Tháng Chín 13, 2023

SỰ KIỆN NETWORKING 3 BÊN: THANH NIÊN – NHÀ BÁO – MARKETER “TRUYỀN THÔNG – NÓI KHÔNG ĐỊNH KIẾN GIỚI” TẠI TP.HCM NGÀY 10/09/2023

Ngày 10/09/2023, Diễn đàn kết nối ba bên (Thanh niên/sinh viên – Marketer – Nhà báo) là một chuỗi hoạt động thuộc hợp phần truyền thông trong khuôn khổ Dự án “Thanh niên tham gia giải quyết định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới” do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ thông qua Oxfam Vietnam, và Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED Communication) thực hiện đã diễn ra. Diễn đàn với chủ đề “Truyền thông - Nói không định kiến giới” đã thu hút sự quan tâm tham dự của các nhà báo, marketer và sinh viên đến từ các trường đại học tại TP.HCM

Diễn đàn kết nối 3 bên với tọa đàm "Định kiến giới về vai trò lãnh đạo của phụ nữ tồn tại trong marketing, báo chí và trường học” có sự tham gia của 3 diễn giả, khách mời: TS Lê Văn Sơn (Chuyên gia Giới), anh Ân Đặng (chuyên gia Marketing), TS Nguyễn Nữ Nguyệt Anh (Trưởng khoa Xã hội học, Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) và đại diện cho nhóm thanh niên tham gia chia sẻ có nhóm sinh viên Female Leader Empowerment (FLE) thuộc Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM.

Đến với diễn đàn chị Vũ Ngọc Mai (Trưởng đại diện văn phòng miền Nam tại RED Communication) có phần giới thiệu về dự án “Thanh niên & Bình đẳng giới” với những hoạt động nổi bật thuộc các hợp phần dự án. Thông qua chia sẻ của chị Mai, người tham dự diễn đàn biết thêm nhiều thông tin hữu ích từ dự án và có thể tham gia thêm nhiều hoạt động khác từ các hợp phần dự án khác nhau ở nhiều khu vực khác nhau tại Việt Nam.

Mở đầu sự kiện có phần trình bày của nhóm sinh viên nòng cốt - Nhóm FLE về chủ đề: “Truyền thông/báo chí/marketing bàn luận như thế nào về vị trí lãnh đạo của nữ giới?”. Phần trình bày đã nêu ra những biểu hiện chung về định kiến khi nữ giới lãnh đạo và những dẫn chứng từ đa dạng các nguồn thông tin như báo chí, mạng xã hội mà các bạn thu thập được. Qua đó, các bạn cũng đưa ra hai vấn đề mong muốn được tham vấn tại diễn đàn.

Đến phần tọa đàm trao đổi 3 bên Thanh niên/sinh viên – Marketer – Nhà báo cũng đã đưa ra những góc nhìn của mình về biểu hiện nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề bình đẳng giới hiện nay.

Bạn Thùy Dương, đại diện cho nhóm sinh viên chia sẻ: “Với cách tiếp cận góc nhìn của sinh viên, lý do một số định kiến về giới, về nữ lãnh đạo vẫn còn tồn tại là do các bạn đang phải tiếp xúc và bị ảnh hưởng bởi quá nhiều sản phẩm truyền thông với chất lượng thông tin chưa kiểm chứng. Em nghĩ giải pháp nằm ở việc tụi em liên tục cập nhật thêm thông tin và tiếp nhận thông tin một cách chọn lọc, cần tham gia nhiều workshop, tọa đàm liên quan đến những vấn đề về giới… Ngoài ra, là một gen Z, em nghĩ nếu có thể tận dụng được Tiktok, tận dụng những trào lưu mới thì mình có thể phổ biến đến nhiều bạn trẻ hơn.”

Về phía nhà báo, chị Hoàng Mai sinh viên ngành Báo chí & Truyền thông Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM, phóng viên Báo hoa học trò, chia sẻ: “Với vai trò là một người làm báo và là sinh viên báo chí, em nhận thấy hiện tại Khoa báo chí của trường đã được tổ chức các buổi giảng dạy về việc làm thế nào để có sự nhạy cảm giới khi viết báo. Bản thân người làm báo phải đại diện cho tiếng nói của công chúng khi họ viết bài. Vì vậy, khi tác nghiệp đặc biệt là những sự kiện nóng, người làm báo phải có nhận thức về định kiến giới đồng thời phải chịu được áp lực về thời gian lên bài cho những sự kiện na. Với vai trò là một gen Z, em thấy hiện tại đã có những sự cải thiện đáng kể về mặt giáo dục và sự cố gắng của các bạn trẻ trong việc kế thừa và cải thiện những vấn đề đó.”

Từ phía marketer, anh Ân Đặng (chuyên gia Marketing) nhấn mạnh rằng: “Bản thân những người làm marketing hầu hết là những người có sự nhạy cảm giới, họ biết được phải sử dụng hình ảnh như thế nào để nổi bật lên tính năng của một sản phẩm, thậm chí là những hình ảnh có phần phản cảm. Tuy nhiên rào cản lớn nhất với marketer là sự tiếp nhận của công chúng, những người đang ở trong môi trường xã hội tồn tại nhiều định kiến. Khi khách hàng có nhận thức và thách thức lại những định kiến vốn có thì các hoạt động truyền thông sẽ dễ dàng hơn trong việc thực hiện nhạy cảm giới.”

Từ góc độ nghiên cứu, TS Nguyễn Nữ Nguyệt Anh chia sẻ: “Ở Việt Nam, các vị trí quản lý trong bộ máy nhà nước do nữ đảm nhận có tỉ lệ cao so với nhiều nước khác ở châu Á, tuy nhiên càng cấp cao thì vị trí quản lý hầu như là nam. Nguyên nhân quan trọng nhất về vĩ mô từ chính sách, mặc dù về mặt lý thuyết có thể thấy được sự bình đẳng, nhưng trên thực tế chưa thật sự phù hợp với một số đặc điểm sinh lý của nam và nữ. Các vấn đề liên quan đến thai sản ở nữ giới dẫn đến việc họ gặp nhiều trở ngại hơn so với nam giới trong cơ hội tiếp cận và được bầu chọn các vị trí lãnh đạo cấp cao.

Chị Mạnh Phương đến từ Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG-HCM) đại diện cho thanh niên đã đưa ra nhiều quan điểm và góc nhìn cởi mở với các vấn đề được thảo luận tại tọa đàm. “Theo quan điểm của em, để thể hiện hình ảnh của người phụ nữ trong sản phẩm truyền thông thì em sẽ thể hiện hình ảnh của một người phụ nữ có quyền lựa chọn, họ hạnh phúc với sự lựa chọn đó và được mọi người xung quanh tôn trọng. Về câu hỏi “Nếu được chọn người lãnh đạo là nam hay nữ?” thì theo em tìm hiểu là thực sự có một số nghiên cứu cho thấy yếu tố giới có ảnh hưởng khách quan về sinh lý và tâm lý đến khả năng lãnh đạo của một người.” Chia sẻ của chị đã cho số đông người tham dự thấy được câu trả lời khác biệt so với câu trả lời “chọn người có tố chất lãnh đạo thay vì quan tâm đến giới tính của người đó”.

Qua các hoạt động trao đổi tại diễn đàn của các marketers, nhà báo, sinh viên, Chuyên gia Lê Văn Sơn đã tổng hợp 3 biểu hiện chính trong định kiến về giới về vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong truyền thông, quảng cáo và trong môi trường giáo dục: “Truyền thông và quảng cáo ngày nay đang vô tình làm nặng hơn các định kiến, các khuôn mẫu Giới. Đã có sự dịch chuyển về mặt quan điểm, tư duy trong các sản phẩm quảng cáo, truyền thông liên quan đến bình đẳng giới, giảm thiểu các định kiến khuôn mẫu về giới tuy nhiên vẫn chưa đạt được hiệu quả cao. Ở góc nhìn tổng thể, phụ nữ dù giữ vai trò lãnh đạo nhưng vẫn được xã hội kỳ vọng phải chu toàn việc trong gia đình vẫn trong các sản phẩm quảng cáo, truyền thông.”

Bên cạnh đó, qua thảo luận tích cực từ các bên, diễn đàn cũng tổng hợp được 6 nguyên nhân vì sao các định kiến đó tồn tại. Đó là về mặt chính sách, trên thực tế vẫn còn chưa thật sự phù hợp với đặc điểm sinh lý của hai giới. Tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp cao trong bộ máy quản lý còn thấp (đồng nghĩa với việc ý kiến của nữ giới còn bị hạn chế). Bên cạnh đó, các quy định xử phạt các hành vi sử dụng hình ảnh thiếu nhạy cảm giới trong sản phẩm truyền thông còn chưa nghiêm. Về mặt xã hội, những định kiến vẫn đang tồn tại trong thực tế, sự tự định kiến và và định kiến từ bên ngoài của người làm truyền thông trong quá trình làm việc và tạo ra sản phẩm. Ngoài ra nguyên nhân cũng đến từ khả năng tiếp cận đến nguồn lực của phụ nữ trong những lĩnh vực khác nhau. Và các yếu tố liên quan đến tiếng nói và ra quyết định của phụ nữ trong gia đình, xã hội và cộng đồng cũng là nguyên nhân cốt lõi cho vấn đề này

Bên cạnh đó, những case study về Bluestone, Audi và Ariel trong phần chia sẻ của chuyên gia Marketing đã đến đem đến những góc nhìn cụ thể, đa dạng hơn về văn hoá, những chuyển biến tích cực trong định kiến về giới trong các sản phẩm marketing hiện nay. Từ đó, đưa ra những cơ hội để 3 bên liên kết thách thức lại các định kiến giới về vai trò giới thông qua quảng cáo, báo chí và trong nhà trường.

RED Communication gửi lời cảm ơn chân thành đến các khách mời và các Nhà báo - Marketer - Sinh viên đã rất nhiệt tình tham gia thảo luận, đặt câu hỏi và đóng góp ý tưởng, gợi mở những vấn đề sâu sắc về nhận thức giới nói chung và lồng ghép yếu tố giới trong sản phẩm của mình để diễn đàn đạt được mục tiêu đã đề ra. Hy vọng rằng sau buổi tọa đàm, các bên nhà báo - marketers - sinh viên sẽ đúc kết được những kiến thức giá trị cho bản thân, đồng thời áp dụng được những điều tích cực đó vào trong công việc và cuộc sống.

#GenderEquality#YouthandGender#binhdanggioi#dinhkiengioi+23