Tháng Một 29, 2024

SINH VIÊN BÀN LUẬN VỀ ĐỊNH KIẾN GIỚI

Bức tranh bình đẳng giới tại Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn đó những định kiến, khuôn mẫu giới nhất định, trở thành rào cản cho những nỗ lực chung trong xã hội.

Thanh niên nói chung và sinh viên nói chung đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức chung về bình đẳng giới. Theo số liệu năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, nước ta có hơn 22,1 triệu người trong độ tuổi thanh niên, chiếm khoảng 22,5% dân số cả nước và gần 36% lực lượng lao động. Là hạt nhân tiềm năng thúc đẩy những thay đổi trong xã hội, thế hệ trẻ ngày càng mạnh dạn cất tiếng nói hướng đến bình đẳng giới, đồng thời có những hành động thiết thực để góp phần thúc đẩy những thay đổi tích cực. 

Sinh viên nhặt “sạn” giới trong truyền thông

“Tại sao phụ nữ khó làm lãnh đạo?”

“Những tố chất hàng đầu để trở thành nữ lãnh đạo thành công”

Đó là tiêu đề những bài báo, bài viết về nữ lãnh đạo mà nhóm sinh viên Female Leader Empowerment (FLE) thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra. Không khó để tìm thấy những tiêu đề tương tự trên internet, khi truyền thông thường gắn nhãn phụ nữ với những đặc điểm như giàu cảm xúc, thiếu quyết đoán, đố kỵ, phải dành nhiều thời gian cho gia đình, do đó không phù hợp để làm lãnh đạo. Hoặc khi đã trở thành lãnh đạo, họ bị coi là ít khả ái hơn. Nhóm FLE cho biết dựa theo số kết quả hiển thị trên thanh tìm kiếm Google, số lượng bài viết có chứa chủ đề về những tố chất tiêu cực của sếp nữ gấp 26 lần của sếp nam.

Nhóm sinh viên Female Leader Empowerment đưa ra những diễn ngôn ngầm chứa định kiến đối với vai trò của lãnh đạo nữ trên truyền thông

Đó là bức tranh trong phạm vi công sở. Trong phạm vi gia đình, “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” vẫn còn là quan niệm phổ biến, vô tình áp đặt khuôn mẫu về vai trò trong gia đình cho cả hai giới. Nhóm dự án sinh viên Gender Never Restricts Your Potentials (GNRP) từ Đại học Hà Nội đặt vấn đề quảng cáo và truyền thông trở thành “con dao vô hình” củng cố và làm nặng thêm các khuôn mẫu giới, đánh giá thấp về giá trị và vai trò của người phụ nữ trong con mắt công chúng.

Theo báo cáo “Vietnamese women’s representation in TV commercials related to Lunar New Year: A critical discourse analysis”, quảng cáo thường miêu tả phụ nữ Việt Nam với 6 vai trò như sau: Người nấu ăn cho gia đình, người chăm sóc và dạy bảo con cái, người chăm sóc tất cả các thành viên trong gia đình, người phụ thuộc vào chồng, người phụ trách công việc nhà và người yêu thương gia đình. Còn nam giới thường được miêu tả với vai trò là người thành công, mạnh mẽ, người có công việc ổn định, người lãnh đạo và nghỉ ngơi tại gia đình.

Đại diện nhóm dự án sinh viên Gender Never Restricts Your Potentials trình bày về định kiến giới trong quảng cáo và truyền thông

Như vậy, có thể nhận thấy đang tồn tại song song hai quan niệm: “Phụ nữ làm lãnh đạo thì không thể chu toàn việc chăm lo gia đình” và “Phụ nữ phải đảm nhận cả hai vai trò ‘đảm việc nước, giỏi việc nhà’”. Những quan niệm đó vô tình đặt lên vai phụ nữ gánh nặng kép, nhưng cũng đồng thời đơn giản hoá vai trò của họ.

Các sinh viên trăn trở: Vì sao báo chí/truyền thông/marketing chưa tiếp cận vấn đề dưới dạng “các lãnh đạo xuất sắc, ấn tượng” (không đề cập đến giới tính) mà thay vào đó là “một phụ nữ lãnh đạo giỏi thì cần hành động như thế này”? Tại sao báo chí/truyền thông/marketing quá chú trọng vào ngoại hình, diện mạo, thời trang thay vì khả năng và thành tích của các nhân vật lãnh đạo nữ khi xuất hiện trước công chúng?

Góc nhìn chuyên gia

Phụ nữ ngày càng thể hiện được bản lĩnh của mình hơn trên nhiều các lĩnh vực khoa học, kinh tế, chính trị xã hội, những việc mà trước đây chỉ mặc định dành cho đàn ông. Theo số liệu của Tổng cục thống kê 2020, ở Việt Nam, tỷ lệ đại biểu quốc hội là nữ chiếm 30.26% (trung bình toàn cầu là 25.5%, xếp thứ 51 trên toàn cầu và thứ 4 ở Châu Á); tỷ lệ nữ nắm giữ các vị trí cấp cao trong doanh nghiệp là 39% (toàn cầu 31%, khu vực 38%).

Tuy vậy, theo TS Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng, có sự chênh lệch lớn về sự hiện diện của lãnh đạo nữ và lãnh đạo nam trong truyền thông. Nữ lãnh đạo xuất hiện nhiều ở các vấn đề như trẻ em/gia đình, quyền phụ nữ, y tế, xoá đói giảm nghèo, trong khi lại xuất hiện rất ít ở các vấn đề khoa học kĩ thuật, quốc phòng/an ninh trật tự, bất động sản, kinh tế vĩ mô, quan hệ đối ngoại, vấn đề quốc tế. Nội dung các bài phỏng vấn lãnh đạo nữ thường khai thác các thông tin bên lề: hình thể, con gái, gia đình.

TS Lê Văn Sơn chia sẻ góc nhìn về sự hiện diện của lãnh đạo nữ trong truyền thông

Từ góc độ nghiên cứu, TS Nguyễn Nữ Nguyệt Anh (Trưởng khoa Xã hội học, Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: “Ở Việt Nam, các vị trí quản lý trong bộ máy nhà nước do nữ đảm nhận có tỉ lệ cao so với nhiều nước khác ở châu Á, tuy nhiên càng cấp cao thì vị trí quản lý hầu như là nam. Nguyên nhân quan trọng nhất về vĩ mô từ chính sách, mặc dù về mặt lý thuyết có thể thấy được sự bình đẳng, nhưng trên thực tế chưa thật sự phù hợp với một số đặc điểm sinh lý của nam và nữ. Các vấn đề liên quan đến thai sản ở nữ giới dẫn đến việc họ gặp nhiều trở ngại hơn so với nam giới trong cơ hội tiếp cận và được bầu chọn các vị trí lãnh đạo cấp cao”.

Những giải pháp từ thế hệ trẻ

Nhóm FLE cho rằng cần loại bỏ tư tưởng “giỏi việc nước, đảm việc nhà” hướng đến phụ nữ. Chừng nào các công việc chưa được phi giới tính hoá, các vai trò xã hội vẫn còn bị phân biệt trên cơ sở giới thì những rào cản về bất bình đẳng vẫn chưa được xóa bỏ. Mỗi cá nhân, dù là nam hay nữ, đều có quyền đưa ra quyết định cho bản thân mình, được tạo điều kiện để phát huy tối đa năng lực của bản thân.

Bạn Mạnh Phương đến từ Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG-HCM) đại diện cho thanh niên đã đưa ra nhiều quan điểm cởi mở: “Theo em, để thể hiện hình ảnh của người phụ nữ trong sản phẩm truyền thông thì em sẽ thể hiện hình ảnh của một người phụ nữ có quyền lựa chọn, họ hạnh phúc với sự lựa chọn đó và được mọi người xung quanh tôn trọng. Về câu hỏi “Nếu được chọn người lãnh đạo là nam hay nữ?” thì theo em tìm hiểu là thực sự có một số nghiên cứu cho thấy yếu tố giới có ảnh hưởng khách quan về sinh lý và tâm lý đến khả năng lãnh đạo của một người.” 

Với Thùy Dương, đại diện nhóm FLE, lý do một số định kiến về giới, về nữ lãnh đạo vẫn còn tồn tại là do các bạn đang phải tiếp xúc và bị ảnh hưởng bởi quá nhiều sản phẩm truyền thông với chất lượng thông tin chưa kiểm chứng. “Em nghĩ giải pháp nằm ở việc chúng em liên tục cập nhật thêm thông tin và tiếp nhận thông tin một cách chọn lọc, cần tham gia nhiều workshop, tọa đàm liên quan đến những vấn đề về giới… Ngoài ra, là một gen Z, em nghĩ nếu có thể tận dụng được TikTok, tận dụng những trào lưu mới thì mình có thể phổ biến đến nhiều bạn trẻ hơn”, Thuỳ Dương đúc kết.

Thế hệ trẻ nói chung và sinh viên nói riêng ngày càng sẵn sàng thể hiện tiếng nói, vai trò của mình trong thúc đầy bình đẳng giới

Bạn Hà Phương, đại diện nhóm GNRP chia sẻ: “Cá nhân em thấy mình khá may mắn khi sinh ra ở thời điểm mà những phong trào thúc đẩy bình đẳng giới diễn ra mạnh mẽ và em có điều kiện để tiếp xúc và nhận thức đúng đắn về vấn đề bình đẳng giới. Đó là động lực để em và các bạn trẻ khác chung tay lan tỏa những thông điệp về bình đẳng giới cũng như cùng nhau tìm ra giải pháp để nâng cao nhận thức cho những người xung quanh, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên.”

Tăng cường sự tham gia của thanh niên trong việc thay đổi các định kiến giới, hướng tới bình đẳng giữa nam và nữ trong tất cả lĩnh vực là một mục tiêu quan trọng trong thúc đẩy bình đẳng giới. Việc đông đảo sinh viên ngày nay chủ động lên tiếng, hành động nhằm đẩy lùi định kiến là một tín hiệu cho thấy nhận thức chung về bình đẳng giới đã có sự chuyển biến tích cực. Đó là nền tảng để thúc đẩy sự tôn trọng, thấu hiểu, từ đó tạo mọi điều kiện để mọi cá nhân cùng phát triển mà không bị giới hạn bởi giới tính của mình.