Tháng Tám 20, 2014

THAM LUẬN CỦA NHÀ BÁO MAI PHAN LỢI (BÁO PHÁP LUẬT TP.HCM)

NHÀ BÁO VIỆT NAM NÊN BIẾT CÁCH TỰ BẢO VỆ MÌNH

Tôi cũng như gần 2 vạn hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đã chờ đợi sự phản hồi mạnh mẽ của các cơ quan chức năng sau hội thảo “Tình hình cản trở, hành hung nhà báo” diễn ra cuối tháng 4 vừa qua. Chờ đợi vì tôi thấy rằng lãnh đạo cấp cao, rồi các cấp, các ngành rất quan tâm tới giới báo chí, đặc biệt là việc đánh giá rất cao thông qua sự kiện tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cho giới báo chí dịp 21/6 năm nay.

Nhưng thật tiếc, những đề xuất nghiêm chỉnh, đúng pháp luật, đúng thẩm quyền từ “Ngôi nhà chung” 59 Lý Thái Tổ này… vẫn chỉ là đề xuất, trong khi mỗi giờ hàng trăm, hàng ngàn phóng viên, nhà báo vẫn lên đường, lao vào điểm nóng tìm kiếm sự thật để phục vụ công chúng. Chỉ đến khi ôm đầu máu, giam mình trong căn phòng lạnh lẽo mới chợt thấy mình bé nhỏ, đơn độc và thiếu hiểu biết làm sao!

Vậy thì trước khi mong người khác giúp, chúng ta phải tìm cách tự giúp nhau mà không có cách nào khác là hãy chia sẻ kinh nghiệm, những bài học xương máu và cùng cất lên tiếng nói để những tháng ngày sắp tới bớt đi những tin tức đau lòng mà chúng ta buộc phải viết, phải nói về nhau…

1/Kinh nghiệm nhỏ qua vụ Đồ Sơn

Tôi vẫn nhớ như in không khí của 4 năm trước khi Báo Pháp Luật TP HCM bắt đầu đeo bám sự kiện “quan ăn đất” ở Đồ Sơn, Hải phòng. Chúng tôi “vào cuộc” chậm, nhưng tình thế không kém gay go.

Còn nhớ sau khi Thanh tra Chính phủ kết luận, Thủ tướng chỉ đạo giải quyết, nhưng nội tình về chuyện đánh tráo đối tượng nhận đất, mang đất đi hối lộ cho các quan đầu ngành ở TP ra sao… người dân Hải phòng vẫn chưa biết. Pháp Luật TP HCM là tờ báo đầu tiên cử PV về Đồ Sơn, tô đậm ngay lập tức gương điển hình của đại tá Đinh Đình Phú với quá trình đấu tranh cực nhọc, hiểm nguy. Chính quyền Hải phòng im lặng, nhưng nhân dân hết sức phấn khởi.

Sau đó là liên tiếp những tin, bài công khai các sai phạm theo kết luận thanh tra, đeo bám quá trình kiểm điểm, xử lý sai phạm, vạch rõ tên tuổi, chức vụ và thủ đoạn “ăn” đất của quan chức. Hải phòng sôi lên, và dư luận bắt đầu chú ý đến tờ báo. Người dân thì nói “TƯ 6 (2) uỷ quyền cho báo Pháp Luật TP HCM, còn nhóm “xã hội đen” Hải phòng thì nhắn “Phan Mai mà xuống Hải phòng đừng có đường về”.

Chúng tôi vẫn không ngại mà tiếp tục vạch trần các cuộc kiểm điểm “giả hiệu” mà thực chất là bao che các sai phạm của lãnh đạo thị xã. Cùng với đó là tiến trình thúc đẩy việc chuyển hồ sơ vụ việc từ cơ quan TTCP (vụ 4) sang cơ quan CSĐT Bộ Công an (C15). Đến khi C15 khởi tố vụ án, khởi tố một số bị can chúng tôi mới tạm dừng đưa tin. Chỉ đến khi việc “chạy án” của lãnh đạo TP Hải phòng cho bị can đầu vụ (giám đốc Sở TNMT Chu Minh Tuấn) lộ tẩy, TAND Hải phòng chỉ xử cảnh cáo các bị cáo còn lại, chúng tôi lại huy động lực lượng vào cuộc. Ngay lập tức án bị kháng nghị huỷ và điều tra, xét xử lại như mọi người đã biết.

Thông qua việc này có mấy điều rút ra: thực chất những lời đe doạ của những lực lượng giấu mặt đều có chung mục tiêu: ngăn chặn công việc mà nhà báo đang làm (ngăn chặn việc thu thập, xử lý, công bố và phát hành thông tin). Vì thế chúng ta phải có đối sách ở từng công đoạn.

Trong đó điều tối quan trọng là phải báo cáo đầy đủ, kịp thời mọi diễn biến cho lãnh đạo trực tiếp để tìm kiếm sự ủng hộ, như tận dụng quan hệ của cấp trên, có được các phương tiện và đồng nghiệp hỗ trợ, công khai ngay những tin tức quan trọng, cần thiết để “tháo ngòi”.

Thứ hai là phải đa dạng nguồn thông tin. Riêng trong vụ Đồ Sơn chúng tôi sử dụng đến 18 nguồn tin khác nhau, vừa để kiểm chứng, vừa để “giương Đông, kích Tây”, cũng vừa phân hoá sự chú ý của lực lượng giấu mặt, giúp bảo vệ an toàn cho người cấp tin.

Thứ ba là phải dựa vào nhân dân, những người căm ghét cái xấu và khao khát sự thật. Tất cả các chuyến đi, gặp gỡ nếu không có dân che chở, bảo vệ thì rất có thể lực lượng xấu đã cản trở thành công công việc mà chúng tôi làm.

Thứ tư là tranh thủ sức mạnh công khai. Đừng ngại đặt vấn đề, gặp trực tiếp các “đương sự” mà ta sẽ phản ánh trong bài báo, dù là sẽ phê phán hành vi của họ. Nhiều khi sự thẳng thắn của nhà báo, hành động tạo cơ hội để cung cấp diễn đàn đa chiều sẽ giúp cho việc “tháo ngòi nổ” một cách dễ dàng.

2/Nhận diện các tình huống nguy hiểm

Như trên đã trình bày, hầu hết các cuộc tấn công, đe doạ, cản trở, xúc phạm nhà báo đều có mục tiêu ngăn chặn công việc nhà báo đang làm (vì thế mới có đề nghị coi đó là công vụ để dễ vận dụng pháp luật, giữ cho công việc của nhà báo được tiến hành liên tục), chứ không phải mục tiêu gây thương tích cho thân thể nhà báo. Do vậy phải xác định rõ, “tình huống nóng” mà BTC hội thảo hôm nay nêu ra phải nhận diện ra sao?

Phanh phui, đưa ra ánh sáng các hành vi xấu xa, tham nhũng, tiêu cực… là mong muốn của người đọc, và cũng là công việc nhà báo thường làm. Thế nhưng những người có quyền lợi liên quan, người gây ra các hành vi đó, người chịu trách nhiệm về các hành vi đó thì đều không muốn. Vì thế bằng cách này, khác họ đều tìm cách ngăn chặn. Cho nên trước một đề tài kiểu như ghi nhận về đường dây, thủ đoạn buôn lậu; phá rừng, đào trộm than, tham ô, móc túi, mãi lộ, tệ nạn xã hội… cần xác định ngay đó là “tình huống nóng” để xây dựng kế hoạch tác chiến.

Ngoài ra nguy hiểm không chỉ ra xảy ở khâu thu thập thông tin mà nó xuất hiện cả khi thông tin đã được công khai (trên báo hoặc phạm vi hẹp hơn như kết luận thanh tra). Nhiều đối tượng chỉ cảm thấy lo sợ khi tin tức ấy quá nhiều người biết, bắt đầu gây sức ép hoặc ảnh hưởng đến họ và họ tìm cách chặn lại, giống như đóng cọc kè đê trước lũ dữ khi việc sụt lở bắt đầu. Cho nên cần căn cứ vào sự phản hồi, động tĩnh mà dự đoán tình hình sau khi công khai thông tin để có đối sách phù hợp.

3/Xây dựng kế hoạch

Đối với Báo Pháp Luật TP HCM hiếm khi phóng viên hoạt động đơn tuyến mà thường là có sự chuẩn bị chu đáo, chỉ đạo sát sao từ người phụ trách. Khi có một nguồn tin về điểm nóng, một ê kíp nhanh chóng được thành lập, một danh sách các nguồn tin, địa điểm được triển khai. Thậm chí có lần còn phải ra văn bản đề nghị cơ quan chức năng phối hợp, như trường hợp phá đường dây làm bằng giả ở Hà Nội vừa qua (phối hợp với cơ quan an ninh văn hoá và cảnh sát hình sự, loạt bài đoạt giải báo chí QG).

Khi trực tiếp “vào trận”, phóng viên khá yên tâm vì có cả tập thể sau mình, đặc biệt là có bạn đọc, có chính nghĩa ủng hộ nên sự tự tin khi phải đối mặt là hết sức cần thiết. Thậm chí ngay cách thức công khai thân phận nhà báo sớm hơn, thuyết phục để tìm sự chia sẻ từ đối tượng để việc khai thác thông tin được thuận lợi cũng là cách nên làm (tuy nhiên cách này chỉ có hiệu quả với tội phạm tham nhũng, chức vụ, ít có hiệu quả với lâm tặc, buôn lậu hay tệ nạn xã hội)

Ngoài ra cần tranh thủ sự ủng hộ từ chính quyền cơ sở (như cấp xã, phường) và đặc biệt là nhân dân, nếu như điều đó khả thi.

4/Đối mặt

Nhiều lúc dù hiểm nguy đã cận kề nhưng sự tự tin, bình tĩnh lại giúp bạn vượt qua. Trong đó điều luôn luôn ghi nhớ, thứ mà kẻ xấu muốn chiếm đoạt, phá huỷ là tài liệu, thông tin bạn đã khám phá, thu thập được và việc tấn công chỉ là cách thức để đạt được việc phá huỷ, chiếm đoạt đó.

Ngoài ra một trong những cách hạn chế việc xảy ra xung đột là phải chuẩn bị các phương tiện nghiệp vụ hoàn hảo để vừa có thể thu thập thông tin tốt nhất, vừa để kẻ xấu không nhận ra mình. Chẳng hạn như việc chụp hình nên cân nhắc kỹ việc bật đèn flas và sử dụng ống kính (thực tế các cuộc tấn công vừa qua thường nhằm vào nhà báo đang chụp hình hoặc quay phim). Có khi một chiếc điện thoại di động có đủ các chức năng ghi âm, chụp hình, quay phim có thể giúp bạn thành công. Lưu ý luôn luôn có phương tiện dự trữ để có thể tác nghiệp liên tục.

Cũng cần nói thêm, khi phải tác nghiệp trong tình huống nóng nên tranh thủ đối tượng. Cần bình tĩnh, và để tránh xung đột có thể công khai ngay thân phận và nói rằng phải đi làm vì nhiệm vụ, không có thù ghét gì họ và đề nghị họ hợp tác. Riêng vấn đề này khó có một phương án đúng, chung cho mọi tình huống mà xã hội gọi là “tuỳ cơ ứng biến”.

Ngay sau khi xảy ra sự việc cần báo cáo ngay cho cấp trên trực tiếp để báo cơ quan có thẩm quyền. Nhiều trường hợp việc sử dụng chính phương tiện thông tin đại chúng rất có hiệu quả, như đưa tin về các âm mưu đe doạ, trả thù, phản ánh về hành vi xúc phạm, tấn công nhà báo. Rút kinh nghiệm từ một số vụ việc gần đây, sự lên tiếng đồng loạt của các phương tiện thông tin đại chúng có tác động rất lớn.

5/Lãnh đạo các báo phải quan tâm

Hiện nay ở nhiều tờ báo chưa có chính sách riêng cho các phóng viên tác nghiệp ở “điểm nóng”, mà hầu hết chỉ chấm nhuận bút “nhỉnh” hơn tý chút. Trong khi đó, như đã trình bày, các đề tài nóng thường tốn công phu, có khi cả tháng trời mới viết được 1 bài chứ không “nhiều lộc” như làm thời sự, họp hành. Ngoài ra phương tiện hoạt động dùng cho thể loại điều tra thường đắt tiền, tài liệu liên quan thường khó kiếm và mất chi phí. Hơn thế, rủi ro nghề nghiệp rất lớn (như bị đánh trọng thương, mất tài sản, có khi mất nghề) nên đề nghị lãnh đạo các báo cần chú trọng, có thể lập ra một quỹ mang tên bảo hiểm rủi ro. Trong các trường hợp cụ thể lãnh đạo các báo cần có kế hoạch bọc lót, bảo vệ phóng viên bằng các biện pháp hiệu quả, tránh để phóng viên đơn độc. Khi xảy ra sự việc cần tranh thủ sự ủng hộ của đồng nghiệp, của bạn đọc rộng rãi, trong đó đề cao tính chính nghĩa của đề tài mình đang theo đuổi.

Nghề báo là cuộc sống, nó luôn biến chuyển, đổi thay không có 1 cách đi chung. Mỗi người nên tự rút ra những điều cần thiết cho mình sau cuộc toạ đàm này. Trên đây là những ý kiến nhỏ, mong các bạn chia sẻ.