Tháng Sáu 21, 2011

TRAO TẶNG DANH HIỆU TRÁCH NHIỆM CHO NHÀ BÁO NGÔ MAI PHONG VÀ NHÀ BÁO BÙI THANH (20/6/2011)

Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED Communication) vừa tiến hành trao danh hiệu “Trách nhiệm” cho hai nhà báo vì những đóng góp to lớn của họ vào lợi ích chung của cộng đồng. Đó là nhà báo Ngô Mai Phong (Lao Động) và nhà báo Bùi Thanh (Tuổi Trẻ). Lễ trao danh hiệu được tổ chức tại Hà Nội sáng 20-6-2011, nhân dịp kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925).
Nhà báo Ngô Mai Phong (sinh năm 1953) là người đã hàng chục năm đeo đuổi các đề tài xã hội nóng bỏng tại đất mỏ Quảng Ninh, trong đó, bảo vệ tài nguyên – môi trường, chống nạn than thổ phỉ – luôn là những vấn đề nhức nhối của xã hội mà ông canh cánh trong lòng. Với loạt bài “Cuộc chiến chống than lậu ở Quảng Ninh”, ông từng được giải A Báo chí Quốc gia lần thứ ba (năm 2008). Đầu năm 2010, nhà báo Ngô Mai Phong là người đầu tiên phản ánh về vụ cướp than ở Mạo Khê, một vụ việc trong đó hàng nghìn tấn than của Nhà nước bị “rút ruột” công khai suốt những ngày Tết. Loạt bài của ông cùng các đồng nghiệp ở báo Lao Động phản ánh về “một vụ cướp than được tổ chức cực kỳ chặt chẽ, bài bản theo quy mô chiến dịch”, đã vạch trần tình trạng “mỏ bất lực, chính quyền tê liệt”, để nạn than thổ phỉ hoành hành như chỗ không người. Bất chấp mọi sự đe dọa, ông không lùi bước, quyết đưa những kẻ tham gia và tiếp tay cho nạn tàn phá tài nguyên – môi trường ra trước pháp luật, với một quan niệm rõ ràng: “Đất nước có loạn thì phải dẹp loạn, có giặc thì phải chống giặc. Cướp phá tài nguyên – môi trường cũng là một thứ giặc”. Loạt bài đoạt giải A Báo chí Quốc gia lần thứ năm (năm 2010). Nhà báo Bùi Thanh (sinh năm 1962) cũng làm báo nhiều năm với quan niệm sống “không chấp nhận sự vô cảm”. Nguyên phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, ông từng cùng đồng nghiệp tổ chức nhiều loạt bài nổi tiếng, ghi dấu ấn của Tuổi Trẻ trong lòng bạn đọc và trong lịch sử báo chí Việt Nam hiện đại: loạt bài “Cơm tù” (giải báo chí Quốc gia 2003), “DK1 – 20 năm giữ thềm lục địa” (giải B Báo chí Quốc gia lần thứ tư, năm 2009). Năm 2011 này, sau những sự biến nóng bỏng liên quan tới chủ quyền của đất nước trên Biển Đông, báo Tuổi Trẻ một lần nữa chứng tỏ là tờ báo đi đầu trong các hoạt động nhằm khơi dậy lòng yêu nước của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, với chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Được phát động từ ngày 3-6, đến nay, chương trình đã thu được hàng tỉ đồng tài trợ từ bạn đọc trong và ngoài nước, góp phần hỗ trợ cho việc gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Người chủ trì thực hiện chương trình, duy trì cách thức độc đáo nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia trên Biển Đông này, chính là nhà báo Bùi Thanh. Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED Communication) là tổ chức khoa học, chuyên nghiên cứu, đào tạo về các lĩnh vực truyền thông và phát triển. Danh hiệu “Trách nhiệm” của RED Communication dành cho những cá nhân có sáng kiến, hành động thiết thực vì cộng đồng. Đây là lần thứ hai RED Communication trao tặng danh hiệu “Trách nhiệm”. Lần thứ nhất, vào ngày 26-4, danh hiệu được trao cho kỹ sư Lê Văn Tạch và nhà báo Nguyễn Thái Sơn, là hai người có đóng góp lớn nhất trong việc đưa vụ xe Toyota có lỗi ra ánh sáng, từ đó bảo vệ quyền lợi của hàng triệu người trong lĩnh vực an toàn giao thông ở Việt Nam.