Tháng Sáu 29, 2018

HỘI THẢO “THUẾ TÀI SẢN – MỘT SỐ GỢI Ý CHÍNH SÁCH (06/2018)

Ngày 26/6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) tổ chức hội thảo "Thuế tài sản - Một số gợi ý chính sách cho Việt Nam". Bà Lê Thị Mai Liên. Bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng Ban Chính sách Tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính cho biết, thuế tài sản có nhiều tên gọi khác nhau ở các nước như Thuế bất động sản, Thuế chuyển nhượng tài sản, Thuế đăng ký tài sản, Thuế thừa kế, thuế quà tặng. Các loại thuế này không có khuôn mẫu chung nhưng có thể xếp thành 3 nhóm: Thuế đăng ký tài sản (thuế đánh khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản), Thuế tài sản/thuế bất động sản/thuế nhà, đất (là loại thuế thu hàng năm, đánh vào quá trình sử dụng tài sản) và Thuế chuyển nhượng tài sản. Bà Liên dẫn số liệu từ World Bank cho biết, 174/193 nước đã áp dụng thuế tài sản/thuế bất động sản/thuế nhà, đất. Đối tượng chịu thuế là Nhà, đất và tài sản gắn liền với đất hoặc Đối tượng chịu thuế là nhà, không đánh thuế đối với đất. Ở một số nước như Úc, Israel, Kenya, Nga, Lào,…đối tượng chịu thuế là đất, không đánh thuế đối với nhà. Có nhiều phương pháp tính thuế: Tính theo số lượng đơn vị tài sản (áp dụng ở Ba Lan, Trung Quốc, Israel), tính dựa trên giá trị tài sản cho thuê (được sử dụng ở Ai Cập, Campuchia, Malaysia, Pháp, Thái Lan, Uganda…), hoặc tính dựa trên giá trị thị trường của tài sản (các phương pháp này được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Úc, Niu Di-lân, Đan Mạch, Jamaica, Kenya, Nam Phi…). Các phương pháp này đều có ưu, nhược điểm khác nhau. Các nước trên thế giới đều có những chính sách miễn, giảm thuế tùy theo đối tượng sở hữu tài sản, mục đích sử dụng tài sản, theo tính chất của tài sản, giá trị định giá của tài sản thấp hay số thu thuế tài sản dưới một ngưỡng nhất định. Một số nước như Đài Loan, Cam-pu-chia, Phi-lip-pin, Thái Lan, Lào…đánh thuế cao đối với đất bỏ không, chưa đưa vào sử dụng trong khi một số nước khác đánh thuế đối với bất động sản thứ 2. Pháp áp dụng mức thuế suất thu thêm 20% đối với bất động sản thứ 2, còn Anh áp dụng mức thuế suất thuế trước bạ đối với giá trị giao dịch của bất động sản mua thêm (sở hữu mới) cao hơn mức thuế suất đối với bất động sản sở hữu đầu tiên là 3%. Ông Nicolas Drouin chia sẻ kinh nghiệm từ bang Ontario Chia sẻ tại hội thảo, ông Nicolas Drouin, Bí thư thứ nhất, Ban Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam cũng đã chia sẻ về thực tiễn thuế tài sản tại bang Ontario, Canada. Thuế tài sản ở Canada được xem xét dựa trên nguyên tắc là số tiền phải nộp phụ thuộc vào giá trị tài sản sở hữu. Thuế tài sản là một nguồn thu nhập chính, do chính quyền địa phương kiểm soát, khoảng 19 tỷ đô Canada mỗi năm tại Ontario. Thuế tài sản dựa trên 2 nguyên tắc nền tảng, thứ nhất, nguyên tắc lợi ích mà chủ tài sản nhận được; thứ hai, nguyên tắc khả năng đóng thuế của chủ tài sản. Thu nhập từ thuế tài sản được dùng để trang trải các dịch vụ do chính quyền địa phương cung cấp, như giáo dục, văn hóa, y tế, tiện ích... Bang Ontario (Canada) đánh thuế ngôi nhà từ thứ nhất trở đi, còn xe hơi, du thuyền hoặc máy bay thì chỉ chịu thuế tại thời điểm mua, tức là chịu thuế một lần.  Luật sư Trương Thanh Đức. Tham dự hội thảo, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết ông đồng ý về chủ trương đánh thuế tài sản, nhưng cần định danh chính xác đánh loại thuế gì và phải có biểu thuế lũy tiến để tránh bất công. Luật sư Đức cho rằng dự thảo luật thuế Tài sản chưa xác định rõ đối tượng để đánh thuế, hay "nói theo chuyên môn về xây dựng pháp luật thì là chưa “chính danh”. Nếu không “chính danh” sẽ gây nhầm lẫn, tạo mâu thuẫn với các đạo luật khác. Xác định chính xác “danh” của luật thuế có thể loại trừ tài sản nào không phải chịu thuế tài sản rồi định ra cách đánh thuế hợp lý nhất. Theo vị luật sư này, Điều 105 Luật Tài sản đã chỉ rõ, có thể phân chia tài sản làm 4 loại gồm vật chất (ô tô, máy bay, bất động sản…), tiền (tiền gửi tiết kiệm, ngoại tệ…), giấy tờ có giá (trái phiếu, cổ phiếu…) và quyền tài sản (quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ…). Luật sư Đức cho rằng phải tiếp cận từ góc độ toàn bộ tài sản của các cá nhân, tổ chức nếu đánh thuế tài sản. Còn nếu chỉ đánh thuế phần bất động sản gồm nhà và đất thì phải gọi đúng là “thuế bất động sản và quyền sử dụng đất”. Ở nước ta, về bất động sản không có đất đai thuộc sở hữu của cá nhân mà chỉ có quyền sử dụng đất và quyền định đoạt tài sản gắn liền với đất. Ở đây, có hai cách đánh thuế thông dụng trên thế giới về tài sản. Thứ nhất là đánh thuế bất kể tài sản đó có nguồn gốc từ đâu (mua, cho, tặng…), tài sản đó đang bị đánh thuế bởi luật khác (như nhà đang cho thuê phải chịu thuế môn bài, VAT, thu nhập), tài sản đã bị đánh thuế. Tuy nhiên ông Đức cho rằng đây là cách làm không thể thực hiện được tại Việt Nam. Ông Đức cho rằng cần sử dụng phương pháp loại trừ trong việc tính thuế tài sản, không để người dân phải chịu cảnh thuế trùng thuế. Khi có một căn nhà cho thuê, nghĩa là phát sinh thu nhập nên người dân phải đóng thu nhập cá nhân, cho thuê cũng phải đóng thuế giá trị gia tăng. Khi xây nhà đã phải đóng thuế cho các loại vật liệu xây dựng, thuê nhân công… Lãi từ cổ phiếu (cổ tức), trái phiếu, người dân cũng đã đóng thuế thu nhập. Vị luật sư này đề xuất Thuế tài sản chỉ đánh vào cá nhân, tổ chức có khả năng nộp thuế, miễn thuế cho hộ nghèo, người lớn tuổi không có thu nhập thường xuyên; chỉ đánh thuế vào các tài sản có giá trị lớn, đưa ra định mức miễn thuế với diện tích tối thiểu/người/hộ gia đình; đánh thuế lũy tiến với khởi điểm thấp nhất cho bất động sản đầu tiên (0,1% và có thể tới 10% với người nhiều tài sản); chỉ đánh thuế một số tài sản dễ kiểm đếm như nhà ở, đất đai và nên cộng dồn tài sản gồm cả nhà và quyền sử dụng đất. "Nếu áp dụng mọi người mức thuế như nhau thì không công bằng và không đạt được mục tiêu đánh thuế", ông Đức nói. Ngoài ra, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, cần phải có dữ liệu nhà, đất để đảm bảo công bằng. Điều này theo ông để tránh tình trạng người có 10 căn nhà nhưng nộp thuế có khi thấp hơn người chỉ có một nhà.