Tháng Một 29, 2024

BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở NƠI LÀM VIỆC: YẾU TỐ QUAN TRỌNG ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

"Một nền kinh tế tăng trưởng bền vững và bao trùm không thể nào khác hơn là tăng trưởng vì bình đẳng giới, và ngược lại, bình đẳng giới sẽ thúc đẩy xã hội tăng trưởng toàn diện hơn", ông Nguyễn Phú Bình, Nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam từng khẳng định. Bình đẳng giới là một khía cạnh quan trọng trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội, trong đó có môi trường làm việc. Trong bối cảnh hiện nay, thực hiện bình đẳng giới ở nơi làm việc không chỉ là vấn đề trách nhiệm mà còn là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội. 

Bình đẳng giới ở nơi làm việc: Không phải cào bằng

Để thực hiện được bình đẳng giới ở nơi làm việc, cần phải hiểu khái niệm này một cách đúng đắn. Bình đẳng giới không có nghĩa là tỉ lệ nam nữ trong công ty phải cân bằng, mà có nghĩa là mọi người đều được tiếp cận các cơ hội và nguồn lực giống nhau, được tạo điều kiện để phát triển cũng như được thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. 

Cùng với bình đẳng giới, công bằng giới là một tiêu chí cần được đảm bảo để mỗi cá nhân được tạo điều kiện phát huy năng lực của mình. Công bằng giới là cách đối xử hợp lý đối với nam, nữ và các giới khác, thể hiện qua sự tôn trọng sự khác biệt và tạo điều kiện thuận lợi dựa trên sự khác biệt. Thay vì cho rằng nữ giới và nam giới phải trở thành như nhau, phụ nữ cũng cần làm những công việc “dành cho đàn ông” và ngược lại, doanh nghiệp cần ghi nhận sự khác biệt của mỗi giới và có những chính sách phù hợp.

Những rào cản và thách thức

Không thể phủ nhận những nỗ lực để đạt được bình đẳng giới trong doanh nghiệp trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn còn đó những rào cản nhất định trong môi trường công sở góp phần khắc sâu thêm những định kiến giới. Theo TS Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng, khuôn mẫu giới chính là rào cản vô hình hay “bức tường thủy tinh” đối với phụ nữ. Thực tế, trong các quy tắc mà các nhà tuyển dụng đặt ra, vô hình chung có những quy tắc là yếu tố bất lợi cho người phụ nữ. Nhiều công ty muốn tránh ký hợp đồng lao động với nhân sự nữ có ý định mang thai trong những năm đầu làm việc, khiến lao động nữ gặp nhiều khó khăn khi làm mẹ, từ lúc quyết định mang thai đến cơ hội làm việc sau sinh.

TS Lê Văn Sơn trình bày về định kiến giới trong tuyển dụng

Thêm vào đó, không ít nhà tuyển dụng có khuynh hướng “dán nhãn” hoặc “đóng khung” nam và nữ ở một số loại công việc nhất định. Chị Mai Quỳnh Anh, Head of Program tại TUVA Communication chia sẻ một ví dụ từ kinh nghiệm của bản thân: Đa số các vị trí Account sẽ thường ưu tiên tuyển nữ vì họ nghĩ rằng, nữ sẽ là người giao tiếp tốt hơn nam và ngược lại, ở những vị trí thuộc về sáng tạo, quay chụp thì ưu tiên nam vì cho rằng nam có sức khỏe hơn nữ. Những điều này đã vô hình ảnh hưởng trực tiếp đến sự nhiệt huyết, tự tin trong công việc, cuộc sống của nhân viên, trở thành rào cản cho chính doanh nghiệp.

Từ góc độ nghiên cứu, TS Nguyễn Nữ Nguyệt Anh, Trưởng khoa Xã hội học, Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM nhận định: “Cái len lỏi, ăn sâu, và gặm nhấm ở đây chính là văn hóa, khiến chúng ta khó thoát khỏi rào cản về định kiến giới mặc dù chúng ta có rất nhiều hoạt động, đã lồng ghép vào giáo dục trong các cấp bậc từ tiểu học cho đến đại học. Có đôi khi, định kiến giới đến từ chính những người phụ nữ vì họ cho rằng làm việc với đàn ông có đôi khi sẽ dễ hơn phụ nữ. Định kiến xuất phát từ nhận thức, thể hiện thành thái độ và hành vi. Việc chúng ta cần làm là cố gắng cân bằng, hài hòa khi nhìn nhận về khía cạnh giới.”

TS Nguyễn Nữ Nguyệt Anh (giữa)

Có quan điểm tương tự, TS Lê Văn Sơn nhấn mạnh khuôn mẫu giới vẫn đang tồn tại trong cuộc sống hằng ngày và nó trói buộc, đóng khuôn chúng ta theo những gì xã hội và cộng đồng mong muốn. Điều nguy hiểm của khuôn mẫu giới, đó chính là từ những quan điểm, suy nghĩ sai lệch, nó sẽ dần trở thành chuẩn mực, quy tắc mà xã hội phải làm và tuân theo. Điều này vô hình sẽ làm áp lực lên bản thân của mỗi người nếu phải “chạy theo” quy tắc chuẩn mực này.

Bình đẳng giới mang lại lợi ích cho doanh nghiệp

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng bình đẳng giới trong môi trường làm việc có thể đóng góp vào sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Theo khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 2019 tại hơn 12,000 doanh nghiệp thuộc 70 quốc gia, các doanh nghiệp thực hiện các chính sách đa dạng giới có khả năng ghi nhận sự cải thiện trong kết quả kinh doanh cao hơn 31% so với các doanh nghiệp không thực hiện. Trong một nghiên cứu của McKinsey, các công ty đa dạng về giới có khả năng hoạt động tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh của họ 15%.

Bình đẳng giới, đa dạng giới giúp doanh nghiệp có được nguồn nhân tài dồi dào hơn, tăng cường khả năng sáng tạo và đổi mới, cải thiện tỷ lệ giữ chân nhân viên và nhờ đó tiết kiệm chi phí cho công tác tuyển dụng. Đội ngũ nhân sự đa dạng cũng cho phép doanh nghiệp tiếp cận, thấu hiểu tệp khách hàng rộng hơn, nhờ đó góp phần tăng doanh thu và hình ảnh thương hiệu. 

Theo TS Lê Văn Sơn, thực thi bình đẳng đẳng giới không chỉ là sự tuân thủ quy định luật pháp mà hoàn toàn có thể giảm thiểu rủi ro và tạo giá trị bền vững cho doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có môi trường làm việc tôn trọng sự đa dạng, có những chính sách và đãi ngộ hợp lý sẽ giúp tạo điều kiện để nhân sự phát huy năng lực, tăng năng suất làm việc, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của doanh nghiệp và xã hội.

Thực thi bình đẳng giới trong doanh nghiệp: Vai trò từ cấp lãnh đạo
Các cấp lãnh đạo, quản lý là những người có sức ảnh hưởng lớn đến nhân viên và các bên liên quan để thúc đẩy những nỗ lực gia tăng sự bình đẳng, đa dạng và dung hợp giới trong doanh nghiệp. Ở nhiều công ty, nhân sự nữ cảm thấy bị nhà tuyển dụng hoặc cấp trên làm khó về vấn đề lập gia đình, sinh con. Bà Phương Phạm, Giám đốc điều hành GreenHat, nhấn mạnh: “Mang thai không ảnh hưởng đến khả năng của phụ nữ. Ngược lại, đó còn là động lực để nhân sự nữ ngày càng phát triển hơn”.

Các doanh nghiệp, đặc biệt là cấp lãnh đạo, cần có cả kiến thức lẫn sự thấu cảm để hiểu, thực hành bình đẳng giới trong môi trường làm việc. Đại diện Công ty Ubox chia sẻ, giá trị cốt lõi mà ban lãnh đạo hướng đến ở một nhân viên là năng lực chuyên môn. Chính vì thế, không có bất kỳ định kiến giới nào là rào cản cho quá trình phát triển, thăng tiến của nhân sự tại Ubox.

Doanh nghiệp tham gia các toạ đàm về bình đẳng giới

Không chỉ nâng cao thực hành bình đẳng giới bên trong doanh nghiệp, nhiều công ty đã cùng thành lập các cộng đồng để cùng nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, tiêu biểu là cộng đồng “Women leaders in Marcom” khởi xướng bởi tập đoàn OMVerse hợp tác cùng tổ chức RED Communication. Không chỉ đem lại một nơi để giao lưu, kết nối cộng đồng, mục tiêu của "Women Leaders in Marcom" là hỗ trợ những nữ doanh nhân đang gặp khó khăn trong việc định vị bản thân, phát triển cộng đồng bằng sự thấu hiểu, từng trải của những nữ lãnh đạo trong Ban cố vấn gồm hơn 40 thành viên ban cố vấn là các nữ CMO, CEO, COO, lãnh đạo lĩnh vực marcom từ nhiều thương hiệu trong và ngoài nước.

Cộng đồng “Women leaders in Marcom”

Việc doanh nghiệp tham gia vào tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội rất quan trọng, bởi đó không chỉ là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà còn trực tiếp đóng góp vào hiệu quả kinh doanh. Thực hành bình đẳng giới trong doanh nghiệp là một nỗ lực cần có sự tham gia của mỗi cá nhân, từ lãnh đạo, quản lý đến từng nhân sự, có sự hợp tác đa bên cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Phải làm sao để bình đẳng giới thực sự trở thành văn hoá doanh nghiệp và trường tồn, để mỗi cá nhân có thể phát huy năng lực, đóng góp vào sự phát triển bền vững của bản thân, doanh nghiệp và của xã hội./.