Tháng Sáu 21, 2016
HỘI THẢO NHỮNG NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN “HÀNH VI CẢN TRỞ TÁC NGHIỆP BÁO CHÍ GIAI ĐOẠN 2011-2015 (06/2016)
Sáng 20/6, tại Hà Nội, RED tổ chức Hội thảo tham vấn Báo cáo đánh giá hành vi cản trở tác nghiệp báo chí giai đoạn 2011-2016 với sự tham dự của các chuyên gia, nhà báo đến từ Ban Tuyên giáo, Hội Nhà báo, Cục Báo chí, UNESCO và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Ông Nguyễn Quang Đồng đại diện nhóm nghiên cứu trình bày các kết quả khảo sát, một kết quả có phần bất ngờ là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hành vi cản trở tác nghiệp giai đoạn 2011-2015 là hình ảnh, uy tín của những người làm báo bị giảm sút trong mắt xã hội.
Nhìn một cách tổng quát, báo cáo cho thấy môi trường tác nghiệp báo chí đã trở lên phức tạp hơn, với mức độ rủi ro cao hơn cho hoạt động báo chí. Trong cả 2 nhóm hình thức cản trở phổ biến: cản trở quyền thông tin của nhà báo; đe dọa và hành hung nhà báo, số lượng vụ việc ghi nhận được đã tăng lên trong năm năm qua.
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, các chuyên gia ông Phan Hữu Minh, Trưởng Ban kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Thành Vinh, Chủ tịch liên chị hội nhà báo Ban Tuyên giáo TW, nhà báo Thuận Hải, cùng chuyên gia báo chí truyền thông đã bổ sung và làm rõ các nội dung báo cáo.
Với những phân tích của các chuyên gia, một số nội dung dưới đây được nêu bật trong buổi hội thảo, đó là:
- Quy phạm pháp luật liên quan đến quyền bảo vệ tác nghiệp cho nhà báo, phóng viên ở Việt Nam là khá đầy đủ. Cụ thể, trong 5 năm qua (2011-2015) các Nghị Định số 02, Nghị Định số 159 và sau này là Luật Báo chí 2016 đã được ban hành.
- Cần phân định rõ chuyện nhà báo bị cản trở tác nghiệp với những người tập làm nghề bị cản trở tác nghiệp. Nhiều vụ cản trở tác nghiệp cho thấy những bạn mới vào nghề, tập làm nghề chưa được trang bị cách hành xử và đã tự tạo những mâu thuẫn không cần thiết và bị cản trở tác nghiệp. Thực tế cũng cho thấy nhiều nhà báo, phóng viên chưa được trang bị về kiến thức pháp lý về quyền tác nghiệp báo chí một cách đầy đủ. Điều này cũng lặp lại với đội ngũ thực thi công quyền, cũng như người dân, dẫn tới việc các vụ việc cản trở tác nghiệp tiếp tục xảy ra.
- Một trong những nguyên nhân chính gây ra cản trở tác nghiệp báo chí đó là vấn đề đạo đức báo chí có chiều hướng suy giảm. Một số lượng không nhỏ các nhà báo, phóng viên đang lạm dụng danh nhà báo, lạm dụng quyền làm báo của mình để trục lợi. Hình ảnh của nhà báo cũng bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực, dẫn đến thái độ của người dân, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp với báo chí đã trở nên tiêu cực. Các đại biểu cho rằng cần phải xác định nền tảng đạo đức nghề nghiệp, như thế nào thì được gọi là một nhà báo, phóng viên có đạo đức nghề nghiệp… Hội Nhà báo Việt Nam đang xây dựng bộ quy tắc đạo đức nghề làm báo. Điều này sẽ giúp các nhà báo, phóng viên tác nghiệp chính đáng phát huy quyền tác nghiệp của mình, cũng như sẽ đưa ra hình thức xử lý những nhà báo, phóng viên tác nghiệp không chính đáng.
Quý vị có thể tải toàn bộ tài liệu của hội thảo tại đây.
Một số hình ảnh tại hội thảo:
Bà Nguyễn Thanh Hà - cán bộ chương trình của RED khai mạc hội thảo
Chuyên gia Nguyễn Quang Đồng trình bày kết quả báo cáo
Ông Phan Hữu Minh - Trưởng Ban kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam
trình bày phần phản biện của mình
Nhà báo Thuận Hải cho rằng Nghị định 159 vẫn chưa thực sự phát huy đúng hiệu quả
TS Nguyễn Quang A - góp ý bổ sung cho báo cáo
Ông Trần Nhật Minh - Giám đốc RED chia sẻ về những khó khăn
trong việc xác minh các vụ việc cản trở tác nghiệp trong suốt 5 năm vừa qua
Bà Trần Thị Khánh Hòa - đại diện Cục Báo chí cho rằng
nguyên nhân của các vụ việc cản trở tác nghiệp
đến từ nhiều phía: báo chí, người dân, các đơn vị chức năng...
Bà Hoàng Minh Nguyệt -
Điều phối viên Chương trình Thông tin và Truyền thông, UNESCO tại Việt Nam
đóng góp thêm ý kiến về việc thống kê những trường hợp cản trở báo chí mà không bị xử phạt
Kết luận Hội thảo, ông Trần Nhật Minh nhấn mạnh vấn đề đạo đức báo chí
cần phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc, cần được giải quyết bằng một chương trình tổng thể
Sau khi hội thảo kết thúc, các báo đồng loạt đưa tin về những vấn đề nóng mà hội thảo nêu ra.
Báo điện tử Infonet.vn trích lại số liệu tại hội thảo, đó là 96% số phóng viên, nhà báo trả lời khảo sát (tháng 5/2016) cho biết họ từng ít nhất một lần bị cản trở tác nghiệp, con số này của khảo sát năm 2011 là 88%. Đáng chú ý, trong số các vụ việc cản trở tác nghiệp diễn ra trong một năm, trung bình 30% số vụ hoàn toàn do lỗi của phóng viên, nhà báo.
Infonet trích lời chuyên gia Nguyễn Quang Đồng: “Vừa rồi có sự thay đổi tích cực là ra đời Nghị định 159, trong đó quy định việc cản trở, hành hung phóng viên được xử lý theo hướng có tình tiết tăng nặng chứ không chỉ xử lý hành chính thông thường như trước. Tuy nhiên, số lượng vụ việc áp dụng theo Nghị định 159 trong thực tế vẫn chưa nhiều, vẫn còn khoảng cách giữa chính sách pháp lý với thực thi”.
Với tiêu đề: "Nhà báo bị đe dọa, hành hung ngày càng nhiều do đâu?", báo điện tử của Đài tiếng nói Việt Nam, Vov.vn viết, có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều vụ việc đe dọa và hành hung nhà báo nghiêm trọng đã không được xử lý đến cùng, cũng như thông tin rộng rãi. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực về nhiều mặt cho hoạt động bảo vệ an toàn tác nghiệp của nhà báo.
Bên cạnh đó là nguyên nhân về rủi ro pháp lý trong quá trình tác nghiệp của nhà báo ở những lĩnh vực rủi ro cao (ví dụ điều tra, nội chính, hay tài nguyên môi trường). Rủi ro này đến từ hai phía. Một mặt do phóng viên chưa ý thức được đầy đủ các rủi ro, thiếu hụt về mặt kiến thức pháp lý, cũng như chưa nhận được sự hỗ trợ phù hợp từ toàn soạn. Mặt khác, những rủi ro ngầm thách thức phóng viên còn đến từ môi trường pháp lý thiếu rõ ràng, các vùng hạn chế thông tin, và tình trạng dấu mật tràn lan từ cac cơ quan nhà nước.
Chia sẻ quan điểm trên, báo điện tử Vietnam+ trích lời ông Phan Hữu Minh, Trưởng ban Kiểm tra – TW Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng tình trạng lạm dụng quyền lực và sử dụng thông tin án của các cơ quan chủ quản để quấy rối doanh nghiệp và các cơ quan địa phương đang tạo ra những ức chế và trở thành nguyên nhân của một số vụ bạo hành nhà báo. Đáng chú ý, một phần không nhỏ các vụ việc có nguyên nhân từ tác nghiệp không đúng quy trình và chuẩn mực của phóng viên.
Cũng liên quan tới vấn đề trên, báo điện tử Một Thế Giới dẫn lời nhà báo Thuận Hải, rằng trên thực tế, nhà báo đang có xu hướng muốn trở thành “quan tòa”, “người phán xét”, mạng xã hội có thể là sân chơi phù hợp cho những nhà báo có tham vọng trên. Nhưng với tư cách của một “người đưa tin”, nếu muốn biểu hiện quan điểm cá nhân, các nhà báo nên đưa vào trong kĩ năng lựa chọn số liệu, sắp xếp sự kiện hay “mượn lời chuyên gia”.
Hướng tới những giải pháp cho vấn đề, Trang tin Thời Báo Kinh Doanh và Báo Văn Hóa Online chia sẻ những ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo, cho rằng Nhà nước nên nhìn nhận và điều chỉnh báo chí như một ngành kinh tế và hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Đối với tòa soạn và các hoạt động đào tạo phóng viên, cần chuẩn hóa quy trình tác nghiệp, chú trọng đào tạo kỹ năng tác nghiệp an toàn cho phóng viên mới vào nghề, thiết lập mạng lưới đồng nghiệp bảo vệ đồng nghiệp… Báo điển tử Đại Biểu Nhân Dân dẫn lời nhà báo Thuận Hải rằng cần phải khơi dậy lòng từ trọng nghề báo cho các phóng viên, nhà báo. Còn Văn Hóa Online thì trích lời ông Phan Hữu Minh khẳng định Hội Nhà báo sẽ tổ chức đợt vận động đóng góp ý kiến xây dựng Bộ quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Đó vừa là cẩm nang cho hoạt động tác nghiệp, vừa là thước đo để phán xử.
Nhìn nhận vấn đề theo một hướng khác, Báo Hải Quan Online có bài “Báo chí trong vòng xoáy gạo tiền”. Trích lời của chuyên gia Nguyễn Quang Đồng, Báo Hải Quan cho biết, từ khoảng năm 2008 trở về trước, thị trường phát hành quảng cáo gần như độc quyền của báo chí. Thế nhưng, từ năm 2008 đến nay, nhất là thời điểm mạng xã hội bùng nổ, cùng với sự ra đời của các thiết bị thông minh, hành vi của người đọc đã thay đổi rất nhiều. Báo chí cũng không còn là kênh thông tin duy nhất. Khi ấy, nguồn thu chính của báo chí là từ quảng cáo bị san sẻ. Trong tình thế khó khăn ấy, đã xuất hiện tình trạng một bộ phận mạo danh báo chí, mượn danh báo chí để dọa dẫm doanh nghiệp. Tình trạng này cực kỳ trầm trọng, nhất là ở các địa phương.
Ngoài ra, nhiều trang tin khác cũng đã dẫn chứng những số liệu trong báo cáo tại hội thảo và các ý kiến khuyến nghị từ các chuyên gia tham dự.
Báo Hà Nội Mới
Báo Xây Dựng
Báo Quảng Bình