Tháng Mười 15, 2019

HỘI THẢO “MỘT SỐ GIẢI PHÁP THỰC THI HIỆU QUẢ LUẬT TIẾP CẬN THÔNG TIN TRONG TÁC NGHIỆP BÁO CHÍ” (14/10/2019)

Ngày 14/10, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) và tổ chức Oxfam tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Một số giải pháp thực thi hiệu quả Luật Tiếp cận Thông tin trong tác nghiệp báo chí”. Hơn 40 nhà báo ở Hà Nội, TP. HCM và một số tỉnh lân cận Hà Nội cùng các chuyên gia trong lĩnh vực luật pháp và báo chí, truyền thông đã tham gia hội thảo này. Toàn cảnh hội thảo Tiếp cận thông tin 14/10 Bên cạnh các nhà báo thì hội thảo cũng có sự tham gia của các chuyên gia trong như bà Nguyễn Thị Kim Thoa – Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự và Hành chính (Bộ Tư pháp), ông Nguyễn Chí Dũng – nguyên Tổng biên tập tạp chí Lập pháp, Chủ tịch Hội đồng khoa học của RED, ông Toby Mendel – Giám đốc Trung tâm Pháp luật & Dân chủ Canada, luật sư Đinh Hồng Hạnh – chuyên gia chính sách, bà Ngô Thị Thu Hà – Giám đốc của Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ. Tại hội thảo, có hơn 30 phát biểu, chia sẻ của các nhà báo và chuyên gia đã bàn luận sôi nổi quanh việc thực thi Luật Tiếp cận Thông tin ở Việt Nam và giải pháp để thực thi nó. Kết thúc hội thảo, các nhà báo và chuyên gia đều thống nhất rằng nên coi Luật Tiếp cận thông tin như một kênh khai thác thông tin, dù hiện nay, Luật này còn chưa được nhiều người dân biết đến và những thông tin được cung cấp theo Luật này còn nhiều vấn đề phải bàn. Hội thảo Tiếp cận thông tin 14/10/2019 Các chia sẻ về kinh nghiệm nghề nghiệp liên quan đến việc thực thi Luật TCTT của ba nhà báo (từ phải qua trái) Nguyễn Huy Minh (báo Lao động), Đoàn Tân (báo Đời sống & Pháp luật), nhà báo Giang Vương (trang tin 24h) tạo thu hút đặc biệt trong hội thảo này. Nhà báo Nguyễn Huy Minh – tác giả của các tập Phóng sự – Bút ký: “Kimono trong rừng thẳm”, “Tìm lại con đường tơ lụa trên biển Đông”, “Đi trẩy nước non”. Nhà báo Đoàn Tân – người được Công an TP. Hà Nội nhiều lần khen thưởng vì có thành tích phối hợp bắt giữ đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm, thành tích phối hợp bắt giữ các nhóm làm giả con dấu, giấy tờ của Nhà nước và gần đây nhất là được Công an tỉnh Bắc Kạn khen thưởng vì công tác tuyên truyền về an ninh trật tự. Nhà báo Giang Vương – tác giả của nhiều phóng sự gây chú ý. Ba lý do để nhà báo thúc đẩy việc thực thi Luật Tiếp cận Thông tin. Đó là: - Để xác định các nguồn tin thật, giả liên quan đến lĩnh vực chính sách. - Với các đề tài sâu, cần theo đuổi lâu dài. - Phải nghĩ đến vai trò của báo chí là xây dựng, thúc đẩy Nhà nước, người dân thực thi Luật Tiếp cận thông tin. Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội thảo Tiếp cận thông tin 14/10/2019 Bà Nguyễn Thị Kim Thoa – Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự và Hành chính (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh, theo Luật Tiếp cận thông tin, nhà báo và người dân chỉ có thể yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan cung cấp các thông tin “ những tin, dữ liệu được chưa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu có sẵn, tồn tại dưới dạng văn bản đã được ký đóng dấu”. Như vậy, các bài phát biểu, các ý kiến đóng góp trong các hội thảo… sẽ không được cung cấp cho nhà báo vì nó không phải là văn bản đã được đóng dấu. Trong trường hợp cần các bài phát biểu này, nhà báo nên dùng Luật Báo chí thì tốt hơn, bà Thoa cho biết. Hội thảo này là phần tiếp theo của toạ đàm “Báo chí với Luật Tiếp cận thông tin” được tổ chức vào ngày 27/9. Đây cũng là một trong những hoạt động bên lề của Giải Báo chí với Phát triển bền vững 2019 do RED tổ chức.