Tháng Mười 18, 2011

HỘI THẢO BÁO CÁO KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ ĐÓNG GÓP HOÀN THIỆN KHUNG CHÍNH SÁCH BẢO VỆ NHÀ BÁO TÁC NGHIỆP (17/10/2011)

Ngày 17/10/2011 tại Hà Nội, RED Communication tổ chức Hội thảo: “Báo cáo kết quả nghiên cứu và đóng góp hoàn thiện khung chính sách bảo vệ nhà báo tác nghiệp”

Khoảng 100 khách mời là chuyên gia đến từ các bộ ngành, các tổ chức xã hội, các nhà báo đã có mặt tại phiên khai mạc và cùng xem phim tài liệu “Đối mặt” do RED phối hợp với Đài truyền hình kỹ thuật số VTC sản xuất.  Sau đó các đại biểu chia về 3 hội trường thảo luận 6 chủ đề:

Chủ đề 1: Trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan Nhà nước  cho báo chí.

Chủ đề 2: Tác nghiệp của nhà báo trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường

Chủ đề 3: Trách nhiệm, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trong việc hạn chế các hành vi cản trở tác nghiệp

Chủ đề 4: Tác nghiệp của nhà báo trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng

Chủ đề 5: Tìm hiểu về “báo chí có trách nhiệm” – Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế

Chủ đề 6: Truyền thông phát triển

Ban thư ký tổng hợp được khoảng 30 ý kiến đóng góp và báo cáo trước toàn thể hội thảo vào buổi chiều. Đáng chú ý có ý kiến của ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản Ban Tuyên giáo TƯ: “Chưa có thống kê đầy đủ bao nhiêu bộ, ban ngành trong thời gian qua cụ thể hóa quy chế về cung cấp thông tin cho báo chí mà Chính phủ đã ban hành nên chưa có đánh giá chính xác về tính nghiêm túc trong thi hành qui chế này” .

Nhà báo Huỳnh Lộc PV Báo Pháp luật Tp Hồ Chí Minh:  “Ban tổ chức đã tiếp cận đề tài cực kỳ nhạy cảm. Chúng tôi không tơ tưởng nhiều đến chuyện được đi nhiều, được “khệnh khạng” trong vai nhà báo nữa mà chúng tôi thực sự hiểu đó là nghề thực sự nguy hiểm, sau nghề “cảnh sát hình sự”.

Ông Trần Phong – Bộ Tài nguyên môi trường: “Mong muốn tiếng nói của các nhà báo môi trường tích cực hơn, không bị rào cản, ánh mắt của công chúng đối với nhà báo thân thiện hơn”.

TS. Antony Stokes- Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Có mặt tại phiên làm việc buổi chiều TS. Antony Stokes Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam phát biểu: “Để giải quyết tình trạng cản trở nhà báo thì vai trò của các cơ quan nhà nước cực kỳ thiết yếu. Vì vậy chúng tôi đánh giá rất cao sự tham gia ngay từ đầu đối với dự án này của các cán bộ Bộ Thông tin Truyền thông. Hy vọng Bộ Thông tin Truyền thông sẽ sử dụng những kết quả nghiên cứu này khi hoàn thiện những quy định của pháp luật có liên quan”.

Tiếp đó nhà báo Mai Phan Lợi và nhà báo Phạm Đoan Trang, những chuyên gia chính của nhóm nghiên cứu đã trình bày báo cáo trước cử tọa. Các chuyên gia, các nhà báo, đặc biệt là các nhân chứng là các nhà báo đã từng bị hành hung cản trở, có những trình bày thảo luận xung quanh việc hoàn thiện báo cáo cũng như khung chính sách bảo vệ nhà báo tác nghiệp.

Cuối cùng Ban tổ chức và nhóm nghiên cứu trả lời một số câu hỏi của các báo đài. Diễn biến và nội dung Hội thảo đã được Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, Đài truyền hình Hà Nội, VOV TV đưa trên bản tin thời sự. Các Đài khác như VTV, InfoTV đến ghi hình, phỏng vấn để làm tư liệu. Có khoảng 10 báo giấy và khoảng 20 báo điện tử như Tuổi trẻ, Lao Động, Tiền Phong, SGGP, Dân Trí, VTC news… đưa tin bài về Hội thảo, ngoài ra có hàng chục trang tin điện tử trích dẫn lại.

Bài phát biểu khai mạc Hội thảo của ông Trần Nhật Minh- GĐ RED Communication 

Kính thưa ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất Bản, Ban Tuyên giáo TW.

Kính thưa Quý chuyên gia đến từ các Bộ, Ngành, các nhà báo.

Thưa toàn thể quý vị,

Từ một nước chậm phát triển, Việt Nam đã bước sang giai đoạn trở thành một nước phát triển với trình độ trung bình. Nền kinh tế đang chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu với những bước đi cụ thể và tầm nhìn dài hạn. Tuy nhiên hệ lụy của chính sách tăng trưởng theo chiều rộng một thời đã bộc lộ một số mặt trái: môi trường bị tàn phá, nạn tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, cái xấu-cái tốt, cái cũ-cái mới đan xen và không dễ nhận diện, đặc biệt là sự tác động của nhiều nhóm lợi ích vào chính sách, vào việc ưu tiên sử dụng tài nguyên và các nguồn lực diễn ra ngày một phức tạp… Những điều này đã tạo ra những nguy cơ lớn gây bất ổn xã hội, đe dọa sự phát triển.

Trong bối cảnh đó, với vai trò là công cụ của Đảng, Nhà nước, tiếng nói của các tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân, lực lượng báo chí đã bám sát các sự kiện xảy ra trong xã hội, phản ánh đa chiều những vấn đề nảy sinh từ hiện tượng cũng như lột tả bản chất các xung đột, mâu thuẫn xảy ra trong quá trình đi lên của đất nước. Sự tham gia của báo chí vừa là thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin cho người dân theo Hiến pháp, vừa giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước với tư cách là nhân tố chủ chốt điều hành và phân chia các nguồn lực trong xã hội.

Chính vì đánh giá rất cao vai trò của báo chí nên từ năm 1989, Quốc hội đã ban hành Luật Báo chí nhằm tạo hành lang pháp lý cho các phóng viên, nhà báo hoạt động. Luật này không những minh định quyền thu thập và công bố thông tin của nhà báo mà còn nghiêm cấm tất cả những hành vi cản trở nhà báo hành nghề đúng pháp luật. Sau đó, Luật Phòng chống tham nhũng và nhiều văn bản khác tiếp tục cụ thể hóa quyền này của báo chí với mục tiêu tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà báo hoạt động, cũng là nhằm phục vụ xã hội tốt hơn.

Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của các sự vật hiện tượng diễn ra trong quá trình phát triển, do bị đụng chạm đến lợi ích, do nhà báo bị tác động hoặc đơn giản do thiếu hiểu biết, ở một số nơi, hiện tượng cản trở nhà báo hành nghề vẫn diễn ra, có trường hợp rất nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội. Trong vài năm gần đây, hiện tượng này diễn ra ngày một nhiều, ngày một nghiêm trọng, diễn ra ở tất cả mọi vùng miền, lĩnh vực… nhưng kết quả xử lý các hành vi cản trở nhà báo lại không tương xứng với mong muốn của các cơ quan quản lý, chỉ đạo báo chí, của chính giới báo chí cũng như của các tầng lớp nhân dân. Tình thế này đòi hỏi có những khảo sát, đánh giá cụ thể về thực trạng, chỉ rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp nhằm hạn chế tình trạng cản trở nhà báo tác nghiệp.

Tính đến tháng 03-2011, cả nước có gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ thẻ báo và trên 5.000 người đang hoạt động báo chí nhưng chưa có thẻ, trong đó nhiều phóng viên, biên tập viên có trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ khá.  Hiện tượng phóng viên, nhà báo bị cản trở khi tác nghiệp đã diễn ra từ lâu, ở nhiều vùng, do nhiều loại đối tượng gây ra với đủ loại hậu quả.

Xét về mặt hình thức, các quy định của pháp luật về lĩnh vực này có tương đối nhiều, hệ thống cơ quan quản lý, chỉ đạo báo chí và tổ chức của hội nghề nghiệp cũng khá đầy đủ. Tuy nhiên, tình hình các phóng viên, nhà báo liên tục bị cản trở vẫn diễn ra, trong khi từ trước đến nay chưa có bất cứ một tổ chức nào có một nghiên cứu bài bản, toàn diện về tình trạng này.

RED Communication là tổ chức khoa học trực thuộc Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, có chức năng nghiên cứu về lĩnh vực truyền thông phát triển. Các nhân sự tham gia RED đều từng là nhà báo, từng quan tâm và bám sát các hiện tượng phóng viên, nhà báo bị cản trở khi tác nghiệp. Ngay tại thời điểm RED đề xuất ý tưởng nghiên cứu (tháng 4/2011), đã xảy ra liên tiếp các vụ cản trở nhà báo gây xôn xao dư luận và giống như nhiều sự việc khác, các vụ cản trở này đa phần không tìm ra thủ phạm hoặc thủ phạm không bị xử lý nghiêm minh.

Chính vì thế, từ tháng 6/2011, được sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Anh, được cơ quan chủ quản VUSTA và các cơ quan chức năng đồng ý, RED triển khai thực hiện dự án trên quy mô toàn quốc với nhiều hoạt động cụ thể.

Chính vì tầm quan trọng của dự án, RED Communication đã mời nhóm chuyên gia nghiên cứu là những người đã hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực báo chí, có nhiều kinh nghiệm, am hiểu công tác nghiên cứu và xây dựng chính sách, đã tham gia nhiều hoạt động tương tự ở giai đoạn tiền dự án.

Ông Mai Phan Lợi- Báo Pháp Luật TP HCM

Ông Ngô Huy Toàn- Thanh tra Bộ TT&TT

Ông Lưu Đình Phúc- Cục Báo chí

Ông Nguyễn Văn Hiếu- Cục Báo chí

Bà Phạm Đoan Trang- Báo Pháp Luật TP HCM

Ông Hoàng Nghĩa Nhân- Báo Pháp Luật TP HCM

Ông Lê Khánh Duy- Báo điện tử Vietnamnet

Trong 3 tháng qua, các chuyên gia của Dự án đã tiến hành cuộc nghiên cứu, khảo sát trên quy mô toàn quốc và kết quả của những nỗ lực đó là những số liệu, nhận định, đề xuất sẽ được trình bày ngày hôm nay, trong đó là một hệ thống giải pháp bài bản nhằm tạo hành lang an toàn hơn cho nhà báo tác nghiệp.

Vì vậy, nhân dịp này, xin cảm ơn Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh thông qua Đại sứ quán Anh tại Hà Nội đã hỗ trợ tài chính cho Dự án. Xin cảm ơn cơ quan chủ quản Liên hiệp hội KHKT Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công việc nghiên cứu. Xin cảm ơn Bộ TTTT đã quan tâm ủng hộ, cử các chuyên gia tâm huyết cùng tham gian Dự án.

Xin cảm ơn các cơ quan báo chí đã nhiệt tình ủng hộ, đăng phát thông tin về Dự án, trong đó có 6 cơ quan báo chí trực tiếp tham gia khảo sát gồm VTC News, Vietnamnet, Dân Việt, Pháp luật TpHCM online, Thanh niên online và Người lao động online.

Đặc biệt xin trân trọng cảm ơn gần 400 nhà báo đã bỏ thì giờ, công sức tham gia các nội dung khảo sát, góp phần tạo dựng nên kết quả hôm nay.  Dự án đang đi vào giai đoạn cuối, cuộc Hội thảo hôm nay chúng tôi xin được lắng nghe các ý kiến đóng góp của quý vị đại biểu nhằm hoàn thiện khung chính sách bảo vệ nhà báo tác nghiệp.  Tôi xin trân trọng tuyên bố khai mạc Hội thảo!