Tháng Tám 20, 2014

THAM LUẬN CỦA ÔNG NGÔ HUY TOÀN (THANH TRA BỘ TTTT)

NGĂN CHẶN HIỆU QUẢ TÌNH TRẠNG CẢN TRỞ, HÀNH HUNG NHÀ BÁO, PHÓNG VIÊN: CẦN CÓ GIẢI PHÁP CỤ THỂ VÀ QUYẾT LIỆT HƠN Nghề báo là nghề vinh quang nhưng cũng rất vất vả và nguy hiểm, điều đó đã được khẳng định trên toàn thế giới. Việc nhà báo, phóng viên bị cản trở, bị hành hung khi tác nghiệp không phải bây giờ mới xảy ra và cũng không loại trừ một quốc gia nào. Tuy nhiên, trong ba năm trở lại đây tình trạng nhà báo, phóng viên bị cản trở, hành hung trong khi đang tác nghiệp xảy ra ở nhiều nơi, mức độ ngày càng nghiêm trọng và đang có chiều hướng gia tăng, điều đó đặt ra vấn đề cần phải nghiên cứu, xem xét một cách nghiêm túc, nếu không sẽ làm nản lòng những người cầm bút trong công cuộc đấu tranh chung chống tiêu cực, chống cái ác. Quan trọng hơn, nếu chúng ta không có động thái tích cực, kịp thời, sẽ dẫn đến việc kỷ cương phép nước bị coi thường, chúng ta vô tình trở thành người tiếp sức cho cái ác. Đã có rất nhiều trường hợp nhà báo, phóng viên bị cản trở, hành hung khi đang tác nghiệp hợp pháp được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng chưa phản ánh hết thực trạng, còn rất nhiều vụ việc chưa được tổng hợp, thông tin đầy đủ, đặc biệt là việc cản trở hoạt động báo chí với nhiều hình thức khác nhau. Hầu như các vụ hành hung nhà báo, phóng viên đã được các cơ quan chức năng xem xét, xử lý, song chưa được kịp thời, hình thức xử lý chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm, tội danh không thuyết phục. Nhiều vụ nhà báo, phóng viên bị hành hung với tính chất nghiêm trọng nhưng không bị xử lý hình sự. Điều đáng buồn là, trong số đối tượng hành hung nhà báo, không ít người là cán bộ công chức nhà nước – những người lẽ ra phải hơn ai hết hiểu biết pháp luật và phải gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật. Pháp luật ghi nhận và bảo vệ nhà báo trong quá trình hoạt động Điều 1 Luật Báo chí quy định: “Báo chí ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân”. Điều 2 Luật Báo chí quy định: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân”. Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí quy định: Báo chí có những nhiệm vụ và quyền hạn: “Thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân; Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác; Góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam; Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”. Điều 15 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí quy định: “1. Nhà báo có quyền: Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ; Khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; Khước từ việc biên soạn hoặc tham gia biên soạn tác phẩm báo chí trái với quy định của pháp luật về báo chí; Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ báo chí; hưởng một số chế độ ưu tiên cần thiết trong hoạt động báo chí theo quy định của Chính phủ; Được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. 2. Nhà báo có nghĩa vụ: Thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; Bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm; …”. Khoản 3 Điều 28 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí quy định: “Người nào vi phạm các quy định về cung cấp thông tin, trả lời trên báo chí, thành lập cơ quan báo chí, phát hành, quảng cáo, họp báo, cản trở hoạt động báo chí, đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, làm hư hỏng phương tiện, tài liệu và các quy định khác của pháp luật về báo chí thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Điều 12 Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 6/6/2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa thông tin quy định: “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật; Huỷ hoại phương tiện hoạt động báo chí của nhà báo. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng nhà báo”. Với những quy định nêu trên, chúng ta không có báo chí tư nhân và các điều khoản cũng thể hiện một cách rõ ràng, báo chí của chúng ta có chức năng, nhiệm vụ cao cả phục vụ lợi ích chung của nhà nước, của xã hội. Nhiệm vụ mà nhà báo thực hiện là nhiệm vụ do cơ quan báo chí giao và là nhiệm vụ công. Vì lẽ đó, hoạt động của nhà báo được Nhà nước bảo hộ với ý nghĩa là chủ thể đặc biệt. Mặt khác, bảo vệ nhà báo, phóng viên cũng là bảo vệ quyền được thông tin của công dân. Những trường hợp cản trở, hành hung nhà báo nếu vượt quá phạm vi hành chính, cần phải khởi tố về tội chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, hoạt động báo chí là hoạt động đặc thù, khác với hoạt động hành chính theo cách nghĩ thông thường, tính linh hoạt cao. Không phải lúc nào người ta cũng nhận biết được nhà báo đang hoạt động nghiệp vụ, vì vậy đặt ra vấn đề khi xem xét, xử lý: Một, nhà báo có thực thi nhiệm vụ trong phạm vi được cơ quan báo chí giao không? Hai, nhà báo có công khai thân phận của mình không? Mặc dù chưa có thông tin chính xác, nhưng hầu như trong các vụ bị cản trở, hành hung, nhà báo, phóng viên đều hoạt động trong phạm vi quyền hạn của mình và đã công khai thân phận, nhưng khi xử lý cơ quan chức năng thường vận dụng tội cố ý gây thương tích theo điều 104 Bộ luật Hình sự, như vậy là không công bằng, có thể làm nhụt chí đấu tranh chống tiêu cực của người cầm bút. Chính việc xử lý theo hướng đó đã không thể hiện được tính chính xác, nghiêm khắc của pháp luật, không đủ sức răn đe trong xã hội. Liên tiếp nhiều nhà báo, phóng viên bị cản trở, hành hung gây thương tích trong thời gian qua đã gây phẫn nộ trong xã hội, cần phải ngăn chặn ngay. Những bất cập 1. Nhìn lại vấn đề, chúng ta dễ dàng nhận thấy, nhận thức trong xã hội về việc xử lý hình sự các vụ hành hung nhà báo chưa thống nhất, thậm chí ngay trong các cơ quan công quyền, quan điểm cũng rất khác nhau. Đây là khó khăn lớn nhất cần phải vượt qua. Chừng nào nhận thức còn chưa thống nhất, thì chưa thể đưa ra được giải pháp hiệu quả. 2. Hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, chưa cụ thể dẫn đến cơ quan chức năng khó áp dụng. Khi tình huống xảy ra, vì các lý do khác nhau, trong đó có lý do không đủ tự tin để áp dụng điều 257. 3. Đối với các vụ việc cản trở, đe doạ nhà báo mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, chúng ta đã có chế tài xử lý hành chính rất cụ thể được quy định từ Nghị định số 31/2001/NĐ-CP, khi Nghị định số 56/2006/NĐ-CP thay thế Nghị định số 31, điều khoản này vẫn được kế thừa. Trong Dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định số 56, mức phạt đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo, cản trở nhà báo hoạt động, đe doạ, uy hiếp tính mạng nhà báo, huỷ hoại, thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu của nhà báo đã được nâng lên gấp ba so với quy định cũ, mức phạt cao nhất có thể lên tới 30.000.000 đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là các điều khoản này chưa bao giờ được áp dụng, thậm chí nhiều người, kể cả nhà báo, phóng viên chưa từng biết đến quy định này. Các vụ việc xảy ra trong phạm vi hành chính thường không được phản ánh đến lực lượng thanh tra thông tin và truyền thông và các đối tượng vi phạm không bị xử lý. 4. Hiện nay, ngoài số lượng nhà báo 16.000 người, tại các cơ quan báo chí còn rất nhiều phóng viên, họ thực hiện nhiệm vụ giống như nhà báo, nhưng danh phận của họ không được ghi nhận cụ thể trong các quy định pháp luật. Họ gặp nhiều khó khăn, đôi khi bị khước từ một cách “hồn nhiên” trong quá trình tác nghiệp. Trong trường hợp những phóng viên này bị đe dọa, hành hung, thì việc áp dụng pháp luật còn khó khăn hơn nhiều. 5. Đấu tranh chống tiêu cực là cuộc đấu tranh cam go, gian khổ và nguy hiểm, song chưa có cơ chế đồng bộ để bảo vệ nhà báo, phóng viên. Ở đây, vai trò của các cơ quan chức năng tại địa phương rất quan trọng, không chỉ tạo điều kiện trong quá trình tác nghiệp mà cần phải hỗ trợ và bảo vệ. Trong một số trường hợp, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động này. Một số giải pháp cần triển khai để bảo vệ nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp 1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về báo chí để mọi người hiểu rõ về hoạt động báo chí, quyền và phạm vi tác nghiệp của nhà báo, phóng viên. Phát huy vai trò, trách nhiệm của của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ nhà báo. 2. Đối với các vụ cản trở, đe dọa, hành hung nhà báo chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự cần phải xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí và công khai kết quả xử lý trước công luận. 3. Quy định cụ thể hơn về phóng viên trong các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ cũng như tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ phóng viên trong quá trình tác nghiệp. 4. Cơ quan báo chí khi cử nhà báo, phóng viên tham gia hoạt động chống tiêu cực phải xây dựng phương án cụ thể, theo dõi sát sao để can thiệp kịp thời, không để phóng viên tác nghiệp một mình. 5. Các cơ quan chức năng cần thống nhất về nhận thức trong việc vận dụng pháp luật trên cơ sở lợi ích chung của xã hội để xử lý nghiêm khắc cá nhân có hành vi đe doạ, hành hung nhà báo. 6. Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện điều 257 Bộ luật Hình sự, nêu rõ hoạt động tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ theo đúng bản chất của hoạt động báo chí là hoạt động xã hội đặc biệt, vì lợi ích chung của đất nước, của dân tộc./.