Tháng Sáu 4, 2016

HỘI THẢO “CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA – TẦM NHÌN VÀ HÀNH ĐỘNG” (06/2016)

Sáng ngày 3/6/2016, tại hội trường khách sạn Hòa Bình, RED đã tổ chức hội thảo “Chính sách phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa – Tầm nhìn và Hành động”. Gần 120 đại biểu đến từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư, cơ quan Quốc hội, các hiệp hội, các doanh nghiệp, các nhà báo, phóng viên đã tham dự và đóng góp ý kiến tại hội thảo. Các chuyên gia Lê Duy Bình (Công ty tư vấn Economica), Lê Văn Khương (Trưởng phòng Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa - Bộ Kế hoạch & Đầu tư), TS. Lê Hồng Sơn (Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản – Bộ Tư pháp) đã trình bày và phân tích những thuận lợi, khó khăn mà các Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang gặp phải, cũng như thẳng thắn chia sẻ những rào cản chính sách đang cản trở sự phát triển của các DNNVV. Với những phân tích và chia sẻ đến từ các chuyên gia trong hội thảo, 2 chủ đề dưới đây đã được nêu bật trong buổi hội thảo, đó là: -      Việc ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là cần thiết trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới đang đặt các doanh nghiệp này đứng trước một sức ép về cạnh tranh rất lớn. Tuy nhiên, cách hỗ trợ thật sự thiết thực cho các doanh nghiệp hiện nay đó là loại bỏ hàng loạt các nghị định về điều kiện kinh doanh đang tạo ra một môi trường kinh doanh bất bình đẳng giữa các ông chủ lớn và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như làm tăng thêm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. (Nghị định 109, …)  -     Nên chăng vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ các DNNVV chỉ là kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các doanh nghiệp này, mà không chỉ đơn thuần là bảo hộ cho họ. Các dịch vụ/chương trình hỗ trợ cho các DNNVV là cần thiết nhưng việc cung cấp các dịch vụ/chương trình hỗ trợ này không nên tràn lan và mang tính chất Nhà nước cho doanh nghiệp vì điều này tiềm ẩn nguy cơ đi ngược lại nguyên tắc thị trường và điều ước quốc tế như TPP, WTO… Đóng góp ý kiến tại hội thảo, các doanh nghiệp cũng chia sẽ những băn khoăn liên quan đến các điều kiện kinh doanh vô lý đang cản trở hoạt động hoạt động của DNNVV, những khó khăn trong việc tiếp cận các quỹ hỗ trợ hiện có, sự bất bình đẳng trong môi trường hoạt động kinh doanh giữa DNNVV và các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cũng như bày tỏ bức xúc trước các hoạt động thanh tra kiểm tra tràn lan… Sự chia sẽ ý kiến của các doanh nghiệp, các nhà báo từ đầu đến cuối buổi thảo luận đã làm cho không khí của hội thảo nóng lên theo từng giờ theo từng câu hỏi được đặt ra cho các chuyên gia. Quý vị có thể tải toàn bộ tài liệu của hội thảo tại đây. PHẢN HỒI DƯ LUẬN SAU HỘI THẢO "CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA - TẦM NHÌN VÀ HÀNH ĐỘNG" (06/2016)

Hội thảo phân tích “Chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa – Tầm nhìn và hành động” do RED tổ chức ngày 3/6 vừa qua đã thu hút sự chú ý của báo giới đối với vấn đề đang gây những khó khăn, rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Trang tin Thanh Niên online với tiêu đề “Nhổ hết ‘đinh’ làm khổ doanh nghiệp nhỏ và vừa” viết, mặc dù chiếm 97,9%  trong tổng số 500.000 DN đang hoạt động, đóng góp 48,3% GDP, và giải quyết 50% việc làm cho lực lượng lao động… nhưng cộng đồng các DNNVV vẫn bị đối xử thiếu công bằng từ thể chế, luật pháp đến thuế, phí…

Thanh Niên online trích dẫn lời TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp): “Các DNNVV đang rơi vào cảnh trên thảm dưới đinh”. Thảm đỏ là cụm từ thể hiện chủ trương, chính sách hỗ trợ nhưng phía dưới chân các DN là vô số các loại ‘đinh”, rào cản gây khó cho DN. “Đinh” theo TS Sơn chủ yếu nằm ở thông tư hướng dẫn, văn bản của địa phương và cá biệt trong một số quy định của Chính phủ.

Đồng ý với nhận định của TS Lê Hồng Sơn, báo điện tử Infonet trích dẫn lời bà Quách Thị Tri, Chủ sở hữu Công ty TNHH Mường Thanh thuộc tỉnh Thanh Hóa, phát biểu tại hội thảo: “Chúng tôi khổ vô cùng, các nhà làm luật không hiểu được đâu. Muốn có được chính sách tốt, những người làm chính sách cần phải gặp gỡ trực tiếp doanh nghiệp, nếu làm chính sách mà cứ ngồi trong phòng lạnh thì sẽ không có được chính sách tốt”.

Chia sẻ về vấn đề này, trang tin Thới báo Tài chính Việt Nam online chính dẫn lời ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, hiện nay có rất nhiều quy định ràng buộc DN về quy mô, tức là bắt buộc anh phải đạt quy mô này thì mới được kinh doanh mặt hàng này..., điều đó rất là bất hợp lý và hạn chế sự phát triển của DN.

Trước những bất cập trên, báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam tổng hợp các ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo, viết: Cách hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp hiện nay là phải xem xét lại hàng loạt các nghị định về điều kiện kinh doanh; rà soát lại hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp; lấy ý kiến của doanh nghiệp – đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách; tăng cường cơ chế hậu kiểm và xử lý kịp thời những văn bản trái luật, khắc phục tình trạng bất bình đẳng, tham nhũng…

Chia sẻ về các giải pháp tháo gỡ, báo Công an Nhân dân trích dẫn lời chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng, nên chăng Nhà nước tham gia vào quá trình kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp, chứ không chỉ đơn thuần là bảo hộ cho họ.

Các dịch vụ, chương trình hỗ trợ cho các DNVVN là cần thiết, nhưng việc cung cấp các dịch vụ, chương trình hỗ trợ này không nên tràn lan và mang tính chất Nhà nước cho doanh nghiệp, vì dễ tiềm ẩn nguy cơ đi ngược lại với nguyên tắc thị trường và các hiệp định quốc tế như TPP, WTO… Nghĩa là, việc xây dựng chính sách hỗ trợ DNVVN cần phải được thực hiện theo những nguyên tắc như đánh giá tác động đối với các quy định khác của pháp luật; tác động đến các điều ước quốc tế; tác động tới kinh tế, ngân sách và tác động đối với xã hội. Đây cũng là một trong những nội dung mà Thời báo Tài chính Việt Nam online đã đề cập trên trang tin của mình.

Theo trang tin điện tử BNews, Nhà nước đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi còn hạn chế và chưa đem lại nhiều tác động tích cực giúp các doanh nghiệp “dễ thở” hơn trong sản xuất kinh doanh, cũng như tự tin hơn trong cạnh tranh.

Nhiều trang tin khác như Công Thương, Nông nghiệp Việt Nam, Zing, Vietstock, VoV, Sài gòn Giải phóng cũng dẫn chứng một số loại “đinh’ gây khó khăn cho DNNVV và đưa ra khuyến nghị loại bỏ những điều kiện kinh doanh vô lý đang gây rào cản cho sự phát triển các doanh nghiệp này.

Dưới đây là một số hình ảnh về hội thảo: Ông Nguyễn Quang Đồng - đại diện RED phát biểu khai mạc hội thảo Báo chí đến tác nghiệp rất đông tại hội thảo Ông Lê Văn Khương - Trưởng phòng Phát triển Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa – MPI giới thiệu về dự thảo Luật phát triển DNNVV đang chuẩn bị được công bố lấy ý kiến Chuyên gia Kinh tế Lê Duy Bình - Giám đốc Công ty Tư vấn Kinh tế Economica nêu ra những khó khăn mà các DNNVV gặp phải với những chính sách hiện nay TS. Lê Hồng Sơn trả lời phóng vấn của báo giới về những chính sách liên quan tới phát triển DNNVV Bà Quách Tuệ Tri - Công ty TNHH Mường Thanh băn khoăn về cơ chế "xin-cho" mà dự thảo Luật có thể mang lại sau khi áp dụng Luật sư Trần Đức Hoàng đưa ra những khó khăn của DNNVV trong việc tiếp cận các khoản vốn đầu tư Ban cố vấn và các chuyên gia giải đáp những thắc mắc của các đại diện DNNVV cùng báo chí