Tháng Chín 30, 2021

Toạ đàm chuyên đề: Nền kinh tế tuần hoàn tài nguyên rác

Chiều ngày 17/03 vừa qua, tại TP HCM, với sự hỗ trợ của Trung tâm Báo chí TPHCM, RED đã phối hợp với CFI tổ chức buổi tọa đàm khoa học thứ 4 với chuyên đề: NỀN KINH TẾ TUẦN HOÀN TÀI NGUYÊN RÁC: QUẢN LÝ RÁC THẢI VÀ CÁC GIẢI PHÁP TRUYỀN THÔNG.
Sự kiện có sự tham gia của đại diện ĐSQ Pháp tại Việt Nam, chuyên gia môi trường đến từ Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, các nhà báo trong lĩnh vực môi trường, sức khỏe, khoa học từ các báo điện tử, phát thanh, truyền hình, báo in tại TPHCM và Hà Nội
Mở đầu buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TPHCM đã bày tỏ sự phấn khởi khi hỗ trợ tổ chức các chương trình nâng cao năng lực cho nhà báo và phóng viên, đồng thời đánh giá cao vai trò của các buổi tọa đàm kết nối nhà báo và nhà khoa học mà RED cùng CFI đang kết hợp thực hiện.
Trong phần trình bày chuyên đề, bà Nguyễn Ngọc Lý, người sáng lập và Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng đã mời các phóng viên tham gia một “chuyến du lịch tại chỗ” đến Hàn Quốc, chia sẻ câu chuyện về thời kỳ khủng hoảng rác thải do phát triển nhanh và chính phủ Hàn Quốc đã phải đối mặt với áp lực tài chính trong việc giải quyết rác thải để từ đó những giải pháp kinh tế tuần hoàn đã được ra đời. Các giải pháp chủ chốt bao gồm việc ban hành Luật thúc đẩy tái chế & tiết kiệm tài nguyên; thành lập K-Eco & KORA nhằm thúc đẩy tuần hoàn tài nguyên & thực thi nhiệm vụ tái chế; thực hành nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” (chủ yếu là doanh nghiệp); thành lập công ty tái chế do Nhà nước giám sát, đảm bảo tính minh bạch trong xử lý và tài chính; Nhà nước dừng việc thu phí xử lý rác thải trực tiếp từ người dân mà chuyển đổi thành việc sản xuất và bán với giá cao túi phân loại rác bắt buộc để đảm bảo sự công bằng trong trách nhiệm đối với rác thải của từng cá nhân; sáng tạo máy xử lý rác hữu cơ tạo thành ra năng lượng; các sản phẩm tái chế mang đi xuất khẩu, mang về lợi nhuận và giải quyết việc làm cho người dân trong nước; thực hiện truyền thông liên tục để tác động vào người dân, mang lại hiệu quả tối ưu… Thông qua bài học từ Hàn Quốc, bà Lý muốn nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ và các giải pháp truyền thông thay đổi hành vi trong việc quản lý tài nguyên rác thải.
Tại phiên thảo luận, nhiều phóng viên đã đặt các câu hỏi về việc Việt Nam sẽ phải tiến hành thực hiện chuyển đổi như thế nào để đạt được thành công, tính khả thi của Bộ luật Bảo vệ Môi trường 2020, những bế tắc hiện tại của Việt Nam trong việc quản lý rác thải là gì…
Cuối cùng, ông Frederic Alloid - đại diện ĐSQ Pháp, Tùy viên báo chí và nghe nhìn các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan chia sẻ kết thúc buổi tọa đàm với những chia sẻ về cam kết mục tiêu Phát triển bền vững của Cộng hòa Pháp, vai trò của truyền thông trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và mong muốn sự kết nối của các nhà báo và nhà khoa học sẽ ngày một mạnh mẽ hơn.