Tháng Tám 20, 2014

THAM LUẬN CỦA NHÀ BÁO ĐINH ANH TUẤN (BÁO TIỀN PHONG)

CÁC NHÀ BÁO CẦN LÀM GÌ ĐỂ TỰ VỆ?

Người ta thường nói nghề báo là nghề nguy hiểm. Ngày càng nhiều nhà báo bị cản trở, thậm chí bị hành hung, khi đang tác nghiệp đúng pháp luật. Tôi thiết nghĩ “nhà báo cần làm gì để tự bảo vệ mình” là một đề tài thiết thực.

Bản thân tôi từng suýt bị đánh, bị cướp máy ảnh, khi tôi có mặt tại bãi vàng Bản Ná (Thái Nguyên). Lần khác, tôi bị một gã bặm trợn dọa đánh ngay cổng tòa án huyện Gia Lâm. Gã này được tòa mời đến với tư cách nhân chứng, song trong bài viết của tôi trước đó, nhiều khả năng gã chính là hung thủ.

Tôi cũng được Ban biên tập cử đi tìm hiểu, tham gia viết bài bênh vực một số đồng nghiệp trong tòa báo bị đe dọa, hành hung, chẳng hạn nhà báo Nguyễn Duy Chiến ở Lạng Sơn; nhà báo Võ Minh Châu ở Hà Tĩnh; mới đây là nhà báo Hà Phan ở TP Hồ Chí Minh. Tôi cũng đã có những bài viết bênh vực đồng nghiệp báo bạn, như nhà báo Lan Anh (báo Tuổi trẻ TPHCM), nhà báo Hoàng Dưỡng (Đài truyền thanh Buôn Đôn – Đắk Lắk).

Từ những kinh nghiệm của bản thân và của đồng nghiệp, tôi xin mạnh dạn được nêu ra một số ý kiến để các nhà báo có thể tự bảo vệ mình trong những tình huống nóng.

Khi nhà báo một mình đi vào khu vực dân cửu vạn thường vận chuyển hàng lậu, và nhà báo có tham vọng ghi lại hình ảnh nơi đó, rõ ràng nhà báo đã tham gia vào “tình huống nóng”. “Tình huống nóng” cũng có thể xuất hiện ngay tại tòa soạn, chẳng hạn khi nhà báo phải tiếp người đến khiếu nại chính bài báo do mình là tác giả.

Theo kinh nghiệm của tôi, các tình huống nóng thường xuất hiện khi nhà báo chụp ảnh (trường hợp nhà báo Nguyễn Duy Chiến), hoặc khi nhà báo trở lại nơi mình đã viết bài điều tra, nêu ra những chuyện bất cập, sai trái (nhà báo Võ Minh Châu).

Tôi thấy những nhà báo có kinh nghiệm thường không chủ quan, mà có sự chuẩn bị chu đáo, trước khi đi vào vùng nóng, điểm nóng. Họ nhận thức được, dự cảm được “tình huống nóng” có thể xảy ra với mình. Nói nôm na, họ đánh hơi được sự nguy hiểm, từ đó mới có những chuẩn bị thích hợp.

Nếu dự cảm có thể xảy ra “tình huống nóng”, nhà báo có kinh nghiệm sẽ thông báo trước với Ban biên tập. Khi đó, họ sẽ có được những sự hỗ trợ cần thiết, như được bố trí phương tiện, bố trí phóng viên trong tòa soạn cùng đi. Hoặc ít nhất, họ cũng nhận được những lời khuyên bổ ích, từ những nhà báo đàn anh trong tòa soạn.

Trước khi khi đi vào vùng nóng, điểm nóng, chúng ta đừng quên lấy đầy đủ giấy giới thiệu, công lệnh, mang đi theo người.

Trường hợp không thể có đồng nghiệp trong cơ quan đi cùng, chúng ta có thể rủ thêm các đồng nghiệp báo bạn. Chí ít cũng nên mời một người không phải nhà báo đi cùng. Nếu người đó là luật sư thì tốt, người đó có võ thuật càng tốt. Khi đi hai người hoặc nhiều hơn, chúng ta cần có sự bàn bạc trước, chẳng hạn, ai là người chụp ảnh, khi người này chụp ảnh thì người kia làm gì.

Kín đáo, bí mật là cách để tự bảo vệ mình rất tốt, đây là kinh nghiệm của cá nhân tôi. Cố gắng không để người ta nhận ra mình là nhà báo. Muốn vậy, tôi thường vào vai người trong cuộc, chẳng hạn hôm ở bãi vàng Bản Ná, tôi nhận mình là người nhà của “bưởng” Nghị Xồm, vào chơi với Nghị Xồm.

Muốn người ta không nhận ra mình, ngay cách ăn mặc, cũng cần phải để ý. Nói chung nhập gia phải tùy tục. Khi moi tin, phải hỏi khéo léo, giả vờ như bâng quơ, đừng chất vấn kiểu công an hỏi cung tội phạm là lộ tẩy ngay.

Có thể dùng các thiết bị hỗ trợ như camera loại bé, đã được ngụy trang. Quan trọng là chỉ nên chụp ảnh công khai khi biết chắc không có sự nguy hiểm, tôi xin nói kỹ thêm ở phần sau.

Các nhà báo có kinh nghiệm khi phải tác nghiệp trong “tình huống nóng”, họ thường liên hệ, gây dựng cơ sở với người dân địa phương, để khi cần, có sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.

Nhà báo Phạm Nguyên Bảng và nhà báo Mạnh Việt của báo Tiền Phong từng bị vây giữ ba ngày hai đêm ở Bàn Mạch (Phú Thọ). Trong những ngày ấy, họ đã được chính người dân địa phương cho trú ẩn trong nhà, những người dân này đã bảo vệ hai nhà báo không cho những kẻ quá khích tấn công.

Nói chung, nhà báo đừng thờ ơ với những nỗi khổ đau, uất ức của người dân, khi đó dù chúng ta đến một vùng đất hoàn toàn xa lạ, chúng ta cũng có thể có được những người giúp đỡ, bảo vệ mình.

Khi gặp những trường hợp thật sự nguy hiểm, nhà báo chúng ta cần làm việc trước với chính quyền địa phương, đề nghị họ có biện pháp bảo vệ các nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật.

Dĩ nhiên, có những trường hợp chúng ta không thể báo trước việc tác nghiệp của chúng ta với chính quyền địa phương. Trong trường hợp đó, như ở trên tôi đã trình bày, chúng ta tuyệt đối không đi một mình, và phải tuyệt đối bí mật trong việc tác nghiệp.

Nếu muốn tác nghiệp ở một xã nào đó, mà e ngại có sự bất hợp tác với nhà báo của cán bộ xã đó, thì trước khi về xã chúng ta nên làm việc trước với huyện ủy, hoặc với ủy ban, họăc với công an huyện.

Phần lớn những vụ nhà báo bị hành hung mà tôi biết, đều phát sinh sau khi nhà báo giơ máy ảnh hoặc camera lên để chụp, ghi hình. Nhiều nhà báo cố gắng ghi được hình ảnh để bài viết tăng thêm tính báo chí, sinh động và thuyết phục hơn. Tuy nhiên, cũng có một số nhà báo hơi lạm dụng việc chụp ảnh, kể cả chụp người đang ngồi đối diện mà không cần xin phép.

Theo tôi, nói chung, chúng ta chỉ nên chụp hình khi biết chắc chắn chúng ta không bị tước đoạt phương tiện hoặc bị hành hung.

Tôi phát biểu như vậy, còn xuất phát từ việc nếu chúng ta lạm dụng việc ghi hình, có thể chúng ta sẽ vi phạm quyền nhân thân và sẽ bị khiếu nại, khiếu kiện. Trong một số trường hợp, chúng ta có thể dùng ảnh minh họa, tranh minh họa, thay cho những bức hình ghi ngay tại hiện trường.

Những khi buộc phải quay lại nơi nhà báo từng có bài viết về mặt trái, về những cái chưa hay, chưa tốt, đấy chính là lúc nhà báo tham gia vào “tình huống nóng”. Hãy dẹp sỹ diện sang một bên, để có sự chuẩn bị tốt nhất cho những tình huống xấu nhất.

Những nhà báo có kinh nghiệm thường ký tên “tổ phóng viên”. Khi về địa bàn nóng, họ không nói “tôi”, mà luôn nói “chúng tôi”. Chẳng hạn, với câu hỏi “Các anh về đây từ hôm qua à”, nhà báo sẽ trả lời “Một số anh em đã xuống đây từ hôm kia, còn chúng tôi mới xuống hôm qua”. Nếu hỏi tiếp “Những người cùng đi với các anh đâu?”, nhà báo sẽ không ngần ngại bịa ra rằng “Họ đang làm việc với các anh bên công an tỉnh”.

Nên nghỉ ở nhà khách gần các cơ quan hành chính, nhà khách của tỉnh ủy, ủy ban càng tốt. Việc đi ăn, đi uống, cần có người địa phương đi cùng. Đây cũng chính là “võ” tôi thường dùng, khi phải về một số địa phương hiện nay.

Về nguyên tắc, chúng ta phải cố gắng hết sức để viết bài đúng sự thật, chính xác, có chứng lý đầy đủ, bênh người đáng bênh, phê bình người đáng phê bình. Đó là cách bảo vệ mình tốt nhất. Khi chúng ta làm được như vậy, dù có ai đó căm tức chúng ta, song họ cũng vẫn phải sợ hãi chúng ta.

Tôi nói chúng ta ở đây là nói số đông các nhà báo.

Chúng ta cũng cần trang bị những kiến thức tối thiểu về luật pháp, chẳng hạn đủ để có thể nhắc nhở kẻ manh động rằng: Nếu anh không đồng ý cho ghi hình thì chúng tôi sẽ không ghi hình, còn việc anh cản trở, thu giữ phương tiện hành nghề của nhà báo là vi phạm pháp luật.

Tôi không có ý định “dạy khôn” các đồng nghiệp, tham luận này đơn giản là những kinh nghiệm của bản thân tôi. Nếu nó gây ra cảm giác dạy dỗ người khác, tôi thành thật xin lỗi.

Xin cám ơn sự quan tâm của các bạn.