Tháng Mười Một 14, 2023

CÙNG SINH VIÊN BÀN LUẬN VỀ ĐỊNH KIẾN GIỚI VÀ CÂU CHUYỆN PHỤ NỮ LÀM LÃNH ĐẠO

Khả năng lãnh đạo của mỗi cá nhân không thể được đánh giá dựa trên giới tính của họ. Nhiều người thường cho rằng phụ nữ khi làm lãnh đạo sẽ yếu đuối, thiếu quyết đoán và những quyết định họ đưa ra thường theo cảm tính.

Ngày 10/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) đã tổ chức Diễn đàn Kết nối ba bên Thanh niên – Marketer – Nhà báo. với sự tham gia của các chuyên gia về Giới, chuyên gia Marketing và sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh buổi thảo luận (Ảnh: RED)

Tại buổi thảo luận, các sinh viên đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ ra thực trạng phân biệt đối xử dựa trên giới tính vẫn còn tồn tại ở một số tổ chức. Trong đó, dễ thấy nhất là vai trò của người phụ nữ không được đề cao ở các vị trí lãnh đạo, quản lý. Các sinh viên cũng nêu lên thực trạng tiêu chuẩn kép “giỏi việc nước, đảm việc nhà” đối với người phụ nữ hiện nay.

Các bạn sinh viên trình bày tại buổi thảo luận (Ảnh:RED)

TS. Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng, khi bàn về việc phụ nữ làm lãnh đạo, đã chia sẻ về việc người phụ nữ vẫn gặp nhiều rào cản trên con đường trở thành lãnh đạo, chủ yếu các định kiến giới cho rằng phụ nữ là những người cảm tính, thiếu quyết đoán và cần dành nhiều thời gian cho gia đình nên sẽ dễ ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Những định kiến này đã xuất hiện từ lâu trong xã hội và nó ngày càng được củng cố thông qua những bài báo hay những sản phẩm quảng cáo bởi trong một xã hội 4.0 hiện nay, mạng xã hội và truyền thông là hai thứ có sức ảnh hưởng gần như lớn nhất đến nhận thức của một cá nhân.

Đồng quan điểm với TS. Lê Văn Sơn, TS. Nguyễn Nữ Nguyệt Anh -Trưởng khoa Xã hội học, Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM cũng cho rằng phụ nữ để đạt được vai trò lãnh đạo thường gặp rất nhiều rào cản. Theo bà Nguyệt Anh, trên thực tế, so với nam giới, phụ nữ về mặt sinh học thì phải sinh con. Nếu phụ nữ sinh 2 con thì thời gian gián đoạn trong công việc hay học tập mất từ 5-6 năm. Nếu phụ nữ không cân bằng được về phía cạnh gia đình, học tập và công việc thì đứng trước nguy cơ đổ vỡ hôn nhân rất cao. Do vậy về công bằng mà xét, để đạt được vai trò lãnh đạo thì so với nam giới thì phụ nữ buộc phải cố gắng hơn rất nhiều để phát huy hết vai trò của mình.

Các chuyên gia tại hội thảo (Ảnh: RED)

Dưới góc nhìn của một chuyên gia Marketing, anh Ân Đặng– Head of HCMC Branch Omega Media Worldwide chia sẻ về những sản phẩm quảng cáo lồng ghép vai trò giới của phụ nữ. Anh cho rằng phụ nữ trong các thông điệp quảng cáo thường bị gắn với hình ảnh liên quan đến bếp núc, chăm sóc con cái, giặt quần áo. Những hình ảnh ấy đã vô tình hay hữu ý tác động vào quan niệm, suy nghĩ, nhận thức của cộng đồng rằng công việc đó dành cho phụ nữ, đi ngược lại với nỗ lực xây dựng xã hội nam nữ bình đẳng. Tương tự, những quảng cáo liên quan đến tốc độ, xe cộ hay các công việc cần đến sức khoẻ thì đều được gắn với hình ảnh người đàn ông. Ví dụ như trong quảng cáo xe ô tô, người cầm lái thường là nam giới.

Chuyên gia Marketing thảo luận cùng sinh viên (Ảnh: RED)

Tại phiên thảo luận, các khách mời cũng như khách tham dự nhìn nhận rằng cho dù là nam hay nữ thì nên có được cơ hội như nhau. Bên cạnh đó, cần nhận ra sự khác biệt về mặt sinh học để mang đến những giải pháp phù hợp, tạo điều kiện để họ phát huy hết khả năng của mình. Để xã hội có cái nhìn bình đẳng hơn đối với cả hai giới thì cần có sự tham gia của các bạn thanh niên và sự góp sức không nhỏ từ các đơn vị truyền thông, các nhà báo, các marketers bởi họ là một trong những kênh tác động trực tiếp vào nhận thức của người đọc/ người xem hiện nay.