Tháng Tám 20, 2014

THAM LUẬN CỦA NHÀ BÁO PHAN HỒNG KỲ (BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG)

BẢO VỆ QUYỀN TÁC NGHIỆP CỦA NHÀ BÁO QUA VỤ HÀNH HUNG PHÓNG VIÊN TRẦN THẾ DŨNG Trong liên tiếp các vụ cản trở, hành hung nhà báo đang tác nghiệp gây bức xúc và bất bình thời gian qua, vụ hành hung dã man phóng viên Trần Thế Dũng của báo Người Lao động thu hút sự quan tâm lớn của không chỉ báo giới và dư luận xã hội mà còn cả các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật. Phóng viên Trần Thế Dũng đã bị hành hung dã man khi đang dấn thân tác nghiệp ngay giữa một điểm nóng buôn lậu – một hoạt động tiêu cực bức bối lâu nay, nhất là vào dịp gần Tết Nguyên đán. Cuối năm Kỷ Sửu 2009 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước cũng như báo chí đẩy mạnh việc chống gian lận thương mại, đặc biệt là buôn lậu qua biên giới. Chỉ đạo của Thủ tướng đã được lãnh đạo Bộ Thông tin-Truyền thông truyền đạt lại qua kết luận cuộc giao ban báo chí hàng tuần với sự tham dự của đại diện các cơ quan lãnh đạo báo chí với lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí của Đảng, Nhà nước và Hội nhà báo Việt Nam. Bản thân báo Người Lao động cũng cho rằng buôn lậu qua biên giới là một vấn đề nóng trên mặt báo mỗi dịp năm hết Tết đến. Vì vậy, Báo Người Lao động có cử phóng viên Trần Thế Dũng lên Lạng Sơn, một trong những tỉnh có hoạt động buôn lậu qua biên giới diễn ra một cách nhức nhối nhất. Khi đi tác nghiệp, phóng viên Trần Thế Dũng mang theo đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo pháp luật để nói rõ mục đích đi tìm hiểu, phản ánh thực trạng buôn lậu qua biên giới ở tỉnh Lạng Sơn, gồm: Thẻ Nhà báo, Công lệnh, Giấy giới thiệu gửi các cơ quan hữu trách ở Lạng Sơn. Như vậy có thể khẳng định hoạt động tác nghiệp phản ánh tình hình buôn lậu qua biên giới tại Lạng Sơn của phóng viên Trần Thế Dũng là thừa hành một nhiệm vụ chung được Thủ tướng Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và báo Người Lao động giao. Hay nói cách khác, phóng viên Trần Thế Dũng đã thực thi một công vụ, đó là tìm hiểu, điều tra để phản ánh hoạt động buôn lậu qua biên giới tại tỉnh Lạng Sơn. Vừa lên tới Lạng Sơn trưa ngày 6-1-2009 (tức 2-11 năm Kỷ Sửu) thì phóng viên Trần Thế Dũng đã bị hành hung dã man tối cùng ngày tại khu vực thuộc khu Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), cách cửa khẩu Hữu Nghị gần 1 km. Phóng viên Trần Thế Dũng bị hành hung ngay sau khi vừa chụp những bức ảnh về hoạt động buôn lậu gia cầm qua biên giới. Gần một chục đối tượng đã lao vào hành hung dã man phóng viên Trần Thế Dũng cho tới khi anh lịm đi. Vậy những kẻ hành hung, tấn công phóng viên Trần Thế Dũng là ai? Động cơ, mục đích của vụ hành hung là gì? Những thông tin mà anh đưa lên mặt báo ảnh hưởng gì tới lợi ích của những kẻ trực tiếp hành hung cũng như những người đứng sau hậu thuẫn cho họ? Từ lúc tới Lạng Sơn cũng như khu vực trước khi bị hành hung, phóng viên Trần Thế Dũng không có va chạm, mâu thuẫn với bất kỳ ai. Vì thế, việc hành hung phóng viên Trần Thế Dũng vì mâu thuẫn cá nhân hoàn toàn bị loại trừ. Theo chính thông tin mà thượng tá Nguyễn Trung Thực, Trưởng Công an huyện Cao Lộc, cung cấp cho báo chí, các đối tượng buôn lậu ở địa phượng đã đặt hoạt động tác nghiệp của phóng viên Trần Thế Dũng vào “tầm ngắm” khi anh tới khu vực được xem là một “điểm nóng” về buôn lậu qua biên giới này. (Phóng viên Trần Thế Dũng trước đó đúng một năm, vào dịp cuối năm 2008, cũng đã lên Lạng Sơn và thực hiện phóng sự dài 2 kỳ “Vào sào huyệt hàng lậu” nêu thực trạng buôn lậu nhức nhối tại khu vực Hang Dơi thuộc Làng Khưa Đa, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Các đối tượng này đã bí mật theo dõi và ra tay hành hung khi phóng viên tới khu Kéo Kham vì lúc này trời đã tối hẳn (khoảng hơn 19 giờ) và khu vực này vắng vẻ và cách xa khu dân cư. Sau khi hành hung dã man, những đối tượng này còn đưa phóng viên Trần Thế Dũng tới đồn công an thị trấn Đồng Đăng với những lời lẽ đe doạ và thách thức pháp luật. Phóng viên Trần Thế Dũng đã nhận diện trong những kẻ hành hung có những đối tượng tham gia vào hoạt động buôn lậu mà anh đã phát hiện trước đó. Có thấy rất rõ rằng nhưng kẻ hành hung phóng viên Trần Thế Dũng là các đối tượng buôn lậu qua biên giới. Chỉ có họ mới có động cơ, mục đích cản trở, hành hung để phóng viên Trần Thế Dũng không đưa các hình ảnh, thông tin về hoạt động buôn lậu qua biên giới  lên mặt báo. Việc hành hung dã man nhằm cản trở hoạt động tác nghiệp công vụ đúng pháp luật của phóng viên Trần Thế Dũng là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Những kẻ có hành vi dã man này đã vi phạm mục đ, khoản 1, điều 15 Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Báo chí về quyền của nhà báo: “Được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo hoặc phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. Đáng tiếc là cho tới lúc này, tức hơn 3 tháng sau vụ hành hung, cơ quan công an huyện Cao Lộc và công an tỉnh Lạng Sơn vẫn chưa làm rõ được toàn bộ những kẻ hành hung dã man phóng viên Trần Thế Dũng để đưa ra xử lý nghiêm theo pháp luật. Từ vụ phóng viên Trần Thế Dũng của báo Người Lao Lao động bị hành hung dã man để cản trở hoạt động tác nghiệp đúng pháp luật, thấy nổi lên hai vấn đề lớn sau. Thứ nhất, đó là báo động về thực trạng cản trở, hành hung nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật, đặc biệt là tác nghiệp chống tiêu cực. Những kẻ tiêu cực sẵn sàng bất chấp từ tính mạng của nhà báo cho tới pháp luật trong việc thực hiện bằng được việc che đậy, bưng bít các hoạt động tiêu cực, trái pháp luật của mình. Thứ hai, cách hiểu và vận dụng các quy định luật pháp của chính quyền và cơ quan bảo vệ pháp luật ở nhiều địa phương còn nhiều bất cập. Căn cứ theo Luật Báo chí hay Bộ Luật Hình sự đều có đầy đủ các yếu tố để khởi tố vụ án và khởi tố bị can trong vụ hành hung dã man phóng viên Trần Thế Dũng cũng như nhiều vụ cản trở, hành hung nhà báo khác. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương đã không vận dụng hết các quy định của luật pháp để đưa ra xử lý nghiêm theo đúng pháp luật những kẻ tấn công, cản trở nhà báo. Với một trong những chức năng và sứ mệnh quan trọng bảo đảm quyền được thông tin của nhân dân, báo chí là một trong những lực lượng đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực. Đây là một cuộc đấu tranh lâu dài và đầy khó khăn, thử thách. Các cơ quan báo chí và nhà báo đi đầu, dấn thân trong cuộc đấu tranh này cần phải được khuyến khích, động viên song cũng rất cần được bảo vệ. Báo Người Lao động cho rằng bảo vệ quyền tác nghiệp đúng pháp luật của nhà báo, đặc biệt là trong hoạt động chống tiêu cực, trước hết và quan trọng nhất là bằng pháp luật và sự vào cuộc nghiêm túc và có trách nhiệm của các cơ quan chính quyền và bảo vệ pháp luật. Chúng tôi kiến nghị: Thứ nhất, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần kịp thời khởi tố và đưa ra xét xử các đối tượng cố tình cản trở hoạt động tác nghiệp đúng pháp luật của nhà báo, như vụ cản trở và hành hung phóng viên Trần Thế Dũng tác nghiệp chống buôn lậu, với tội danh chống người thi hành công vụ. Thứ hai, tiến hành rà soát và sửa đổi các quy định liên quan của luật pháp để khẳng định rõ nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật là một hoạt động công vụ. Thứ ba, có biện pháp nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của chính quyền và cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương trong việc đảm bảo cho quyền hành nghề đúng pháp luật của nhà báo./.