Tháng Mười 12, 2016

ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH: “THỰC TRẠNG GIAO ĐẤT, GIAO RỪNG TẠI HÀ TĨNH: NHỮNG KHÓ KHĂN, BẤT CẬP VÀ GIẢI PHÁP” (10/2016)

  Ngày 12/10/2016, tại thành phố Hà Tĩnh, trong khuôn khổ dự án "Hợp tác truyền thông góp phần cải thiện chính sách kinh tế", RED và Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và Phát triển (CIRD) phối hợp tổ chức Đối thoại chính sách với chủ đề: “Thực trạng giao đất, giao rừng tại Hà Tĩnh: Những khó khăn, bất cập và giải pháp”.     Tham dự phiên Đối thoại, về phía cơ quan hoạch định chính sách có đại diện Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PT NT); đại diện Hội đồng nhân dân Hà Tĩnh; về phía cơ quan thực thi chính sách có Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, Chi cục kiểm lâm, chính quyền các huyện, xã có diện tích đất rừng của tỉnh Hà Tĩnh; và phía đối tượng thụ hưởng chính sách là một số hộ nông dân đã nhận và khai thác đất rừng; đại diện các lâm trường, Ban quản lý rừng hiện đang quản lý, khai thác rừng thuộc các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh và Vũ Quang. Lãnh đạo Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và một số chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực phát triển nông – lâm nghiệp đã tham dự và tham luận tại phiên Đối thoại. Đã có 21 ý kiến đăng ký tham luận tại cuộc Đối thoại. Các báo cáo, tham luận và ý kiến phát biểu trao đổi tại buổi Đối thoại đã tập trung tổng kết, đánh giá và nêu những vấn đề còn tồn tại xung quanh các vấn đề: Những tác động tích cực của chính sách và thực tiễn còn bất cập trong việc thực hiện giao đất, giao rừng; Tình hình quản lý, sử dụng quỹ đất rừng hiện nay; Kiến nghị sửa đổi Luật bảo vệ và phát triển rừnghỗ trợ của Nhà nước về chính sách đầu tư và vay vốn; việc bàn giao đất thực chất chưa đến hộ dân... Chi tiết các tham luận và tài liệu liên quan tải về tại đây. PHẢN HỒI DƯ LUẬN SAU ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH: “THỰC TRẠNG GIAO ĐẤT, GIAO RỪNG TẠI HÀ TĨNH: NHỮNG KHÓ KHĂN, BẤT CẬP VÀ GIẢI PHÁP” (10/2016) Đối thoại chính sách: “Thực trạng giao đất, giao rừng tại Hà Tĩnh: Những khó khăn, bất cập và giải pháp” do RED phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và Phát triển (CIRD) tổ chức đã diễn ra thành công và nhận được sự quan tâm lớn từ báo chí. Báo Hà Tĩnh điện tử trong bài: “Đối thoại về chính sách, thực trạng giao đất, giao rừng tại Hà Tĩnh” viết: Sau khi nghe ông Trần Ngọc Bình - Tổng cục Lâm nghiệp báo cáo tổng quan về tình hình giao đất, giao rừng tại Việt Nam, các đại biểu đã tập trung làm rõ các nội dung và thảo luận sôi nổi, thẳng thắn về tổng quản về giao đất, giao rừng tại Việt Nam - những vấn đề đặt ra về xây dựng và thực thi chính sách nhằm triển khai có hiệu quả chương trình giao đất, giao rừng trong giai đoạn hiện nay. Bài báo trích lời ông Nguyễn Văn Minh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vũ Quang: Công tác giao đất, giao rừng gặp nhiều khó khăn do sự phối hợp giữa các ngành tại cơ sở chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Về phía người dân, bài báo cũng trích lời ông Trần Viết Hùng, xóm Phố Tây, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn: Chúng tôi chưa an tâm sản xuất trên chính diện tích rừng của mình vì chưa có giấy chứng nhận quyền sử đất... Trang tin điện tử của Sở Nông nghiệp Hà Tĩnh nêu lại ý kiến từ Đại diện UBND xã Kỳ Lạc (Kỳ Anh): Hàng năm cần có chính sách hỗ trợ tiền cho các hộ nhận diện tích rừng tự nhiên. Bài báo cũng trích lại lời của ông Nguyễn Văn Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, cho rằng: Việc giao đất, giao rừng chưa nhiều là do vướng kinh phí từ người dân và một số chính sách pháp luật. Đề cập đến vấn đề những thành công, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện công tác giao đất, giao rừng, báo Hà Tĩnh điện tử có thêm bài “Lo ngại việc nhiều hộ nhận khoán đã bán rừng cho “đại gia””. Bài báo nêu ra những băn khoăn, quan tâm chung của các đại biểu tham dự hội thảo là bên cạnh mặt tích cực từ việc giao đất, giao rừng thì vẫn còn đó nhiều bất cập, bất an. Đó là, vì cái lợi trước mắt nên nhiều hộ được giao khoán rừng đã bán cho một số “đại gia”, gây khó khăn trong việc quản lý và trật tự xã hội trên địa bàn. Bài báo trích lời GS, TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT: Luật chưa đi vào cuộc sống là do làm luật trong phòng lạnh. Cho rằng chủ trương giao đất, giao rừng đã hình thành từ rất sớm, đã và đang đạt được những thành tựu rất đáng kể, báo Xây dựng có bài “Hà Tĩnh: Xây dựng chiến lược quản lý, khai thác, sử dụng đất và rừng lâm nghiệp”. Bài báo nêu lên quan điểm: phát triển rừng bền vững là mục tiêu mà nhiều chương trình và dự án đang hướng đến trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng hiện diện rõ rệt. Bài báo cũng khen ngợi hội thảo đã ghi nhận những chia sẻ và nhiều cách làm hay về cách quản lý bảo vệ rừng, phát triển các mô hình của cá nhân, hộ gia đình khi được giao đất, giao rừng. Hội nghị cũng đã phần nào tháo gỡ khó khăn, bất cập và đưa ra giải pháp, xây dựng chiến lược cụ thể nhằm nâng cao công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.   Một số hình ảnh tại buổi Đối thoại: Toàn cảnh buổi Đối thoại Ông Trần Ngọc Bình - Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp nêu những vấn đề còn tồn tại trong việc giao đất, giao rừng; quản lý sử dụng rừng Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT chia sẻ những điểm khiếm khuyết trong các chính sách liên quan tới rừng Ông Nguyễn Bá Thịnh - Phó giám đốc Sở NN&PT NT tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: Rừng là vấn đề liên quan tới môi trường - xã hội - kinh tế nên bị điều chỉnh bằng nhiều văn bản luật, việc chồng chéo là khó tránh khỏi Truyền hình tác nghiệp tại buổi Đối thoại Trao đổi giữa đại biểu và các chuyên gia Đại diện chính quyền xã nêu lên những bất cập trong chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư cho đất rừng sau khi được nhận Đại diện người dân nêu ý kiến về các cơ chế để cho hộ gia đình được giao rừng có thể vay vốn ưu đãi phát triển lâm nghiệp Đại biểu lắng nghe ý kiến từ đại diện các công ty lâm nghiệp Tiến sĩ Hứa Đức Nhị, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp hoanh nghênh buổi đối thoại đã gợi mở nhiều vấn đề về đất rừng còn tồn đọng Đại biểu chụp ảnh kỷ niệm cuối buổi đối thoại