Tháng Mười 23, 2015

HỘI THẢO “GÓP Ý XÂY DỰNG DỰ THẢO LUẬT BÁO CHÍ SỬA ĐỔI DƯỚI GÓC NHÌN LỢI QUYỀN PHÓNG VIÊN” (10/2015)

Vào chiều ngày 22/10/2015, tại Hội trường tầng 3 Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, RED đã tổ chức hội thảo “Góp ý xây dựng dự thảo Luật Báo chí sửa đổi dưới góc nhìn lợi quyền phóng viên”.

Báo chí là một trong những công cụ, môi trường truyền thông, trao đổi thông tin quan trọng không chỉ tại Việt Nam. Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi 2015 khẳng định, đây là “diễn đàn để người dần thực hiện quyền tự do ngôn luận”. Dự luật sửa đổi này sẽ được Quốc hội xem xét trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII sắp tới.

RED đã mời nhóm chuyên gia gồm nhà báo Phạm Trung Tuyến, nhà báo Trần Quốc Hải nghiên cứu, phân tích dự luật này dưới góc nhìn lợi quyền phóng viên, nhà báo – nhóm hơn 22.000 người trực tiếp liên quan tới dự luật.

Tại buổi chiều 22/10, nhóm chuyên gia đã chia sẻ kết quả nghiên cứu, chủ yếu về hai vấn đề chính: công tác cấp thẻ nhà báo và vấn đề bảo vệ tác nghiệp. Hội thảo cũng đón nhận sự có mặt của ông Nguyễn Văn Hiếu (Trưởng Phòng Pháp luật - Chính sách, Cục Báo chí – Bộ TTTT) và bà Lê Thị Phương Nam (Vụ trưởng Vụ văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng).

Nhà báo Phạm Trung Tuyến cho rằng, dự luật hiện đang qui định chưa hợp lý và cứng nhắc về việc cấp thẻ nhà báo, và bản thân tấm thẻ nhà báo cũng đang được cấp cho những đối tượng chưa thực sự phù hợp. Nghiên cứu của nhà báo Trung Tuyến đã nhận được sự đồng tình của các phóng viên Nguyễn Trần Chung (báo Người đưa tin), Lương Bằng (báo Hải quan).

Các phóng viên này đã chia sẻ những bức xúc thực tế từ hoạt động tác nghiệp của chính họ trong thời gian vừa qua tại hội thảo, từ đó nêu ra yêu cầu về sự thay đổi trong hoạt động cấp thẻ nhà báo.

Các chuyên gia Mai Phan Lợi (MEC), Võ Lan Phương (VRIENS) cũng đã đóng góp thêm những ý kiến về việc nên thay đổi tư duy về hoạt động cấp thẻ nhà báo nói riêng cũng như phương hướng quản lý báo chí nói riêng.

Hội thảo cũng đã nhận được những ý kiến với góc nhìn thực tế về hoạt động báo chí của anh Đinh Đức Hoàng (RED), ông Phạm Trần Thọ (VNPT), ông Đỗ Thịnh (chuyên gia tự do).

PHẢN HỒI DƯ LUẬN SAU HỘI THẢO: "GÓP Ý XÂY DỰNG DỰ THẢO LUẬT BÁO CHÍ SỬA ĐỔI DƯỚI GÓC NHÌN LỢI QUYỀN PHÓNG VIÊN" (10/2015) Sau khi hội thảo diễn ra, các trang tin, tờ báo đã khai thác tối đa nội dung được đưa ra tại hội thảo. Từ các thông báo, số liệu thống kê… cho tới những câu chuyện của những người trong cuộc đều nhận được sự quan tâm. Trong đó vấn đề “nóng” được các phóng viên, trang tin đặc biệt quan tâm tại hội thảo là qui định về cấp Thẻ nhà báo. Trang tin Công An Nhân Dân online với tiêu đề “Quy định về Thẻ nhà báo là rào cản cho việc tác nghiệp?” nói vô hình chung Thẻ nhà báo lại là rào cản cho việc tác nghiệp của một số người tham gia hạt động báo chí, trong khi đây lại là lực lượng lớn, tham gia trực tiếp ở giai đoạn phát hiện chủ đề, thu thập thông tin trong hoạt động báo chí và trích thống kê của RED, 80% đối tượng bị nguồn tin, cơ quan chức năng từ chối cung cấp thông tin, thậm chí bị đánh, cản trở khi tác nghiệp là phóng viên không có thẻ nhà báo. Cũng nói về việc cấp thẻ nhà báo, Diệp Chi phóng viên trang tin An Ninh Tiền Tệ và Truyền Thông có chia sẻ câu chuyện của anh Nguyễn Trần Chung – PV báo điện tử Người Đưa Tin: “Do chưa đủ thời gian 3 năm công tác liên tục tại một tờ báo nên tôi chưa được cấp thẻ nhà báo, điều này đã gây bất lợi rất lớn cho tôi trong quá trình tác nghiệp. Khi tôi đi công tác tại một xã thuộc diện 135 của Thanh Hóa, lãnh đạo xã từ chối hợp tác, yêu cầu phải có chỉ đạo của huyện xuống, vì không có thẻ nên tôi không thuyết phục được họ. Thêm nữa, trong quá trình đi công tác xa, nhiều khi nảy sinh đề tài bất chợt, không thể quay lại tòa soạn để xin giấy giới thiệu nên đành bỏ đề tài”. PV Diệp Chi cũng trích dẫn đề nghị của ông Phạm Trung Tuyến (Đài Tiếng nói Việt Nam): ”Chỉ nên quy định Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan cấp, đổi và thu hồi thẻ nhà báo. Còn điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng và hồ sơ cấp, đổi và thu hồi thẻ nhà báo là do cơ quan báo chí quy định”. “Việc bảo vệ nguồn tin là vô cùng quan trọng” là tiêu đề bài cũng là một vấn đề khác mà PV Lương Bằng báo điện tử Hải Quan đề cập đến. PV có trích dẫn lời nhà báo Thuận Hải, Điều phối viên Chương trình Bảo vệ tác nghiệp thuộc RED: ”Luật Báo chí chỉ nên quy định nhà báo có nghĩa vụ cung cấp nguồn tin cho cơ quan Viện kiểm sát trong các vụ án có yêu tố định danh mức độ “đặc biệt nghiêm trọng”. Bởi chỉ có cơ quan giữ quyền công tố, giám sát quá trình tiến hành thủ tục tố tụng mới có địa vị pháp lý, chức năng thu thập bằng chứng khách quan, nhiều bên và độc lập với các cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra hoặc xét xử”. Nhiều trang tin khác như Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn online, cũng như các đài truyền hình cũng cho rằng Dự thảo Luật Báo chí vẫn còn hạn chế, đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các quy định về giấy phép và thủ tục thông báo, tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của các cơ quan báo chí, tăng quyền tự chủ cho các cơ quan báo, tạo điều kiện để cơ quan báo chí hoạt động sáng tạo và chủ động phù hợp với năng lực và chiến lược phát triển của họ… Đọc thêm: > Thời báo Kinh tế Sài Gòn online: Ủy ban Quốc hội: Dự thảo Luật Báo chí vẫn còn hạn chế > Công an nhân dân: Quy định về Thẻ nhà báo là rào cản cho việc tác nghiệp(?) > An ninh tiền tệ và truyền thông: Thẻ nhà báo: người dùng không có, người có không dùng > Hải quan online: Góp ý dự thảo Luật Báo chí: Việc bảo vệ nguồn tin là vô cùng quan trọng

Một số hình ảnh:

Nhà báo Phạm Trung Tuyến (phải)

Nhà báo Trần Quốc Hải

Hội thảo đã nhận sự hiện diện của hơn 25 khách

Phóng viên Nguyễn Trần Chung chia sẻ trải nghiệp tác nghiệp tại Thanh Hóa

Phóng viên Lương Bằng nói về những khó khăn khi tác nghiệp mà không có thẻ nhà báo

Anh Đinh Đức Hoàng phản biện về vấn đề thẻ nhà báo

Ông Nguyễn Văn Hiếu giải thích về các vấn đề được nêu ra tại hội thảo

Vụ trưởng Lê Thị Phương Nam khẳng định niềm vui trước một hội thảo "ý nghĩa và thú vị"

Tải bộ tài liệu hội thảo tại đây.