Tháng Hai 8, 2012

HỘI THẢO “BÁO CHÍ ĐIỀU TRA & LỢI ÍCH CÔNG” (7/2/2012)

Sáng 7/2/2012, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Dự án “Nghiên cứu – truyền thông về các hành vi cản trở tác nghiệp báo chí”, RED tổ chức Hội thảo khoa học “Báo chí điều tra & lợi ích công”.

Trong số các biện pháp thu thập thông tin, có hình thức điều tra dạng “giả trang” hay còn gọi là “điều tra nhập vai”, có nghĩa là nhà báo giả dạng như người trong cuộc để ghi nhận thông tin”. Nhưng nhập vai đến mức độ nào để vừa có thông tin độc đáo, phơi bày được sự thật, vừa không vi phạm pháp luật lại là chuyện không dễ dàng phân định trong nhiều trường hợp.

Trong bối cảnh này, việc làm rõ để có thể vận dụng khái niệm “lợi ích công” trở thành cần thiết cho hoạt động tác nghiệp của nhà báo. Trên thực tế, lợi ích công cũng là cái lõi, hạt nhân của rất nhiều bộ luật về báo chí-truyền thông trên thế giới, bởi lẽ một trong những chức năng chính của báo chí-truyền thông là phục vụ lợi ích công. Khái niệm lợi ích công sẽ cần được định nghĩa bằng một danh mục cụ thể, chẳng hạn bao gồm các hoạt động chống tham nhũng, bảo vệ sự an toàn của cộng đồng, bảo vệ môi trường sống, phát hiện tội ác chống lại con người…

Ngoài tham luận đề dẫn của RED, có tham luận của đại diện Diễn đàn Nhà báo trẻ, tham luận của ông Nguyễn Văn Hiếu (Trưởng phòng Pháp luật Chính sách- Cục Báo chí- Bộ TTTT), tham luận của nhà báo Nguyễn Đức Hiển (Tổng TKTS báo Pháp luật TP.HCM).

Hội thảo cũng tiếp thu ý kiến quý giá của một số nhà báo như Đoan Trang (Pháp luật TP.HCM), Việt Chiến (Thanh niên), Bá Kiên (Tiền Phong), ông Lê Như Tiến (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc Hội), ông Phạm Viết Đào (Bộ Văn hóa, Thể thao & du lịch), ông Trần Thanh (Cục An ninh điều tra – Bộ Công an)...

Tài liệu về hội thảo vui lòng xem thêm tại đây.