Tháng Tám 20, 2014

THAM LUẬN CỦA NHÀ BÁO PHẠM KIÊN (BAN THỜI SỰ- ĐÀI THVN)

PHÓNG VIÊN, NHÀ BÁO – CHẤT XÚC TÁC LÀM NGUỘI ĐIỂM NÓNG Có rất nhiều góc nhìn khác nhau về điểm nóng, về hiện tượng hành hung, cản trở tác nghiệp của nhà báo, về sự thành công hay thất bại trong quá trình khai thác thông tin tại điểm nóng…  Ngay cả trong đội ngũ những người làm báo cũng có nhiều ý kiến khác nhau về mỗi vụ việc. Thậm chí, một vụ việc vốn dĩ là “nguội” nhưng vì có tình tiết “cản trở tác nghiệp của nhà báo” lại trở thành “nóng”. Có những điểm nóng mà sức nóng của nó có thể cảm nhận từ hàng chục, hàng trăm cây số. Lại có những điểm nóng mà ở cực này thì lạnh băng, cực kia thì sức nóng có thể đun sôi tất cả lượng máu ở bên trong huyết quản. Nhà báo khi dấn thân vào điểm nóng có thể phải đối mặt với gậy gộc, gạch đá, đao kiếm, hay lời lẽ hăm dọa, chửi bới thô tục… nhưng cũng không hiếm trường hợp, chỉ một cú điện thoại là xong… Và nếu tôi nói điều này, e sẽ bị coi là “đánh trống qua cửa nhà sấm” với rất nhiều nhà báo đang có mặt tại đây hoặc đang dõi theo diễn đàn này: “phóng viên điều tra là thứ nghề luôn bị mặc cả nhiều tiền để không viết gì cả”. . . Được giao nhiệm vụ đưa tin tại các điểm nóng là thử thách nhưng cũng là niềm tự hào của mỗi nhà báo, phóng viên. Tuy nhiên, có một điều mà tôi luôn tâm niệm: nhiệm vụ quan trọng nhất, nhiệm vụ cuối cùng mà Ban biên tập giao phó chính là “ tham gia vào quá trình làm nguội điểm nóng đó”. Làm nguội bằng những thông tin khách quan, trung thực và có tình, có lý. Điều đó có nghĩa là báo chí, tự thân nó không thể làm nguội bất kỳ một điểm nóng nào mà nó chỉ là một chất xúc tác cần thiết góp phần đẩy nhanh quá trình làm nguội. Làm nguội điểm nóng có nghĩa là nguội những trạng thái thần kinh đang bị kích động, làm vơi đi tâm trạng lo lắng, hoang mang, động viên, khích lệ tâm trạng chán nản, bất lực, phơi bày cái xấu, ủng hộ cái tốt. . . Và theo một lẽ rất thông thường, mục đích ắt sẽ nảy sinh phương pháp. Khẩn trương nhưng không vội vã, hấp tấp Có câu ngạn ngữ thế này càng cựa quậy thì càng bị gai đâm để nói về cách ứng phó khi một ai đó bị ngã vào một bụi gai. Điểm nóng của tin tức luôn luôn là những bụi gai mà không phải cái gai nào cũng nhìn thấy sờ thấy được. Nhưng đã gọi là điểm nóng, sự kiện nóng thì rõ ràng ắt sẽ có địa điểm, có đối tượng liên quan trực tiếp, gián tiếp. Tốt nhất là nên dành chút thời gian định thần, quan sát và lập phương án tiếp cận cũng như dự phòng các tình huống phát sinh, trong đó, bắt buộc phải có tình huống xấu nhất. Tôi còn nhớ trong một chuyến công tác tại tỉnh Hòa Bình, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trên đường về tình cờ nghe được thông tin về một bãi khai thác vàng mới nổi ở huyện Kim Bôi. Thế là tiện tay dắt bò, chúng tôi quyết định vào thẳng khu vực đào đãi xem thực hư thế nào. Dĩ nhiên là trên đường đi, ngay trên xe chúng tôi đã phác họa một kịch bản xâm nhập và thống nhất với toàn bộ anh em. Chỉ một cú điện thoại cho một người quen ở công an Hà Nội, tôi có trong tay một cái tên trong lệnh truy nã của công an HN. Sau khi bỏ xe lội bộ chừng chục cây số đường rừng thì chúng tôi có mặt tại bãi vàng, hai trong số 4 anh em cố tình cởi trần trùng trục, vừa tỏ vẻ thoải mái, táo tợn như về nhà. Sục vào chỗ này xem một tý, ngồi xổm ở chỗ kia nói dăm ba câu chuyện huyên thuyên… Không đầy nửa tiếng, lập tức có người tới lân la hỏi han. Tôi nói thẳng là phóng viên của đài truyền hìnhViệt Nam đi công tác nhân thể ghé qua tìm một ông anh dạt Hà Nội lên đây kiếm ăn, và tôi nói ra cái tên xin được của công an Hà Nội. Quả thực là những người đào vàng, từ chủ bưởng, đàn em bảo kê, hay đội đào thuê không hiểu chúng tôi là phóng viên thật hay là công an cải trang bắt lệnh truy nã… Nhân thể nửa đùa nửa thật kêu đói và nhao vào bừa một lán xin bữa cơm. Trong suốt nửa buổi tôi không hề đả động đến chuyện ghi hình, phỏng vấn. Chỉ tìm cách lấy lòng mọi người và thể hiện những điều tò mò chấp nhận được. Sau cùng, chúng tôi quyết định chào ra về. Nhưng chỉ đi chưa ra khỏi bãi vàng thì lại quay lại, bất ngờ đề nghị mong muốn không thể thay đổi được là làm một phóng sự về công việc và thân phận của những người đào đãi vàng. Dù không muốn, nhưng những chủ bưởng cũng không tìm được lý lẽ để phản đối. Điểm mấu chốt là tôi đưa họ vào thế “nói chuyện phải quấy” và đã dùng rất nhiều công sức để triệt bỏ ý đồ dùng vũ lực trục xuất chúng tôi khỏi bãi vàng. Quả thực, trước khi vào bãi, tình huống bị hành hung, đạp phá máy móc thiết bị ghi hình không phải là không được tính đến và quả thực, nỗi lo về người thì ít mà lo lắng cho chiếc betacam trị giá gần một tỷ bạc của cơ quan thì nhiều. Chỉ có điều, trong quá trình tiếp cận, với các đối tượng ở bãi vàng, tôi đã biến điểm yếu này trở thành thế mạnh bằng cách là ra sức khoe khoang về sự hiện đại đắt tiền của chiếc camera, tôi biết, những người nghèo vốn coi trọng đồng tiền và sợ bất cứ cái gì đắt  tiền. Và tất nhiên, về khoản ăn nói thì các chủ bưởng, hay giang hồ cộm cán cỡ nào cũng không thể bì được với phóng viên. Vả lại, chúng tôi luôn tỏ thái độ thông cảm với công việc của họ, khen ngợi sự trật tự, nhưng cũng có đôi lời bày tỏ sự nghi ngờ về tính hợp pháp của bãi vàng. Kết quả là ngoài hình ảnh sống động về một bãi vàng trái phép chúng tôi còn có những đoạn phỏng vấn rất chân thực của những thợ đào vàng. Một trong những trích đoạn phóng vấn được nhấn mạnh trong phóng sự là hầu hết những người tham gia đào đãi vàng đều là bất đắc dĩ, và họ sẵn sàng bỏ nghề này nếu có một công việc tốt hơn, hoặc “nhà nước” không cho phép đào đãi ở khu vực này. Đó là tạo cho những người vi phạm pháp luật một đường lùi. Vốn dĩ báo chí không thể ngăn cản được những hành vi trái phép, và trong một chừng mực nào đó, cũng không có chức năng triệt phá, ngăn cản. Tất nhiên, đấy là trong một trường hợp cụ thể, còn có thể trong tình huống khác, thì không thể không nói tới trách nhiệm công dân của nhà báo. Sự kiện nóng, vấn đề nóng, tin nóng và tin độc quyền … không có ai làm nghề phóng viên mà không bị những cụm từ ấy ám ảnh. Nhưng rõ ràng là có sự khác biệt không nhỏ giữa những tin tức thông tấn với những vấn đề kinh tế-xã hội mới nảy sinh tại các địa bàn, trong các cộng đồng và các tầng lớp xã hội. Nhanh và vội vã cũng là những khái niệm có sự khác biệt tương đối. Nhanh thì tốt, nhưng vội vã đôi khi lại hỏng việc. Xuất hiện trong tư thế phù hợp và tâm thế vững vàng Sự hiểu biết về các đối tượng liên quan sẽ giúp nhà báo, phóng viên có tư thế phù hợp và mục đích đúng đắn sẽ giúp anh ta có một tâm thế vững vàng để ứng phó với mọi tình huống. Đã là con người, ắt phải có tình cảm cá nhân. Sự kiện và vấn đề nóng thường có tác động mạnh đến tâm tư, tình cảm của bất kỳ ai tham gia vào nó dù là với vai trò gì đi chăng nữa. Nhà báo cũng vậy. Và một khi đã bị trạng thái tâm lý và tình cảm cá nhân chi phối ắt sẽ bộc lộ ra bên ngoài bằng những hành động và cử chỉ. Bản chất quá trình khai thác thông tin là quá trình giao tiếp xã hội, cho dù đó là dạng giao tiếp đặc biệt thì nó cũng bị chi phối bởi những nguyên tắc không thể thay đổi. Chúng ta cử xử với hiện thực khách quan thế nào thì chúng ta sẽ nhận được sự cư xử như thế. Giống như trong vật lý quang học, có một định luật quan trọng đó là định luật phản xạ ánh sáng. Và như thế, chúng ta muốn được cư xử thế nào thì trước tiên, chúng ta hãy cư xử với mọi người như thế. Một sự vô ý nhỏ, có thể dẫn tới hậu quả lớn. Việc tạo ra một vỏ bọc phù hợp với các tầng lớp đối tượng tại điểm nóng là điều không quá khó, nhưng để có một tâm thế vững vàng lại là điều không dễ. Tất cả những vụ việc, những sự kiện, những vấn đề được coi là nóng đều ẩn chứa những xung đột mạnh mẽ về lợi ích. Cái gọi là trách nhiệm của các bên liên quan, xét cho cùng cũng hàm chứa vấn đề lợi ích. Tâm thế, xét ra lại là yếu tố không cần chuẩn bị mà vốn dĩ nó phải là được hình thành một cách chắn giống như một loại phản xạ vô điều kiện. Phản xạ về tâm thế được hình thành trong cá nhân tôi là “Lợi ích quốc gia – đồng nghĩa với việc duy trì sự đúng đắn và công bằng của pháp luật; kế đó là lợi ích của cộng đồng lớn, lợi ích cục bộ và lợi ích cá nhân được xếp thứ hạng ưu tiên sau cùng”. Chuỗi lợi ích ấy sẽ được thể hiện một cách rõ ràng trong quá trình khai thác thông tin lúc đầu và nội dung đưa tin lúc sau. Thông tin báo chí có thể tạo ra sự ảnh hưởng trực tiếp, hoặc gián tiếp làm suy chuyển lợi ích của bên này hoặc bên kia, của đối tượng này hoặc đối tượng kia. Thông tin báo chí không bao giờ “có lợi” cho tất cả các bên. Nếu lựa chọn đúng đối tượng đại diện lợi ích thì tâm thế vững vàng. Lựa chọn sai, thì sự lung lay bất định là điều khó tránh khỏi. Nói thêm về những diễn biến bên trong của bất kỳ điểm nóng nào, theo quan sát của cá nhân tôi, nỗi lo về lợi ích bị ảnh hưởng sẽ dẫn đến hai loại hành vi trái ngược, hoặc là mua chuộc dụ dỗ báo chí đứng về phía mình, hoặc là cản trở. Đỉnh điểm của cản trở là hành hung. Cả hai hành vi này đều không có lợi cho hoạt động nghiệp vụ báo chí nhưng những hành vi này luôn luôn xuất hiện tại bất kỳ điểm nóng nào. ( Trong hội thảo lần này, chúng ta luôn nói nhiều đến hành vi cản trở, hành hung chứ chưa đề cập nhiều đến sự mua chuộc, dụ dỗ.) Tâm thế, nói một cách nôm na là khả năng kiểm soát trạng thái tâm lý cá nhân trước những tình huống phát sinh. Đôi khi tình huống phát sinh có thể tạo ra sự luống cuống, mất bình tĩnh, hoặc có tình huống làm cho con người ta hoảng sợ, hoặc có những tình huống lại tạo ra sự kích động… Tất cả những trạng thái đó rốt cục đều sẽ được biểu hiện ra bằng lời nói hoặc cử chỉ. Và như các cụ nói, “gieo nhân nào thì gặp quả ấy”. Hơn nữa, chúng ta không thể không phủ nhận là trong không ít trường hợp, những thông tin hỗn loạn trên báo chí cũng khiến cho cả “người ngay” cũng phải hoài nghi về tác dụng của thông tin trên báo chí. Sự hoài nghi ấy là một trong những thành tố cơ bản tạo ra những hành vi cản trở hoặc công khai, hoặc ngấm ngầm. Do đó, muốn trở thành một phóng viên điều tra kỳ cựu, việc đầu tiên tôi sẽ làm là chọn một cơ quan báo có uy tín. Uy tín, trong chừng mực nào đó cũng gần nghĩa với danh tiếng. Mà danh chính, thì ngôn thuận. Phải biết thỏa hiệp và cam kết Cái mà chúng ta cần là sự hợp tác cung cấp thông tin đúng với vai trò, vị trí của từng đối tượng, từng bên. Hoạt động điều tra báo chí có nghĩa là kiểm chứng những thông tin được các bên đưa ra. Nếu các bên không đưa ra thông tin thì chúng ta kiểm chứng cái gì ? Chúng ta điều tra cái gì ? Báo chí không phải là tòa án. Thông tin trên báo chí không thể thay cho phán quyết của tòa. Báo chí không phải là công an. Quá trình phỏng vấn dù là điều tra cũng không thể đánh đồng với quá trình thẩm vấn. Các bên liên quan đều có quyền từ chối việc trả lời câu hỏi của báo chí. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc từ chối cung cấp thông tin. Nếu bị truy bức quá đáng, ngay cả khi chỉ bằng những câu hỏi thì việc bộc phát những hành vi hành hung cản trở không phải là điều đáng ngạc nhiên. Xin được nhắc lại một khái niệm nghe có mang tính sách vở : báo chí là diễn đàn của nhân dân”. Vì thế, dù đại diện cho lợi ích của ai thì những đối tượng xuất hiện tại điểm nóng, liên quan tới điểm nóng cũng đều là nhân dân cả. Đã là nhân dân dù là có tiền hay không tiền, dù là có quyền hay không có quyền thì đều phải được cư xử bình đẳng về mặt phát ngôn và dành thời lượng phù hợp trên diễn đàn. Nếu phóng viên, nhà báo không tạo niềm tin về sự bình đẳng trên diễn đàn thì việc thu thập thông tin là điều vô cùng khó, và thậm chí bị hành hung, cản trở là điều khó tránh khỏi. Bới một ai đó nhận ra những dấu hiệu họ sẽ bị lấn át ( dù là những dấu hiệu giả tưởng và suy diễn) trên diễn đàn công luận thì dù có chết cũng khó có thể cưỡng bức họ tham gia diễn đàn. Vì thế, kinh nghiệm cá nhân của tôi là trước khi bắt tay vào khai thác thông tin một cách chính thức, trong đa số trường hợp phải tìm cách đưa ra thông điệp về sự đảm bảo các bên liên quan sẽ có phần xứng đáng trên diễn đàn mà tôi làm người đại diện. Mặt khác, không bao giờ tôi đòi hỏi các đối tượng phải thỏa mãn toàn bộ nhu cầu thông tin mà dư luận đang chất chứa. Hãy để cho các bên liên quan có sự tự tin của họ trong những vấn đề sở trường của họ. Tôi đã có mặt tại một nơi và khai thác được dù chỉ là chút ít thông tin ban đầu, trong hòa bình thì không có lý gì tôi không quay trở lại đó lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư… để làm nốt những phần việc dang dở. Trường hợp xấu nhất là không có bất kỳ một cơ hội nhỏ nào để thỏa hiệp, để tiếp cận, để khai thác tức là không có bất kỳ một sự hợp tác nào, thì công việc của tôi là thu thập những bằng chứng về điều đó. Bất đắc dĩ mới phải dùng đến những bằng chứng của sự bất hợp tác giống như là các nhà băng buộc phải làm động tác mà họ không bao giờ muốn, đó là “phát mại tài sản thế chấp của khách hàng vay vốn”. Xét cho cùng, đó cũng chỉ là thủ thuật dùng sức ép của dư luận hòng tạo ra cơ hội quay trở lại điểm nóng lần thứ 2 mà thôi. Quay trở lại với chủ đề mà tôi muốn trình bày tại hội thảo ngày hôm nay, “Nhà báo – chất xúc tác làm nguội điểm nóng”. Mọi điểm nóng về mặt thông tin chỉ nguội đi khi dư luận xã hội và các bên liên quan được đáp ứng tương đối đủ nhu cầu thông tin về các vấn đề xung quanh nó. Khi họ đủ dữ liệu để hình thành một cái nhìn chân thực, chắc chắn về vấn đề hay sự kiện thì nhu cầu thông tin lập tức giảm xuống. Nếu dấn thêm một cấp độ nữa, nếu như báo chí góp phần giúp khán giả, độc giả có đủ dữ liệu để lựa chọn và đưa ra quyết định về cách ứng xử đối với một hiện tượng khách quan thì đó chính là vai trò quan trọng cuối cùng của báo chí. Ý thức điều này, cá nhân tôi luôn chú trọng tìm kiếm cách ứng xử phù hợp nhất khi tìm cách thâm nhập vào cái gọi là điểm nóng. Và như thế, theo quan điểm của cá nhân tôi, logic của vấn đề nằm ở chỗ, nếu tôi bị hành hung, cản trở thì điều đó có nghĩa là tôi chưa tìm được cách ứng xử phù hợp với những gì đang diễn ra tại điểm nóng đó. Bởi lẽ, tại hầu khắp các điểm nóng, đại diện cho các cơ quan báo chí, truyền thông luôn là khách không mời. Có một bậc đàn anh trong làng báo đã từng nói với tôi thế này: bữa cỗ nào chả có nhiều ruồi, một vài chú bị hy sinh cũng là lẽ thường. Thế nên làm báo, nhất là điều tra cũng phải chuẩn bị tình huống xấu, những không phải là xấu nhất được gọi là tai nạn nghề nghiệp./.