Tháng Tám 23, 2023

[RECAP] SỰ KIỆN NETWORKING 3 BÊN: THANH NIÊN – NHÀ BÁO – MARKETER “TRUYỀN THÔNG – NÓI KHÔNG ĐỊNH KIẾN GIỚI” TẠI HÀ NỘI NGÀY 19/08/2023

Ngày 19/08/2023, diễn đàn kết nối ba bên (Thanh niên/sinh viên – Marketer – Nhà báo) là một chuỗi hoạt động thuộc hợp phần truyền thông trong khuôn khổ Dự án “Thanh niên tham gia giải quyết định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới” do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ thông qua Oxfam Vietnam, và Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED Communication) thực hiện đã diễn ra. Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm tham dự của các nhà báo, marketer và sinh viên đến từ các trường đại học tại Hà Nội.

Diễn đàn kết nối 3 bên với chủ đề “Truyền thông - Nói không định kiến giới” với sự tham gia của 3 diễn giả, khách mời: anh Lê Văn Sơn (Chuyên gia Giới), anh Ân Đặng (chuyên gia Marketing), chị Văn Thị Hồng Nhung (Nhà báo tại Báo Phụ nữ Thủ đô) và đại diện cho nhóm thanh niên tham gia chia sẻ có nhóm sinh viên Gender Never Restricts Your Potentials (GNRP) thuộc Trường Đại học Hà Nội.

Mở đầu diễn đàn có sự tham gia phát biểu của đại diện Oxfam Vietnam - chị Nguyễn Thị Mai Anh (Gender Justice Project Manager) đã giới thiệu về dự án “Thanh niên & Bình đẳng giới”. Cụ thể, chị Mai Anh đã chia sẻ về những hoạt động nổi bật thuộc các hợp phần dự án: 1. Thanh niên thay đổi định kiến giới; 2. Nhà báo & Doanh nghiệp nhạy cảm giới; 3. Chiến dịch truyền thông thách thức định kiến giới. Để triển khai được các hoạt động này không thể thiếu sự tham gia của các đơn vị/ tổ chức như Viện Tư Vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và miền núi (CISDOMA); 05 trường Đại học (Học viện Phụ nữ, ĐH Hà Nội, Học viện Báo chí - Tuyên truyền, ĐH Đà Nẵng, ĐH KHXH&NV HCM); Hội Nhà báo Việt Nam (VJA); Viện nghiên cứu truyền thông phát triển (RED Communication); Công ty truyền thông TU VA Communications. Thông qua chia sẻ của chị Mai Anh, người tham dự diễn đàn biết thêm nhiều thông tin hữu ích từ dự án và có thể tham gia thêm nhiều hoạt động từ các hợp phần dự án khác nhau ở nhiều khu vực khác nhau tại Việt Nam. Đến phần tọa đàm trao đổi 3 bên Thanh niên/sinh viên – Marketer – Nhà báo cũng đã đưa ra những góc nhìn của mình về giải pháp cho vấn đề bình đẳng giới hiện nay.

Bạn Hà Phương, đại diện cho nhóm sinh viên chia sẻ: “Cá nhân em thấy mình khá may mắn khi sinh ra ở thời điểm mà những phong trào thúc đẩy bình đẳng giới diễn ra mạnh mẽ và em có điều kiện để tiếp xúc và nhận thức đúng đắn về vấn đề bình đẳng giới. Đó là động lực để em và các bạn trẻ khác chung tay lan tỏa những thông điệp về bình đẳng giới cũng như cùng nhau tìm ra giải pháp để nâng cao nhận thức cho những người xung quanh, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên. Một trong những hoạt động mà chúng em tập trung khi thực hiện những dự án của GNRP đó là tổ chức những buổi tọa đàm giữa các bạn học sinh sinh viên về nâng cao nhận thức bình đẳng giới”.

Về phía nhà báo, chị Hoài Anh (Báo Doanh nghiệp Việt Nam) bày tỏ mong muốn các nhà báo, nhà truyền thông và các nhà sản xuất có thể phối hợp một cách ăn ý, hiệu quả hơn để lan tỏa thông điệp về bình đẳng giới. Cụ thể hơn, chị Hoàng Oanh (Báo Đầu Tư) cũng đồng ý rằng các hoạt động đào tạo bình đẳng giới chưa phải là mối quan tâm hàng đầu của một số nhà báo vì vậy vẫn còn sự thiếu nhạy cảm giới trong khi tác nghiệp. Do đó cần sự đồng hành, chung tay và tạo điều kiện của các bên nhà báo, ban biên tập, nhà đài để cùng tạo nên những thông tin, nội dung có sự nhạy cảm giới.

Từ phía marketer, anh Ân Đặng (chuyên gia Marketing) nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất khi đưa yếu tố giới vào sản phẩm marketing là cần có sự đảm bảo về nguồn lợi nhuận của marketer và doanh nghiệp. Các marketer có thể giảm thiểu việc tô đậm khuôn mẫu giới/ định kiến giới khi lựa chọn làm marketing tử tế. Do khi làm “purposeful marketing”, “target audience” sẽ không chỉ hướng đến đối tượng khách hàng theo yếu tố giới, mà mở rộng góc nhìn và các yếu tố khác về đặc điểm nhân khẩu phù hợp. Điều này không những đảm bảo mục đích win-win giữa khách hàng và doanh nghiệp, bên cạnh đó cũng góp phần thúc đẩy những giá trị tích cực cho xã hội.

Qua các hoạt động chia sẻ tại diễn đàn của các marketers, nhà báo, sinh viên, Chuyên gia Lê Văn Sơn đã tổng hợp 3 biểu hiện chính trong định kiến về giới trong các sản phẩm báo chí, quảng cáo: “Truyền thông và quảng cáo ngày nay đang vô tình làm nặng hơn các định kiến, các khuôn mẫu Giới. Đã có sự dịch chuyển về mặt quan điểm, tư duy trong các sản phẩm quảng cáo, truyền thông liên quan đến bình đẳng giới, giảm thiểu các định kiến khuôn mẫu về giới tuy nhiên vẫn chưa đạt được hiệu quả cao. Ở góc nhìn tổng thể, phụ nữ vẫn đang bị gắn chặt với vai trò chăm sóc, làm việc nhà trong các sản phẩm quảng cáo, truyền thông.”

Bên cạnh đó, qua thảo luận tích cực từ các bên, diễn đàn cũng đưa ra được 3 nguyên nhân quan trọng nhất vì sao các định kiến đó tồn tại. Đó là về mặt nhận thức về lợi ích của việc lồng ghép, thúc đẩy bình đẳng giới trong các sản phẩm của những người làm Marketing, nhà báo và các bên liên quan còn rất mờ nhạt và chưa thực sự được quan tâm. Thứ hai là các hướng dẫn, điều kiện, công cụ để người làm truyền thông thực hiện bình đẳng giới mà vẫn đảm bảo lợi ích kinh tế còn chưa hoàn thiện. Và thứ ba là vấn đề đến từ sự tự định kiến và định kiến từ bên ngoài của người làm truyền thông trong quá trình làm việc và tạo ra sản phẩm.

Từ đó đưa ra được 4 nhóm giải pháp quan trọng như sau:

(1) Nếu không làm được điều tốt hơn thì không làm nặng thêm những khuôn mẫu và định kiến giới vốn có trong xã hội nói chung

(2) Truyền cảm hứng về bình đẳng giới từ những việc làm nhỏ nhất với tinh thần chia sẻ trách nhiệm bình đẳng trong mọi vấn đề

(3) Phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cơ quan truyền thông trong việc thực hiện công tác về bình đẳng giới

(4) Chung tay gắn kết giữa các bên để tạo ra sự lan tỏa, phong trào mạnh mẽ hướng tới sự thay đổi tích cực trong xã hội.

Bên cạnh đó những case study về Kotex, Ariel và Bluestone đem đến những góc nhìn cụ thể, đa dạng về văn hoá, những chuyển biến tích cực trong định kiến về giới trong các sản phẩm marketing hiện nay. Từ đó đưa ra những cơ hội để 3 bên liên kết thách thức lại các định kiến giới về vai trò giới thông qua quảng cáo, báo chí và trong nhà trường.

RED Communication gửi lời cảm ơn chân thành đến các khách mời và các bên Nhà báo - Marketer - Sinh viên đã rất nhiệt tình tham gia thảo luận, đặt câu hỏi và đóng góp ý tưởng, gợi mở những vấn đề sâu sắc về nhận thức giới nói chung và lồng ghép yếu tố giới trong sản phẩm của mình để diễn đàn đạt được mục tiêu đã đề ra. Hy vọng rằng sau buổi tọa đàm, các bên nhà báo - marketers - sinh viên sẽ đúc kết được những kiến thức giá trị cho bản thân, đồng thời áp dụng được những điều tích cực đó vào trong công việc và cuộc sống.

#GenderEquality#YouthandGender#binhdanggioi#dinhkiengioi