Tháng Mười Một 8, 2023

NHỮNG ĐỊNH KIẾN XOAY QUANH VẤN ĐỀ PHỤ NỮ LÀM LÃNH ĐẠO

Tại buổi thảo luận giữa ba bên tổ chức vào ngày 10/09/2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh  bao gồm các marketers, sinh viên và nhà báo, các khách mời và khách tham dự đã cùng bàn về câu chuyện phụ nữ làm lãnh đạo. 

Toàn cảnh buổi thảo luận (Ảnh: RED)

Chia sẻ về thực trạng này tại các cơ quan hiện nay, TS. Nguyễn Thị Nguyệt Anh, Trưởng khoa Xã hội học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hồ Chí Minh cho rằng trong môi trường giáo dục, ở cả cấp cơ sở và cấp đại học đều có một điểm chung đáng lưu ý là ít lãnh đạo nữ, dù các tiêu chuẩn đánh giá có sự khác nhau. Trong quá trình công tác, nhiều phụ nữ lựa chọn kết hôn, sinh con. Do vậy, khi lấy phiếu tín nhiệm, xu hướng chọn lãnh đạo vẫn nghiêng về nam giới. Bà chia sẻ, giảng viên nữ muốn làm lãnh đạo phải học tiến sĩ, mà khi học tiến sĩ thì sẽ ảnh hưởng đến việc chăm sóc gia đình, từ đó gia đình sẽ dễ đổ vỡ. Nếu họ sinh hai con thì họ phải mất thời gian khoảng từ 05 đến 06 năm. Khi muốn làm lãnh đạo, nếu là nữ doanh nhân thì cũng chưa phải là một cái gì đó nó quá đặc biệt, nhưng nếu bắt đầu trong môi trường đại học thì lúc đấy cần có một cái sự phấn đấu vượt bậc và rất rõ ràng bởi vì yêu cầu của các giảng viên đại học phải đáp ứng đủ trình độ chuyên môn về học thức (ví dụ đối với cấp trưởng khoa bây giờ chuẩn hóa phải là tiến sĩ). Vậy thời gian đào tạo sẽ là rất dài với gần 12 năm (05 năm học ĐH, thêm 03 năm Thạc sĩ và 03 đến 04 năm mới đạt trình độ Tiến sĩ). Nếu không cân bằng thời gian học tập và gia đình thì có thể họ sẽ phải đứng trước nguy cơ đổ vỡ trong hôn nhân, chậm kết hôn hoặc thậm chí không thể lập gia đình vì đã lớn tuổi. Do vậy, so với nam giới thì phụ nữ buộc phải cố gắng hơn rất nhiều để có thể đạt được vai trò lãnh đạo trong thời đại ngày nay.

Theo ý kiến của các sinh viên, đối với những nữ lãnh đạo trong các doanh nghiệp, nếu họ gặp ít rào cản hơn về mặt thời gian và trình độ chuyên môn thì những định kiến về việc phụ nữ làm lãnh đạo đã gây ra không ít khó khăn trong quá trình làm việc. Một bộ phận không nhỏ trong xã hội cho rằng phụ nữ là những người cảm tính, dễ dao động và thường không quyết đoán trong các vấn đề lớn như nam giới. Định kiến đó cũng phần nào tác động đến sự ủng hộ đối với phụ nữ trong cuộc chạy đua đến vị trí lãnh đạo. Thậm chí, định kiến này có thể dẫn đến việc đánh giá thấp chất lượng công việc của nữ giới khi họ làm lãnh đạo. 

Các bạn sinh viên trình bày về "tiêu chuẩn kép" đối với người phụ nữ

Không chỉ vậy, các khách mời và sinh viên cũng chia sẻ thêm các góc nhìn xoay quanh vấn đề về định kiến giới. Theo đó, định kiến giới có tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển cá nhân của phụ nữ và nam giới. Các nghiên cứu lý thuyết cũng như thực tiễn đã chứng minh rằng nam giới và nữ giới chỉ khác nhau về mặt sinh học. Quan niệm lãnh đạo hoặc các công việc thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật không thích hợp đối với phụ nữ đã dẫn đến việc đánh giá khắt khe hoặc không công nhận khả năng quản lý, nghiên cứu, sáng tạo của phụ nữ. Thêm nữa, quan niệm nam giới không phù hợp với các công việc cần sự khéo léo, mềm dẻo, tỉ mỉ đã gạt nam giới ra khỏi các công việc thuộc lĩnh vực sư phạm, nghệ thuật, dịch vụ… 

Từ những bàn luận trên, các khách mời và khách tham dự đã cùng nhau tìm kiếm những giải pháp để thúc đẩy bình đẳng giới trong ba lĩnh vực được coi là có tác động lớn nhất đến nhận thức của xã hội bao gồm giáo dục, báo chí và marketing.