Tháng Mười 3, 2017

HỘI THẢO ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH “VAI TRÒ TRUYỀN THÔNG NHÀ NƯỚC TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY” TẠI HÀ TĨNH (09/2017)

Các chuyên gia và lãnh đạo Sở Hà Tĩnh chủ trì Hội thảo

Ngày 29/9/2017, tại Hà Tĩnh, Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển - RED Communication tổ chức cuộc Hội thảo đối thoại chính sách “Vai trò truyền thông nhà nước trong tình hình hiện nay”. Tham dự có ông Đặng Quốc Vinh, Tỉnh ủy viên, phó chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Trung Dũng, Tỉnh ủy viên, Trưởng ban tuyên giáo tỉnh Hà Tĩnh, hơn 80 đại biểu đến từ bộ phận phụ trách truyền thông của các cơ quan hành chính, chính quyền cơ sở của Hà Tĩnh và đại diện Sở Thông tin & Truyền thông của tỉnh Nghệ An, thành phố Đà Nẵng. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã nghe báo cáo viên là các chuyên gia, nguyên lãnh đạo cơ quan quản lý báo chí, truyền thông của Bộ Thông tin - Truyền thông nêu những vấn đề liên quan đến thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin, quy chế người phát ngôn của cơ quan Nhà nước và kỹ năng xử lý truyền thông khi có sự cố xảy ra trong điều hành, quản lý xã hội. Ông Đậu Tùng Lâm – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông giới thiệu đại biểu, thông qua chương trình, giới thiệu chủ trì và phát biểu khai mạc Hội thảo. Ông Đặng Quốc Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh phát biểu đề dẫn: Đánh giá cao vai trò công tác truyền thông trong các cơ quan hành chính nhà nước, đây là nội dung quan trọng để thực hiện công tác minh bạch hóa, xây dựng chính quyền trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại. Tuy vậy, hiện nay trong vấn đề truyền thông nhà nước còn nhiều bất cập xung quanh các vấn đề cung cấp thông tin, xử lý sự cố, phát ngôn... đặt ra vấn đề cần có giải pháp để khắc phục các tồn tại trong công tác truyền thông nhà nước. Đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo, giao nhiệm vụ cho Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối để tổ chức Hội thảo đạt kết quả cao nhất; yêu cầu các sở, ngành, địa phương tham dự Hội thảo nghiêm túc, đưa ra các vấn đề và tìm giải pháp để khắc phục hạn chế về truyền thông của ngành, địa phương mình; mong muốn các chuyên gia, diễn giả sẽ tiếp tục chia sẽ các kinh nghiệm để Hà Tĩnh làm tốt hơn trong công tác truyền thông nhà nước. Ông Nguyễn Chí Dũng – Chuyên gia Trung tâm Red trình bày kết quả đề tài nghiên cứu về truyền thông nhà nước trong bối cảnh thực hiện mục tiêu xây dựng chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, quyết liệt, phục vụ Nhân dân. Ông Lê Văn Nghiêm - Nguyên Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày nội dung về xử lý khủng hoảng truyền thông: Vấn đề đặt ra khủng hoảng truyền thông xảy ra thường xuyên và liên tục; thiếu hụt đội ngũ xử lý khủng hoảng truyền thông chuyên nghiệp và khả năng phòng chống sự cố truyền thông yếu kém; điểm lại các loại hình nguy cơ khủng hoảng truyền thông; dấu hiệu của khủng hoảng truyền thông. - Yêu cầu trong xử lý: Nhạy bén, phát hiện sớm; có chế độ theo dõi, tổng hợp dư luận; có cán bộ chuyên trách; thuê dịch vụ truyền thông, tư vấn. - Phương thức xử lý: Phải làm chủ được tình hình; nhanh chóng nắm bắt thông tin; phân tích, đánh gái tình hình vụ việc; xác định giai đoạn khủng hoảng; dự kiến các giải pháp vấn đề, khắc phục hậu quả; - Nguyên tắc xử lý: xác lập đầu mối cung cấp thông tin; xác định những vấn đề thông tin; dự kiến các vấn đề dư luận quan tâm, thắc mắc, nghi ngỡ; chủ động thông tin; tạo lòng tin; công khai minh bạch. - Những vấn đề không nên làm: Cấm cấp dưới cung cấp thông tin cho báo chí; đề nghị, xin gỡ bài; đề nghị báo chí ngừng đưa về vụ việc; đề nghị xử lý báo chí, nhà báo; đề nghị xử lý người có ý kiến khác. - Phải có giải pháp hợp lý: Sớm công bố giải pháp hợp lý; - Chọn phương tiện thông tin: Cổng TTĐT; Báo chí; Đài TTTH huyện, xã; mạng xã hội; facebook cá nhân của người lãnh đạo; fanpage riêng về vụ việc.   - Chọn hình thức thông tin: Viết thông cáo báo chí; thông báo tình hình, giúp báo chí có thông tin chiều sâu, nắm được vấn đề phức tạp của vụ việc. Các đại biểu UBND Thành phố Hà Tĩnh, đại biểu Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, Hội nhà báo, Đài Phát thanh truyền hình,... đã có nhiều tham luận, chia sẻ ý kiến trong quá trình thực hiện công tác Truyền thông nhà nước tại cơ quan, đơn vị mình và nhận được nhiều ý kiến đóng góp tích cực từ các chuyên gia điều hành hội thảo và các đại biểu tham dự.

Toàn cảnh hội thảo