Tháng Mười Một 3, 2016
HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN TƯ VẤN BẢO VỆ TÁC NGHIỆP LẦN II (11/2016)
Hội nghị năm nay hưởng ứng Ngày Quốc tế chấm dứt tình trạng không trừng phạt các hành vi vi phạm an toàn nhà báo (2/11) của Liên hiệp quốc.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày với sự tham gia của các thành viên Mạng lưới Tư vấn bảo vệ tác nghiệp, các thành viên của Liên minh báo chí Đông Nam Á (SEAPA), các chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý báo chí, Hội nhà báo, Trường đào tạo, tổ chức xã hội, các đối tác phát triển và báo giới.
PHIÊN KHAI MẠC
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Nhật Minh – GĐ RED nêu rõ sứ mệnh của tổ chức cũng như là mục đích của hội nghị, chào mừng và cảm ơn sự hỗ trợ của các đối tác, sự tham gia của các đại biểu.
Bà Ping Kitnikone, Tân Đại sứ Canada tại Việt Nam, phát biểu chào mừng Hội nghị, bày tỏ mong muốn hỗ trợ của Canada trong lĩnh vực sự tham gia của người dân và phát triển báo chí.
Bà Misako Ito, Cố vấn truyền thông UNESCO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương phát biểu về những mong muốn của tổ chức này về phát triển truyền thông trong khu vực.
PHIÊN I – AN TOÀN TÁC NGHIỆP TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM
Bà Chantal Mairese, chuyên gia của UNESCO trình bày về kế hoạch hành động của Liên hiệp quốc trên toàn cầu.
Ông Trần Nhật Minh trình bày về chương trình BVTN của RED triển khai từ 2010 đến 2018.
PHIÊN II- XUNG ĐỘT CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ TRONG TÁC NGHIỆP BÁO CHÍ
Chủ trì là ông Trần Nhật Minh và TS Lê Hồng Sơn – Nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp.
Đề dẫn của ông Trần Nhật Minh cho thấy một nguyên nhân lớn dẫn đến các vụ việc cản trở hành hung nhà báo là việc xung đột chức năng nhiệm vụ giữa tác nghiệp báo chí với hoạt động công vụ hoặc tác nghiệp của các ngành khác.
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển – Tổng Thư ký tòa soạn báo Pháp luật TP.HCM trình bày tham luận “Kinh nghiệm tác nghiệp báo chí khi có xung đột chức năng nhiệm vụ”.
Ông Ed Legaspi – Giám đốc chương trình báo chí của Liên minh báo chí Đông Nam Á (SEAPA) trình bày tham luận “Ứng xử khi có xung đột – kinh nghiệm ở khu vực”.
Ông Lê Hồng Sơn có phần phân tích ranh giới giữa tác nghiệp của các bên. Các đại biểu thảo luận về ranh giới, về sự khác biệt trong văn bản và ngoài thực tiễn giữa tác nghiệp báo chí và hoạt động công vụ và ngành khác, nhận thức và kinh nghiệm của các nhà báo trong tình huống tác nghiệp có khả năng xung đột chức năng nhiệm vụ…
PHIÊN III- UNESCO THAM VẤN CHỈ SỔ AN TOÀN TÁC NGHIỆP
Chủ trì bởi bà Misako Ito và ông ED Legaspi.
Bà Reeta Poyhtari, chuyên gia truyền thông của UNESCO trình bày qua Skype bộ chỉ số an toàn nhà báo do UNESCO xây dựng.
Các đại biểu Việt Nam và khu vực đặt câu hỏi và góp ý cho bộ chỉ số của UNESCO.
PHIÊN IV- RED THAM VẤN CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ BÁO CHÍ VIỆT NAM
Chủ trì bởi chuyên gia Nguyễn Chí Dũng và Nguyễn Nhung.
Các đại biểu thảo luận về một số khái niệm như: tính chính xác, tính công bằng, trách nhiệm với xã hội, độc lập, phi vụ lợi…có thể đo lường về giá trị đạo đức, chuẩn mực nghề nghiệp của báo chí, từ đó đưa ra được một khung đánh giá khả tín nhất cho bộ chỉ số đánh giá báo chí mà RED đang nghiên cứu.
Một số hình ảnh của Hội nghị:
Ông Trần Nhật Minh, Giám đốc RED phát biểu khai mạc Hội nghị
Bà Ping Kitnikone, Tân Đại sứ Canada tại Việt Nam, phát biểu chào mừng Hội nghị, bày tỏ
mong muốn hỗ trợ của Canada trong lĩnh vực sự tham gia của người dân và phát triển báo chí
Bà Misako Ito, Cố vấn truyền thông UNESCO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
phát biểu về những mong muốn của tổ chức này về phát triển truyền thông trong khu vực
Bà Chantal Mairese, chuyên gia của UNESCO
trình bày về kế hoạch hành động của Liên hiệp quốc trên toàn cầu
Ông Trần Nhật Minh và TS. Lê Hồng Sơn – Nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp
chủ trì phiên 1: AN TOÀN TÁC NGHIỆP TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM
Ông Trần Nhật Minh, trình bày về chương trình Bảo vệ tác nghiệp của RED (2010-2018)
Đại biểu trình bày tham luận tại phiên 2 với chủ đề:
Xung đột chức năng nhiệm vụ trong tác nghiệp báo chí
Các đại biểu thảo luận về ranh giới giữa quyền tác nghiệp báo chí và quyền công vụ; sự khác
biệt giữa trong văn bản và ngoài thực tiễn giữa tác nghiệp báo chí và hoạt động công vụ...
Chiều ngày 1/11, Hội nghị thường niên Tư vấn Bảo vệ Tác nghiệp tiếp tục
với phiên thảo luận thứ 3 với nội dung: Tham vấn chỉ số an toàn nhà báo của UNESCO
Phiên 3 của Hội nghị được chủ trì bởi bà Misako Ito – Đại diện UNESCO
và ông ED Legaspi – Đại diện Liên minh Báo chí Đông Nam Á (SEAPA)
Đại diện các nước đặt câu hỏi và góp ý cho bộ chỉ số của UNESCO
Sáng ngày 2/11, Hội nghị thường niên Tư vấn Bảo vệ Tác nghiệp tiếp tục
phiên thảo luận số 4: Tham vấn xây dựng chỉ số đánh giá báo chí Việt Nam
Các đại biểu thảo luận một số khái niệm
có thể đo lường về giá trị đạo đức nghề nghiệp của báo chí
Đại diện quốc tế và khu vực cũng đóng góp ý kiến cho bộ chỉ số
PHẢN HỒI BÁO CHÍ XUNG QUANH HỘI NGHỊ
Báo chí đến tác nghiệp rất đông tại Hội nghị
Báo Tiền Phong Online có bài: Toàn cầu đẩy mạnh hoạt động bảo vệ báo chí tác nghiệp. Bài báo đã trích lại thống kê của UNESCO được trình bày tại Hội nghị, là trong thập kỷ vừa qua, trung bình cứ mỗi 5 ngày có 1 phóng viên bị giết, hơn 800 tội ác với báo chí đã không bị trừng phạt.
Cũng đưa tin về Hội nghị, Công Luận Online có bài: Hội nghị thường niên về Tư vấn bảo vệ tác nghiệp báo chí. Bài báo trích lời TS. Lê Hồng Sơn – Nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), rằng trong vấn đề tác nghiệp báo chí hiện nay vẫn còn có những hạn chế. Ví dụ như việc trước đây bên công an có quy định cấm quay phim, chụp ảnh CSGT khi làm nhiệm vụ. Sự việc này được báo chí rất quan tâm, sau đó Bộ trưởng Bộ Công an trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tư pháp và quyết định huỷ quy định này. Hoặc Bộ Tư pháp cũng đã xử lý khá nhiều quy định của các địa phương đưa ra nhằm hạn chế báo chí tác nghiệp. Những vấn đề này mang tính chất cục bộ, do các quy định chưa cụ thể dẫn đến các cơ quan, đơn vị hiểu sai và vận dụng tuỳ tiện.
Bàn về vấn đề cản trở tác nghiệp báo chí, báo điện tử Hà Nội Mới trích dẫn báo cáo của RED rằng trong 3 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 12 vụ cản trở tác nghiệp báo chí. Nhiều vụ việc bắt nguồn từ xung đột của tác nghiệp báo chí với hoạt động công vụ hoặc tác nghiệp của ngành khác. Nhưng phải đến va chạm giữa phóng viên Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh và Cảnh sát hình sự huyện Đông Anh tại cầu Nhật Tân (Hà Nội) thì xung đột tác nghiệp mới trở thành xung đột mang tính pháp lý. Trong đó phóng viên có quyền được bảo vệ theo Điều 7/NĐ-159 và công an có thể xử phạt phóng viên theo điều 6 cũng nghị định này. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến các vụ cản trở tác nghiệp. Tuy nhiên, các thảo luận sau vụ việc chưa làm rành mạch được vấn đề.
Cũng bàn về vấn đề này, Tuổi Trẻ Thủ Đô trích lời Nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Tổng Thư ký tòa soạn, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị, cho biết, mỗi vụ tấn công vào nhà báo là một vụ tấn công vào quyền được biết và quyền tự do biểu đạt của công chúng. Để hạn chế những hành vi cản trở tác nghiệp báo chí ở nước ta cần có những quy tắc tác nghiệp riêng và chung của từng cơ quan báo chí và có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan đó. Mặt khác, cần có các lớp cơ bản và chuyên sâu để bồi dưỡng và tập huấn các kỹ năng tác nghiệp cho nhà báo. Cùng với đó, các nhà báo phải nâng cao nhận thức về quyền hạn cũng như có đạo đức nghề nghiệp trong khi đi tác nghiệp để hạn chế những rủi ro.
Bàn về các giải pháp cho vấn đề, Báo Giao Thông có bài: Làm gì để nhà báo không bị cản trở tác nghiệp?. Bài báo trích lời ông Lê Hồng Sơn, cho rằng có xung đột là do phần lớn từ nhận thức và xử lý của lực lượng chức năng không đảm bảo tính chuyên nghiệp. Về phía báo chí đôi khi cũng như thế. Lỗi là do thể chế nên cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế, đặt ra quy chuẩn rõ ràng để nhà báo có thể hoạt động đúng pháp luật và không bị cản trở.
Ngoài ra còn có 1 số đơn vị báo đài khác cũng đưa tin về Hội nghị.
> Nhân Dân TV: Tăng cường bảo vệ quyền lợi tác nghiệp của báo chí
> Người Lao Động: 10 năm, hơn 800 nhà báo bị sát hại
> Pháp Luật TP. HCM: Tấn công nhà báo là tấn công quyền được thông tin
> Đại Đoàn Kết: Bàn về Bảo vệ tác nghiệp của nhà báo