Tháng Năm 26, 2018

HỘI THẢO “BÁO CHÍ VỚI BÁO CÁO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA DOANH NGHIỆP”

 

Các diễn giả tại phiên 1: Doanh nghiệp với Báo cáo Phát triển bền vững (BCPTBV) ở Việt Nam - Thực trạng

Ngày 29/5, tại Hà Nội, RED hợp tác với GRI Việt Nam (Sáng kiến báo cáo toàn cầu) tổ chức hội thảo “Báo chí với Báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp”.

Hội thảo có sự tham dự của hơn 80 đại biểu bao gồm: các diễn giả từ Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD); các doanh nghiệp đã thực hiện Báo cáo bền vững; lãnh đạo một số cơ quan báo chí; và toàn thể đại biểu là phóng viên của nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương; đại diện một số doanh nghiệp; các trường đào tạo báo chí, truyền thông…

Khách mời phát biểu và chủ trì hội thảo là: Ông Jonas Grunder - Phó Trưởng phòng, Văn phòng hợp tác Thụy Sỹ, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam; ông Nguyễn Công Minh Bảo - Giám đốc GRI Việt Nam; ông Trần Nhật Minh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông phát triển; Ông Nguyễn Chí Dũng, Cố vấn chính sách của RED, nguyên Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội.

Báo cáo bền vững có vai trò ngày càng quan trọng

Được biết, phát triển bền vững (PTBV) đang là xu hướng được thế giới hướng tới trong vài thập kỷ qua. Các tổ chức đang ngày càng ý thức về việc chịu trách nhiệm cho những tác động đến môi trường, kinh tế, xã hội do mình tạo ra trong toàn bộ chuỗi giá trị.

Báo cáo bền vững (BCBV) là thông lệ đo đếm, công bố và chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trước các bên liên quan về các hoạt động của mình nhằm hướng tới phát triển bền vững.

Báo cáo bền vững có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những công cụ giúp xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bền vững, bảo đảm trách nhiệm giải trình. Các Báo cáo bền vững sẽ góp phần hiệu quả vào việc hoàn thành Mục tiêu phát triển bền vững 2030.

Trong khi đó, ở Việt Nam, đa số doanh nghiệp, người dân còn chưa biết về Báo cáo bền vững; nhiều nhà báo, phóng viên còn thiếu một số kiến thức, kỹ năng cần thiết cho việc tác nghiệp về đề tài Báo cáo phát triển bền vững. Hội thảo là cơ hội để các nhà báo hiểu một cách rõ ràng về những vấn đề phát triển bền vững của doanh nghiệp, qua đó kêu gọi sự hưởng ứng, chung tay của báo chí trong việc thúc đẩy tăng cường nhận thức của xã hội về giá trị của báo cáo phát triển bền vững.

Chính vì vậy, hội thảo “Báo chí với Báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp” được tổ chức với mục đích giúp giới báo chí và truyền thông hiểu một cách rõ ràng về những vấn đề phát triển bền vững của doanh nghiệp và khai thác các dữ liệu trong báo cáo.

Doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu quan tâm đến BCBV

Phát biểu tại hội thảo, ông Jonas Grunder nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia thuộc 5 châu lục được chọn làm quốc gia ưu tiên của chương trình hỗ trợ báo cáo của doanh nghiệp về PTBV, là một trong hai quốc gia ưu tiên ở Đông Nam Á, trong đó Indonesia đã phổ biến hoạt động BCBV và Việt Nam đang ở giai đoạn đầu.

Ông Jonas Grunder – Phó trưởng phòng, Văn phòng Hợp tác Thụy Sỹ, Đại sứ quán Thụy Sỹ

Sau khi trình bày tổng quan về GRI và BCBV toàn cầu qua câu chuyện về các báo cáo về trách nhiệm/ báo cáo phi tài chính của doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Minh Bảo - Giám đốc GRI Việt Nam – cho biết: “Cho đến nay đã có 47 doanh nghiệp ở Việt Nam đã và đang sử dụng bộ tiêu chuẩn của GRI để xây dựng BCBV”.

                 Ông Nguyễn Công Minh Bảo - Giám đốc GRI Vietnam

Một số người tham dự hội thảo cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên quan tâm đến báo cáo tài chính để tiếp cận nhà đầu tư và lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững vào báo cáo thường niên như một phần hướng tới các đối tượng liên quan. Một số khác cho rằng, chỉ có doanh nghiệp lớn trong những lĩnh vực nhạy cảm (về môi trường, sức khỏe…) thực hành trách nhiệm xã hội trong các chương trình thường niên của họ.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Công Minh Bảo cho biết, doanh nghiệp có thể lạm dụng các chương trình từ thiện chỉ để PR cho mình hoặc đối phó với cơ quan quản lý, mà thiếu quan tâm hệ thống, chiến lược qua BCBV và chương trình thực hiện các cam kết trong BCBV.

BCBV là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp

Một nội dung quan trọng của hội thảo là tiếng nói đến từ những nhà thực hành báo cáo bền vững ở Việt Nam.

Ông Phạm Hoàng Hải - Điều phối Ban thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự PTBV Việt Nam – nhận định: “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là bắt buộc, giống như cốt lõi  “nhân phẩm” của doanh nghiệp trong đời sống xã hội, và doanh nghiệp phải trả giá khi có nhân phẩm kém hoặc vi phạm các chuẩn mực về môi trường, quyền của người lao động.

                                                 Ông Phạm Hoàng Hải 

BCBV bên cạnh sự tuyên bố của doanh nghiệp mang tính chất minh bạch, còn thể hiện trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp với nhà quản lý, người dân, người lao động và xã hội nói chung. PTBV đối với doanh nghiệp chính là duy trì sự hài hòa, hợp lý trong quá trình sử dụng các nguồn lực và hướng tới những giá trị mới bền vững của toàn xã hội”.

Ông Phạm Hoàng Hải nhấn mạnh, bên cạnh lợi thế chiến lược của công ty từ BCBV, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế bắt buộc các doanh nghiệp phải làm BCBV để vượt qua các hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa, dịch vụ.

Ông Hải cũng cho biết, VCCI đã xây dựng Bộ chỉ số Phát triển bền vững doanh nghiệp, phát hành năm 2016 để đánh giá, xếp hạng, tôn vinh các doanh nghiệp Việt Nam bảo đảm PTBV.

Còn ông Nguyễn Công Minh Bảo cho rằng, BCBV của doanh nghiệp tuy chưa phải là yêu cầu bắt buộc nhưng là một lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, trong đó có lợi thế giúp huy động vốn hiệu quả hơn.

Bà Đào Thuý Hà – Trưởng phòng Marketing, Công ty cổ phần Traphaco - chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Báo cáo PTBV của doanh nghiệp mình.

                                                   Bà Đào Thuý Hà

Bà Hà nhấn mạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc đánh giá tính chất PTBV của doanh nghiệp. Theo bà Hà, những Bộ quy chuẩn BCBV như của GRI giúp Traphaco nhìn nhận vấn đề PTBV của doanh nghiệp một cách toàn diện hơn, sâu sắc hơn, như một chiến lược bền vững, không đơn thuần là bền vững tài chính.

Trước câu hỏi “Trách nhiệm xã hội là công cụ mưu cầu lợi ích cho chính doanh nghiệp?”, bà Hà xác nhận rằng: “BCBV và việc tuân thủ nó giúp doanh nghiệp soi chiếu lại mình và thực sự đóng góp vào tăng trưởng kinh doanh, nâng cao lợi thế cạnh tranh của công ty, là mối quan hệ các bên cùng thắng”.

Tham gia thảo luận, bà Nguyễn Thị Anh Thơ - Giám đốc dịch vụ tư vấn Deloitte Việt Nam - cho rằng: “Không nên hiểu BCBV chỉ là công cụ PR mà phải là chiến lược hành động của công ty. Xây dựng BCBV phải là một quá trình làm việc nhóm với nhiều đầu mối chức năng nhằm thu thập và xử lý nhiều dữ liệu khác nhau, đáng để doanh nghiệp đầu tư, bỏ công sức, vì nó mang lại lợi ích lâu dài, bền vững trong định hướng hoạt động của công ty”.

                                        Bà Nguyễn Thị Anh Thơ 

Báo chí có vai trò quan trọng đối với BCBV của doanh nghiệp

Một nội dung thảo luận rất được quan tâm tại hội thảo là vai trò của báo chí đối với công chúng, người liên quan khi đưa tin về trách nhiệm xã hội, BCBV của doanh nghiệp.

Ông Đậu Huy Sáu - Phó tổng biên tập Thời báo Tài chính - cho rằng: “Đối với tờ báo chuyên theo dõi về thị trường chứng khoán như Thời báo Tài chính thì BCBV hoặc phần phi tài chính trong các cáo bạch của các doanh nghiệp không còn là chuyện mới. Sự quan tâm của báo chí đối với BCBV của doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên theo sự quan tâm của công chúng tới các vấn đề lao động, môi trường, an toàn và đạo đức kinh doanh”.

                                               Ông Đậu Huy Sáu

Ông Sáu cho biết, một khó khăn đối với báo giới khi đưa tin về sự cố của doanh nghiệp là sự thiếu minh bạch của cơ quan quản lý khi đưa ra những quyết định về vi phạm các tiêu chuẩn pháp luật và tiêu chuẩn của doanh nghiệp. Vì vậy, chính sách của nhà nước cần “sạch”, công bằng, minh bạch hơn.

Ông Nguyễn Chí Dũng gợi ý hội thảo về quy trình tham vấn công chúng, các bên liên quan trong việc lập BCBV; thông lệ của một số quốc gia hoặc thị trường chứng khoán đòi hỏi  BCBV phải minh bạch về cơ chế tham vấn với các bên liên quan và minh bạch về cơ chế giám sát, thực thi của doanh nghiệp. Công chúng và nhà quản lý công cần biết về những thông tin này.

Ông Nguyễn Chí Dũng - Cố vấn chính sách RED, Nguyên TBT Tạp chí Lập pháp của Quốc hội

Nhà báo Trần Quốc Hải cho rằng: “Nhà báo cần chủ động, tích cực tìm hiểu sâu hơn về sự PTBV của doanh nghiệp. Cần chú ý đến sự được-mất của mỗi doanh vụ.  Ví dụ: nếu làm một đường cao tốc để có lợi về mặt giao thông thì tác động tới đời sống của người dân hai bên đường thế nào?”.

Tham gia thảo luận, ông Trần Nhật Minh – Giám đốc RED - điểm lại một số vụ việc hoạt động sản xuất, kinh doanh không lành mạnh, không bền vững của doanh nghiệp dẫn đến hậu quả xấu cho chính doanh nghiệp đó, cũng như ảnh hưởng xấu tới uy tín của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung.

Ông Minh đề xuất báo chí cần chủ động, tích cực hợp tác với các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan khác trong hoạt động giám sát. Khi đó, báo chí sẽ có thêm nhiều thông tin về tình hình phát triển của doanh nghiệp có bền vững hay không.

Ông Trần Ngọc Kha - Báo Đại Đoàn Kết kiến nghị nên có sự tham dự của đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương để hội thảo có tính kết nối, chia sẻ và lan tỏa hơn; các cơ quan quản lý cần tạo điều kiện để báo chí được tiếp cận thông tin tốt hơn, được cung cấp thông tin kịp thời và đầy đủ hơn để báo chí có thể đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển.