Tháng Tư 20, 2018

HỘI THẢO “AN TOÀN SỐ CHO NHÀ BÁO” 19/4/2018

Ngày 19/4/2018, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) tổ chức hội thảo “An toàn số cho Nhà báo”. Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Hợp tác truyền thông góp phần cải thiện chính sách kinh tế” do Bộ các vấn đề toàn cầu (GAC) của chính phủ Canada  hỗ trợ.

Công nghệ điện tử, công nghệ thông tin vừa là một cuộc cách mạng của nhân loại, vừa đặt ra nhiều thách thức về an toàn dữ liệu, an toàn thông tin đối với người sử dụng. Theo Thống kê thường niên 2017 của Kaspersky Lab, Việt Nam đứng đầu trong danh sách có nguy cơ bị lây nhiễm mã độc cục bộ, đứng thứ ba trong danh sách các quốc gia bị tấn công vào lỗ hổng mật mã hóa, đứng thứ 6 trong danh sách các quốc gia có nguy cơ bị lây nhiễm mã độc trực tuyến.

Trong bối cảnh đó, vấn đề an toàn tác nghiệp trong môi trường số càng trở nên quan trọng đối với các nhà báo. Trong thời đại báo chí đa phương tiện, đặc biệt là với báo chí điện tử, thì dữ liệu, thông tin số vừa là tư liệu, vừa là sản phẩm, tài sản chủ yếu của báo chí; mặt khác, ngành báo chí không thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ nên kiến thức, kỹ năng về an toàn số của nhà báo, phóng viên còn nhiều hạn chế.

Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông phát triển và đã xây dựng, điều phối mạng lưới Bảo vệ An toàn tác nghiệp cho nhà báo, Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển tổ chức hội thảo “An toàn số cho nhà báo”.

Tham gia hội thảo có đại diện Hội Nhà báo Việt Nam; các nhà báo, phóng viên; các chuyên gia về an ninh thông tin; đại diện một số nhà cung cấp dịch vụ internet, dịch vụ mạng xã hội.

Hội thảo tập trung thảo luận nhằm nhận diện và làm rõ các nguy cơ ảnh hưởng đến nhà báo khi hoạt động trong môi trường số. Từ việc nhận diện nguy cơ, hội thảo hướng tới tìm ra các giải pháp phòng chống, khắc phục và xử lý vấn đề, đồng thời chia sẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản góp phần tăng cường an toàn tác nghiệp cho nhà báo trong môi trường số.

Trong phần trình bày “Tổng quan về an toàn số cho nhà báo”, Tiến sĩ Vũ Tuấn Anh – Học viện Ngoại giao Việt Nam – nêu rõ các vấn đề và biểu hiện cụ thể về  mất an toàn số đối với nhà báo theo tài liệu của UNESCO, CIMA.

Nói về các nguy cơ tác động tới nhà báo từ môi trường số, nhà báo Nguyễn Bá – Phó TBT báo điện tử Infonet – nhấn mạnh việc các nhà báo, phóng viên gặp rất nhiều nguy cơ mất an toàn số khi tham gia các hoạt động trên mạng xã hội (chủ yếu là Facebook).

Minh chứng cho nguy cơ mất an toàn khi tham gia các hoạt động trên mạng xã hội, nhà báo Trương Châu Hữu Danh và Hoàng Thiên Nga đã chia sẻ những câu chuyện thực tế của bản thân khi tài khoản Facebook bị tấn công, giả mạo rất nhiều lần, gây ra nhiều thiệt hại về uy tín.

Bà Hoàng Thiên Nga cho biết, bà đã bị nhiều đối tượng có hành vi vu khống, tấn công, bôi nhọ trên Facebook, Youtube vì lý do liên quan đến hoạt động báo chí của bà.

Chia sẻ câu chuyện an toàn số cho nhà báo ở Hoa Kỳ, TS Terry F.Buss trình bày nội dung "Thách thức từ Fake News". TS F.Buss cho biết, trong thực tế, có những trường hợp nhà báo dùng “fake news” – tin giả khi tác nghiệp. Việc này khiến nhà báo gặp các nguy cơ: Mất uy tín, bị cho thôi việc, kết quả thông tin đạt được trái với mong muốn ban đầu, làm suy giảm sự dân chủ.

Sau khi nhận diện các nguy cơ, những người tham gia đã chia sẻ, thảo luận về các giải pháp đảm bảo an toàn khi hoạt động trong môi trường số bằng nhiều câu chuyện, bài học thực tế.

Ông Ngô Văn Tráng – Giám đốc Công nghệ Nội dung, Công ty CP VCCorp – cho biết, báo chí chính là đối tượng bị tấn công nhiều nhất trong môi trường số ở Việt Nam. Theo ông Tráng, nhiều trang thông tin – báo chí ở Việt Nam đã từng bị tấn công, chiếm quyền kiểm soát bằng cách tấn công đội ngũ phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn qua gửi mã độc, âm thầm chiếm hệ thống quản trị nội dung…

Ông Lê Nguyên Khang – Trưởng phòng An toàn thông tin, Công ty CP VCCorp – cho biết, các máy tính và điện thoại di động của người dùng ở Việt Nam – trong đó có nhiều phóng viên, nhà báo – rất dễ dàng bị hacker tấn công, xâm nhập, chiếm quyền kiểm soát.

Nói về giải pháp đảm bảo an toàn khi hoạt động trong môi trường số, ông Khang cho rằng, các phóng viên, nhà báo tuyệt đối không nên cài đặt và sử dụng các phần mềm lạ, không an toàn. Cùng với đó, người dùng nên đặt mật khẩu cho những tài liệu quan trọng khi lưu trữ.

Ông Nguyễn Hòa Văn – Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam – cho rằng: “Cần đưa ra những tài liệu hướng dẫn, cảnh báo để nhà báo tránh được những nguy cơ đe dọa an toàn trong môi trường số. Bên cạnh đó, cần có thêm các nghiên cứu sâu về vấn đề này”.

Ông Hoàng Minh Trí – Báo Công an Nhân dân – chia sẻ câu chuyện về bảo mật thông tin và bảo toàn dữ liệu. Ông Trí cho rằng, các phóng viên, nhà báo cần đặc biệt chú ý bảo vệ thông tin và dữ liệu của mình khi tham gia mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Mặt khác, nhà báo không nên đăng các thông tin cá nhân và các mối quan hệ gia đình, thân thiết lên Facebook để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, tấn công, uy hiếp.

Những vấn đề đặt ra tại hội thảo như một sự cảnh tỉnh về ý thức tự bảo vệ của nhà báo khi hoạt động trong môi trường số, từ đó tìm ra và áp dụng những biện pháp phòng ngừa các nguy cơ mất an toàn số.

Một số báo, đài đưa tin về hội thảo:

  1. Báo Giáo dục Việt Nam: http://giaoducthoidai.vn/kinh-te-xa-hoi/nang-cao-an-toan-tac-nghiep-bao-chi-trong-moi-truong-so-3924212.html
  2. BĐT Vietnam Plus: https://www.vietnamplus.vn/nha-bao-can-lam-gi-de-giu-an-toan-tac-nghiep-trong-moi-truong-so/498238.vnp
  3. Đài phát thanh – truyền hình VOV1: http://vov1.vov.vn/thoi-su-21h30/bo-cong-an-se-to-chuc-7-doan-kiem-tra-lien-nganh-cong-tac-phong-chay-chua-chay-c29-40792.aspx
  4. Tạp chí Tuyên giáo: http://www.tuyengiao.vn/pages/detail/111149/%E2%80%9CAn-toan-so-cho-Nha-bao%E2%80%9D.html
  5. Báo Đại biểu nhân dân: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=74&NewsId=404773
  6. Báo Lao động thủ đô: http://laodongthudo.vn/an-toan-so-cho-nha-bao-72173.html
  7. Cổng TTĐT Chính phủ: http://thanglong.chinhphu.vn/an-toan-tac-nghiep-cho-nha-bao-trong-moi-truong-so
  8. Báo CANDL: http://cand.com.vn/doi-song/Ky-nang-an-toan-so-cua-nha-bao-con-nhieu-han-che-487413/
  9. Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2018-04-19/an-toan-tac-nghiep-cho-nha-bao-trong-moi-truong-so-56429.aspx
  10. Kinh tế đô thị: http://kinhtedothi.vn/an-toan-so-cho-nha-bao-314592.html
  11. Báo Nhà Quản trị: http://theleader.vn/bao-chi-la-doi-tuong-bi-tan-cong-nhieu-nhat-trong-moi-truong-so-o-viet-nam-20180420153947683.htm
  12. Báo Tiền phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/tang-cuong-an-toan-bao-chi-thoi-ky-thuat-so-1264399.tpo
  13. Báo Thanh tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/bao-chi-la-doi-tuong-bi-tan-cong-nhieu-nhat-trong-moi-truong-so_t114c1159n133041
  14. Báo ĐT Chất lượng VN: http://vietq.vn/tac-nghiep-trong-moi-truong-so-lam-sao-de-nha-bao-tu-bao-ve-minh-d142329.html
  15. TH Hà Nội: http://hanoitv.vn/ban-tin-cuoi-ngay-2042018-v88685.html