Tháng Sáu 14, 2013

CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VÀ TRUYỀN THÔNG TRONG VỤ BỒI THƯỜNG 2 TẤN BẠCH TUỘC CHO NGƯ DÂN CẦN GIỜ – PV NGUYỄN VIỄN SỰ (BÁO TUỔI TRẺ), BÀ NGUYỄN THỊ PHỈ VÀ ÔNG ĐẶNG VĂN HÙNG

1. Tóm tắt vụ việc

Ngày 27 – 5, xe chờ 2 tấn bạch tuộc sống  do các ngư dân Cần Giờ vận chuyển ra Hạ Long bị cảnh sát môi trường tỉnh Hải Dương bắt giữ. Đây là số bạch tuộc được gây mê bằng đá lạnh, có thề sống lại bằng cách sục oxi, sau tối đa 18 giờ làm lạnh. Tuy nhiên xe chở bạch tuộc đã bị công an Hải Dương giữ lại quá lâu, dẫn đến toàn bộ số bạch tuộc bị chết. Do đó khi công an Hải Dương có lệnh trả xe tài xế đã không nhận vì lô hàng bị hỏng hoàn toàn.

Nhận được thông tin, 17 người dân đứng tên trên lô hàng bạch tuộc đã ra Hà Nội cùng bà Nguyễn Thị Phỉ (là đại diện ủy quyền) để yêu cầu công an Hải Dương bồi thường nhưng không được đáp lại. Công an Hải Dương cho rằng lô hàng bạch tuộc không xuất trình được giấy tờ kiểm dịch nên buộc phải kiểm dịch theo quy định. Tuy nhiên thực tế là công an Hải Dương đã vận dụng sai, luật chỉ quy định hải sản phải kiểm dịch khi xuất khẩu hoặc vận chuyển trong nước nhưng từ nơi đang có dịch. Lô hàng bạch tuộc Cần Giờ không nằm trong quy định này.

Báo chí những ngày sau đó liên tiếp lên tiếng, lấy ý kiến các chuyên gia về pháp luật và các cơ quan về kiểm dịch. Các ý kiến đều cho thấy công an Hải Dương vận dụng chưa đúng quy định. Tuy nhiên công an Hải Dương vẫn từ chối bồi thường, đưa số bạch tuộc hư hỏng đi tiêu hủy và còn cho biết sẽ yêu cầu ngư dân Cần Giờ phải hoàn trả tiền tiêu hủy bạch tuộc.

Ngày 9/6 – Báo Tuổi Trẻ có phóng sự “Cạn nồi cơm người săn bạch tuộc”, đưa ra một chi tiết mới mà báo chí trước đó có sự nhầm lẫn: Thiệt hại gần 1 tỳ đồng của 2 tấn bạch tuộc không phải do 17 người đứng tên trên lô hàng gánh chịu. Họ không phải là thương lài mà chỉ là người đứng tên dùm cho gần 400 hộ dân săn bạch tuộc. Do đó thiệt hại này làm cạn nồi cơm của tất cả các ngư dân săn bạch tuộc.

Chiều 9/6, Bộ trưởng Công an  Trần Đại Quang có công văn khẩn yêu cầu Công an Hải Dương xử lý vụ việc theo hướng bảo đảm quyền lợi của hơn 400 hộ dân săn bạch tuộc Cần Giờ. Cán bộ nào sai phạm phải xử lý.

Ngày 10/6 Chánh thanh tra Bộ Công an làm việc với Công an Hải Dương về chỉ thị của Bộ Trưởng.

Trưa 11/6, Phó giám đốc công an Hải Dương – Cao Ngọc Lan, dẫn đoàn công tác làm việc với đại diện ngư dân Cần Giờ và quyết định bồi thường 650 triệu cho lô hàng bạch tuộc, số tiền được chuyển ngay trong ngày.

Ngày 12/6 ngư dân Cần Giờ họp bàn chia tiền bồi thường và quyết định trích lại một số tiền để xây nhà tình thương.

2. Kinh nghiệm qua sự việc

- Kinh nghiệm đầu tiên là người dân cần mạnh dạn lên tiếng trước các vấn đề liên quan đến pháp lý mà mình đang là người bị thiệt hại. Vụ việc này ban đầu được coi là ‘con kiến đi kiện củ khoai” nhưng cuối cùng con kiến đã thắng củ khoai.

Thay vì im lặng vì sợ hãi, bất lực, sự lên tiếng của người dân (cho dù không có phương pháp cụ thể)  ít nhất sẽ trở thành sự kiện để các cơ quan báo chí săn tìm thông tin. Các sự việc ban đầu có thể lộn xộn, chưa ngã ngũ nhưng việc đưa thông tin lên mặt báo sẽ buộc nơi làm sai phải suy nghĩ nghiêm túc và cẩn trọng hơn trong khi đưa ea quyết định.

- Tuy nhiên trong vụ việc này cũng có những vần đề mà người dân săn bạch tuộc Cần Giờ, cũng như nhiều người dân ở các vùng nông thôn khác cần rút ra: Không thể buôn bán theo kiểu “tin nhau là chính”, chất phác hồn nhiên như người vẫn đang thực hiện. Người dân Cần Giờ chỉ biết đưa bạch tuộc lên sân bay, có ‘cò” nhận vận chuyển và không biết ai là người nhận hàng ở Hà Nội, sau vài ngày thì số tiền bán bạch tuộc sẽ được chuyển vào tài khoản. Cho dù chưa khi nào bị quỵt tiền nhưng kiểu buôn bán này đã gặp vấn đề pháp lý khi vụ việc xảy ra là rất khó khăn trong việc xác định chủ thực sự của lô hàng. 400 hộ dân nhờ 17 người chuyển dùm 2 tấn bạch tuộc, 17 người nhờ 2 người đứng tên vận đơn để Vietnam Airlines chuyển bạch tuộc ra Hà Nội, nhưng hoàn toàn không có một loại giấy tờ nào kèm theo. Do đó khi bồi thường công an Hải Dương đã rất khó khăn xác định chủ hàng theo pháp lý. Nếu công an Hải Dương không linh động, thông cảm trong quá trình bồi thường thì có khả năng phải kiện ra tòa hành chính. Rất tốn thời gian, tiển bạc và nhiều rắc rối.

3. Những đề xuất với báo giới

- Báo chí đã góp công lớn trong việc lên tiếng bênh vực người dân khi sự việc xảy ra. Tuy nhiên cũng có những kinh nghiệm, góp ý cho báo chí trong vụ việc này:

+ Phải đi đến cùng sự việc và tìm những góc nhìn đa chiều. Trong một tuần đầu tiên báo chí đã bị cuốn theo một suy luận “logic” là thiệt hại thuộc về 17 chủ hàng bạch tuộc. Cần Giờ là một huyện ven biển TP.HCM, cách trung tâm TP.HCM chỉ 30 km. Nhưng ban đầu đã không có tờ báo nào xuống tận nơi đánh bắt bạch tuộc để tìm chứng cứ, tìm câu chuyện bên trong vụ việc, nên không biết thiệt hại này đổ trực tiếp lên 400 hộ dân nghèo. Gần 1 tỷ đồng là là một số tiền lớn, nhưng nếu là các thương lái bị thiệt hại thì câu chuyện sẽ có phần khác với những ngư dân nghèo, suốt ngày cắm mặt trong bùn của rừng ngập mặn bị thiệt hại. Chỉ sau khi báo có bài viết “Cạn nồi cơm người săn bạch tuộc” trên báo Tuổi Trẻ thì câu chuyện được mở theo một hướng khác, cụ thể hơn và diễn biến theo chiều hướng có lợi cho người dân.

+ Vụ việc này có thể trở thành một dang “án lệ” cho các vụ việc tiếp sau, bau chí cần đi sâu vào đời sống người dân, đang có rất nhiều vướng mắc về pháp lý, nhiều vụ việc bị xử lý sai  nhưng không được đưa ra công luận. Mỗi vụ việc không chỉ giải quyết vấn để cụ thể mà còn là kinh nghiệm để mỗi người dân vận dụng cho các vướng mắc pháp lý tương tự của mình.

4. Những đề xuất với phía các cơ quan trợ giúp pháp lý

- Các cơ quan trợ giúp pháp lý hãy bắt đầu bằng việc tìm hiểu đời sống thức tế của người dân để chỉ ra họ đang có những “nguy cơ” gặp vướng nào về pháp lý. Một cán bộ tư pháp xã, phường cũng có thể chỉ ra những rủi ro, bất cập trong cách buôn bán bạch tuộc của người dân Cần Giờ. Đáng tiếc là 10 năm qua không ai chỉ cho họ. Nếu như gặp những tranh chấp dân sự tiếp theo ngư dân Cần Giờ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đòi quyền lợi. Ở rất nhiều vùng nông thôn khác trong cả nước cũng đang có kiểu buôn bán tương tự và câu chuyện này không ai làm tốt hơn là các cán bộ tư pháp cấp xã, phường.

- Các cơ quan trợ giúp pháp lý phải nhanh hơn trong việc trợ giúp khi có sự cố. Trong vụ việc này, không cơ quan nào ở địa phương chỉ ra được sự áp dụng không đúng quy định pháp luật của của công an Hải Dương nhưng không thấy cơ quan nào lên tiếng. Nhờ sự giúp đỡ của bà Nguyễn Thị Phỉ thì người dân mới hiểu được họ đang bị xử ép ở điểm nào. Thay vì trước đó họ chỉ biết bất bình (vì bị hành xử khác với lệ thường) nhưng không chỉ ra được vấn đề pháp lý cụ thể.

TP.HCM, ngày 14 tháng 6 năm 2013