Tháng Tám 20, 2014

THAM LUẬN CỦA LUẬT SƯ NGUYỄN BÍCH ĐIỆP (CHUYÊN GIA THAM VẤN XÂY DỰNG LUẬT)

BẢO VỆ NHÀ BÁO HOẠT ĐỘNG NGHIỆP VỤ NHÌN TỪ GÓC ĐỘ PHÁP LUẬT BÁO CHÍ QUỐC TẾ VÀ QUỐC GIA Phát biểu trong ngày Tự do Báo chí thế giới 2008, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Tuyến bố Thế giới về Quyền con người, Tổng thư ký Liên hiệp quốc đã nói: “Báo chí tự do, an toàn và độc lập là một trong những nền tảng của hòa bình và dân chủ. Tấn công vào tự do báo chí là tấn công vào pháp luật quốc tế, chống lại nhân loại và chống lại tự do, cũng là chống lại những giá trị mà Liên hiệp quốc đại diện. Vì vậy tôi đặc biệt cảnh báo về  các vụ hành hung nhà báo ngày càng gia tăng trên thế giới, và thấy thất vọng khi nhiều trong số các vụ việc đó không được điều tra và đưa ra xét xử. Tôi kêu gọi các quốc gia không bỏ qua các nỗ lực đưa ra công lý những kẻ tấn công nhà báo. Tôi bày tỏ lòng tôn kính với những người đang làm việc trong các điều kiện khó khăn và nguy hiểm để đem lại cho chúng ta những thông tin tự do và công bằng. Và tôi kêu gọi mỗi chúng ta cần đóng góp cho tự do và an toàn của báo chí ở khắp mọi nơi” (Ban Ki-Moon, 2008) Thông điệp của Tổng thư ký Liên hiệp quốc một lần nữa khẳng định việc bảo vệ những người làm nghề báo không chỉ là bảo vệ các nhà báo mà là bảo vệ quyền tự do báo chí, thể hiện ý kiến và được thông tin kịp thời – một trong những quyền cơ bản của con người, được pháp luật quốc tế và quốc gia coi trọng và bảo vệ đặc biệt. Tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng không chỉ ở trong vùng có chiến sự mà trong cả thời bình ở nhiều quốc gia cho thấy nghề báo là một trong những nghề “rủi ro cao”. Theo thống kê của Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo Thế giới (CPJ), hơn 90% các vụ tấn công là nhằm vào nhà báo đưa tin về các vụ việc nhạy cảm như tham nhũng, buôn lậu, vi phạm pháp luật, xâm hại quyền lợi của quốc gia, công chúng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia mình. Các nhà báo thường phải lao vào những “khu vực nguy hiểm” để đảm bảo quyền được thông tin kịp thời của người dân, do vậy các hành vi bạo lực đối với nhà báo đang thực hiện nhiệm vụ là không thể chấp nhận về cả mặt đạo đức và pháp lý trong bất cứ tình huống nào. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả xin điểm lại một số nét về các góc độ pháp lý quốc tế và quốc gia trong việc đảm bảo an toàn nghề nghiệp các nhà báo, nghề báo. Pháp luật quốc tế và quốc gia bảo vệ quyền tự do thân thể và an ninh thân thể của mỗi cá nhân trong xã hội Quyền tự do thân thể và an ninh thân thể được viết rõ ràng trong Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người, 1948 (điều 3); Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, 1966 (điều 9.1) và được khẳng định tại nhiều công ước quốc tế khác. Tại mỗi quốc gia,  các quyền này luôn được đảm bảo bởi đạo luật cao nhất là Hiến pháp và các quy định của luật hình sự, hoặc các án lệ ở các quốc gia theo hệ thống luật Anh-Mỹ. Các nhà báo và những người làm truyền thông, trước hết là những con người tự nhiên được pháp luật bảo vệ, vì vậy bất cứ hành vi đe doạ, uy hiếp tính mạng, tấn công thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các nhà báo là vi phạm những quy định về quyền con người này. Pháp luật quốc tế bảo vệ quyền tự do thông tin và nhà báo khi tác nghiệp Các quy định pháp luật quốc tế nhằm bảo vệ nhà báo, nghề báo được hình thành từ lâu qua các thông lệ và được ghi nhận trong Hiệp ước Hague, 1899 và công ước Geneva, 1929 đối xử với tù binh chiến tranh trong đó có nhà báo. Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người, điều 19 viết – Tất cả mọi người đều có quyền có ý kiến và bày tỏ ý kiến gồm các quyền tự do có ý kiến mà không bị can thiệp, tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin và ý tưởng qua bất cứ phương tiện thông tin và qua bất kỳ biên giới quốc gia nào. Bản Tuyên ngôn là nguồn cơ bản và cơ sở tư tưởng để xây dựng nên các văn kiện, tổ chức và thủ tục giám sát quốc tế về quyền con người trên quy mô thế giới, ở các khu vực và hiến pháp, luật pháp của các quốc gia. Trên tinh thần của Tuyên ngôn, khoảng hơn 80 công ước, tuyên bố quốc tế về quyền con người đã được soạn thảo và ban hành, trong đó có Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị (điều 19) được hơn 140 quốc gia trên thế giới ký kếtVà khi một công ước có hiệu lực thì tất cả các quốc gia tham gia ký kết và các cá thể trong mỗi quốc gia đó đều phải tuân thủ. Các quyền được ghi nhận trong điều 19 này chỉ bị hạn chế vì mục đích tôn trọng những quyền tự do và thanh danh của người khác hoặc nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, sức khỏe cộng đồng và đạo lý xã hội. Trên phương diện lý thuyết, pháp luật quốc tế đưa ra một hành lang pháp lý đầy đủ nhằm bảo vệ nhà báo, nghề báo. Tuy nhiên tình hình bạo lực gia tăng trên thực tế đòi hỏi những sửa đổi và các cam kết cao hơn về mặt chính trị từ các quốc gia để khung pháp lý này hữu hiệu hơn. Hội nghị báo chí do UNESCO, cơ quan phụ trách mảng báo chí của Liên hiệp quốc, tổ chức hàng năm khẳng định: thất bại trong việc ngăn chặn các vụ tấn công nhà báo có nghĩa là các chính phủ và quan chức của quốc gia đang tước khỏi người dân quyền cơ bản – được tiếp nhận thông tin. Còn những kẻ tấn công hay chủ mưu thì tồn tại và tin rằng sẽ không thể bị bắt. Theo thông số của Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ), công lý chỉ được thực thi cho khoảng 6,7% các vụ nhà báo bị giết hại khi đang làm nhiệm vụ trong giai đoạn 1/1/1992 đến 18/6/2007. Vì lẽ đó, Hội nghị toàn phiên UNESCO phê chuẩn Nghị quyết 29, 1997 lên án các hoạt động bạo lực chống lại nhà báo và kêu gọi các nước thành viên “sửa đổi khung pháp lý để có thể truy tố và kết án những kẻ chủ mưu bạo lực những người thực hành quyền tự do ngôn luận”. Trong những nỗ lực cụ thể hơn, UNESCO đã ra Quyết định, 2008 yêu cầu các quốc thành viên có những nhà báo bị tấn công, giết hại trong năm 2006-2007 (đi kèm là danh sách chi tiết từng vụ việc) chấm dứt tình trạng “không trừng phạt” và tiến hành điều tra, truy tố những kẻ chịu trách nhiệm. Quyết định này còn khuyến khích việc thông báo tự nguyện tới UNESCO về các phán quyết của tòa án và đề xuất Hội đồng liên quốc gia tìm kiếm các giải pháp, dự án ưu tiên trong việc hỗ trợ các nỗ lực bảo vệ nhà báo. Pháp luật quốc gia bảo vệ quyền tự do thông tin & nhà báo khi tác nghiệp Cùng với nghĩa vụ khi tham gia ký kết các công ước quốc tế, mỗi quốc gia, dù theo hệ thống luật lục địa hay luật án lệ đều có các quy định về hành nghề báo chí, hoặc dưới dạng đạo luật của quốc gia hoặc các quy chế hoạt động do tổ chức nghề nghiệp đưa ra. Những quy định này luôn phản ánh các giá trị văn hóa, xã hội và chính trị của quốc gia đó. Hầu hết các quốc gia thể chế hoá quyền tự do thông tin và đưa thông tin trong những văn bản mang tính chất pháp lý cao nhất (hiến pháp) và văn bản luật thành văn (luật báo chí), trong đó có Việt Nam. Một số quốc gia đưa các chế định về bảo vệ nhà báo, nghề báo vào trong Bộ luật hình sự. Luật báo chí của Việt Nam (đang được sửa đổi) cũng khẳng định quyền của nhà báo được thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân, đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật, các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Tăng cường khung pháp lý quốc gia bảo vệ quyền tự do thông tin và nhà báo khi tác nghiệp – 1 số mô hình Mexico – sửa đổi các quy định của Bộ luật hình sự liên bang Mexico là một trong những quốc gia bị chỉ trích nhiều nhất về tình trạng tấn công các nhà báo. Đáp lại những yêu cầu của pháp luật quốc tế trong việc bảo vệ nhà báo và truy tố tội phạm, năm 2006 Mexico thành lập Văn phòng công tố đặc biệt về các tội danh chống lại nhà báo (FEADP) nhằm hoạt động hiệu quả hơn trong lĩnh vực này. Tháng 4 năm 2009, Chính phủ Mexico đưa ra các cải cách pháp lý nhằm xoá bỏ tình trạng “không xét xử” các hành vi chống lại nhà báo, đang đợi Nghị viện thông qua, gồm việc sửa đổi Bộ luật hình sự liên bang, bổ sung “tội xâm phạm quyền tự do thông tin được thực hiện thông qua hoạt động báo chí” trong đó quy định rõ các hành vi phạm tội và những chủ thể được bảo vệ. Thực tế ghi nhận số vụ tấn công không bị xét xử đã giảm hẳn. Đây là một động thái tích cực được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Và trong những năm gần đây, Mexico đã được đưa ra khỏi danh sách những quốc gia bị chú ý (của Uỷ ban bảo vệ nhà báo thế giới) về các vụ tấn công nhà báo không được xét xử. Amenia – sửa đổi Bộ luật hình sự, tăng nặng hình phạt Trong báo cáo thống kê về các vụ vi phạm quyền của nhà báo và khối truyền thông năm 2009, Amenia ghi nhận hàng chục vụ bạo lực xảy ra với nhà báo. Cũng trong năm 2009, Quốc hội Amenia đã phê chuẩn bổ sung điều 164 trong Bộ luật Hình sự của Amenia về “tội cản trở các hoạt động nghiệp vụ hợp pháp của nhà báo”. Tuy nhiên, các nhà làm luật vẫn cho rằng cần phải tăng cường hơn nữa hành lang pháp lý này. Hiện nay, Quốc hội Amenia đang thảo luận những điều khoản nghiêm khắc hơn nữa, đề xuất tăng nặng hình phạt đối với các hành vi tấn công hoặc đe doạ xâm phạm cuộc sống, sức khoẻ của nhà báo và các thành viên trong gia đình nhà báo với mức phạt gấp 250-450 lần lương cơ bản, hoặc lao động cải tạo 2 năm, hoặc phạt tù tới 5 năm. Trong những nỗ lực khuyến nghị sửa đổi, bổ sung khung pháp lý cho hoạt động báo chí của các nước, những tổ chức, cá nhân hoạt động vì quyền lợi của nhà báo nhấn mạnh việc dỡ bỏ các quy định về nghĩa vụ thông báo nguồn tin, trách nhiệm hình sự đối với những lỗi không cố ý của nhà báo, cân bằng các điều luật có thể hạn chế và gây nguy hiểm cho hoạt động thông tin của nhà báo như bí mật thông tin, chống phỉ báng, chống khủng bố, xúi giục gây bạo loạn… Các khuyến nghị cũng bao gồm việc bổ sung các quy định và cơ chế cụ thể đảm bảo an toàn tinh thần và thân thể của nhà báo trong luật báo chí và luật hình sự, và khuyến khích thành lập cơ quan, tổ chức trong và ngoài chính phủ hoạt động vì quyền lợi của nhà báo. Các thiết chế và giải pháp khác bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp Song song với khung pháp lý quốc tế và quốc gia, đã và đang có nhiều sáng kiến và giải pháp khác hướng tới việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo và những người làm truyền thông. Các tổ chức và hiệp hội nghề nghiệp quốc tế của các nhà báo như Viện An toàn Báo chí Quốc tế (INSI), Uỷ ban Bảo vệ nhà báo thế giới (CPJ), Liên đoàn Báo chí Quốc tế (IFJ), tổ chức Phóng viên phi biên giới (RWB), hay mạng lưới Nhà báo @ Rủi ro, cũng như các cơ quan bảo vệ nhà báo, câu lạc bộ nhà báo, quỹ bảo vệ nhà báo tại các quốc gia được thành lập. Những tổ chức này hoạt động tích cực trong các lĩnh vực tăng cường nhận thức, phân tích các vấn đề pháp lý liên quan, báo cáo công khai về số vụ việc, hỗ trợ trực tiếp các nhà báo, nạn nhân và gia đình nạn nhân, và đặc biệt là thúc đẩy cải cách chính sách tại các quốc gia. Các nguồn viện trợ cũng ưu tiên các chương trình, dự án hướng tới tăng cường năng lực cho khối truyền thông, xây dựng và phổ biến các sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ hoặc sổ tay an toàn nghề nghiệp, thúc đẩy sự phối hợp với các cơ quan an ninh, công tố, và thiết lập các đường dây nóng nhằm đảm bảo tối đa sự an toàn của nhà báo khi tác nghiệp./.