Tháng Hai 13, 2016

DỰ THẢO KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI VÀ BỔ SUNG LUẬT BÁO CHÍ (02/2016)

Dự thảo Luật Báo chí đã được Quốc hội khóa 13 thảo luận và cho ý kiến vào kỳ họp thứ 10, tháng 11 năm 2015. Dự thảo tiếp tục được thảo luận tại Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc vụ Quốc hội khóa 13 vào tháng 2 năm 2016.  Nhằm đóng góp ý kiến cho Dự thảo luật, Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) đã tổ chức các hoạt động phân tích, thảo luận, tham vấn và thu thập ý kiến về các nội dung của dự thảo từ các bên liên quan. Ngày 22/10/2015, tại Hà Nội, RED tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các phóng viên, nhà báo, chuyên gia và các bên quan tâm về các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của phóng viên, nhà báo. Ngày, 14 – 15/01/2016, tại “Hội nghị thường niên Mạng lưới Bảo vệ tác nghiệp” - với sự tham gia của hơn 30 thành viên của Mạng lưới là các Nhà báo đang công tác tại cơ quan báo chí trên địa bàn các tỉnh; thành phố trong phạm vi cả nước, đại diện các tổ chức có liên quan chương trình “Bảo vệ tác nghiệp” và một số đối tác quốc tế có quan tâm đến hoạt động nghiên cứu lĩnh vực bảo vệ nhà báo trong khi tác nghiệp ở Việt Nam,  RED tiếp tục lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo. Từ tháng 11 năm 2015 đến tháng 2 năm 2016, các nội dung của dự thảo luật tiếp tục được thảo luận thông qua các kênh truyền thông, các diễn đàn trực tuyến... Tổng hợp thảo luận tại các Hội nghị, Hội thảo trên; cũng như kết quả tham vấn ý kiến trên các diễn đàn trực tuyến các diễn đàn trực tuyến, chúng tôi kiến nghị sửa đổi một số nội dung trong Dự thảo Luật Báo chí như sau. Các kiến nghị chính: 1. Kiến nghị thay đổi các nội dung gồm:
  • Kiến nghị thay đổi quyền thẩm định, đánh giá và quyết định người đủ tư cách và năng lực là Nhà báo cho Tổng biên tập/ Cơ quan chủ quản báo chí thay vì là Bộ Thông tin - Truyền thông như dự thảo 18 hiện nay quy định. Bộ Thông tin Truyền thông chỉ có vai trò cấp Thẻ nhà báo cho phóng viên theo yêu cầu của cơ quan báo chí;
  • Bỏ tiêu chuẩn thời gian 03 năm làm việc trong điều kiện cấp Thẻ nhà báo;
  • Bỏ các giới hạn cấp phép thành lập cơ quan báo chỉ trong khối đảng, nhà nước, đoàn thể.
  • Bỏ quy định tổ chức muốn họp báo hoặc cá nhân muốn cung cấp thông tin cho báo chí "phải được cơ quan nhà nước chấp thuận".
2. Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan soạn thảo bổ sung và làm rõ các điểm sau trong Dự thảo Luật:
  • Dẫn chiếu các hình thức xử phạt kỷ luật trong Luật Công chức và Luật viên chức đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí vào điều 58;
  • Bổ sung định danh nhà báo hoạt động vì lợi ích công và quy định rõ cơ chế bảo hộ của nhà nước đối với quyền tác nghiệp báo chí vào điều 12 và khoản đ, điểm 1, điều 34;
  • Bổ sung chức năng xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí và hành vi cản trở tác nghiệp của Nhà báo trong “Nội dung Quản lý Nhà nước về Báo chí” vào điều 7;
  • Bổ sung quy định quyền miễn trừ trách nhiệm pháp luật và điều kiện hưởng quyền lợi của phóng viên trong quá trình tác nghiệp;
  • Thành lập uỷ ban hay hội đồng báo chí độc lập với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí khi xác định một nội dung được coi là vi phạm “Tôn chỉ mục đích”.
Dự thảo Kiến nghị chi tiết xem tại đây. Chúng tôi rất mong nhận được thêm các ý kiến đóng góp để hoàn thiện bản kiến nghị, trước khi chính thức gửi văn bản này tới Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - Quốc Hội; Cục Báo chí - Bộ Thông tin & Truyền thông. Ý kiến đóng góp xin gửi về hòm thư điện tử chinhsach@red.org.vnhạn cuối: thứ Hai 29/2/2016.