời.

Nếu như Luật tiếp cận thông tin được đưa ra và thông qua tại Quốc hội, và được thi hành nghiêm túc trên thực tế, có lẽ, chúng ta đã không cần phải nói tới chủ đề này khi mà quyền tiếp cận giữa các công dân hành nghề báo chí và không hành nghề báo chí, là bình đẳng./.