Tháng Tám 12, 2014

THAM LUẬN CỦA LUẬT SƯ NGUYỄN TIẾN LẬP (VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NHQUANG VÀ CỘNG SỰ)

Đánh giá vai trò của truyền thông trong hoạt động trợ giúp pháp lý – Một góc nhìn qua khảo sát ý kiến người dân

Đặt vấn đề

Hội thảo này đặt một vấn đề rất hay: Vai trò của truyền thông trong hoạt động trợ giúp pháp lý; lại hay nữa khi đặt nó trong một dự án tổng thể do Tổ chức RED thực hiện là “Đưa cải cách tư pháp đến với cộng đồng”. Từ trước tới nay, Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến hoạt động tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật, với mục tiêu đưa pháp luật vào cuộc sống để bảo đảm cho sự tuân thủ của xã hội và người dân với các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Các phương tiện truyền thông, vốn chủ yếu thuộc sở hữu hay quản lý của Nhà nước, được giao các các nhiệm vụ theo quy định của Luật phổ biến và giáo dục pháp luật, đương nhiên đóng một vai trò quan trọng và đắc lực trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, đó là cách tiếp cận từ trên xuống, do đó, trong bối cảnh cuộc sống của hôm nay, nó mới chỉ mới bao quát một nửa của vấn đề.

Khi nói tới hoạt động cộng đồng nói chung và trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người dân nói riêng là chúng ta đi theo cách tiếp cận từ dưới lên. Mặc dù hoạt động TGPL cho đến nay về cơ bản vẫn do Nhà nước đảm nhiệm, từ khâu thiết lập mạng lưới tổ chức, ban hành pháp luật liên quan cho tới tài trợ ngân sách, song đã và đang có nhu cầu khách quan và cấp thiết về cần mở rộng hơn nữa cách tiếp cận, nội dung và cả mục tiêu của hoạt động này.

TGPL cần được hiểu không chỉ là việc cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí cho các đối tượng người dân thuộc nhóm yếu thế trong xã hội hay không có khả năng chi trả, bao gồm phổ biến, giáo dục pháp luật và tư vấn hỗ trợ về pháp lý theo vụ việc do các luật sư, luật gia thực hiện và được Nhà nước hoặc bên thứ ba thanh toán. TGPL, đặc biệt khi gắn với các hoạt động cộng đồng, còn bao hàm cả các hoạt động có tính trợ giúp khác nữa dành cho người dân ở cơ sở, để họ có và được tăng cường về năng lực nhằm sử dụng và khai thác có hiệu quả các cơ chế, công cụ và phương tiện sẵn có cho việc thực thi và bảo vệ các quyền của mình. Truyền thông, trong khía cạnh này, chính là một trong các công cụ và phương tiện đó mà người dân cần và cần biết cách để khai thác, sử dụng.

Nói như vậy, chúng tôi muốn hàm ý rằng, cho tới nay, nói tới truyền thông, dường như chúng ta vẫn thường nhấn mạnh đến các nội dung mà nó truyền tải và tập trung quản lý và kiểm soát ở khía cạnh này; do đó, dường như các khía cạnh có tính phương tiện của nó chưa được quảng bá, đặc biệt khi các phương tiện truyền thông cần được sử dụng rộng rãi và hiệu quả hơn để phục vụ người dân, một mặt để họ tiếp cận thông tin, mặt khác để họ nói lên được tiếng nói, quan điểm, nhu cầu và các vấn đề của mình.

Nhận định và cách tiếp cận như vậy của chúng tôi đã được minh chứng qua kết quả hai cuộc khảo sát xã hội học có tên “Tiếp cận công lý tại Việt Nam từ góc nhìn của người dân” do UNDP tài trợ, được thực hiện lần đầu vào năm 2003 và sau đó được cập nhật để so sánh vào năm 2010. Các báo cáo về kết quả khảo sát đã được công bố rộng rãi và được các cơ quan chức năng của Chính phủ sử dụng.

Đánh giá của người dân qua khảo sát xã hội học

Mục tiêu của cuộc khảo sát về tiếp cận công lý nói trên của chúng tôi là nhằm thu thập và đánh giá ý kiến của các tầng lớp dân cư khác nhau, qua phỏng vấn trực tiếp 1000 người ở 6 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng miền của cả nước, về ba vấn đề chính như sau:

-       Cách thức, khả năng và điều kiện của người dân tiếp cận thông tin pháp luật, cơ quan pháp luật và các thiết chế hỗ trợ để thực thi và bảo vệ quyền;

-       Các khía cạnh văn hoá và tâm lý xã hội ảnh hưởng tới tiếp cận công lí; và

-       Đánh giá của người dân về các cải cách pháp luật đang diễn ra.

Trong nội dung khảo sát, phần liên quan đến các thiết chế hỗ trợ người dân tiếp cận công lý, chúng tôi đã đề cập đến vai trò và tác dụng của truyền thông, theo đó, dựa trên kết quả phỏng vấn và phân tích, đi đến kết luận như sau (trong sự so sánh giữa hai thời điểm đánh giá là 2003 và 2010):

“Báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức xã hội dân sự đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong bảo vệ quyền lợi của người dân và đánh giá của người dân về những chế định này ngày càng thay đổi tích cực trong những năm gần đây”.

Cụ thể và trước hết, khi đánh giá về vai trò và tác dụng của báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng trong việc bảo vệ quyền của người dân, nếu như năm 2003 có trung bình 79,3% những người được hỏi phản hồi là “quan trọng” hoặc “rất quan trọng” thì tỷ lệ này tăng lên 91,3% vào năm 2010.

Thứ hai, khi hỏi người dân về khả năng gây ảnh hưởng của phương tiện truyền thông đối với việc giải quyết các khiếu nại của họ nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp khi bị xâm hại, vào năm 2003 có 64% các ý kiến phản hồi xác nhận có ảnh hưởng “tích cực” hoặc “rất tích cực”; năm 2010, những người dân được hỏi đồng ý với nhận định này đã tăng lên 82,9%.

Thứ ba, người dân cũng đồng thời đánh giá về thay đổi về vai trò của báo chí và phương tiện thông tin đại chúng trong việc bảo vệ quyền lợi của người dân trong năm năm qua, theo đó, hầu hết những người được phỏng vấn đều trình bày quan điểm của mình với tỷ lệ 88,6% ý kiến phản hồi cho rằng có “thay đổi tích cực”. Ý kiến cho rằng “không thay đổi” là 6,2%, “thay đổi theo chiều hướng tiêu cực” chỉ là 0,7% và số những người không có ý kiến cũng khá ít là 4,5%.

So sánh với các thiết chế hỗ trợ bảo vệ quyền khác như luật sư, Trung tâm TGPL của nhà nước ở các tỉnh, các tổ chức chính trị-xã hội và các hội xã hội – nghề nghiệp mà người dân đã đánh giá trong các khía cạnh cụ thể nói trên, kết quả khảo sát cho thấy báo chí và phương tiện thông tin đại chúng đạt được mức độ tín nhiệm và mức độ đánh giá tích cực cao nhất từ phía người dân.

Gợi ý và khuyến nghị

Qua kết quả khảo sát xã hội học, đồng thời dựa trên các kinh nghiệm thực tiễn về cung cấp các dịch vụ pháp lý nói chung và trợ giúp pháp lý nói riêng cho người dân, chúng tôi xin đưa ra một số gợi ý và khuyến nghị của mình như sau:

Thứ nhất, về TGPL, cho tới hiện nay hệ thống các cơ quan và tổ chức quản lý cũng như tiến hành các hoạt động này đã được thiết lập khá căn bản và hoàn chỉnh, bao gồm các Trung tâm TGPL nhà nước do Bộ Tư pháp quản lý ở tất cả các tỉnh và thành phố và các Trung tâm TGPL trực thuộc các tổ chức chính trị – xã hội như Hội Luật gia, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Bên cạnh đó, các Đoàn luật sư và Văn phòng luật sư cũng tham gia ở mức độ nhất định các hoạt động này. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ người dân nói chung và người dân ở nông thôn và miền núi nói riêng vẫn chưa biết nhiều về sự tồn tại cũng như hoạt động của các thiết chế này. Chẳng hạn, theo Khảo sát về tiếp cận công lý của chúng tôi, nếu năm 2003 có 39,3% những người dân được hỏi không biết gì về luật sư thì năm 2010 tỷ lệ này vẫn còn 24,7%; trong khi đối với các Trung tâm TGPL, tỷ lệ “không biết” này còn cao hơn nhiều, tương ứng với 65% và 63,1%.

Như vậy, chắc chắn rằng một trong những nhiệm vụ của truyền thông sẽ là phổ biến và hướng dẫn người dân về sự tồn tại cũng như cách thức tiếp cận các dịch vụ trợ giúp này. Trong khía cạnh này, chẳng hạn, Văn phòng luật sư của chúng tôi đã và đang triển khai một hoạt động có liên quan có tính chất thí điểm và bước đầu thành công ở hai xã thuộc huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh. Đó là tổ chức việc nâng cao năng lực cho Hội phụ nữ xã để họ trở thành cầu nối cho việc tăng cường hiểu biết pháp luật và khả năng tiếp cận của các hội viên đối với TGPL và dịch vụ luật sư.

Thứ hai, truyền thông hướng đến mục tiêu TGPL không chỉ là nội dung mà quan trọng hơn là cách thức thể hiện và phương tiện tiếp cận. Khi chúng tôi tổ chức các tọa đàm với người dân ở cở sở trong khuôn khổ Khảo sát về tiếp cận công lý, họ phản ánh rằng khác với các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật hay tuyên truyền chính sách do các cơ quan chính quyền cơ sở hay thậm chí cả các hội và tổ chức đoàn thể thực hiện, vốn rất tẻ nhạt, đơn điệu và khó hiểu, một số chương trình phổ biến và giáo dục pháp luật của đài phát thanh và truyền hình sau khi được “văn nghệ hóa” hoặc “đời thường hóa” đã trở nên rất dễ hiểu, dễ nhớ và hấp dẫn đối với họ. Với sự trợ giúp của internet, theo chúng tôi tính ưu việt này của truyền thông lại càng được phát huy, đặc biệt theo hướng tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng đa chiều cho người dân.

Thứ ba và cuối cùng, dịch vụ pháp lý nói chung và TGPL nói riêng là các hoạt động có tính chuyên nghiệp cao, do đó, để bảo đảm hiệu quả thực tế, chúng tôi cho rằng cần có sự phối hợp và cộng tác giữa giới truyền thông và các tổ chức chuyên nghiệp như văn phòng luật sư và Trung tâm TGPL. Truyền tải các nội dung pháp lý đến người dân cũng như hướng dẫn cho họ các cách thức và phương tiện phù hợp nhất để bảo vệ quyền là một công việc phức tạp, trong khi truyền thông đại chúng lại bị đòi hỏi khắt khe về tính chuẩn xác của thông tin cũng như bị quản lý chặt chẽ về sự tuân thủ pháp luật; chưa nói đến tính đa dạng và đa chiều của truyền thông trong bối cảnh dân chủ và thị trường. Theo đó, các hệ quả và hậu quả không mong muốn từ hoạt động truyền thông chuyên ngành về TGPL (như bị vô hiệu hóa hay phản tác dụng) có thể xảy ra trong trường hợp chất lượng về nội dung của các chương trình không được kiểm soát. Do đó, một cơ chế hợp tác có tính liên ngành như trên, theo chúng tôi, phải chăng sẽ là một giải pháp thích hợp./.